Năm điểm chính của hội nghị thượng đỉnh G7

20 May 2023, Japan, Hiroshima: G7 Summit in Hiroshima. Photo: Michael Kappeler/dpa (Photo by Michael Kappeler/picture alliance via Getty Images)
- Quảng Cáo -

Bình Phương (SGN)

Hội nghị thượng đỉnh nhóm bảy nước công nghiệp phát triển G7 đã kết thúc sau ba ngày làm việc, từ 19 đến 21 tháng Năm 2023 tại Hiroshima, miền tây Nhật Bản. Hiroshima là thành phố đầu tiên trên thế giới bị tấn công bằng bom nguyên tử vào tháng Tám 1945, nay là nơi hội họp của nguyên thủ các nước lớn vào lúc bóng ma chiến tranh nguyên tử đang đe dọa nhân loại với cuộc xâm lược Ukraine của Nga.

Ngoài các thành viên thông thường – Hoa Kỳ, Nhật Bản, Anh, Pháp, Đức, Ý, Canada và Liên minh châu Âu – hội nghị G7 năm nay mời nhiều lãnh đạo của các quốc gia khác, trong đó có Úc, Ấn Độ, Brazil, Indonesia, Hàn Quốc và Việt Nam. Nhưng điểm thu hút lớn nhất là sự xuất hiện của Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky.

Dưới đây là năm điểm rút ra từ sự kiện ngày 19-21 tháng 5:

- Quảng Cáo -

Zelensky nổi bật

Sự xuất hiện trực tiếp không báo trước của Tổng thống Zelensky mang đến cho hội nghị Hiroshima một số khoảnh khắc sôi nổi nhất, khi ông phát biểu thay mặt cho một quốc gia đang bị đe dọa bằng vũ khí nguyên tử tại một thành phố biểu tượng cho sức hủy diệt của bom nguyên tử.

Nhà lãnh đạo Ukraine đã tới hội nghị để kêu gọi một số nhà lãnh đạo có ảnh hưởng nhất thế giới tăng cường viện trợ quân sự cho đất nước ông để ngăn chặn cuộc xâm lược của Nga.

Zelensky đã gặp Tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden. Ông Biden nói rằng G7 “hậu thuẫn cho Ukraine” và cho biết “chúng tôi rất ấn tượng với những gì các bạn đã làm cho đến nay.” Ông Biden được biết đã bật đèn xanh cho việc cung cấp cho Ukraine chiến đấu cơ F-16, một trong những mẫu phi cơ chiến đấu tân tiến nhất, và đã cho phép quân đội Hoa Kỳ mở lớp huấn luyện phi công Ukraine sử dụng loại chiến đấu cơ này bất chấp sự phản đối mạnh mẽ của Nga. Kremlin nói việc cung cấp F-16 cho Ukraine có nghĩa là leo thang chiến tranh và Nga sẽ có biện pháp trả đũa.

Tổng thống Ukraine cũng đã gặp Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi. Ấn Độ, cùng với Brazil, là một trong những quốc gia đã không lên án cuộc xâm lược Nga. Kể từ khi bắt đầu cuộc chiến ở Ukraine, Ấn Độ đã gia tăng thương mại với Nga, đặc biệt là nhập khẩu dầu mỏ của Nga, từ đó làm giảm tác động của các biện pháp trừng phạt quốc tế.

“De-risk” và “Not Decouple” là gì?

Thành quả chính của cuộc họp là G7 đã lần đầu tiên thông qua một tài liệu độc lập về an ninh kinh tế và thiết lập một khuôn khổ mới để chống lại sự ép buộc kinh tế của các quốc gia như Trung Quốc.

Khuôn khổ này được mệnh danh là “Nền tảng điều phối về cưỡng chế kinh tế”, tuy không nêu tên Trung Quốc nhưng trọng tâm nằm ở chỗ Liên Âu (EU) đồng hành cùng Mỹ, Canada và Nhật Bản có chính sách cứng rắn hơn với các đường lối duy lợi (mercantilist) của Trung Quốc.

Các nhà lãnh đạo G7 lưu ý, trong khi các thành viên hành động vì lợi ích quốc gia của riêng họ, thì một cách tiếp cận chung đối với Trung Quốc sẽ làm nền tảng cho các mối quan hệ tương ứng của họ. Thông cáo khẳng định sự cần thiết phải loại bỏ rủi ro (de-risk) [do quá phụ thuộc vào thị trường Trung Quốc],  nhưng không tách rời (not decouple) khỏi nền kinh tế lớn thứ hai thế giới.

“Các cách tiếp cận chính sách của chúng tôi không được thiết kế để gây hại cho Trung Quốc và chúng tôi cũng không tìm cách cản trở sự phát triển và tiến bộ kinh tế của Trung Quốc. Một Trung Quốc đang phát triển tuân theo các quy tắc quốc tế sẽ có lợi cho toàn cầu,” thông cáo chung của hội nghị viết.

Thông cáo chung cũng đề cập đến sự hợp tác với Bắc Kinh, nói rằng G7 sẵn sàng xây dựng các mối quan hệ mang tính xây dựng và ổn định với Trung Quốc nhưng yêu cầu Trung Quốc phải tuân theo các quy tắc quốc tế, kêu gọi Trung Quốc tham gia với G7 trong các lĩnh vực như khủng hoảng khí hậu và đa dạng sinh học, bảo tồn tài nguyên thiên nhiên, giải quyết các nhu cầu tài chính và bền vững nợ của các quốc gia dễ bị tổn thương.

Hôm thứ Bảy, Cố vấn An ninh Quốc gia Hoa Kỳ Jake Sullivan nói với các phóng viên: “G7 lưu ý rằng mỗi quốc gia có mối quan hệ và cách tiếp cận độc lập riêng [đối với Trung Quốc], nhưng chúng tôi thống nhất và liên kết xung quanh một tập hợp các yếu tố chung.” Sự ra đời khuôn khổ chính sách chung, theo ông Sullivan, là kết quả hai năm rưỡi tham vấn giữa các thành viên G7 kể từ khi ông Joe Biden lên nắm quyền tổng thống Hoa Kỳ. “Đây là một chính sách phức tạp đa chiều cho một mối quan hệ phức tạp với một quốc gia thực sự quan trọng,” ông Sullivan nói.

Lập trường của EU đối với Bắc Kinh đã có sự thay đổi lớn sau khi Trung Quốc gây sức ép thương mại với Lithuania, một thành viên EU, vì nước này ủng hộ Đài Loan.

Hướng tới Nam Bán Cầu 

Tám quốc gia, chủ yếu là các nền kinh tế mới nổi, đã tham gia hội nghị thượng đỉnh G7, đặc biệt là Ấn Độ và Brazil, chủ tịch hiện tại và tiếp theo của Nhóm 20 nền kinh tế lớn nhất (G20). Indonesia – nước chủ tịch ASEAN, quần đảo Comoros – chủ tịch Liên hiệp châu Phi; quần đảo Cook Islands – chủ tịch Diễn đàn Quần đảo Thái Bình Dương, và Việt Nam – nước có quan hệ thương mại mật thiết với Trung Quốc, nhưng cũng là nước có nhiều tranh chấp trên biển với Bắc Kinh, đã tham gia hội nghị như là đại diện cho các quốc gia kém phát triển hơn ở Nam Bán Cầu (Global South) – một khu vực mà các cường quốc đang tìm cách gây ảnh hưởng.

Denisse Rudich, giám đốc Nhóm nghiên cứu G7 tại Đại học Toronto, cho biết: “Ấn Độ và Brazil là hai trong số những nền kinh tế mới nổi lớn nhất trên thế giới mà G7 có thể thu hút nhằm đa dạng hóa”, khi G7 cố gắng giảm thiểu rủi ro kinh tế do Trung Quốc gây ra.

Yogesh Gupta, cựu đại sứ Ấn Độ cho biết, sự tham gia của Ấn Độ cũng giúp “G7 có được cái nhìn trực tiếp về các ưu tiên của các nước đang phát triển”. Đây là năm thứ năm liên tiếp Ấn Độ được mời tham gia hội nghị thượng đỉnh G7.

G7 vẫn chiếm khoảng một nửa GDP toàn cầu, nhưng các nước Nam Bán Cầu đang mở rộng thị phần nhờ dân số trẻ hơn và các nước G7 đang cạnh tranh với Trung Quốc để giành ảnh hưởng ở đó.

Theo một nguồn tin của EU, G7 mang đến Global South mối quan hệ đối tác “đôi bên cùng có lợi”, thông qua đầu tư vào công nghệ, trái ngược với mối quan hệ khai thác tài nguyên mà Trung Quốc theo đuổi. Tuy nhiên, quan chức này thừa nhận rằng G7 còn nhiều việc phải làm về vấn đề này. Thu hút Ấn Độ và Brazil không dễ vì hai nước này, cùng với Nam Phi và Nga là các thành viên trong nhóm BRICS năm nước mà Trung Quốc gần như là trung tâm.

Đài Loan cần ổn định

Trung Quốc là vấn đề trung tâm trong suốt các cuộc thảo luận trong nửa đầu của cuộc họp G7, trước khi ông Zelensky đến. Ngoài vấn đề cưỡng bức kinh tế của Trung Quốc, tương lai của Đài Loan cũng trở thành đề tài được quan tâm

“Chúng tôi tái khẳng định tầm quan trọng của hòa bình và ổn định trên eo biển Đài Loan là điều không thể thiếu đối với an ninh và thịnh vượng trong cộng đồng quốc tế,” tuyên bố chung của G7 cho biết, và nhắc lại cách diễn đạt trong thông cáo chung của các bộ trưởng ngoại giao vào tháng Tư, nói rõ rằng G7 coi sự ổn định của Đài Loan là vấn đề quốc tế cần quan tâm hơn là vấn đề nội bộ của Trung Quốc.

Các nhà lãnh đạo G7 cũng phản đối mạnh mẽ bất kỳ nỗ lực đơn phương nào nhằm thay đổi hiện trạng bằng vũ lực hoặc cưỡng ép ở Biển Hoa Đông và Biển Đông. Tuyên bố cũng kêu gọi Trung Quốc gây áp lực buộc Nga ngừng hành động gây hấn quân sự và “rút quân ngay lập tức, hoàn toàn và vô điều kiện khỏi Ukraine”.

Kết nối cáp ở Thái Bình Dương

Bên cạnh hội nghị thượng đỉnh G7, ở Hiroshima còn diễn ra Đối thoại An ninh Tứ giác, còn được gọi là QUAD (gồm Mỹ, Nhật, Ấn Độ và Úc). Tại Đối thoại bốn nước QUAD đã công bố một thỏa thuận mới về cáp ngầm dưới biển khi các quốc gia thành viên nhắc lại cam kết của họ “đối với một Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương tự do và cởi mở, bao trùm và kiên cường.”

Mục tiêu của kế hoạch của bốn thành viên QUAD là tăng cường hệ thống cáp quang biển ở Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương dựa trên chuyên môn đẳng cấp thế giới của các nước Quad trong sản xuất, cung cấp và bảo trì cơ sở hạ tầng cáp.

“Chúng tôi nhận thấy nhu cầu cấp thiết phải hỗ trợ các mạng cáp quang biển chất lượng ở Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương, vốn là chìa khóa cho sự phát triển và thịnh vượng toàn cầu”, Quad cho biết trong một tuyên bố chung.

Hiệp định về cáp ngầm dưới biển là một phần của nỗ lực cải thiện khả năng kết nối của khu vực và một ví dụ về cách các quốc gia có cùng chí hướng đang hợp tác để bảo vệ quyền tiếp cận cơ sở hạ tầng quan trọng./.

- Quảng Cáo -