Trung Quốc đang thâu tóm cả thế giới

- Quảng Cáo -

Carolina Drüten, Philipp Mattheis (Welt)

Trong nhiều năm qua Trung Quốc đã và đang đầu tư vào cơ sở hạ tầng kỹ thuật số, cảng biển, sân bay trên khắp thế giới. Tập Cận Bình cũng đang nhắm đến Đức. Nhìn bề ngoài tưởng như ông ta chỉ quan tâm đến tài nguyên và tìm kiếm thị trường mới. Trong thực tế, với thủ đoạn khôn khéo, Bắc Kinh đang bành trướng thế lực của mình.

Mối quan hệ kinh tế với các chế độ chuyên quyền luôn được coi là phi chính trị miễn là có hòa bình. Nhưng khi xẩy ra chiến tranh thì các tổn thương mới bộc lộ. Sự phụ thuộc của Đức vào khí đốt của Nga, điều mà Berlin trong nhiều năm luôn coi là không có vấn đề gì, thì ngày nay nó đang làm cho cuộc khủng hoảng kinh tế càng thêm trầm trọng do giá năng lượng tăng cao.

Một kịch bản tương tự có thể xảy ra trong quan hệ với Trung Quốc, vì nước Đức cũng bị phụ thuộc về kinh tế, cả về địa bàn sản xuất lẫn thị trường. Nếu Bắc Kinh tấn công Đài Loan, một quốc đảo dân chủ mà Trung Quốc coi là một phần lãnh thổ của mình, cũng sẽ phải đối mặt với các lệnh trừng phạt của phương Tây. Điều này một lần nữa cũng có thể đẩy nước Đức vào một cuộc khủng hoảng khác.

- Quảng Cáo -

Tại Đại hội Đảng Cộng sản, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã đe dọa Đài Loan bằng hành động quân sự. Chưa đầy hai tuần sau, người ta biết rằng Cosco, một Tập đoàn nhà nước của Trung Quốc muốn tham gia vào một cảng container ở Hamburg, sau một cuộc tranh cãi công khai về tỷ lệ góp vốn 24,9 thay vì 35%. Jacob Gunter, nhà phân tích cấp cao tại Mercator Institute for China Studies, một tổ chức tư vấn có trụ sở tại Berlin, cho biết: “Cosco trước hết là một công cụ chiến lược để Bắc Kinh thúc đẩy sứ mệnh của mình“.

Thỏa thuận dự kiến là một ví dụ điển hình cho những nỗ lực của Bắc Kinh trong khuôn khổ Sáng kiến Vành đai và Con đường (BRI), còn được gọi là Con đường Tơ lụa Mới, nhằm tạo ra một mạng lưới cơ sở hạ tầng toàn cầu với các khoản đầu tư trị giá hàng tỷ USD. Điều này sẽ đảm bảo nguồn nguyên liệu và nguồn năng lượng cho Trung Quốc, mở cửa thị trường, gia tăng sức mạnh của Trung Quốc.

Ông Tập đưa ra sáng kiến này năm 2013. Theo số liệu chính thức, 6 năm sau, Bắc Kinh đã ký được 173 thỏa thuận hợp tác với 125 quốc gia và 29 tổ chức quốc tế. Sáng kiến này mang tính toàn cầu, dài hạn và có ý nghĩa chiến lược. Từ lâu đã vượt ra khỏi khía cạnh kinh tế thuần túy mà Bắc Kinh luôn nói đến. Andrea Giuricin, chuyên gia cơ sở hạ tầng tại Đại học Bicocca của Milan, cho biết “rõ ràng là Trung Quốc đang sử dụng địa chính trị của mình, bao gồm cả đầu tư cơ sở hạ tầng, như một loại vũ khí”.

Một ví dụ, Bắc Kinh duy trì căn cứ quân sự trên Vịnh Aden giữa vùng Sừng châu Phi và Bán đảo Ả Rập; “Con đường tơ lụa kỹ thuật số” nhằm mở rộng các lĩnh vực công nghệ cao có ý nghĩa chiến lược. Trung Quốc đang tạo ra sự phụ thuộc vào Bắc Kinh trong trường hợp leo thang về chính trị.

Bắc Kinh đã đứng về phía Nga từ rất sớm trong cuộc chiến tranh ở Ukraine, đàn áp dã man dân tộc thiểu số Duy Ngô Nhĩ ngay trên đất nước mình và đe dọa tấn công xâm lược Đài Loan. Gunter nói: “Khi một chế độ dân tộc chủ nghĩa độc tài sẵn sàng xâm lược nước láng giềng dân chủ thì chúng ta cần suy nghĩ làm sao để giảm sự phụ thuộc vào các doanh nghiệp ở quốc gia đó. Nhưng trên thế giới, xu hướng này đang diễn ra theo một hướng khác, trừ một vài trường hợp ngoại lệ.

Châu Âu

Ở châu Âu, các công ty Trung Quốc nắm giữ cổ phần tại hơn một chục cảng biển. Năm 2012, Bắc Kinh, qua mặt Brussels, thiết lập quan hệ hợp tác với Trung và Đông Âu, bao gồm 17 quốc gia. Trong số này có 5 quốc gia ở Tây Balkan, không phải là thành viên EU và được coi là dễ bị nước ngoài tác động.

Nước Montenegro nhỏ bé đã có một trải nghiệm đặc biệt đau đớn khi mắc nợ nặng nề do xây dựng một con đường cao tốc được tài trợ bởi các khoản vay của Trung Quốc. Hy Lạp và Hungary, nơi Bắc Kinh có liên quan đến cảng Piraeus của Hy Lạp và một tuyến đường sắt dự kiến giữa Budapest và Belgrade, đã ngăn cản các sáng kiến quan trọng của EU đối với Trung Quốc trong quá khứ.

Giờ đây tại các nước này đang có sự tỉnh ngộ trước việc thiếu các khoản tín dụng để đầu tư của Trung Quốc, điều mà người ta đã từng hy vọng. Năm ngoái, Litva đã rời Con đường Tơ lụa Mới và mở rộng hợp tác với Đài Loan. Latvia và Estonia theo sau trong năm nay. Các nước này không muốn hợp tác với một nước ủng hộ Nga trong cuộc chiến tranh ở Ukraine.

Cộng hòa Séc vẫn là một thành viên, nhưng vì thị trưởng Praha đã hủy bỏ việc kết nghĩa với Bắc Kinh, do Trung Quốc đã yêu cầu không công nhận Đài Loan, mọi thứ trở nên ông chẳng bà chuộc.

Điều này khác với các ông lớn ở châu Âu có quan hệ kinh tế chặt chẽ với Trung Quốc. Gunter nói: “Không ai trong số họ có vị trí chiến lược đặc biệt mạnh mẽ so với Bắc Kinh. Ý thậm chí đã tham gia sáng kiến Con đường Tơ lụa từ vài năm trước, mặc dù tân Thủ tướng Giorgia Meloni muốn chấm dứt sự hợp tác này.

Trong khi đó Thủ tướng Olaf Scholz công du Trung Quốc với các nhà quản lý 12 tập đoàn. Pepijn Bergsen thuộc tổ chức tư vấn Chatham House của Anh gọi đây là một “thông điệp hoàn toàn sai lầm đối với các nước EU khác”. Mặt khác, ở cấp độ EU, hiện có nhiều người sẵn sàng áp dụng chính sách Trung Quốc thực tế hơn, theo Gunter. Diễn ngôn do đó phải được châu Âu hóa.

Châu Á

Đảo quốc nhỏ bé Sri Lanka là một cảnh báo về hậu quả của việc đầu tư cơ sở hạ tầng của Trung Quốc. Ngoài một sân bay vắng tanh vắng ngắt và một “Thành phố Cảng” khổng lồ vẫn đang được xây dựng ở thủ đô Colombo, các doanh nghiệp Trung Quốc đã xây dựng cảng Hambantota tại đây. Năm 2017 khi Sri Lanka gặp khó khăn về khoản thanh toán nợ, Bắc Kinh đã nhanh chóng “thuê” cảng này trong 99 năm. Kể từ đó, xuất hiện thuật ngữ “ngoại giao bẫy nợ” .

Bẫy nợ không giăng ra ở khắp mọi nơi như ở Sri Lanka. Pakistan, một đồng minh truyền thống của Trung Quốc, hiện đang cùng Trung Quốc mở rộng đường cao tốc Karakorum, một tuyến đường thương mại chạy qua khu vực Tân Cương đến Ấn Độ Dương, cùng với một số nhà máy nhiệt điện than. Dầu mỏ Ả Rập và hàng hóa Trung Quốc sau đó có thể được vận chuyển qua cảng Gwadar, cũng được xây dựng bằng tiền của Trung Quốc.

Ở Myanmar và Trung Á cũng vậy, các đường ống hiện đang cung cấp năng lượng cho Trung Quốc, do đó tránh được nút thắt cổ chai qua eo biển Singapore do phương Tây kiểm soát. Một tuyến xe lửa vừa được khánh thành ở Lào, sẽ vận chuyển nhiều hàng hóa và khách du lịch Trung Quốc từ Côn Minh đến đất nước nhỏ bé này. Theo kế hoạch, tuyến đường này nó sẽ được mở rộng sang Singapore. Trung Quốc từ lâu đã trở thành đối tác thương mại quan trọng nhất của nhiều nước ở châu Á. Với các khoản vay mà Bắc Kinh ban phát, ảnh hưởng của đế chế khổng lồ này cũng ngày càng lớn.

Châu Phi

Giấc mơ Con đường Tơ lụa của Trung Quốc ở châu Phi hiện kết thúc tại một thị trấn nhỏ đầy bụi bặm có tên Suswa, cách thủ đô Nairobi của Kenya khoảng 150 km về phía tây. Nhà ga xe lửa quá lớn cho đến nay là tòa nhà lớn nhất tại đây. Tàu từ thành phố cảng Mombasa chỉ đến đây ba chuyến trong một tuần. Dự án nhằm kết nối Ấn Độ Dương với một số thủ đô Đông Phi không có lối đi ra biển.

Kenya, là con nợ lớn nhất của Trung Quốc, nước này có ít tài nguyên nhưng không xa Cộng hòa Dân chủ Congo, nơi các doanh nghiệp Trung Quốc kiểm soát các mỏ coban quan trọng đối với sản xuất điện thoại thông minh. Là một nhà nhập khẩu hàng hóa Trung Quốc và là một đầu mối giao thông, Kenya đóng vai trò thiết yếu trong chiến lược của Bắc Kinh. Không rõ tại sao dự án chưa được hoàn thành. Ngoài các sự kình chống khác nhau, nghe đâu rất nhiều tiền đã chẩy vào túi các chính trị gia tham nhũng.

Ngành đường sắt còn lâu mới sinh lời, trong khi đó các khoản lãi suất đến hạn phải thanh toán đang làm cho Nairobi ngao ngán. Ví dụ này cho thấy không phải lúc nào cũng dễ dàng phân biệt giữa kế hoạch tồi tệ và một chiến lược có toan tính khiến các nước nhận đầu tư rơi vào tình trạng lệ thuộc. Tình hình cũng tương tự, mặc dù ít gay gắt hơn, ở các nước khác trong khu vực như Tanzania, Ethiopia và Zambia.

Căn cứ quân sự đầu tiên của Trung Quốc ở nước ngoài đã hiển hiện rất rõ ràng. Kể từ 2017 đã có ít nhất 1.000 binh sĩ Trung Quốc đóng quân ở Djibouti, trên vùng Sừng châu Phi, để giám sát các tuyến đường thương mại.

Mỹ La tinh

Tuần vừa qua Tổng thống Argentina Alberto Fernández đã có cuộc gặp với người đứng đầu Tập đoàn Đường sắt Quốc tế Trung Quốc (CRIG). Cuộc gặp bàn về các dự án cơ sở hạ tầng, bao gồm cả đường sắt. Argentina trở thành một phần của Sáng kiến Vành đai và Con đường từ tháng hai. Khoảng 20 quốc gia trong khu vực đang nằm trong danh sách nhận tài trợ của Bắc Kinh, từ các quốc đảo nhỏ ở Caribe đến những quốc gia nặng ký như Brazil. Trung Quốc hiện là đối tác thương mại lớn thứ hai ở châu lục này, đây là điều khiến Mỹ không hài lòng.

Trong khi đó đối với Trung Quốc thì Mỹ Latinh, cũng như châu Phi, đóng vai trò quan trọng là người cung câp nguyên liệu. Ngoài dầu và kim loại, trọng tâm ở đây là thực phẩm, đặc biệt là đậu nành, dùng làm thức ăn cho gia súc ở Trung Quốc. Khoảng một nửa trữ lượng lithium cần thiết cho sản xuất pin của thế giới cũng được cho là ở các nước vùng Anden.

Tại Venezuela, Đảng Cộng sản Trung Quốc luôn trám vào những kẽ hở mà các doanh nghiệp phương Tây đã rút lui vì lý do chính trị hoặc đạo đức. Kể từ năm 2007 Caracas đã nhận 62 tỷ USD của Bắc Kinh. Caracas còn là khách hàng mua vũ khí lớn nhất của Trung Quốc ở Nam Mỹ. Bắc Kinh cũng chi tiền để mua sự ủng hộ về chính trị . Để đổi lấy các cam kết cho vay của Trung Quốc Nicaragua và Cộng hòa Dominica gần đây đã hủy quan hệ ngoại giao với Đài Loan./.

Nguyễn Xuân Hoài lược dịch

- Quảng Cáo -