Ngư dân Việt: Vừa sợ đụng tàu Trung Quốc vừa ngán nạn giã cào

- Quảng Cáo -

An Vui (SGN)

Xóm Gành Cả ở thôn Châu Thuận Biển (xã Bình Châu, huyện Bình Sơn, tỉnh Quảng Ngãi) là nơi có nhiều gia đình ngư dân vẫn can trường ra khơi ở gần đảo Hoàng Sa, cái đảo đã bị Trung Cộng xâm chiếm từ ngày 19 Tháng Giêng 1974.

Xóm nhỏ nằm khuất dưới quả đồi với vài trăm nóc nhà quay mặt ra hướng biển, cư dân thuộc bảy dòng họ: Bùi, Tiêu, Nguyễn, Trương, Dương, Phạm, Võ… với nghề nhiều đời là đánh cá và lặn biển.

Tuổi Trẻ đã có bài viết về cuộc sống của ngư dân xóm Gành Cả ngày 11 Tháng Ba 2023.

- Quảng Cáo -

Gành Cả hồi năm 1965 chỉ có vài chục nóc nhà, giờ lên đến gần 300 nóc, nhà nào cũng có 3-4 thế hệ chuyên đánh cá và lặn biển ở Hoàng Sa, dù hiện nay hòn đảo của tổ quốc đã bị xâm chiếm, việc mạo hiểm đến gần hòn đảo này rất nguy hiểm.

Lão ngư Võ Bông (gần 80 tuổi) khẳng định ở xóm Gành Cả 100% gia đình đều đi biển Hoàng Sa nhiều thế hệ và tất cả đều biết lặn dưới biển sâu. Ông Bông kể về lịch sử ngôi làng: “Cha tôi đi bằng thuyền buồm, đến thời tôi đi tàu 20-30 mã lực, con tui đi tàu trăm mã lực, cháu tui giờ đi tàu hơn ngàn mã lực. Dĩ nhiên đều bám biển Hoàng Sa đánh cá”.

Dòng họ Võ ở Gành Cả rất nổi tiếng với những ngư dân can trường, dù gặp tàu Trung Quốc đe dọa, đánh chìm, họ vẫn đóng tàu tiếp tục ra Hoàng Sa. Nổi tiếng nhất trong số họ là ngư dân Võ Văn Lựu (58 tuổi). Tháng Bảy 2016, sau khi tàu cá QNg 904.79 của ông Lựu bị bắn chìm lần thứ ba ở Hoàng Sa, ông vẫn kiên cường về được đất liền và đóng lại tàu đi tiếp.

Mới đây, chiều 24 Tháng Hai 2023, tàu cá QNg 906.27 của ngư dân Võ Văn Lựu cũng vừa trở về từ Hoàng Sa, phiên đi biển lỗ nặng vì về sớm hơn dự tính, nhưng ông lại vui vì cứu được bốn ngư dân trên tàu cá QNg 905.27 (của thuyền trưởng Võ Văn Kim, 33 tuổi) gặp nạn (không rõ thiên tai hay nhân tai – tức bị tàu Trung Quốc tấn công) bị chìm ở gần đảo đá Bông Bay thuộc quần đảo Hoàng Sa.

Ông Nguyễn Thanh Hùng, Chủ tịch Nghiệp đoàn nghề cá xã Bình Châu, cho biết ngư dân xóm Gành Cả rất đoàn kết và không bao giờ rút lui, bỏ mặc tàu bạn gặp nạn. Ông Nguyễn Thanh Hùng kể ông Lựu đã từng cứu rất nhiều tàu của ngư dân gặp nạn ở Hoàng Sa như tàu của ngư dân Võ Nhị, Phạm Văn Mỹ, Nguyễn Cư (xã Bình Châu), Trần Mai (xã Hoài Hải, huyện Hoài Nhơn, Bình Định)…

Ông Hùng bảo ngư dân ra Hoàng Sa không chỉ gặp thiên tai mà còn cả nhân tai, đó là tàu Trung Quốc.

Trong xóm Gành Cả còn có ngư dân Nguyễn Cư trạc tuổi ông Lựu, hơn 30 năm ra khơi đánh cá ở Hoàng Sa cũng từng cứu nhiều tàu cá Quảng Nam, Bình Định, Quảng Ngãi. Bản thân ông Cư đã hai lần được ông Lựu ứng cứu, giữ được mạng và giữ được cả tàu. Lần gần nhất vào năm 2014, sau một ngày lái tàu thoát khỏi tàu Trung Quốc, tàu của ông Cư bị mắc cạn ở một rạn san hô. Khi nhận được tín hiệu kêu cứu, ông Lựu đã đến và còn kéo tàu mắc cạn đem về.

Một nhân vật khác là ông Nguyễn Thanh Nam (60 tuổi), do bị tai biến trong một lần lặn biển Hoàng Sa hơn 20 năm trước, nên ông đảm trách việc trực thông tin từ Hoàng Sa, nối liên lạc giữa ngư dân và nhà cầm quyền địa phương. Gia đình ông Nam có ba người con trai đánh cá ở Hoàng Sa trên dưới 20 năm, là thuyền trưởng của ba tàu khác nhau. Khi hè đến, các cháu nội của ông Nam cũng lên tàu theo cha, đó là thế hệ đi biển Hoàng Sa thứ 5 của gia đình ông.

Xóm Gành Cả còn có những con tàu được dân biển ví von “bình mới rượu cũ”. Đó là những con tàu bị Trung Quốc đánh chìm nằm lại Hoàng Sa, nhưng thuyền trưởng con tàu may mắn sống sót trở về tiếp tục đóng tàu mới và xin cấp lại số cũ.

Cuối bài, Tuổi Trẻ nhắc đến những thuyền trưởng từng bị tàu Trung Quốc đâm ở Hoàng Sa. Đó là thuyền trưởng tàu QNg 90399 – Đặng Dũng và thuyền trưởng tàu QNg 95617 – Trương Văn Đức. Sau khi tàu chìm, họ sống sót trở về vẫn tiếp tục đóng tàu mới và ra khơi đánh cá ở Hoàng Sa. Tuổi Trẻ đã vinh danh tất cả những ngư dân này và gọi họ là “những bộ sử sống can trường”.

Trước đó, Tuổi Trẻ ngày 10 Tháng Ba cũng vinh danh ngư dân Trần Ngọc Sơn, biệt danh ông “Sơn cụt” hay “Kỳ nhân một tay” ở vùng biển Vinh Thanh, huyện Phú Vang, tỉnh Thừa Thiên Huế. Dù cụt nguyên bàn tay trái hồi 11 tuổi do nghịch kíp thuốc nổ còn sót lại sau chiến tranh, người ngư dân 50 tuổi này suốt mấy chục năm qua vẫn dọc ngang trùng khơi để đánh cá và nhiều lần cứu người thoát nạn trên biển.

Không ít lần bữa cơm gia đình nhà ông phải bỏ dở giữa chừng vì cứ hay tin có ghe tàu gặp nạn là ông Sơn đều vội bỏ dở, chạy đi gọi người đưa tàu thẳng ra hướng biển. Tự nhận mình có “kinh nghiệm đối diện tử thần”, ông Sơn hiểu cảm giác mong chờ được cứu giúp của người ngư dân chẳng may lâm nạn. Bà Đỗ Thị Thanh Loan, vợ ông Sơn nói: “Chưa khi nào ông chồng tui từ nan khi nghe có người gặp nạn trên biển dù sóng to gió lớn. Có lần biển động, gió rít ầm ầm mà ông cùng bạn thuyền vẫn chạy ghe đi cứu hộ một ghe khác bị sóng đánh trôi dạt tới tận biển Vinh Xuân cách đó mấy chục hải lý. Đi cứu hộ từ sáng mà đến nửa đêm mới về làm tui ở nhà đúng hồn treo cột buồm!”.

Ra biển cứu người gặp nạn không sợ, thế mà lão ngư dày dạn kinh nghiệm biển khơi này lại sợ nhất nạn giã cào trên biển. Giã cào là việc thả lưới (dài từ 500 – 1,500 m) sát đáy biển rồi kéo đi. Mắt lưới nhỏ của tàu giã cào khiến các sinh vật dưới biển bị tận diệt, tàu lại chạy với tốc độ cao nên rất dễ cuốn theo ngư cụ gây hư hỏng, thiệt hại cho các ngư dân đánh cá đi tàu nhỏ. Mắt lưới giã cào nhỏ nên toàn bộ tôm, cá, ốc, ghẹ non… đều bị hốt sạch.

Tàu giã cào thường đi theo cặp, gọi là tàu giã cào bay. Ngày trước tàu giã cào công suất nhỏ (khoảng 90 CV), ngày nay tàu được nâng cấp công suất lớn hơn (từ 600 – 800 CV) nên khả năng “tàn sát” cao, bị coi là “hung thần” trên biển đối với những ngư dân đánh cá kiểu truyền thống như ông Sơn.

Ông Sơn kể với Tuổi Trẻ: năm 2014, trong lần ra khơi bắt ghẹ, gia tài lúc đó của ông Sơn là tấm lưới trị giá mấy chục triệu đồng bị một tàu giã cào cuốn sạch. Sau chuyến đi biển lỗ nặng, ông Sơn về bờ xin tình nguyện tham gia tuần tra biển với tàu kiểm ngư để phát giác, đuổi tàu giã cào của ngư dân các tỉnh khác đến vùng biển Thừa Thiên-Huế.

Như vậy, ngư dân Việt Nam không chỉ gặp nạn vì tàu Trung Quốc mà còn gặp nạn giã cào tận diệt thủy hải sản – mà kiểu đánh cá này xuất phát từ tàu Trung Quốc và ngư dân Việt học theo.

Từ Tháng Mười Hai 2014, trang của VASEP – Hiệp hội chế biến và xuất cảng thủy hải sản Việt Nam đã lên tiếng về vấn nạn này: Chỉ vì mưu sinh, việc tranh chấp ngư trường đánh bắt thủy hải sản tại một số vùng biển ở nhiều địa phương đã xảy ra những cuộc hỗn chiến giữa biển khơi của các nhóm ngư dân, từ Hà Tĩnh, Thanh Hóa, đến Phú Yên, Bình Thuận.

Theo luật, các tàu giã cào chỉ được hành nghề cách bờ ít nhất 24 hải lý nhưng 90% tàu thuyền giã cào hiện nay hành nghề sát bờ, rộ từ Tháng Tám – Tháng Mười hàng năm ở vùng ven biển phía Bắc đến miền Trung, khiến lượng hải sản khai thác ngày càng giảm do không sinh sản kịp.

Theo Ủy ban tỉnh Bình Thuận ước tính, có khoảng 75% nguồn hải sản non bị “giã cào bay” tận diệt. Hoạt động này đã phá hoại toàn bộ thảm thực vật dưới đáy biển, làm mất các bãi cạn là nơi sinh sản của các loài cá, mực, ốc biển và lâu dài sẽ làm mất môi trường sinh sản của các loài thủy sản đặc trưng của biển Bình Thuận.

Theo Chi cục Khai thác và Bảo vệ nguồn lợi Thủy sản Quảng Trị, từ năm 2009 đến nay, tỉnh không cấp giấy phép hoạt động nghề giã cào cho tàu thuyền nào, thậm chí khi bị phát giác, tàu giã cào sẽ bị phạt nặng, thế là họ chuyển hướng hoạt động lén lút tại các ngư trường thuộc tỉnh khác – dù điều này cũng bị cấm.

Đọc bài vinh danh ngư dân của Tuổi Trẻ không thấy vui, chỉ thấy tương lai của ngư dân Việt thật ảm đạm: Ngư trường đã bị giới hạn vì tàu Trung Quốc xâm phạm, lại ngày càng thắt lại vì cách khai thác thủy hải sản tận diệt, tự mình giết mình./.

- Quảng Cáo -