Tiến sĩ Âu Dương Thệ: Việt Nam có thể thoát Trung và thoát cả chế độ độc tài toàn trị!

- Quảng Cáo -

Diễm Thi – RFA

Một số chuyên gia chính trị nhận định, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đang lợi dụng cuộc chiến Nga xâm lược Ukraine để gia tăng áp lực với Tổng bí thư Đảng Cộng Sản Việt Nam Nguyễn Phú Trọng. Diễm Thi phỏng vấn Tiến sĩ Âu Dương Thệ, một chuyên gia về chính trị Việt Nam, hiện đang cư ngụ tại Cộng Hòa Liên Bang Đức về vấn đề này.

Diễm Thi: Cuộc chiến tranh xâm lược Ukraine của Nga, với người đứng đầu là Tổng thống Putin, đã ảnh hưởng đến nhiều quốc gia trên thế giới. Theo nhận định của ông, cuộc chiến này ảnh hưởng đến Việt Nam ra sao, thưa tiến sĩ?

Tiến sĩ Âu Dương Thệ: Cuộc chiến tranh xâm lược Ukraine của nhà độc tài Putin thực hiện trên một năm nay đang trở thành nóng bỏng nhất và đe dọa trật tự và hòa bình thế giới từ sau khi chiến tranh lạnh chấm dứt giữa Đông và Tây, giữa cộng sản và tư bản khi Liên xô sụp đổ đầu thập niên 90 thế kỷ trước!

- Quảng Cáo -

Putin đang đẩy Nga vào một tình thế cực kỳ lưỡng nan: Bị phong toả kinh tế, bị cô lập ngoại giao. Không những thế còn đang bị Tập Cận Bình lợi dụng để tạo thế cò hến tranh nhau ngư ông biển lợi. Chuyến gặp Putin tại Mạc tư khoa gần đây của họ Tập và Bộ trưởng quốc phòng Trung Quốc để lộ khá rõ ý đồ này.

Mới đây, Tập Cận Bình tại Hội nghị Giáo dục đã tiếp tục nhồi sọ chủ nghĩa dân tộc cực đoan cho thanh thiếu niên Trung Quốc nên đã lập lại tham vọng đế quốc của thời Đại Hán: “Không ngừng nâng cao năng lực cầm quyền và trình độ lãnh đạo của Đảng, ngưng tụ sức mạnh tiến lên trên hành trình mới, phấn đấu vươn lên, anh dũng tiến bước, đoàn kết phấn đấu vì xây dựng toàn diện đất nước xã hội chủ nghĩa hiện đại, thúc đẩy toàn diện sự phục hưng vĩ đại của dân tộc Trung Hoa.”

Nếu Nga càng sa lầy trong cuộc chiến ở Ukraine thì Bắc Kinh không chỉ lợi dụng thêm mà có thể còn gây sức ép để Putin còn phải nhượng bộ Bắc Kinh cả trong một số lãnh vực kinh tế và quốc phòng, thoạt nhìn ngoài tưởng như không quan trọng, như ép Putin rút khỏi khai thác dầu khí với Việt Nam trên biển Đông. Khi đó Bắc Kinh có thể tăng cường và mở rộng áp lực quân sự với Việt Nam trên Biển Đông.

Diễm Thi: Thưa tiến sĩ, Trung Quốc gần đây có động thái hay phát ngôn gì, mà theo ông, đã đe dọa trực tiếp Việt Nam?

Tiến sĩ Âu Dương Thệ: Mới đây vào cuối tháng 4, trong buổi tiếp phái đoàn bà Trương Thị Mai, Ủy viên Bộ chính trị, Thường trực Ban bí thư và Trưởng ban Tổ chức Trung ương, ông Tập Cận Bình đã lên giọng vừa dụ dỗ vừa đe dọa: “Năm nay hai nước kỷ niệm 15 năm quan hệ đối tác hợp tác chiến lược toàn diện, Đảng, Nhà nước Trung Quốc hết sức coi trọng quan hệ giữa hai Đảng, hai nước, sẵn sàng cùng với Đảng, Nhà nước Việt Nam không ngừng tăng cường mối quan hệ hữu nghị, tin cậy chính trị và đoàn kết giữa hai nước, đưa quan hệ hợp tác trên các lĩnh vực ngày càng đi vào chiều sâu, thiết thực, hiệu quả.”

Riêng bà Trương Thị Mai đã cho biết, Nguyễn Phú Trọng mời Tập Cận Bình sang thăm Việt Nam trong năm nay để kỷ niệm 15 năm quan hệ đối tác hợp tác chiến lược toàn diện.

Các nguồn tin Tây phương mới nhất cho biết, mới vài ngày trước, hai tàu tuần duyên và 11 tàu đánh cá hộ tống một tàu gọi là nghiên cứu của Trung Quốc đã vào lô 04-03 của Vietsovpetro, một liên doanh giữa một công ty dầu khí của Nga và PetroVietnam.

Việc này đã xảy ra tiếp theo các hành động gần đây của Bắc Kinh trong vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) của Việt Nam và các nước Đông nam Á, khi Bắc Kinh thúc đẩy tuyên bố chủ quyền đối với Biển Đông.

Trước đây vài tuần, Tập Cận Bình đã thăm Quảng Đông và các đơn vị quân đội Trung Quốc giữ trách nhiệm kiểm soát và theo dõi trên biển Đông. Tại đây ông nhấn mạnh, Trung Quốc phải tăng cường sức mạnh ở biển Đông. Hiện nay Tập Cận Bình cũng gia tăng đe dọa dùng quân sự xâm chiếm Đài Loan.

Diễm Thi: Với việc xâm lược Ukraine, Nga bị các quốc gia phương tây trừng phạt về kinh tế, tẩy chay về mặt ngoại giao, đồng thời ủng hộ Ukraine về mặt quân sự. Việt Nam bị ảnh hưởng ra sao, thưa tiến sĩ?

Tiến sĩ Âu Dương Thệ: Sau hơn một năm mở cuộc chiến xâm lược Ukraine nhưng Putin không đạt được những mục tiêu đã đề ra là làm chính quyền Ukraine dưới sự lãnh đạo của Tổng thống Zelensky phải đầu hàng. Nhưng trái lại quân đội và nhân dân Ukraine đã đoàn kết một lòng chống lại Putin. Khiến quân đội Nga bị tổn thất rất cao về sinh mạng và tài sản. Putin phải ban hành lệnh động viên từng phần, nhưng hàng vạn thanh niên Nga đã chống lại và chạy sang các nước lân bang.

Cho tới nay các biện pháp tẩy chay ngoại giao, phong tỏa kinh tế, thương mại của Hoa Kỳ, EU và NATO chống lại Putin tương đối thành công. Vấn đề trong tương lai là, về tương quan lực lượng trên các lãnh vực quân sự, ngoại giao, kinh tế, thương mại thì bên nào có chiến lược khôn ngoan, có sức dài hơi, được sự ủng hộ của nhân dân trong nước và thế giới thì sẽ thành công!

Tình hình hoàn toàn bất lợi này cho Nga, càng khiến cho Putin phải lúng túng và càng phải dựa vào Trung Quốc nhiều hơn. Tập Cận Bình đang nhận rõ ra thời cơ thuận lợi để ép Putin phải để Trung Quốc gia tăng áp lực với Việt Nam trên biển Đông.

Diễm Thi: Theo nhận định của Tiến sĩ thì Bắc kinh đang gia tăng áp lực lên chính quyền Hà Nội. Ông có thể giải thích lý do?

Tiến sĩ Âu Dương Thệ: Việt Nam ngày càng lệ thuộc kinh tế và thương mại vào Trung Quốc. Mới đây đài Bắc kinh đã cho biết, “Trung Quốc trở thành đối tác thương mại lớn nhất của Việt Nam trong hơn 10 năm liền, Việt Nam đã vượt Malaysia, trở thành đối tác thương mại lớn nhất của Trung Quốc trong ASEAN và đối tác thương mại lớn thứ tư của Trung Quốc trên quy mô toàn cầu trong năm 2022”. Nghĩa là đối với cộng sản Việt Nam, khi dạ dày đói thì phải chạy đi xin, chịu thân phận làm tôi đòi!

Đặc biệt không những thế, Bắc Kinh biết rằng, khả năng phòng thủ của Việt Nam ngày càng bị giới hạn. Bởi vì Việt Nam lệ thuộc rất lớn vào võ khí từ Nga. Từ nhiều năm nay, Nga là nước xuất cảng võ khí chiến lược nhiều nhất cho Việt Nam. Trong điều kiện hiện nay, Nga còn đang gặp khó khăn lớn vì thiếu võ khí ngay cho chiến trường Ukraine, thì làm sao lại có thể thỏa mãn những yêu cầu của Hà Nội!

Thế thượng phong của Bắc Kinh càng gia tăng thì sức ép của họ càng gia tăng lên Hà Nội, nhất là khi Tập Cận Bình đang theo đuổi mộng bành trướng trên biển Đông. Khi ấy Hà nội phải chọn lựa, liệu có thể trung lập ‘đu dây’ giữa Hoa Kỳ và Bắc kinh mãi được không?

Diễm Thi: Chủ trương chính sách đối ngoại của Việt Nam được coi là “đu dây” giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc. Với tình hình chính trị thế giới hiện nay, theo nhận định của tiến sĩ, liệu Việt Nam có thể đứng vững với chính sách “đu dây” hiện nay hay không, thưa ông?

Tiến sĩ Âu Dương Thệ: Ai theo dõi sát tình hình thời sự Việt Nam hiện nay đều biết rằng, sự tranh chấp giữa các phe trong Đảng đang dẫn tới khủng hoảng chính trị ngay trong “cung đình đỏ” cộng sản Việt Nam ngày càng gia tăng. Chưa có thời kỳ nào sự tranh chấp giữa các phe phái kịch liệt công khai như hiện nay.

Chỉ từ giữa năm 2022 tới đầu năm nay, để tìm cách cứu chính mình, ông Nguyễn Phú Trọng đã phải ra tay tổ chức bốn Hội nghị Trung ương bất thường, bốn kỳ họp Quốc hội bất thường để cách chức Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc, hai Phó Thủ tướng và nhiều cán bộ cao cấp. Nguyên nhân chính vì chính ông Nguyễn Phú Trọng đã cực kì vô trách nhiệm và vô lương tâm trong đại dịch COVID-19 suốt trong các năm 2020- 2022.

Giữa lúc đại dịch đe dọa hàng triệu nhân dân, nhất là trong các thành phố lớn và các trung tâm kinh tế, nhiều lãnh đạo từ trong Bộ chính trị, Ban chấp hành Trung ương và Chính phủ đã lợi dụng làm giàu khiến bùng nổ nạn tham nhũng có hệ thống trong vụ Việt-Á và các “chuyến bay giải cứu”.

Trong khi ấy, Nguyễn Phú Trọng trong tư cách Tổng bí thư, Chủ tịch nước và Trưởng ban Trung ương phòng chống tham nhũng tiêu cực lại vẫn nhắm mắt đặt tay ký Quyết định số 264/QĐ-CTN (ngày 10 tháng 3 năm 2021) “Tặng Huân chương lao động hạng ba cho công ty Việt Á có thành tích xuất sắc trong việc thực hiện các công tác phòng, chống dịch COVID-19”.

Mới đây, ngày 2 tháng 5, nhiều tổ chức Xã hội dân sự có uy tín và nhiều người dân chủ có tên tuổi đã ra “Tuyên bố: phản đối Trung Quốc vi phạm chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán của Việt Nam trên Biển Đông”. Yêu cầu nhà cầm quyền Bắc kinh phải chấm dứt các hành động trái phép cấm ngư dân Việt Nam bắt cá trên biển Đông, hay ngăn cản Việt Nam khai thác dầu khí trên thềm lục địa Việt Nam.

Đồng thời còn đòi hỏi nhà cầm quyền Trung Quốc phải tôn trọng Phán quyết của Tòa án Trọng tài Quốc tế 12/7/2016 đã phủ nhận rằng, đường chín đoạn mà Trung Quốc tuyên bố là chủ quyền của họ, với ranh giới bao phủ gần 80% Biển Đông, là bất hợp pháp. Nhưng tới nay Bắc Kinh vẫn phớt lờ phán quyết trên và tiếp tục tăng cường sự hiện diện của mình tại các vùng lãnh thổ tranh chấp.

Ai cũng thấy người đứng đầu Đảng cộng sản Việt Nam đang áp dụng chính sách trong nước thì đàn áp nhân dân, với Bắc Kinh lại chỉ biết cúi đầu. Hiện nay tình hình trong nước và trên thế giới đang mở ra cơ hội vàng lần thứ ba cho đất nước ta. Nó đang tiến tới sừng sững trước mắt cho toàn dân tộc ta. Mọi người, mọi tổ chức dân chủ ở trong và ngoài nước, kể cả các đảng viên cộng sản tiến bộ, phải biết nắm cơ hội không thể để mất như hai lần trước đây sau 30/4/1975 và sau khi Liên Xô sụp đổ 1991.

Đất nước đang đứng trước cơ hội mới, có thể thoát Trung và thoát cả chế độ độc tài toàn trị!

Diễm Thi: Cảm ơn tiến sĩ đã dành thời gian cho RFA.

- Quảng Cáo -