Giới hoạt động chào đón việc Mỹ đưa Việt Nam vào Danh sách Theo dõi Đặc biệt về tự do tôn giáo

- Quảng Cáo -

RFA

Một số nhà đấu tranh cho tự do tôn giáo cho rằng việc Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ đưa Việt Nam vào Danh sách Theo dõi Đặc biệt (Special Watch List- SWL) vì đàn áp tôn giáo là một biện pháp hữu ích cho tự do tôn giáo ở quốc gia Đông Nam Á này.

Ngày 2/12 vừa qua, Ngoại trưởng Antony Bliken công bố quyết định đưa Việt Nam cùng với bốn quốc gia khác vào SWL vì can dự vào hay dung thứ cho những vi phạm nghiêm trọng quyền tự do tôn giáo.

Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ lập luận rằng mức độ vi phạm tự do tôn giáo ở các nước trong danh sách này chưa đến mức phải đưa vào danh sách Quốc gia Quan tâm Đặc biệt (Country of Particular Concern- CPC), nhưng sẽ bị theo dõi sát sao về hồ sơ tự do tôn giáo, và nếu sau một thời gian vẫn không cải thiện thì đó là căn cứ để bị chỉ định CPC.

- Quảng Cáo -

Hoa Kỳ quan tâm đến tự do tôn giáo ở Việt Nam

Thượng toạ Thích Vĩnh Phước, trụ trì chùa Phước Bửu, thuộc Tăng đoàn Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất ở Bà Rịa-Vũng Tàu nói với phóng viên Đài Á Châu Tự Do (RFA) về quyết định trên của Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ:

Tôi thấy rất là vui khi thấy một sự tiến bộ, đó là Hoa Kỳ quan tâm đến tự do tôn giáo ở Việt Nam.”

Vị thượng toạ này cho biết trong vài năm gần đây, chính quyền ở huyện Xuyên Mộc, tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu liên tiếp phá huỷ cơ sở Phật giáo độc lập ở địa phương này như phá chùa Pháp Biên ở xã Phước Thuận hay chiếm cổng chùa Phước Bửu, phá huỷ tịnh thất Đạt Quang ở xã Bầu Lâm, và gần đây nhất là phá huỷ nhà khách của chùa Thiên Quang.

Nhà hoạt động về tự do tôn giáo Nguyễn Văn Ân, một giáo dân từ giáo xứ Kẻ Gai (Nghệ An) nhưng đang tỵ nạn ở Thái Lan bình luận về động thái mới nhất của phía Mỹ:

“Với thành tích đàn áp có tính hệ thống và liên tục trong thời gian vừa qua của nhà cầm quyền cộng sản Việt Nam lên các tôn giáo thì tôi nghĩ đây là việc cần làm và đáng lẽ phải làm sớm hơn để buộc Việt Nam phải thay đổi và hạn chế các đàn áp đó.”

Theo ông, việc đưa Việt Nam vào SWL sẽ buộc chính quyền do Đảng Cộng sản lãnh đạo nới lỏng các biện pháp đàn áp tôn giáo để tránh bị Hoa Kỳ đưa vào CPC, vốn đi cùng với những chế tài nghiêm khắc dành cho nhà nước, quan chức trực tiếp vi phạm và cả thân nhân của họ.

“Chắc chắn Việt Nam sẽ phải thay đổi vì nếu không thì có thể bị đưa vào CPC bất cứ lúc nào,”- ông Ân nói.

Tuy nhiên, nhiều người vẫn thận trọng trong đánh giá về kết quả của quyết định mà Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ đưa ra.

Mục sư Nguyễn Mạnh Hùng, quản nhiệm Hội thánh Chuồng Bò thuộc Tin Lành không hoàn toàn lạc quan về hồ sơ tự do tôn giáo của Việt Nam trong tương lai. Ông bày tỏ:

Tôi rất vui khi đón nhận thông tin trên. Tuy nhiên, tôi nghĩ các biện pháp trên của Hoa Kỳ rất tốt nhưng có lẽ không thể buộc Việt Nam cải thiện tình trạng tự do tôn giáo.”

Ông nhận xét rằng tình hình vi phạm tự do tôn giáo ở Việt Nam ngày càng nghiêm trọng và tinh vi, mang tính hệ thống. Từ sau 1975, các nhóm tôn giáo bị đưa Nhà nước tìm cách quản lý, đưa vào Mặt trận Tổ quốc Việt Nam- cánh tay nối dài của Đảng.

Theo ông, lý do chưa thể buộc Hà Nội cải thiện hồ sơ nhân quyền, trong đó có hồ sơ tự do tôn giáo, là thiếu chế tài để trừng phạt. Ông cho rằng Hoa Kỳ và các quốc gia dân chủ cần có biện pháp cụ thể để buộc Việt Nam cải thiện hồ sơ nhân quyền của mình.

“Nếu như Hoa Kỳ và các quốc gia dân chủ chỉ đối thoại về nhân quyền với Việt Nam mà không có các chế tài xứng đáng thì tôi nghĩ Việt Nam không thay đổi hồ sơ tự do tôn giáo tín ngưỡng.”

Đồng quan điểm với mục sư Nguyễn Mạnh Hùng là Hoà thượng Thích Không Tánh, người trụ trì chùa Liên Trì ở Quận 2, TPHCM nhưng bị chính quyền địa phương phá huỷ từ năm 2016. Hoà thượng nói với RFA:

Theo tôi, Việt Nam là nước vi phạm quyền tự do tôn giáo nặng nề và liên tục. Phải lưu ý đặc biệt vì nếu chỉ nhìn thoáng bên ngoài thì họ vi phạm nhưng họ che đậy.”

Hoà thượng Thích Không Tánh cho biết sau khi chùa Liên Trì mà ông trụ trì bị phá nát, ông phải đi tu nhờ ở nhiều chùa khác nhưng ông vẫn bị theo dõi chặt chẽ, nhất là trong những sự kiện tôn giáo.

Vị hoà thượng này cho biết Nhà nước Việt Nam biết cách che giấu vi phạm nhân quyền để đạt được mục đích. Trước năm 2007, để được Hoa Kỳ đưa ra khỏi danh sách CPC và vào tổ chức Thương mại Thế giới (WHO), chính quyền thả một số tù nhân lương tâm và khôn khéo làm như có tự do tôn giáo nhưng khi đã đạt mục đích rồi thì lại vi phạm.

Theo ông, sau hành động mới nhất của Mỹ, chính quyền Việt Nam có thể nới lỏng các biện pháp kiểm soát việc thực hành tôn giáo, nhưng đến một lúc nào đó thì lại siết chặt vì bản chất của chế độ cộng sản là muốn kiểm soát mọi thứ, kể cả tự do tôn giáo.

Phóng viên gửi email cho Bộ Ngoại giao Việt Nam và Ban Tôn giáo Chính phủ để đề nghị bình luận về phát biểu của Ngoại trưởng Mỹ, tuy nhiên chưa lập tức nhận được câu trả lời.

Báo đài nhà nước Việt Nam đến nay hoàn toàn không nhắc gì đến việc nước này bị theo dõi đặc biệt về tự do tôn giáo.

Cần làm gì để buộc Việt Nam cải thiện hồ sơ tự do tôn giáo?

Theo nhà hoạt động Nguyễn Văn Ân, các nhà hoạt động về quyền tự do tôn giáo, các tổ chức nhân quyền, các nhóm tôn giáo và đặc biệt là nạn nhân của đàn áp tôn giáo phải tiếp tục báo cáo các vi phạm của Việt Nam trong lĩnh vực này lên Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ và các tổ chức quốc tế khác.

“Cần lập những hồ sơ vi phạm nghiêm trọng, và tạo cơ hội để các nạn nhân có thể làm nhân chứng tiếp xúc trực tiếp với quốc tế.

Bên cạnh đó thì các cộng đồng bị bách hại, các tổ chức tôn giáo, các cá nhân bảo vệ nhân quyền cần can đảm, mạnh mẽ lên tiếng khi tình trạng đàn áp bị xẩy ra, để có thể nhanh chóng báo động với quốc tế.”

Hoà thượng Thích Không Tánh, Thượng toạ Thích Vĩnh Phước, và Mục sư Nguyễn Mạnh Hùng cho biết họ thường xuyên viết báo cáo vi phạm tự do tôn giáo mà họ hoặc nhóm của họ trải qua lên các cơ quan ngoại giao nước ngoài ở Việt Nam và các tổ chức nhân quyền quốc tế.

Cả ba vị chức sắc tôn giáo trên đều là thành viên của Hội đồng Liên Tôn Việt Nam. Nhiều lần nhóm này đã gặp đại diện ngoại giao của Đại Sứ quán Hoa Kỳ, Đức, Anh, Canada, Úc, và Phái đoàn Liên minh Châu Âu để phản ánh tình trạng đàn áp tự do tôn giáo ở Việt Nam./.

- Quảng Cáo -