Bảy câu hỏi thường thức qua việc “truy tìm” danh tánh 579 người làm ngành Y tại quận Nhất

Tiêm vắc xin ngừa COVID-19 cho trẻ em tại Trường tiểu học Đinh Tiên Hoàng (quận 1, TP.HCM) - Ảnh: D.PHAN
- Quảng Cáo -

Báo Tuổi Trẻ ra ngày 5 tháng Mười năm 2022, phỏng vấn [1] một vị đại diện Sở Y tế TP.HCM về việc tại sao cần phải truy tìm 579 phụ huynh làm trong ngành Y (chỉ riêng quận Nhất) nhưng không cho con của họ chủng ngừa và vị đại diện cho biết đó là “công việc nội bộ” của ngành Y (?!).
Loại thuốc ngừa căn bịnh làm lao đao cả thế giới hơn 2 năm qua, được giới chuyên môn y khoa định nghĩa là “viêm đường hô hấp cấp tính” [2]. Đây cũng là loại thuốc ngừa, được hàng chục triệu người Việt Nam hồ hỡi đón nhận như vị cứu tinh, với những mũi kim đầu tiên vào ngày 8 tháng Ba năm 2021 như Báo Chính Phủ cho biết [3].
Từ ngày đó đến nay – 19 tháng – ngành Y luôn luôn được coi là “tuyến đầu” trong việc chống dịch. Điều này có nghĩa, toàn bộ nhân lực ở ngành Y đều được chủng ngừa đầu tiên và theo đúng thời hạn của các nhà phát minh quy định, từ loại dược phẩm được đưa ra sử dụng rộng rãi trên toàn thế giới, với thời gian nghiên cứu – thử nghiệm – đánh giá hệ quả – hậu quả ngắn nhứt trong lịch sử Y Học thế giới. Cho đến nay, loại thuốc chủng ngừa này vẫn ở tình trạng sử dụng trong trường hợp khẩn cấp – theo quy định của WHO, tức là không mang tính bắt buộc.
Theo đó, 579 người trong ngành Y thuộc quận Nhất, tới nay đã tiêm ít nhứt 4 mũi. Lẽ ra, Sở Y tế TP.HCM nên làm rõ lý do vì đâu, mà họ không đồng ý cho con mình chủng ngừa loại thuốc đó, hơn là đòi hỏi họ phải “nêu gương” theo cách tựa như cưỡng ép.
Hơn một năm rưỡi qua, xã hội Việt Nam vẫn chìm trong không khí lo lắng  và hoang mang, khi nhiều loại bịnh tật vô cùng hiếm đang xuất hiện ngày một nhiều lên, bất chấp Việt Nam là một trong sáu quốc gia [4] được ghi nhận tiêm phòng nhiều nhứt, trên thế giới. Đó là câu hỏi rất đáng lo ngại mà nhà cầm quyền CSVN với hàng ngàn giáo sư – tiến sĩ cần phải suy nghĩ và nghiên cứu nghiêm túc, rồi trả lời cho “rõ ràng – sòng phẳng – mẹ nó – sợ gì” trước gần 100 triệu dân Việt Nam.
Song song câu hỏi đau đớn nói trên, câu hỏi thứ nhì cần đặt ra: Tại sao báo Người Lao Động phát hành ngày 4 tháng Mười năm 2022 cả gan đặt tựa [5] “Nghiên cứu lớn từ Mỹ: TIN BUỒN về vaccine covid – 19 mũi 4”? Với tựa tỏ ra ai điếu như vậy, liệu Tổng biên tập báo Người Lao Động – ông Tô Đình Tuân có đang nói ngược lại khẩu hiệu của đương kim Thủ tướng Phạm Minh Chính – “vaccine tốt nhất là vaccine tiêm sớm nhất”? Dám hỏi ông Tuân đã chích mấy mũi? Ông vẫn đang khỏe mạnh và sẵn sàng nhận loại thuốc ngừa mang tên “Hai Giá Trị” do báo Người Lao Động đưa tin, trong đó cho biết các nhà khoa học Hoa Kỳ phát minh cho loại bịnh, vốn từ ban đầu chỉ là “viêm đường hô hấp cấp tính”?
Khoa học, dù là ngành nào, không thể mù mờ và mập mờ, huống chi ngành Y với tính chất tối quan trọng là chịu trách nhiệm về sức khỏe – an toàn tính mạng dân chúng, cùng loại thuốc gọi là “chủng ngừa” hiện nay, dường như không cho thấy hiệu quả. Cho nên, câu hỏi thứ ba cần đặt ra: Khái niệm “Miễn dịch cộng đồng” đặt trong hoàn cảnh hiện nay sẽ giải quyết ra sao? Người dân phải chủng ngừa bao nhiêu mũi? Và bao nhiêu phần trăm dân số tiêm ngừa thì đạt miễn dịch cộng đồng?
Câu hỏi thứ tư – một câu hỏi thường thức Y Học – không cần phải học cao hiểu rộng để trả lời: Hàng trăm năm qua, khi loài người phát minh ra thuốc gọi là ” CHÍCH NGỪA”, tức là loại dược phẩm đó đưa vào cơ thể, phải NGỪA được loại bịnh nào đó, tại sao UNICEF tuyên bố [6]: “…Tiêm vắc-xin là cách an toàn hơn để bạn phát triển kháng thể để chống lại các biến chứng nặng do COVID-19 gây ra…”? Điều này có nghĩa loại dược phẩm gọi là “ngừa”, lại không hề có hiệu quả đối với các biến chứng gọi là “nhẹ”? Nếu quả vậy, cần phải chỉ định rõ “biến chứng NẶNG” ra sao? “Biến chứng NHẸ” là gì?
Câu hỏi thứ năm: Sở Y tế TP.HCM truy tìm 579 nhân viên ngành Y thuộc quận Nhất có trở thành tiền lệ áp dụng cho toàn bộ nhân lực y tế tại TP.HCM với 21 quận – huyện và TP. Thủ Đức? Mục đích của truy tìm có phải buộc tất cả phụ huynh làm ngành Y đưa con mình đi tiêm phòng covid – 19? Liệu điều này có vi phạm pháp luật trầm trọng?
Câu hỏi thứ sáu: Sở Y tế TP.HCM tự làm công việc truy tìm mà họ cho rằng “công việc nội bộ”, thử hỏi, tất cả các ngành nghề khác đóng tại TP.HCM liệu có buộc phải làm giống như Sở Y tế?
Câu hỏi thứ bảy: Báo Vietnamnet ra ngày 10 tháng Chín năm 2022 cho biết [7], Thứ trưởng Bộ Công An – Nguyễn Duy Ngọc tuyên bố: “Chúng tôi thừa nhận cơ cấu tội phạm hậu Covid-19 đang rất phức tạp ở một số nhóm tội danh như: Mâu thuẫn trong nhân dân dẫn đến giết người thân, giết nhiều người thân, tội phạm tâm thần, ngáo đá, lừa đảo, tệ nạn xã hội, dâm ô…”. Theo Bộ Luật Hình Sự, Bộ Luật Tố Tụng Hình Sự, Luật Giám Định Tư Pháp, khái niệm “tội phạm hậu covid” không hề được định nghĩa. Tại sao Thứ trưởng Bộ Công an Nguyễn Duy Ngọc khẳng định có loại tội phạm lạ lùng và gây hãi hùng trong dân chúng với thực tế hơn 1 năm qua, tại Việt Nam xảy ra nhiều vụ giết người rất man rợ như vậy?
_________________
- Quảng Cáo -