Đảng tồn tại… để làm gì?

- Quảng Cáo -

Hiếu Chân (SGN)

Đảng Cộng sản Việt Nam (CSVN) tổ chức hội nghị trung ương 7 khóa 13 trong ba ngày 15, 16 và 17 tháng Năm tại Hà Nội để “xem xét cho ý kiến về các nội dung: Báo cáo kiểm điểm sự lãnh đạo, chỉ đạo của Bộ Chính trị, Ban Bí thư giữa nhiệm kỳ và một số nhiệm vụ trọng tâm đến hết nhiệm kỳ Đại hội XIII của Đảng; lấy phiếu tín nhiệm của Ban Chấp hành Trung ương đối với các đồng chí Uỷ viên Bộ Chính trị, Ban Bí thư khoá XIII và một số vấn đề quan trọng khác” theo trang tin báo điện tử Chính phủ.

Hội nghị là sinh hoạt nội bộ của đảng, nhưng chi phí ăn ngủ đi lại họp hành của gần 300 ủy viên trung ương và đội ngũ phục vụ họ thì phải do ngân sách nhà nước chi trả. Hội nghị mất ba ngày để các ông bà ủy viên trung ương “phê bình kiểm điểm” và đánh giá “tín nhiệm, tín nhiệm thấp, tín nhiệm cao” các quan chức cấp trên của họ trong ban bí thư và bộ chính trị, rồi sau đó ai về nhà nấy, mọi chuyện “vũ như cẩn” cho tới hội nghị sau.

Có bao giờ người dân thắc mắc, những hội nghị như vậy của đảng có ích lợi gì mà phải tiêu tốn một đống tiền thuế của dân, hoạt động của guồng máy chính quyền bị đình trệ vì những quan chức lãnh đạo bận hội nghị? Nghĩ rộng ra, đảng tồn tại để làm gì? Có thật cần thiết cho dân cho nước?

- Quảng Cáo -

Ừ thì đảng lãnh đạo toàn diện và tuyệt đối. Ừ thì dân đừng lo, để đảng và nhà nước lo cho. Đảng lúc nào cũng nhồi nhét vào đầu dân rằng, “đảng ta” không có lợi ích nào khác ngoài lợi ích của dân tộc? Nhưng có thật vậy không?

Tại thời điểm đảng CSVN họp hội nghị trung ương ở Hà Nội để phê bình nhau, đất nước đang rơi vào tình cảnh khốn khó mà những ai ưu thời mẫn thế, quan tâm tới vận mệnh dân tộc không thể không lo lắng mất ăn mất ngủ.

Trên biển Đông, truyền thông quốc tế và Trung Quốc đều loan tin về vụ đối đầu mới nhất giữa các tàu Việt Nam và Trung Quốc trong vùng đặc quyền kinh tế Việt Nam. Bắc Kinh đã đưa tàu khảo sát Hướng Dương Hồng 10, được một chục tàu hải cảnh và tàu dân quân biển hộ vệ, “đi sâu vào vùng đặc quyền kinh tế Việt Nam, với phạm vi hoạt động trải dài đã gần 300 hải lý, xuống rất sâu vào khu vực hoạt động dầu khí vốn đã lâu năm của Việt Nam, và có thời điểm chỉ cách bờ biển Phan Rang dưới 90 hải lý” theo trang tin Đại sự ký Biển Đông. Hãng tin Anh Reuters ngày 11 tháng Năm ghi nhận, nhóm tàu Trung Quốc đi vào lô dầu khí 04-03 do liên doanh Vietsovpetro (Việt Nga) khai thác và các lô 05-1B, 05-1C do Idemitsu của Nhật Bản vận hành.

Chuyện tàu Trung Quốc đi vào vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam và các quốc gia khác không phải là mới, nhưng lần này, hoạt động của Trung Quốc được các chuyên gia quốc tế nhận định là “bất thường”, không chỉ vì số lượng lớn tàu hải cảnh và tàu dân quân biển tham gia mà còn bởi phạm vi hoạt động của chúng lấn sâu vào các khu vực khai thác dầu khí đang hoạt động của Việt Nam, liên doanh với các nước khác. Khi được báo chí chất vấn về diễn biến mới này, Bộ Ngoại giao Trung Quốc trả lời ráo hoảnh: “những hoạt động đó là bình thường”. “Các tàu đánh cá và nghiên cứu khoa học của Trung Quốc đang thực hiện sản xuất bình thường và các hoạt động diễn ra trong các vùng biển thuộc quyền tài phán của Trung Quốc,” Bộ này nói. “Dường như [hoạt động đó] gửi một tín hiệu về quyền tài phán của Trung Quốc trên các hoạt động dầu khí của Việt Nam,” chuyên gia Ray Powell, phụ trách dự án Myoushu về Biển Đông của Đại học Stanford ở California nhận định.

Đảng CSVN – người lãnh đạo toàn diện – chẳng những im hơi lặng tiếng mà còn cấm báo chí trong nước đưa tin về sự lấn chiếm và gây hấn của Trung Quốc! Có lẽ vì đảng sợ Trung Quốc, hoặc đảng đang bận hội nghị trung ương 7.

Trên bờ, Lào đang tổ chức tập trận chung với quân đội Trung Quốc ở phía tây dải Trường Sơn từ ngày 9 đến 28 tháng Năm, trong cái gọi là cuộc tập trận “Lá chắn Hữu nghị 2023” và cũng vừa hoàn tất các cuộc tập trận chung đầu tiên với Cambodia trên vùng biển phía nam nước này, không xa đảo Phú Quốc và bờ biển phía Tây Việt Nam. Truyền thông quốc tế cũng đã nhiều lần cảnh báo mối nguy của Việt Nam khi quân đội Trung Quốc xây dựng căn cứ hải quân ở Ream và sân bay quân sự Dara Sakor gần đó trong tỉnh Koh Kong miền nam Cambodia.

Hai gọng kìm kẹp chặt Việt Nam từ hai hướng đông tây đang được Trung Quốc ráo riết đẩy mạnh. Có người cho rằng, Bắc Kinh đang chơi chiến thuật “giương đông kích tây” trong binh pháp Tôn Tử, làm ra vẻ như chuẩn bị tấn công Đài Loan nhưng thực ra muốn chiếm Việt Nam, ít nhất là chiếm toàn bộ quần đảo Trường Sa để cắt đứt sinh lộ của một đất nước mà họ đã từng đòi “dạy cho một bài học”.

Trước âm mưu thôn tính đó, đảng CSVN đã làm gì? Thay vì củng cố lực lượng, xây dựng liên minh với các cường quốc như Phi Luật Tân đang làm, đảng CSVN cử những quan chức cao cấp nhất sang Bắc Kinh triều cống và tụng niệm “16 chữ vàng, bốn tốt”, phụ họa cái luận điệu “cộng đồng chung vận mệnh” của tên đại ma đầu Tập Cận Bình!

Hồi đầu năm, chúng tôi đã cảnh báo năm Con Mèo kinh tế Việt Nam sẽ khốn đốn. Bây giờ thì tình thế đã khá bi đát. Báo chí liên tiếp loan tải những tin không vui về hàng loạt công ty nhà máy đóng cửa ngừng hoạt động, hàng chục ngàn công nhân bị sa thải, hàng ngàn người tụ tập trước các chi nhánh ngân hàng đòi những đồng tiền tiết kiệm ít ỏi của họ, đòi lãnh tiền thất nghiệp… Những ngành hàng trước đây là thế mạnh xuất khẩu của Việt Nam như da giày, dệt may, thủy hải sản đều đang “rơi tự do” trong bốn tháng đầu năm – chữ dùng của đài VOA.

Đằng sau những tin không vui đó là nỗi khốn cùng của người lao động, của nông dân và công nhân, vốn đã cùng khốn sau những năm đại dịch.

Đảng CSVN đã làm gì? Từ đầu năm đến nay, đảng tổ chức từ hội nghị này đến hội nghị khác, từ hội nghị bình thường tới hội nghị bất thường. Chỉ để phê bình kiểm điểm nhau, loại bỏ phe cánh này, đề bạt thành phần kia, chủ yếu để chia chác quyền lợi trên đầu trên cổ người dân dưới chiêu bài “xây dựng, chỉnh đốn đảng”. Chưa bao giờ mà cuộc đấu đá, tranh giành trên thượng tầng của đảng CSVN lại quyết liệt, m.áu me như thời gian qua.

Thay vì tìm những chiến lược, chính sách đưa đất nước thoát ra khỏi nghịch cảnh thì đảng CSVN chỉ tập trung tìm cách củng cố quyền cai trị. Cũng chưa bao giờ mà guồng máy “bạo lực” của đảng hoạt động hết công suất, trấn áp quyết liệt những tiếng nói đối kháng trong đảng và ngoài xã hội như thời gian qua. Chỉnh đốn đảng để làm gì khi đảng đã hoàn toàn quay lưng với thực tế đau thương của cuộc sống người dân và tình cảnh thập phần nguy hiểm của đất nước?

Karl Marx, ông tổ cộng sản, từng nhận định: “Chỉ có loài cầm thú mới quay lưng với nỗi đau của đồng loại để chăm lo cho bộ lông của riêng mình”. Ông Marx chắc không ngờ cái phong trào cộng sản mà ông khai sinh năm 1848 dưới khẩu hiệu “Vô sản toàn thế giới đoàn kết lại”, bây giờ lại bị tha hóa, đổ đốn như lời cảnh báo của ông hơn một trăm năm mươi năm trước./.

- Quảng Cáo -