Quảng Cáo

CSVN cho công an ruồng bố quấy phá ngăn tưởng niệm tử sĩ Gạc Ma

CSVN cho công an ruồng bố quấy phá ngăn tưởng niệm tử sĩ Gạc Ma 2017

Quảng Cáo

TỔNG HỢP (CTM Media) – Hôm nay 14 Tháng 3, 2017, đánh dấu 29 năm trận chiến Gạc Ma – Trường Sa, đồng bào yêu nước nhiều nơi đồng loạt tiến hành Lễ tưởng niệm 64 Liệt sĩ bị thảm sát bởi Trung Cộng ở Gạc Ma-Trường Sa ngày 14/3/1988, nhưng nhà cầm quyền CSVN quyết ngăn cản bằng mọi cách và cho an ninh công an quấy phá, ngăn chận, ruồng bắt nhiều người.

Tại Hà Nội, nhà cầm quyền cho tổ chức “lễ hội hoa anh đào” ngay khu vực Tượng đài Lý Thái Tổ. Những người đến thắp hương cho các tử sĩ Gạc Ma bị những chiếc loa điện xua đuổi, chửi họ là phản động, chống phá nhà nước.
Một số tên nam nữ côn an an ninh quen mặt lại đến gây sự, chửi bới những người đi tưởng niệm tử sĩ Gạc Ma. Ngay từ sáng sớm, những người hoạt động dân chủ bị ngăn chận đi tưởng niệm, và đều lần lượt bị bắt khi đến địa điểm tượng đài Lý Thái Tổ dâng hoa thắp hương tưởng niệm, như nhà báo Huỳnh Ngọc Chênh, cô giáo Nguyễn Thị Thảo, FB Liên Huỳnh, FB Đặng Bích Phượng, FB Dung The Phung, anh Trịnh Bá Phương.., Cả nhóm FB Nguyễn Thúy Hạnh cũng đã bị công an đã bắt khi mọi người đang cầm hoa ra đài Cảm Tử để tưởng niệm các liệt sĩ Gạc Ma.

Tại Sài Gòn, các thành viên CLB lê Hiếu Đằng đều bị an ninh đến canh giữ tại nhà, như nhà báo Lê Phú Khải, Hạ Đình Nguyên, nhà văn Phạm Đình Trọng. Chị Khánh Trâm, Anh Hồ Hiếu, ông Võ Văn Thôn, chị Ánh Hồng… cùng những nhà hoạt động dân chủ khác. Cũng như tại Hà Nội, tượng đài Trần Hưng Đạo ở Sài Gòn cũng bị cô lập bởi dày đặc công an, an ninh và dân phòng. Nhiều chướng ngại vật chất đầy quanh chân tượng đài không cho người dân đến dâng hoa thắp hương tưởng niệm.

Dù vậy, nhà cầm quyền chế độ CSVN cũng không thể ngăn chận hết lòng dân tri ân những người đã hy sinh để bảo vệ toàn vẹn lãnh thổ, biển đảo quê hương Việt Nam. Bất chấp hành vi phản bội lại Nhân dân Tổ Quốc của nhà cầm quyền CSVN ngăn chận tưởng niệm, đã có những cuộc tưởng niệm diễn ra dưới nhiều hình thức.

Tại Hà Nội, sáng cùng ngày 14/3, một nhóm thanh niên cùng với Đỗ Thanh Vân và Dũng Phi Hổ thực hiện buổi lễ tưởng niệm 64 liệt sĩ bị thảm sát trong trận Gạc Ma bên bờ sông Hồng, và thả vòng hoa tưởng nhớ tri ân những chiến sĩ hy sinh bảo vệ tổ quốc trước sự xâm lăng của Trung Cộng.

Buổi chiều cùng ngày tại Nghệ An, người dân đã tổ chức đưa thuyền mang vòng hoa ra biển để tưởng niệm 64 tử sỹ trận Gạc Ma.

Theo tin từ FB Lê Sơn, mặc dù nhà cầm quyền tìm cách ngăn cản, vào lúc 14 giờ 30 giờ chiều ngày 14/3, tại Quỳnh Lưu đã có hơn 50 người đã tham gia tri ân, tưởng nhớ 64 tử sỹ Gạc Ma năm 1988. Theo như một số đài báo, lý do 64 tử sỹ phải ngã xuống tại Gạc Ma vì theo “lệnh của cấp trên không cho nổ súng.”

Người dân trang bị 11 chiếc tàu thuyền đò cùng nhau ra khơi trên con sông quen thuộc từ bến tàu thuyền An Hoà. Mỗi thuyền, mang theo một lá cờ “Ngũ Sắc Tinh Kỳ” tung bay phấp phới trên dòng sông, cùng với băng rôn “Nhân Dân Không Quên”, và giải băng trên đầu HS-TS-VN.

Sau khi đoàn thuyền, đò đến địa điểm thích hợp, mọi người làm nghi thức tưởng niệm. Tưởng nhớ lại các liệt sĩ đã hy sinh bảo vệ đất nước, đại diện phát biểu nhấn mạnh. “Cách đây đúng 29 năm, ngày 14/3/1988 – sau một thời gian gây hấn, lấn chiếm – chính quyền Trung Cộng đã chính thức nổ súng xâm lược quần đảo Trường Sa, giết hại 64 chiến sĩ quân đội nhân dân Việt Nam, phá huỷ 3 tàu vận tải và chiếm đóng đảo Gạc Ma – Việt Nam. Tuy nhiên trận chiến bi tráng này đã bị lãng quên. Chính vì thế không chỉ với những người trẻ mà những người lớn tuổi cũng không hề nghe đến trận chiến Gạc Ma 14/3/1988.”

“Chúng ta có mặt ở đây hôm nay để ghi nhớ và biết ơn những con người đã hi sinh vì Tổ quốc, vì biển đảo thân yêu, đồng thời là để nhắc nhở người dân Việt Nam về sự kiện bi thương này.”

Trong khi cuộc tưởng niệm ở Nghệ An diễn ra tốt đẹp, thì ở Sài Gòn và Hà Nội máu đã đổ. Máu đổ vì những tử sỹ bị lãng quên.

Theo tin tức trực tiếp truyền đi trên facebook chiều nay, 14/3, khi hay tin nhiều người bị bắt cùng cô Trần Thị Thảo tại Hà Nội, các nhà hoạt động đã kéo công an Phường Bách Khoa để đòi người. Ngay trước trụ sở công an phường Bách Khoa, cô Đỗ Thanh Vân và anh Dũng Phi Hổ đã bị an ninh đánh đổ máu đầu phải đưa vào nhà thương.

Được biết, tuần lễ tưởng niệm các liệt sĩ hy sinh giữ đảo Gạc Ma – Trường Sa kéo dài 7 ngày. Bắt đầu từ ngày 10 Tháng 3, một đoàn CLB Lê Hiếu Đằng từ Sài Gòn đã ra Vũng Tàu kết hợp cùng anh chị em địa phương, đại diện các tổ chức, xã hội dân sự làm lễ tưởng niệm 64 chiến sĩ bị Trung cộng thảm sát ở đảo Gạc Ma ngày 14/3/1988. Tại đây, sau khi xong lễ tưởng niệm mọi người cũng gặp phải sách nhiễu bắt bớ của công an địa phương.

Tại Cần Giờ, ngày 11 Tháng 3, một buổi lễ tưởng niệm các chiến sỹ hy sinh trong trận chiến Gạc Ma cũng đã diễn ra trong lén lút vì sự ngăn cấm của nhà cầm quyền CSVN.

Tại Nha Trang, ngày 12 Tháng 3,  ông Lê Thân chủ nhiệm CLB Lế Hiếu Đằng, nhà báo Võ Văn Tạo cùng một số chiến sĩ Hải Quân và bạn trẻ cũng đã làm lễ tưởng niệm 64 anh linh tử sĩ bị thảm sát tại Gạc Ma – Trường Sa năm 1988.

Theo blogger Nguyễn Tường Thụy, sự kiện Gạc Ma mới được những người yêu nước nhắc lại những năm gần đây sau thời gian dài bưng bít bởi nhà cầm quyền cố tình che giấu lịch sử. Tuy nhiên, năm nào, việc tưởng niệm tri ân những người lính đã ngã xuống để bảo vệ chủ quyền của Tổ quốc cũng bị ngăn cản từ phía nhà cầm quyền. Không chỉ Gạc Ma, việc tưởng niệm Hoàng Sa 19/1, Chiến tranh biên giới 17/2 cũng đều chung tình trạng như thế. Lịch sử chưa bao giờ ghi nhận việc người dân đi tưởng niệm những người lính vị quốc vong thân bị nhà cầm quyền ngăn cản, bắt bớ, đánh đập. Chuyện này chỉ thấy ở Việt Nam hiện nay.

Quảng Cáo
Bài Liên Hệ
Leave a Comment
Quảng Cáo
WordPress Appliance - Powered by TurnKey Linux