Nhà đầu tư điện mặt trời, điện gió ở Việt Nam tiếp tục ‘kêu cứu’

- Quảng Cáo -

Hạ Lan (VNTB)

Lần thứ hai, các nhà đầu tư điện tái tạo lại gửi công văn kiến nghị tháo gỡ khó khăn cho các dự án chuyển tiếp nhưng chưa đàm phán được giá mua bán điện đầu vào.

Trong văn bản gửi tới Thủ tướng Chính phủ vào ngày 28-4 vừa qua, các nhà đầu tư cho biết, đến thời điểm hiện tại, đã có 28 nhà đầu tư nộp hồ sơ và đề nghị tham gia đàm phán với Công ty Mua bán điện (EVN-EPTC).

Tuy nhiên, nhiều hồ sơ nộp chưa được chấp thuận đủ điều kiện đàm phán, trong đó có một số lý do khách quan như dự án được duyệt ở Quy hoạch Điện VII đã hết hiệu lực trong khi Quy hoạch Điện VIII vẫn chưa được ban hành, hoặc tiến độ đàm phán còn rất chậm do còn thiếu các văn bản hướng dẫn cụ thể làm cơ sở để tính toán giá điện và đàm phán.

- Quảng Cáo -

Cũng theo các nhà đầu tư, việc EVN-EPTC đưa ra phương án mức giá tạm thời ≤ 50% giá trần khung giá phát điện của Quyết định 21, tức tương đương mức giá tạm cho nhà máy điện mặt trời mặt đất là 592,45 đồng/kWh; Nhà máy điện mặt trời nổi là 754,13 đồng/kWh; nhà máy điện gió trong đất liền là 793,56 đồng/kWh; nhà máy điện gió trên biển là 907,97 đồng/kWh, nếu không được hồi tố và trừ vào thời gian Hợp đồng PPA thì sẽ khiến doanh nghiệp “chết lâm sàng” và đi ngược lại hoàn toàn với chính sách khuyến khích phát triển năng lượng tái tạo và các cam kết của Chính phủ về cắt giảm khí thải carbon thông qua phát triển năng lượng tái tạo.

Các nhà đầu tư cho rằng, nếu không có cơ chế hồi tố, chưa tính tới các chi phí vận hành ngoài thiết bị tuabin như trạm biến áp, móng tuabin… thì bất kỳ nhà đầu tư nào chấp nhận giá tạm thời chắc chắn sẽ phải chấp nhận lỗ chi phí vận hành khác cũng như lỗ chi phí khấu hao, đồng thời phải tìm kiếm nguồn vốn khác bù dòng tiền hao hụt tối thiểu hơn 118 tỷ đồng/năm và không thể trả nợ gốc cho ngân hàng.

“Trong trường hợp giá tạm này được thanh toán, không hồi tố và trừ vào thời gian Hợp đồng PPA thì đây sẽ trở thành giá điện thanh toán chính thức sẽ khiến doanh nghiệp “chết lâm sàng” và đi ngược lại hoàn toàn với chính sách khuyến khích phát triển năng lượng tái tạo và các cam kết của Chính phủ về cắt giảm khí thải carbon thông qua phát triển năng lượng tái tạo”, văn bản ghi.

Hiện nay đang có 84 dự án điện gió, điện mặt trời với tổng công suất hơn 4.676 MW bị chậm tiến độ vận hành thương mại so với kế hoạch ngày 31-10-2021 (được gọi là các dự án chuyển tiếp). Trong số này có 34 dự án (28 dự án điện gió, 6 điện mặt trời) tổng công suất gần 2.091 MW đã hoàn thành thi công, thử nghiệm và bảo đảm đủ điều kiện vận hành nhưng chưa được huy động công suất.

Theo các nhà đầu tư, cần có cơ chế huy động tạm thời các dự án nhằm góp phần giảm áp lực chi phí, dòng tiền, nguy cơ phá vỡ cam kết với các tổ chức tín dụng, định chế tài chính đã tài trợ cho dự án, nặng nề hơn là nguy cơ phá sản.

Trước đó, 36 nhà đầu tư các dự án điện gió, điện mặt trời cũng đã có đơn kiến nghị gửi đến Thủ tướng Chính phủ (ngày 10-3-2023) đề xuất Chính phủ chỉ đạo xem xét lại các quy định về Khung giá phát điện nhà máy điện mặt trời, điện gió chuyển tiếp ban hành tại Quyết định số 21/QĐ-BCT ngày 07-01-2023 (Quyết định 21), Thông tư số 01/2023/TT-BCT ngày 19-01-2023 (Thông tư 01) phù hợp với thực tiễn ngành Điện nói chung và thực tế đầu tư của các dự án.

Tại văn bản kiến nghị, các nhà đầu tư đề xuất 3 phương án giá trong thời gian huy động tạm thời.

Phương án 1, EVN sẽ thanh toán cho chủ đầu tư bằng 90% giá trần của khung giá theo Quyết định 21 trong thời gian từ khi huy động cho đến khi các bên mua bán thống nhất giá cuối cùng nếu không hồi tố.

Phương án 2, EVN thanh toán cho chủ đầu tư bằng 50% giá trần của Khung giá theo Quyết định 21/QĐ-BCT ngày 07-01-2023 trong thời gian huy động tạm thời, có hồi tố (sau khi các bên mua bán thống nhất giá cuối cùng, EVN sẽ thực hiện thanh toán bằng mức giá đã thống nhất cho toàn bộ thời gian từ thời điểm dự án được huy động sản lượng).

Phương án 3, trong trường hợp giá thanh toán tạm thấp bằng 50% giá trần của Khung giá theo Quyết định 21, thì thời gian huy động tạm này không tính vào thời gian 20 năm hợp đồng mua bán điện chính thức sẽ ký giữa EVN và chủ đầu tư.

Các nhà đầu tư khẳng định, các đề xuất nêu trên đều dựa trên cơ sở dữ liệu chi phí đầu tư thực tế, tình hình đầu tư của các dự án và khả năng chịu đựng về tài chính của các nhà đầu tư; đồng thời sẵn sàng phối hợp chặt chẽ với Bộ Công thương và các cơ quan liên quan để cung cấp các hồ sơ theo quy định cho việc đàm phán giá mua bán điện.

Thực tế hiện nay đòi hỏi cả bên mua và bên bán cần thảo luận, tìm cách tháo gỡ sớm những vướng mắc về cơ chế giá. Nhà đầu tư có thể cân nhắc giảm lợi nhuận hoặc kéo dài thời gian thu hồi vốn. Nếu không, hàng ngàn tỷ đồng vốn đầu tư bị “đắp chiếu” sẽ là sự lãng phí vô cùng lớn.

Ngoài ra, đối với khung pháp lý đàm phán cũng cần phải được ban hành ngay để các dự án có thể sớm tái ký hợp đồng mua bán điện, đảm bảo cam kết về thu hồi vốn và hiệu quả tài chính cho các định chế tham gia tài trợ./.

- Quảng Cáo -