Tiền đề để giành lại Hoàng Sa

- Quảng Cáo -

Trần Trung Đạo

Lịch sử đã chứng minh Hoàng Sa, Trường Sa là của Việt Nam. Tuy nhiên, trong bối cảnh chính trị kinh tế quân sự hiện nay, việc giành lại Hoàng Sa và những đảo đã mất của Trường Sa, trong thực tế, là một điều ngoài tầm tay của đảng Cộng sản Việt Nam.

Điều kiện để chiếm ưu thế trong mọi cuộc đàm phán song phương, ngoài bằng chứng, tài liệu còn là khả năng làm cho đối phương nể sợ hay kính trọng. Cả hai vị thế đó đảng CSVN đều không có được.

Không bao giờ CSVN có thể buộc Trung Cộng bước vào bàn hội nghị song phương hay đa phương bằng thái độ tương kính và bình đẳng.

- Quảng Cáo -

Chỉ có một Việt Nam văn minh, dân chủ, đoàn kết với một nền kinh tế cường thịnh, một quân đội trang bị bằng kỹ thuật chiến tranh tiên tiến là những phương tiện hữu hiệu trong đàm phán để giành lại Hoàng Sa, Trường Sa từ tay Trung Cộng.

Dân Chủ Là Chuyến Tàu Đưa Hoàng Sa Trở Về Với Dân Tộc Việt

Để chuẩn bị cho ngày giành lại Hoàng Sa, Việt Nam phải lớn mạnh thật nhanh, và muốn vậy, chọn lựa đầu tiên của dân tộc Việt Nam là bước ra khỏi cỗ xe cộng sản già nua lỗi thời hiện nay.

Dân chủ là bước đầu tiên phải được thực hiện. Chuyến tàu dân chủ có thể làm cho không ít người Việt cảm thấy khó khăn, bỡ ngỡ ban đầu nhưng đầy triển vọng tương lai.

Dân chủ hóa Việt Nam là một cuộc cách mạng của các thành phần Việt Nam yêu nước và quan tâm đến vận nước trong tương lai để đưa dân tộc thoát ách CS.

Dân chủ hóa là một tiến trình gồm nhiều giai đoạn từ bước xây dựng cơ sở lý luận cho đến cách mạng diễn ra và sau đó. Nhưng Việt Nam, và cả Trung Cộng, có điểm khác nhau khi đem so sánh với cuộc vận động dân chủ tại các nước cựu CS. Đó là yêu tố lịch sử. Lich sử Việt Nam từ khi có đảng Cộng sản đến nay là lịch sử của những ngộ nhận và hai ngộ nhận lớn nhất là “yêu nước” và “bán nước”. Đảng CS còn tồn tại đến hôm nay cũng nhờ những ngộ nhận đó. Nhận thức đúng lịch sử, do đó, là hành trang cần thiết cho những ai muốn dấn thân trên con đường cứu nước.

Việt Nam có ba triệu người Việt đang sống ở nước ngoài, tinh hoa Việt Nam có mặt trong hầu hết các lãnh vực và trên khắp thế giới nhưng chưa bao giờ tổng hợp được. Tất cả chỉ vì sự tồn tại của đảng CSVN.

Một trong những điều kiện tiên quyết để một dân tộc tồn tại và phục hưng những giá trị vật chất và tinh thần đã bị cưỡng đoạt bởi một nước mạnh láng giềng là niềm tin vào sự trường tồn của lịch sử dân tộc và xây dựng nội lực chờ cơ hội quốc tế thuận tiện để giành lại chủ quyền.

Đó không phải lời an ủi suông mà là yếu tố quyết định và đã được chứng minh nhiều lần trong lịch sử Việt Nam và lịch sử nhân loại.

Nhờ nuôi dưỡng ý chí và đấu tranh cho lý tưởng phục hưng mà thế giới ngày nay có thêm những nước thịnh vượng như Ba Lan, Tiệp Khắc, Latvia, Estonia, Lithuania, Phần Lan, Thổ Nhĩ Kỳ và khá nhiều quốc gia khác. Những quốc gia này thoạt nghe tưởng đã có mặt trên bản đồ thế giới từ xa xưa lắm. Không, họ chỉ chính thức hiện diện như những nước cộng hòa khi Đế quốc Nga, Đế quốc Đức và Đế quốc Ottoman tan rã sau Thế Chiến Thứ Nhất.

Một quan điểm cho rằng Trung Cộng sẽ không bao giờ đổ, do đó, Việt Nam nên tiếp tục tồn tại trong vòng ảnh hưởng của Trung Cộng. Những người đó là những Trần Duy Ái, Trần Ích Tắc phản quốc của thời đại ngày nay và sẽ bị ô danh trong lịch sử. Họ có thể sống hết đời mình trong các biệt điện cao sang và khi chết sẽ được chôn trong các nghĩa trang rộng hàng trăm mẫu. Nhưng con cháu họ sau này sẽ hổ thẹn có ông nội, ông cố vì quyền lực và miếng ăn mà làm tôi mọi cho ngoại bang. Người viết không có ý trù ẻo ai mà đó là sự thật còn sờ sờ trong lịch sử.

Nếu đồng ý Trung Cộng sẽ đổ thì việc giành lại Hoàng Sa là một triển vọng chứ không phải là ảo tưởng. Bản đồ châu Âu được vẽ đi vẽ lại nhiều lần và nhiều vùng đất đã được trở về đất mẹ nhờ công pháp quốc tế và thế mạnh của quốc gia thật sự có chủ quyền.

Trường hợp thành phố Gdańsk (Danzig theo tiếng Đức), quê hương của Công Đoàn Đoàn Kết Ba Lan, là một trong nhiều ví dụ điển hình. Gdańsk vốn là của Ba Lan trong suốt dòng lịch sử nhưng đã bị Đức chiếm nhiều lần và có lần dài hơn cả 100 năm từ 1815 cho đến hết Thế Chiến Thứ Nhất. Gdańsk lại bị sáp nhập vào Đức lần nữa trong Thế Chiến Thứ Hai. Nhưng Gdańsk cuối cùng đã trở về với đất mẹ Ba Lan và ngày nay là một trong những thành phố cảng lớn nhất của Ba Lan bên bờ biển Baltic.

Đừng Đầu Hàng Và Cũng Đừng Chờ Sung Rụng

Mọi người Việt quan tâm đến vận mệnh đất nước trong thời điểm vô cùng khó khăn này không nên gieo rắc các ý tưởng đầu hàng Trung Cộng. Nhưng cũng không nên ngồi đó để chờ Trung Cộng sụp đổ do các mâu thuẫn đối kháng bên trong hay chờ Đệ Thất Hạm Đội Mỹ đưa F35 tới “giải phóng Hoàng Sa” giùm.

Hãy làm hết sức mình dù rất nhỏ, trong giới hạn của mình dù rất hẹp và với điều kiện của mình dù rất khó khăn để đóng góp vào việc thay đổi vận mệnh dân tộc Việt Nam. Được như thế, sớm hay muộn Hoàng Sa và Trường Sa cũng trở về cùng đất mẹ Việt Nam./.

Bài trích đoạn

- Quảng Cáo -