Trung Quốc và Mỹ hầu như không giữ liên lạc, dù khủng hoảng đang lượn lờ

- Quảng Cáo -

The Economist

Trong suốt 4 năm của Donald Trump ở Nhà Trắng, nhiều thử thách đã làm rạn nứt mối quan hệ giữa Mỹ và Trung Quốc. Đã có một cuộc chiến thương mại, được hậu thuẫn bởi các dòng tweet của tổng thống ra lệnh cho các doanh nghiệp Mỹ rời khỏi Trung Quốc.

Rồi việc đổ lỗi lẫn nhau về nguồn gốc của covid-19, bao gồm cả thuyết âm mưu, do các nhà ngoại giao Trung Quốc quảng bá, rằng virus này bắt đầu từ một phòng thí nghiệm quân sự của Mỹ. Vào năm 2020, ngoại trưởng Mike Pompeo của ông Trump, đã kêu gọi nước ông nhìn thấy rõ sự khác biệt của nó với tư tưởng “tồi tệ, toàn trị” của Đảng Cộng sản Trung Quốc và giúp người dân nước này “khiến Trung Quốc thay đổi”. Bài phát biểu đó không bị lãng quên tại Bắc Kinh, nơi các nhà lãnh đạo đảng xem như lời kêu gọi lật đổ họ.

Hiện nay, một tình trạng yên tĩnh băng giá, không thoải mái đang ngự trị. Hai siêu cường này giống như hai hạm đội kình chống nhau, trong các vùng biển đầy tảng băng trôi và những mối nguy hiểm khác chưa được hiểu rõ. Những hiểm nguy đã được nêu lên trong Đại hội Đảng Cộng sản kết thúc vào ngày 22 tháng 10. Một ngày sau, Tập Cận Bình lên ngôi lãnh đạo đảng nhiệm kỳ thứ ba, và có thể là trọn đời.

- Quảng Cáo -

Báo cáo của ông Tập trước đại hội đã liệt kê các mối đe dọa đối với an ninh quốc gia, bao gồm các nỗ lực của các lực lượng không được nêu tên (trước hết, có nghĩa là Mỹ) nhằm phá hoại và kiềm chế sự trỗi dậy của Trung Quốc. Ông nhấn mạnh rằng Trung Quốc cần thể hiện tinh thần chiến đấu và đạt được khả năng tự lực cao hơn, đặc biệt là trong các công nghệ cốt lõi.

Bài nhận định tình hình ảm đạm của ông Tập đã được chuẩn bị trong nhiều tháng. Nhưng nó như một tiếng vang của một sự kiện diễn ra vài ngày trước đó ở Washington. Chính quyền của Tổng thống Joe Biden đã công bố Chiến lược An ninh Quốc gia cáo buộc Trung Quốc có ý định thay đổi trật tự thế giới.

Chiến lược này được công bố trước khi đưa ra các biện pháp kiểm soát nghiêm ngặt đối với việc xuất khẩu chất bán dẫn tiên tiến của Mỹ và công nghệ sản xuất chip. Các quy định này nhằm ngăn Trung Quốc sử dụng các sản phẩm và bí quyết của Mỹ để chế tạo siêu máy tính và hệ thống trí tuệ nhân tạo (AI) có thể giúp Quân đội Giải phóng Nhân dân tạo ra vũ khí tiên tiến nhất thế giới hoặc nhà nước cảnh sát Trung Quốc hoàn thiện hệ thống giám sát.

Các quan chức chính quyền Biden giải thích, dẫn trước các đối thủ chiến lược không còn đủ. Kể từ bây giờ, Mỹ phải mở rộng khoảng cách về công nghệ, càng lớn càng tốt.

Cho đến nay, Trung Quốc vẫn chưa công bố bất kỳ biện pháp đối phó nào đối với các việc kiểm soát xuất khẩu này, mặc dù các công ty sản xuất chip trong nước đã được triệu tập tới Bắc Kinh để họp khẩn. Các biện pháp kiểm soát mới là một phần của rất nhiều các vấn đề song phương. Kể từ tháng 8, khi bà Nancy Pelosi, chủ tịch Hạ viện, khiến các nhà lãnh đạo ở Bắc Kinh tức giận khi đến thăm đảo Đài Loan (mà Trung Quốc xem là một phần lãnh thổ của họ), các quan chức Trung Quốc đã đình chỉ đàm phán với Mỹ về mọi thứ, từ buôn lậu ma túy đến tránh các vụ va chạm máy bay chiến đấu và tàu hải quân.

Khi các nhà ngoại giao Mỹ tại Trung Quốc được triệu tập đến các cuộc họp, hầu hết nội dung là các luận điểm được lặp đi lặp lại và các quan chức Trung Quốc yêu cầu Mỹ nhận lỗi. Mặc dù chỉ còn vài ngày nữa là COP27, một hội nghị lớn về biến đổi khí hậu, sẽ diễn ra, Trung Quốc vẫn không cho phép đặc phái viên khí hậu của họ, Xie Zhenhua, nói chuyện với người đồng cấp Mỹ, John Kerry. Trung Quốc đã ngăn chặn các nghị quyết lên án các vụ thử tên lửa của Triều Tiên.

Các đặc phái viên Trung Quốc đã từng cùng với Mỹ thông qua các biện pháp trừng phạt đối với Triều Tiên. Giờ đây, họ cho rằng các lệnh trừng phạt đã kích động căng thẳng và ám chỉ rằng hợp tác vì an ninh của bán đảo Triều Tiên tùy thuộc vào mối quan hệ giữa Trung Quốc và Mỹ.

Có thể thấy thấp thoáng những nỗ lực để giữ cho các mối quan hệ không rơi tự do. Các quan chức của cả hai bên đang làm việc về một cuộc gặp có thể xảy ra giữa ông Biden và ông Tập tại hội nghị thượng đỉnh G20 của các nhà lãnh đạo thế giới ở Bali vào giữa tháng 11. Ở Washington, có cuộc nói chuyện về việc tránh nhận thức sai lầm và đảm bảo rằng cạnh tranh với Trung Quốc không trở thành xung đột. Các nỗ lực đang được tiến hành để đảm bảo rằng, khi ông Tập chào đón những vị khách nước ngoài như thủ tướng Đức, Olaf Scholz, đến Bắc Kinh để chào mừng chiến thắng sau đại hội đảng Cộng Sản Trung Quốc, ông sẽ nghe được những thông điệp nhất quán từ các nhà lãnh đạo phương Tây, đặc biệt là về cuộc chiến của Vladimir Putin ở Ukraine, và về việc Nga đe dọa leo thang ở đó.

Tại Bắc Kinh, các học giả cho rằng mọi thứ có thể còn tồi tệ hơn, lưu ý rằng mặc dù đại hội đảng đã nghe một báo cáo tồi tệ về tình hình quốc tế, nhưng chưa có thay đổi lớn nào trong các chính sách đối ngoại và an ninh, chẳng hạn đối với Đài Loan. Da Wei, Giám đốc Trung tâm Chiến lược và An ninh Quốc tế tại Đại học Thanh Hoa, coi thời điểm này là “thời điểm tạm dừng để suy ngẫm”, khi Trung Quốc điều nghiên Chiến lược An ninh Quốc gia “thẳng thừng và thù địch” của Hoa Kỳ.

Theo lời Giáo sư Da, quan điểm chính thống của Trung Quốc là các biện pháp kiểm soát công nghệ cao của Mỹ thực chất là một kế hoạch ích kỷ nhằm kiểm soát một ngành công nghiệp sinh lời cao. Ông nói: “quan điểm của Trung Quốc là Hoa Kỳ đang cố gắng bóp nghẹt nền kinh tế của Trung Quốc, hoặc ít nhất là một số lĩnh vực. Mục tiêu của Mỹ không phải là bảo vệ nhân quyền hoặc an ninh quốc gia của mình mà là “củng cố vị thế của mình trong chuỗi cung ứng toàn cầu”.

Nỗ lực kìm hãm công nghệ cao của Trung Quốc

Về phần mình, các quan chức Mỹ phủ nhận rằng các biện pháp kiểm soát xuất khẩu là một nỗ lực để kiềm chế Trung Quốc. Những lời phủ nhận của họ đề cập đến các định nghĩa cụ thể, thời chiến tranh lạnh về ngăn chặn, nhắc lại chiến lược của George Kennan nhằm chống lại mọi hình thức ảnh hưởng của Liên Xô trên toàn thế giới.

Trên thực tế, Mỹ đã coi sự thống trị của ngành sản xuất chất bán dẫn cao cấp là yếu tố quan trọng đối với an ninh quốc gia, Gregory Allen, cựu quan chức Lầu Năm Góc chuyên về AI, hiện đang làm việc tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế, một trung tâm nghiên cứu ở Washington, cho biết. Ông nói, Mỹ đặt mục tiêu làm chậm tiến bộ công nghệ của Trung Quốc chứ không phá hỏng nền kinh tế của nước này. Nhưng một mục tiêu bất thành văn là “để duy trì khả năng phá hủy nền kinh tế của họ sau này, nếu chúng ta cần.”

Nếu Trung Quốc có cùng quan điểm với các kế hoạch của Mỹ, thì sự tĩnh lặng băng giá hiện tại sẽ không thể kéo dài. Đội ngũ của ông Biden có kỷ luật hơn nhóm diều hâu và giáo điều của ông Trump, những người gây ra hàng loạt các cuộc đụng độ ồn ào với Trung Quốc. Tuy nhiên, giống như một tảng băng trôi, tham vọng của Mỹ lớn hơn và có khả năng phá hủy cao hơn người ta tưởng. Các đồng minh của Mỹ cũng không thoát khỏi việc bị lôi kéo vào một cuộc cạnh tranh trong đó chuỗi cung ứng trở thành một vũ khí. Một cơn bão băng đang dần hình thành./.

Anh Khoa lược dịch

Nguồn:VNTB

- Quảng Cáo -