Quảng Cáo

Việt Nam ký kết tham gia công ước chống tra tấn

Quảng Cáo

Việt Nam ký kết tham gia công ước chống tra tấn

Hôm 7/11 vừa qua, phái đoàn thường trực của Cộng sản Việt Nam tại Liên Hiệp Quốc ra thông cáo báo chí, cho biết Việt Nam đã trở thành thành viên mới nhất của Công ước Liên Hiệp Quốc chống Tra tấn và những hình phạt hoặc sự đối xử tàn ác, hạ nhục nhân cách gọi tắt là UNCAT.

Thế nhưng tin này được đón nhận trong lúc báo chí trong nước vẫn tràn lan những tin về việc Công an tra tấn người dân kể cả trẻ em, hay hành hung dân chúng không thương tiếc. Sáng ngày 8.11, tức một ngày sau khi ký Công ước chống tra tấn,  thông tin khẩn về vụ việc anh Thiên Ân, một cộng tác viên của Dòng Chúa Cứu Thế Sài Gòn bị cảnh sát giao thông giữ không rõ lý do và đưa về đồn công an phường 7 quận 3. Anh Cao Hà Trực lên đồn công an hỏi về việc này thì lập tức bị bắt và đánh đập dã man.

Tại Geneva, đại sứ Cộng sản Việt Nam tuyên bố việc ký kết vào công ước chống tra tấn là một bước cụ thể trong quá trình chủ động và tích cực hội nhập quốc tế của Việt Nam, và nêu bật Việt Nam sẵn sàng là một thành viên có trách nhiệm trong cộng đồng quốc tế. Lâu nay những tổ chức nhân quyền vẫn lên tiếng về nhiều trường hợp công an Việt Nam tra tấn, hành hung và ép cung người bị bắt giữ.

Trường hợp mới đây nhất là ông Nguyễn Thanh Chấn vừa được trả tự do sau khi chịu 10 năm tù oan. Trong một cuộc phỏng vấn gần đây với báo chí, luật sư của ông Chấn nói Việt Nam tham gia rất nhiều công ước quốc tế nhưng trên thực tế vẫn nói một đằng làm một nẻo.

Riêng blogger Hành Nhân cho rằng :  thay vì ký kết tham gia vào Công ước Chống tra tấn của Liên Hiệp Quốc, Việt Nam chỉ cần đảm bảo việc không có bất kỳ ai vào tự tử trong đồn Công An, quản lý tốt không để cho các tù phạm đánh nhau, hoặc đừng để các nhân viên thi hành công vụ lỡ tay “nựng” dân, “vô tình súng cướp cò”, “mời làm việc” bằng cách khiêng như khiêng heo + dùi cui + đấm đá…

Và blogger Hoàng Dũng nhận định sự kiện Việt Nam vừa ký kết tham gia Công ước Chống tra tấn, thì chắc có đến gần 90 triệu người không biết đến thông tin mới này. Do vậy, trách nhiệm của số ít ỏi còn lại là làm cho những người xung quanh mình biết điều đó. Tốt nhất là in Công ước Chống tra tấn ra, tặng cho công an, dân phòng và cùng họ tìm hiểu.

Công ước UNCAT được Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc thông qua vào ngày 10 tháng 12 năm 1984. Tính đến nay đã có 154 quốc gia phê chuẩn.

 

Đập thủy điện đang xây đã nứt dài

Một đập thủy điện nhỏ dù đang xây dựng ở tỉnh Quảng Ngãi đã thấy có vết nứt dài, một dấu hiệu của nguy cơ vỡ đập với những thiệt hại nhân mạng và tài sản đang chờ trước mặt.

Theo tin tức thì đập thủy điện Nước Trong đang được khởi công xây dựng từ năm 2005 tại địa phận xã Sơn Bao trong vùng huyện miền núi Sơn Hà thuộc tỉnh Quảng Ngãi. Tốn phí ước lượng ban đầu là 1,250 tỉ đồng. Tuy nhỏ, chỉ có khả năng sản xuất 16MW nhưng lại là công trình thủy điện lớn nhất ở Quảng ngãi. Cuối tháng 9/2012, ba tổ máy phát điện đã được lắp ráp và ước tính dự án hoàn thành vào năm 2015 để phát điện. Nhưng một vết nứt dài hơn 80 mét, bề ngang chỗ rộng nhất tới 2.5mm khiến dân chúng và viên chức cầm quyền huyện cảm thấy bất an vì cả huyện lỵ là thị trấn Di Lăng và các làng xã lân cận đều nằm trong vùng trũng ở phía dưới đập.

Tin tức về vết nứt nói trên ở thân đập Nước Trong thấy nói đã xuất hiện từ Tháng 8 vừa qua. Theo sự tường thuật của tờ Đất Việt “Vết nứt có chiều dài 80,5 m kéo dài từ khoang đập số 7 đến khoang đập số 10. Chiều rộng lớn nhất của khe nứt 2,5 cm tại khoang số 8 và 9, chiều rộng nhỏ nhất là 1 cm ở vị trí khoang số 7 và khoang số 10; chiều sâu vết nứt theo báo cáo là 8,4 m. Một số vết nứt có nước từ trong rỉ ra ngoài. Vết nứt có hướng đi xiên từ dưới lên trên, từ ngoài vào trong khối bê-tông, có khả năng liên thông đến khe tách bên trong”.

Dù nghiêm trọng như vậy nhưng ông Nguyễn Hữu Nghĩa, phó giám đốc Ban quản lý dự án nói trên vẫn nói rằng “Đây chỉ là hiện tượng “khuyết tật” trong bê-tông, con đập vẫn an toàn, không có vấn đề gì”.

Đã có nhiều vụ nứt đập, vỡ đập thủy điện ở Việt Nam khi còn đang xây dựng hoặc vừa mới khánh thành được ít ngày vì phẩm chất tồi tệ. “Rút ruột công trình” từ xi măng tới sắt rất phổ biến trong các công trình xây dựng tại Việt Nam, dẫn đến những tai họa chết người.

Nhiều bài báo ở Việt Nam cáo buộc quan chức các cấp của chế độ toa rập với các “công ty sân sau” của các xếp chỉ nhắm làm thủy điện để phá rừng lấy gỗ bán kiếm lời. Hệ quả về sau, mùa hè hết nước chạy máy, mùa mưa bão xả lũ vội vã làm ngập lụt các vùng hạ du, thì không ai phải chịu trách nhiệm.

Hà Nội tốn hàng triệu đô la vì ‘hội chứng’ cổng chào

Hà Nội đang xôn xao trước “hội chứng cổng chào” xuất hiện từ khu vực trung tâm lan tỏa đến vùng ngoại thành.

Dư luận cho rằng sẽ không còn bao lâu nữa, mỗi quận, huyện, phường xã ở Hà Nội đều dựng lên một cổng chào để gọi là biểu thị thái độ hiếu khách đối với người qua lại. Ðáng nói là chi phí để xây một cổng chào lên tới bạc tỉ ở nhiều nơi.

Tin từ báo chí trong nước, thì chỉ vỏn vẹn có 21 cây số trên quốc lộ 32 đoạn từ huyện Hoài Ðức đến Phúc Thọ thành phố Hà Nội có tới 5 cổng chào được xây dựng với chi phí hơn 2 triệu đô la trong vòng hai năm nay.

Theo ông Nguyễn Công Khương, trưởng Phòng Văn Hóa-Thông Tin huyện Ðan Phượng, “hội chứng cổng chào” đang rộ tại nhiều xã ngoại thành Hà Nội. Chỉ riêng từ cuối năm 2012 đến đầu năm 2013, đã có đến 106 cổng chào được dựng lên tại các xã. Ông này cho biết, chính quyền địa phương xây cổng chào mỗi nơi một khác, có cổng làm bằng inox, hoặc sắt thép “cho chắc,” có nơi xây bằng gạch, với tổng phí từ vài chục triệu cho đến 200 triệu đồng, tương đương 10,000 đô. Dẫu vậy, cũng có nơi – như thôn Ðông Khê thuộc xã Ðan Phượng, dựng cổng chào tốn hết 800 triệu đồng, tương đương 40,000 đôla.

Theo dư luận, còn kể một số mẩu chuyện cười ra nước mắt chung quanh các cổng chào bạc tỉ nói trên.

 

 

Bão Hải Yến (Haiyan) đi qua Phi Luật Tân để lại hoang tàn

Theo Hội Hồng Thập Tự thì hậu quả mà trận siêu bão Hải Yến để lại trên đất nước Phi Luật Tân là một cảnh hoang tàn. Ông Richard Gordon, Chủ tịch Hội Hồng Thập Tự Phi Luật Tân nói là số người chết rất nhiều, xác nằm la liệt khắp nơi thật kinh khủng. Người ta thấy xác người trên ngọn cây, dưới những căn nhà đổ nát, trôi sông.

Chưa ai có con số chính xác về số người bị thiệt mạng tuy nhiên ước lượng là trên dưới 10 ngàn. Nhiều tuyến giao thông bị bão làm tắc nay đã được nối lại giúp cho các phái đoàn cứu trợ có thể tới được với các nạn nhân để cung cấp thực phẩm và những vật dụng thiết yếu. Số người phải di tản vì bão đã lên tới cả triệu người.

Nước Úc đã nhanh chóng quyết định trợ giúp 10 triệu cho Phi Luật Tân, Tân Tây Lan sẽ giúp 1 triệu. Một số quốc gia khác cũng đã đóng góp hàng triệu đô la để cứu trợ.

Ở một số khu vực, những người thiệt mạng được chôn trong những ngôi mộ tập thể.

Ngày hôm nay, bão Hải Yến đã tiến vào phiá Bắc Việt Nam, và tuy sức giả đã giảm xuống nhưng vẫn còn rất mạnh ở vận tốc khoảng 150 cây số giờ và tin tức sơ khởi cho biết là đã có một số người bị thiệt mạng.

 

Quảng Cáo
Bài Liên Hệ
Leave a Comment
Quảng Cáo
WordPress Appliance - Powered by TurnKey Linux