Sự hung hãn của Trung quốc đã khiến các nước Á Châu xích lại gần Washington hơn

- Quảng Cáo -

N.S.Tiến

Hồi tháng 3, 2023, Nhật Bản Thời Báo có đăng tải một bài bình luận với tựa đề là “Trung Quốc đã đánh mất Á Châu như thế nào?” Bài nhận định đưa ra những bằng chứng cho thấy chính vì sự hung hãn, hà hiếp các nước láng giềng của Trung Quốc đã khiến cho các nước này xích lại gần Hoa Kỳ hơn.

Ngay từ thuở ban đầu, trên bàn cờ chính trị quốc tế, các nước nhược tiểu luôn phải đương đầu với các thử thách đáng kể để tìm một hướng đi cho mình giữa những cạnh tranh quyền lực của các cường quốc. Ngày nay thế địa chính trị giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc đã buộc các nước trong khu vực phải cố cân bằng giữa hai thế lực. Nghiêng về bên nào còn tùy thuộc vào hoàn cảnh nội tại và các yếu tố từ bên ngoài.

Hãy xem xét trường hợp Phillipines. Một quốc gia có nhu cầu duy trì cả mối quan hệ kinh tế ngày càng phát triển với Trung Quốc, đồng thời cũng phải giữ liên minh an ninh với Hoa Kỳ đã có từ nữa thế kỷ qua. Ngay sau khi đắc cử vào năm 2016, tổng thống Duterte đã chọn chiến lược đẩy mạnh việc giao thương với Trung Quốc, và nguội lạnh hơn trong quan hệ với Hoa Kỳ.

- Quảng Cáo -

Với chiến lược này, Duterte đã cố huy động các nguồn đầu tư vào chương trình xây dựng cơ sở hạ tầng của mình, đồng thời ông cũng cho rằng mối quan hệ chặt chẽ này sẽ giảm thiểu được các hành vi hung hãn của Bắc Kinh ở Biển Đông. Thế nhưng, đời không như là mơ, Khi nhiệm kỳ tổng thống của Duterte kết thúc vào tháng 6 năm ngoái, Trung Quốc mới chỉ chuyển giao chưa đầy 5% trong số 24 tỷ USD mà họ đã cam kết đầu tư, và các hành động khiêu khích của họ ở Biển Đông, bao gồm một phần vùng đặc quyền kinh tế của Philippines, vẫn không hề suy giảm.

Người kế nhiệm Duterte, Tổng thống Ferdinand Marcos, Jr., đã thận trọng hơn. Những lo ngại về tranh chấp lãnh thổ lại bùng phát bởi những yêu sách của Trung Quốc trong vùng tranh chấp đã khiến ông tái khẳng định và nâng cao các hợp tác quân sự với Hoa Kỳ. Cụ thể, Phillipines đã nâng số căn cứ quân sự Mỹ được xử dụng từ 5 lên 9. Trong số này có những căn cứ nằm gần vùng tranh chấp ở Biển Đông. Lính Mỹ sẽ thường xuyên tuần tra chung quanh các căn cứ được chỉ định và đôi bên cũng đồng ý mở lại các cuộc tuần tra chung, sau khi bị gián đoạn suốt 6 năm dưới thời Duterte.

Ngoài đồng minh Hoa Kỳ, Philippines gần đây đã đồng ý tăng cường quan hệ quốc phòng với Nhật Bản qua việc việc quân đội Nhật Bản được quyền tiếp cận nhiều sâu hơn vào lãnh hải Philippines để huấn luyện và tiếp vận.

Vào ngày 7 tháng 2, đã diễn ra buổi hội thảo về Hàng Hải đầu tiên giữa Philippines và Anh Quốc nhằm đưa đến những hợp tác chặt chẽ hơn giữa hai nước.

Hai tuần sau đó, Bộ trưởng Quốc phòng Philippines đã đồng ý với đối tác của mình tại Australia để hình thành một “mối liên hệ quốc phòng chiến lược” – có thể bao gồm tuần tra chung ở Biển Đông.

Do đó, Philippines đang dần trở thành một đối tác then chốt trong hợp tác quân sự giữa các nước dân chủ Đông Nam Á. Điều này mang lại lợi ích chiến lược rất quan trọng cho Mỹ. Vô hình chung Trung Quốc đã vừa thất bại trong nỗ lực áp đặc ý chí và yêu sách của mình lên các nước láng giềng, vừa là nguyên nhân nảy sinh ra một liên minh chống lại họ tại Ấn Độ Dương.

Chắc chắn những điểm này đúng trong trường hợp của Nam Hàn. Vào Năm 2016, khi Bắc Hàn leo thang các đe dọa, Nam Hàn đã đồng ý triển khai hệ thống phòng thủ tên lửa chống đạn THAAD của Mỹ trên lãnh thổ của mình. Sau đó, Bắc Kinh đã áp dụng các lệnh trừng phạt kinh tế với Nam Hàn khiến dư luận dân chúng Nam Hàn đột ngột chuyển hướng chống lại Trung Quốc.

Phần nào đó, do sự chống đối mạnh mẽ của dân chúng, Tổng thống Yoon Suk-yeol, giống như Marcos, đã cố gắng tăng cường liên minh với Mỹ. Ông cũng đang cố cải thiện mối quan hệ căng thẳng lâu dài với Nhật Bản, thông qua việc thông báo kế hoạch bồi thường cho người Hàn Quốc đã bị cưỡng bách lao động dưới thời thuộc địa của Nhật Bản trong Thế chiến II.

Trung Quốc đã đẩy mạnh các biện pháp trừng phạt kinh tế với Úc, sau khi nước này kêu gọi phải có một cuộc điều tra độc lập về nguồn gốc của COVID-19. Việc này đã làm cho chính phủ Úc định hướng lại chính sách đối ngoại với Trung Quốc. Và vào tháng 9, 2021, AUKUS đã ra đời. Đây là nhóm “đối tác an ninh nâng cao” giữa Australia, Anh Quốc, và Hoa Kỳ. Úc cũng tham gia vào nhóm “Đối Thoại Anh Ninh Tứ Giác” bao gồm Australia, Ấn Độ, Nhật Bản và Hoa Kỳ.

Tất cả các biện pháp này đều nhằm tăng cường an ninh, nhưng chúng cũng tiềm ẩn những rủi ro. Trong cuốn sách nhan đề “Ngoại giao” xuất bản năm 1995, cựu Ngoại trưởng Hoa Kỳ Henry Kissinger đã lập luận rằng chính sự kết hợp giữa “sự hiếu chiến” và “sự thiếu quyết đoán” của các nhà lãnh đạo Đế quốc Đức đã “khiến đất nước của họ trước tiên là bị cô lập và sau đó là chiến tranh”. Theo quan điểm của ông, Chiến tranh thế giới thứ nhất bùng nổ một phần là do các nhà lãnh đạo “bị ảnh hưởng bởi cảm xúc nhất thời và bị cản trở bởi sự thiếu nhạy cảm đặc biệt đối với tâm lý ngoại lai”. Một biến chuyển tương tự có thể đang diễn ra hôm nay.

Muốn lịch sử đen tối của thế kỷ 20 không lặp lại đòi hỏi sự phán xét đúng đắn từ cả hai phía. Trung Quốc phải nhận ra nỗi sợ hãi mà họ đã kích động bằng hành động bắt nạt và các nước dân chủ trên khắp Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương phải thận trọng để bảo đảm rằng các phản ứng của họ không làm gia tăng căng thẳng quá mức. Nếu không, chúng ta sẽ bước những bước mộng du vào thảm họa./.

- Quảng Cáo -