Chống tham nhũng ở Việt Nam đang trong ‘vòng luẩn quẩn’?

- Quảng Cáo -

Hà Nguyên – (VNTB)  – Những vụ án liên quan tham nhũng được xét xử thời gian qua ở Việt Nam được báo chí mô tả là tham nhũng kinh tế. Trong khi đó thì vấn đề ‘tham nhũng quyền lực’ lại được đề cập rất mờ nhạt…

Vì đâu có ‘củi’?

Trao đổi với BBC News Tiếng Việt hôm thứ Năm, 18/12/2020 từ Hà Nội, vào thời điểm một ngày trước khi Hội nghị Trung ương 14 khóa XII của đảng Cộng sản bế mạc, Phó Giáo sư Phạm Quý Thọ, nhà nghiên cứu chính sách công từ Bộ Kế hoạch & Đầu tư Việt Nam trước hết cho rằng đang có một “vòng luẩn quẩn” trong công cuộc “đốt lò”:

“Trong tổng kết 7 năm chống tham nhũng và kể từ khi Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng làm trưởng ban phòng, chống tham nhũng trung ương, ông có nhấn mạnh 6 bài học để phòng chống tham nhũng thế nào cho tốt và hiệu quả.

Việc ông đưa ra những bài học này là để làm sao tiếp tục chống tham nhũng trong những nhiệm kỳ tiếp theo, nhưng có lẽ đó chỉ là một cách làm thôi, trong khi từ đó chúng ta có thể suy ra một điều không tránh khỏi, đó là tập trung quyền lực để chống tham nhũng, nhưng lại trớ trêu thay, tham nhũng lại xuất phát từ sự tha hóa quyền lực.

- Quảng Cáo -

Việc đó đang là một mâu thuẫn rất lớn hiện nay với công cuộc cải cách thể chế nói chung và thể chế chính trị nói riêng và đó là điều rất khó, bởi vì như vậy chúng ta có thể hình dung ra là hội nghị Trung ương xong, sẽ có thể tới đây có lãnh đạo mới ở đại hội, nhiệm kỳ 13.

Và chúng ta lại có thể thấy khi đó sẽ có sự tập trung quyền lực cao hơn nữa để chống tham nhũng cho nhiệm kỳ trước đó vừa xong hoặc là nhiệm kỳ trước nữa, như thế nó trở thành một cái vòng rất luẩn quẩn” (*).

‘Lửa’ cần đến từ đâu?

Trong tham luận trình bày hồi tháng 7-2020 với chủ đề “Thể chế chính trị trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam – Những vấn đề cần bổ sung và phát triển trong bối cảnh mới”, Giáo sư, Tiến sĩ Hoàng Chí Bảo, Chuyên gia cao cấp, cựu Ủy viên Hội đồng Lý luận Trung ương, đã nhìn nhận như sau:

“Chuyển từ nhận thức cũ, tư duy lý luận cũ về chủ nghĩa xã hội theo mô hình “chủ nghĩa xã hội hiện thực Xô Viết” với kinh tế hiện vật, kế hoạch hóa tập trung quan liêu, phân phối bình quân, bao cấp, “phát triển đơn trị”, “tuyến tính” (chỉ trong một hệ thống xã hội chủ nghĩa Xô Viết), thực chất là đóng cửa các mối quan hệ với phương Tây tư bản chủ nghĩa… sang nhận thức mới, tư duy lý luận mới về chủ nghĩa xã hội với kinh tế thị trường, dân chủ hóa, nhà nước pháp quyền, đa phương hóa, đa dạng hóa trong hợp tác, cạnh tranh với các loại đối tác trong xu thế toàn cầu hóa, hội nhập.

Cùng tồn tại, cùng hợp tác, cạnh tranh và đấu tranh, không để những khác biệt ý thức hệ cản trở hội nhập và hợp tác.

Trong bước chuyển rất quan trọng này, từ tổng kết thực tiễn, Đảng ta từng bước tìm thấy câu trả lời “Chủ nghĩa xã hội là gì?” và “Xây dựng chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam như thế nào trong điều kiện mới, bối cảnh mới, yêu cầu mới?”.

Đó là “Chủ nghĩa xã hội hiện thực mới”, “chủ nghĩa xã hội Việt Nam” không chỉ giữ vững nền tảng lý luận Mác xít (chủ nghĩa xã hội khoa học) mà còn bổ sung, phát triển sáng tạo, nhấn mạnh tính dân tộc, tính nhân dân, tính thời đại. Tổ quốc trên hết, dân tộc trên hết, theo tư tưởng Hồ Chí Minh được thấm nhuần. Khẳng định phát triển đất nước là lợi ích cốt lõi của quốc gia. Đại đoàn kết toàn dân tộc là nhân tố quyết định sức mạnh và thắng lợi”.

Nếu những biện luận của cựu Ủy viên Hội đồng Lý luận Trung ương là được chấp nhận, cho thấy rất có thể ở Việt Nam vẫn tiếp tục của giai đoạn “hôm nay sai – ngày mai đúng – ngày mốt lại sai…”, vì đó là thực tiễn tất yếu của dọ dẫm trên con đường đi tìm “thể chế chính trị trong thời kỳ quá độ” – nghĩa là vẫn chưa xác định rõ đoạn đường đó khi nào là ‘cao tốc’, ‘đường bờ đê’, hay thậm chí phải ‘qua sông lụy đò’.

Một khi công – tội cũng loanh quanh, thì…

“Trong bối cảnh đó, tôi đồng cảm với nhận xét đang có một “vòng luẩn quẩn” trong công cuộc “đốt lò”.

Tôi cũng nghĩ rằng ở phiên tòa hình sự sơ thẩm dự kiến mở hôm 5-1-2021 về 3 nhà báo tự do đã cổ súy cho chủ thuyết tam quyền phân lập, rất có thể hôm nay Đảng không lựa chọn chuyện phân quyền này, nhưng rất có thể mai đây để giải quyết “vòng luẩn quẩn” trong kiểm soát quyền lực ấy, biết đâu tân Tổng bí thư sẽ chọn ‘thí điểm’ về tam quyền.

Và nếu tiến trình này đến sớm hơn, có thể phiên hình sự phúc thẩm sau đó, cả 3 nhà báo sẽ được tuyên ‘không xác lập tội danh cáo buộc’…” – luật sư T.T., chia sẻ niềm tin.

_______________

Chú thích:

(*)https://youtu.be/JjO0-dhDDIc


- Quảng Cáo -