Chống lãng phí: Có chống được không? (kỳ 6)

- Quảng Cáo -

Nguyễn Thông

Một nước luôn phải lo đối phó với kẻ ngoại bang xâm lược, phải chuẩn bị đối phó chiến tranh có thể xảy ra bất cứ lúc nào bởi dã tâm của “bạn” lộ rất rõ, mà biện pháp cây tre chỉ mang tính nhất thời, phập phù, thì việc tăng cường quân đội, trang bị vũ khí, chi phí tối đa cho quốc phòng để bảo vệ đất nước là cần thiết.

Để có tiền làm điều đó, đừng chỉ nghĩ đến chuyện tăng thêm các sắc thuế, tận thu nguồn lực từ dân chúng, doanh nghiệp, bán tài nguyên cạn kiệt… mà còn phải giảm bớt triệt để những chi phí lãng phí, vô bổ, chặn đứng tình trạng tiền nghìn tỉ lọt vào túi bọn tham nhũng, tiêu xài hoang phí.

Điều cần làm ngay là siết lại chi phí cho bộ máy cầm quyền đang quá rườm rà, quá to nhưng ít hiệu quả. Hệ thống lưỡng đầu chế thời Lê – Trịnh ít ra còn có hiệu quả, chứ kiểu song trùng, tam trùng, tứ trùng thời nay rõ ràng là thứ gánh nặng cho dân, cho đất nước. Đảng có thể nhận tất quyền lãnh đạo và thực hiện, chứ kiểu chia mâm bát, ghế này ban nọ tồn tại song song với chính quyền thì dân nào gánh nổi bộ máy hoành tráng cồng kềnh ấy.

- Quảng Cáo -

Ai cũng có thể nhận ra sự tồn tại dẫm đạp lên nhau đó ở mọi cấp, mọi lĩnh vực. Có trung ương đảng bên cạnh nhà nước/chính phủ/quốc hội; có ban tuyên giáo bên bộ thông tin/bộ giáo dục; có ban kinh tế bên các bộ về kinh tế; ban đối ngoại bên bộ ngoại giao; ban nội chính và ủy ban kiểm tra trung ương bên bộ công an, viện kiểm sát, tòa án; ban tổ chức trong khi đã có bộ nội vụ; ban dân vận trong khi đã có bộ lao động-xã hội… Mà phải nói rằng bộ máy, nhân sự của các ban chả thua kém gì bộ máy của hành pháp, thậm chí còn khủng hơn, hoành tráng hơn, trụ sở bề thế hơn, chi phí tốn kém hơn, và dĩ nhiên quyền to hơn.

Trung ương thế nào thì các cấp địa phương đều vậy. Cấp ủy, ủy ban, hội đồng nhân dân, mặt trận, hội đoàn… đều cùng tồn tại, từ tỉnh/thành tới tận xã. Không chỉ ăn vào ngân sách, còn chiếm bao trụ sở, nhà to cửa rộng, xe cộ xăng dầu, người phục vụ. Tiền đâu chịu nổi. Điều này ai cũng thấy.

Cần cắt phăng, giảm ngay những cán bộ (từ trên xuống dưới) của đủ mọi ban bệ, ngành, tổ chức chỉ đủng đỉnh hằng tháng lĩnh lương, hội hè đàn đúm, họp hành liên miên mà không làm được bao nhiêu cho dân cho nước, cho xã hội. Loại này, theo tôi, chiếm đến 1/3 trong bộ máy cai trị từ trung ương xuống địa phương.

Để có cán bộ tất nhiên có lựa chọn và bầu cử. Nhưng bầu bán ở xứ nay bao năm nay rất hình thức, vẽ vời. Đảng cầm quyền, lãnh đạo, chỉ đạo, quyết định mọi việc, nhất là về nhân sự. Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Ban Chấp hành trung ương, Đại hội toàn quốc đã thông qua, đã quyết rồi, ai làm gì, ai ghế nào… thì cứ thế mà thực hiện. Tại sao lại còn bầu bán? Đã có cuộc bầu nào dám trái ý đảng chưa. Chưa. Đừng lấy lý do làm thế để thực hiện dân chủ, đúng quy trình. Cán bộ, nhất là cán bộ lãnh đạo cấp cao, đã được chọn rồi, chắc như đinh đóng cột rồi, thì dân chủ, quy trình cũng là thừa, bệnh hình thức, gây “lãng phí thì giờ và tiền bạc của nhân dân” (lời cụ Hồ). (còn tiếp)

Nguyễn Thông

- Quảng Cáo -