Nhìn lệch

- Quảng Cáo -

Đỗ Ngà

Ngày 18 Tháng Tám trên tờ Thời Báo Kinh Tế Sài Gòn có đăng bài viết của ông Đặng Hùng Võ có tên “Nghị quyết 18 của Đảng và Luật Đất đai sửa đổi”. Bài viết nói về việc sửa đổi luật đất đai để phục vụ mục đích thoát bẫy thu nhập trung bình. Ông Võ cho biết, Nghị quyết đặt yêu cầu đất đai phải tạo được động lực cho quá trình “vượt bẫy”.

Ông Đặng Hùng Võ cho rằng, để vượt bẫy cần động lực đầu tư cao, hãy lấy từ nguồn nhân lực chất lượng cao gắn với công nghệ cao. Cần vốn đầu tư nhiều, “hãy lấy từ giá trị đất đai tăng thêm do chính quá trình đầu tư mang lại”. Nhiều nền kinh tế công nghiệp mới như Hàn Quốc, Singapore, Đài Loan… đã làm được theo công thức này.

Nói đơn giản là cần chất xám mạnh, công nghệ cao và vốn lớn. Về phần vốn đầu tư thì ông Võ lại cho rằng “lấy giá trị đất đai tăng thêm” thì có vẻ nghe không ổn lắm. Vốn đầu tư lấy từ giá đất tăng lên liệu có thỏa đáng không khi mà một doanh nghiệp phải mất quá nhiều tiền cho đất đai? Ai cũng thế, nếu tiền thuê nhà xưởng hoặc tiền mua đất xây nhà xưởng quá cao thì chính đất đai đã gặm vào phần vốn dành cho sản xuất chứ nó hỗ trợ gì cho ngành sản xuất?

- Quảng Cáo -

Thực ra vấn đề hoàn thiện hạ tầng cơ sở như đường xá, nhà xưởng, cảng biển vv.. cho thật tốt là cực kỳ quan trọng. Hầu hết các quốc gia đang tiến gần hơn với giới hạn của bẫy thu nhập trung bình như Thái Lan, hay thậm chí còn xa ngưỡng vượt bẫy như Campuchia đều miễn phí BOT đường quốc lộ. Họ chỉ thu phí BOT ở đường cao tốc, trong khi đó tại Việt Nam, cứ trung bình mỗi 50km quốc lộ thì có một trạm BOT chặn đường móc túi. Điều đó gây nên tình trạng “vận chuyển container từ Nam ra Bắc tốn tiền hơn vận chuyển qua Mỹ”. Hạ tầng ở Việt Nam vừa kém chất lượng vừa đắt đỏ nên nền sản xuất hàng hóa Việt Nam không có tính cạnh tranh.

Nguồn chất xám tốt và công nghệ cao thì cho ra sản phẩm có chất lượng, hạ tầng tốt mà rẻ thì làm cho sản phẩm chất lượng đến tay người tiêu dùng ấy có giá cạnh tranh. Đã tốt mà giá còn cạnh tranh thì ai cản được Việt Nam vượt bẫy? Bài học Nhật, Hàn Đài bước quan bẫy cũng từ những giá trị cốt lõi như thế chứ không phải dựa vào bất động sản. Những nước trên không hề đẩy giá bất động sản để dùng tiền từ bất động sản đầu tư cho sản xuất. Bất động sản bị đẩy giá cao chỉ có thể là chiếm dụng vốn xã hội làm các ngành khác thêm đói vốn mà thôi chứ làm gì giúp được ngành khác?

Hiện nay Trung Quốc đang chuẩn bị để vượt bẫy. Họ đã chuẩn bị nguồn chất xám rất tốt, họ đang phát triển công nghệ chip là loại công nghệ đầu não của các ngành công nghệ khác. Về hạ tầng giao thông của họ vừa tốt vừa rẻ. Họ đang chuẩn bị vượt bẫy nhưng đang đối mặt với hai cản lực lớn:

Thứ nhất, họ đang bị Mỹ ngăn cản đà phát triển công nghệ chip;

Thứ nhì, họ đang có một thị trường bất động sản khá giống Việt Nam.

Nói chung, Trung quốc làm gì cũng tốt nhưng vấn đề bất động sản chưa tốt và nó đang là “trái bom nổ chậm” có thể quật ngã nền kinh tế Trung Quốc bất cứ lúc nào.

So với Trung Quốc, Việt Nam không hề chuẩn bị được như họ.

Về chất xám, Việt Nam đang thiếu trầm trọng;

Về hạ tầng tốt và rẻ, Việt Nam không hề có;

Về công nghệ, Việt Nam cũng không hề có.

Còn về bất động sản thì phải nói đang là mớ hỗn độn làm cho doanh nghiệp mất quá nhiều tiền đầu tư vào nó. Ấy vậy mà ông Đặng Hùng Võ lại muốn lấy vốn từ bất động sản đầu tư vào công nghệ để vượt bẫy.

Nhìn nhận đúng vấn đề cũng chưa chắc gì thành công, vì nhìn nhận đúng vấn đề chỉ giúp nhà hoạch định đưa ra chính sách đúng. Còn thành công hay không nó phụ thuộc vào tính hiệu quả của việc thực thi chính sách ấy nữa. Nếu nhìn nhận sai vấn đề thì có thể nói thất bại được báo trước ngay thừ khi bắt đầu. Năm 2006, Đảng Cộng Sản dựa vào tính “kiêu ngạo cộng sản” đã đề ra mục tiều là “Năm 2020 Việt Nam cơ bản trở thành nước Công nghiệp phát triển”, và cuối cùng thì họ đã thừa nhận mục tiêu thất bại.

Không biết, ý của ông Đặng Hùng Võ có phải là ý của Đảng Cộng Sản không? Nếu thế thì “tầm nhìn đến năm 2045” của Đảng Cộng Sản đã sai ngay từ khi bắt đầu. Muốn đi đến thành công, phải bỏ tính kiêu ngạo và lắng nghe. Với Đảng Cộng Sản thì ai cũng biết, tính kiêu ngạo cộng sản vẫn sừng sững và việc lắng nghe đối với họ như là một món xa xỉ. Khó thành công./.

-Đỗ Ngà-

Tham khảo:

https://thesaigontimes.vn/nghi-quyet-18-cua-dang-va-luat…/

https://plo.vn/nghich-ly-phi-van-chuyen-noi-dia-dat-hon…

https://1thegioi.vn/muc-tieu-tro-thanh-nuoc-cong-nghiep…

https://thanhnien.vn/nam-2045-viet-nam-la-nuoc-cong…

- Quảng Cáo -