Anh em nhà Procrustes

Tổng Thống Mỹ Eisenhower và Tổng Thống Ngô Đình Diệm
- Quảng Cáo -

Phạm Minh-Tâm

Năm nay, 2021, đã già nửa thế-kỷ qua rồi, có thể đối với nhiều người Miền Nam không còn ai hào-hứng gì với quá-khứ một thời Đệ-nhất Cộng-hoà và ngay cả 20 năm Miền Nam nữa. Đệ-nhất Cộng-hoà thì còn được nhắc đến dựa vào dịp đó đây tổ-chức tưởng-nhớ cố Tổng-thống Ngô-Đình Diệm với chuỗi hồi-ức tang-thương. Hoặc ngược lại, vẫn còn một số nhỏ tiếp-tục cố-kết duy-trì lập-luận vô-bằng rằng chế-độ này đàn-áp và kỳ-thị tôn-giáo mà cụ-thể là Phật-giáo, là độc-tài, là nhiều thứ linh-tinh khác…để giật sập một chế-độ sau chín năm giữ vững Miền Nam. Một chế-độ mà như một tác-giả nhận-xét…Chế độ Ngô-Đình Diệm khi những năm cuối cùng gò bó từ quan cho đến dân mà thời đó gọi là chế độ độc tài, gia đình trị. Chế độ đó đã lắm lỗi lầm. Nhưng về sự tôn ti trật tự nhân dân vẫn thứ tự, nếu không muốn nói là một chính thể nề nếp nhất ở Nam Việt-Nam. Không một chế độ nào trên thế giới hoàn hảo cả….(Lê Tử Hùng. Những cái chết trong cách-mạng 1-11-1963. Trang 121).

Và thay vì cứ nhẩm đi nhắc lại những oan-khiên của quá-khứ, cứ nhìn những đổ nát mà tiếc nuối vu-vơ thì tại sao không chân-thành với chính mình và với người để từ những đổ nát của quá-khứ mà gạn đục khơi trong cho hiện-tại một bài học minh-bạch hơn. Cho hiện-tại bớt đi những bất-cập cá-nhân, những chấp-mê vẫn còn bất-ngộ. Cho tương-lai một hy-vọng lịch-sử không lập-lại nơi thế-hệ kế-thừa, theo kinh-nghiệm George Santayana và  Winston Churchill  đã cho những ai không học những kinh-nghiệm từ lịch-sử  thì sẽ lập lại những gì đã diễn ra  trong lịch-sử…(those who fail to learn from history  are condemned to repeat it…). Muốn vậy, với những dữ-kiện lịch-sử dù có ê-chề và có thể còn đáng tủi-hổ nữa, thì lại càng cần phải ghi khắc nhiều hơn, kỹ hơn, như tấm gương soi sáng những bước tương-lai, nhờ vậy tiền-đồ đất nước bớt những tai-ương, những kiếp-nạn. Để những lệch-lạc từ quá-khứ không còn tái-diễn…

Cũng ngày này 58 năm trước, cơn bạo-loạn ngày 01-11-1963 với những hệ-quả và di-lụy mà bây giờ cho dù có kẻ muốn quên, có người vẫn nhớ, thì sự thật không ai có thể phủ-nhận rằng chế-độ “cách-mạng trị” tiếp đó đã đưa Thủ-đô Sài-gòn nói riêng và cả Miền Nam vào một tình-trạng hỗn-độn, một  xã-hội mất kỷ-cương. Guồng máy chính-quyền Miền Nam và ngay chính Quân-đội cũng bị khủng-hoảng trầm-trọng. Hội-đồng Quân-nhân Cách-mạng chẳng những bất-lực trong việc ổn-định tình-thế, mà còn thiếu trách-nhiệm của người chiến-sĩ khi chỉ lo thăng-cấp lẫn cho nhau và liên-tục thay đổi chức-quyền theo phe nhóm để triệt-hạ nhau, thanh-toán nhau mà lơ-là công-cuộc chống cộng-sản. Đoàn-thể Phật-giáo và Hội-đồng Tướng Lãnh tranh nhau cái công đã hạ-bệ chế-độ Ngô-Đình Diệm để tung-tác, như tác-giả Lê-Tử-Hùng ghi-nhận trong cuốn Những cái chết trong cách-mạng 1-11-1963….Một chế độ mới, quân nhân cầm quyền, đi đến chỗ vô kỷ luật, gây thêm tình trạng xáo trộn trong nước. Đoàn thể Phật giáo và Hội Đồng Tướng Lãnh hầu như  tranh nhau về cái công to lớn  hạ bệ chế độ Ngô-Đình Diệm. Ở bên trong sự tranh chấp ngấm ngầm đó đã dẫn tới sự kiêu căng của tướng lãnh và sư sãi. Cho nên giai đoạn lúc bấy giờ dân chúng có câu “nhất sư nhì tướng (trang 58). Và cứ thế làm cho Miền Nam trong 12 năm tiếp theo không một ngày ổn-định, chẳng khác gì con thuyền ngập nước, chòng-chành cho đến ngày 30-4-1975 thì trôi ra Biển Đông.

- Quảng Cáo -

Nguyên-nhân xa thì cả thế-giới rõ vì có nhiều kinh-nghiệm. Hoa-kỳ đã oải mệt khi làm đồng-minh không lợi-lộc gì của nửa nước Việt-Nam với hai chữ tự-do đầy phức-tạp. Cũng đồng-thời Hoa-kỳ quá biết. Người xum-xoe quanh chiếc ghế quyền-lực của Miền Nam hơi nhiều. Song thực-dân Pháp đã không dùng, cựu-hoàng Bảo-đại cũng không dám chọn dù vào lúc đất nước gian-nan, thì Hoa-kỳ cùng lắm mới phải dùng theo giai-đoạn. Trong khi đó, người có khả-năng, có tư-cách lãnh-đạo thì cứ dồn tâm-huyết để trăn-trở trong nỗi khắc-khoải về tình-trạng đất nước mình vẫn còn yếu kém mọi mặt nên dù phải vừa nhờ-vả Hoa-kỳ thì vẫn mang-mang niềm tự-trọng dân-tộc mà kiên-định đến độ như  cứng đầu, không sai bảo hay áp-đặt gì được. Vậy thì cũng như không.

Tác-giả Seth Jacobs trong cuốn Cold War Mandarin. Ngo Dinh Diem and the Origins of America’s War in Vietnam 1950-1963, đã nhận-xétÔng Diệm đã tỏ phảnứng đối với số lượng người Mỹ ngày càng tăng ở Nam Việt Nam.. Ông biết mình cần sự hỗ trợ của Hoa Kỳ để tiếp tục nắm quyền, nhưng ông cũng là một người ViệtNam yêu nước, không thích người nước ngoài chiếm đóng đất nước của mình. Hơn nữa, ông muốn bảo-vệ hình ảnh của Nam Việt Nam một quốc gia có chủ quyền. Điều này làm ông không muốn Việt Minh dùng sự có mặt của các cố vấn Mỹ dưới chế-độ của ông như một bằng chứng về chính-sách thực dân mới. Không có nhà lãnh đạo thế giới thứ ba nào thấy cái mác “bù nhìn” đáng ghê tởm như ông Diệm đã thấy, và không nhà lãnh đạo nào đã nỗ-lực hơn ông  để chứng minh những thành-tựu về chủ-nghĩa quốc-gia của ông….(Diem’s reaction to the rising number of Americans in South Vietnam was telling. He knew he needed U.S support to stay in power, but he was also a Vietnamese patriot who did not like foreigners occupying his country. Moreover, he wanted to preserve the image of South Vietnam as a sovereign nation. It galled him that the Viet Minh were able to point his American advisers as evidence of neocolonialisme. No third-world leader found the label “puppet” as repugnant as Diem did, and none worked harder to prove his nationalist credentials ( p.97 ).

Trong thần-thoại Hy-lạp có câu chuyện về một tên cướp biển tên là Procrustes. Hắn tự chế một chiếc giường sắt theo mẫu mực riêng để làm dụng-cụ tra-tấn những ai trong tay hắn.  Nạn-nhân bị đặt trên chiếc giường này, ai dài quá thì bị chặt bớt tay chân, ai ngắn hơn thì Procrustes cố kéo ra cho vừa.

Chiếc giừng của Procrust

Cái lối hành-sự cuồng-bạo này chẳng khác gì các chính-sách độc-tôn của các siêu-cường thời nay, đem áp-đặt trên các nước yếu kém trong vòng ảnh-hưởng, mặc kệ có phù-hợp hay không. Hồ Chí Minh  một thời áp-dụng phương-pháp cải-tạo tư-tưởng của Mao Trạch Đông trong đợt “rèn cán chỉnh quân”, trong “cải cách ruộng đất” và trong guồng máy nhà nước cộng-sản Việt-Nam hiện nay. Song ở Miền Nam, Hoa-kỳ cũng muốn nhiều lắm, hết “Domino” đến đề-án của các phái-đoàn Taylor – Rostow rồi Hilsman – Forrestal… đều không thực-hiện được trước sự cứng đầu và ương-ngạnh của một người Việt-Nam như  Seth Jacobs gọi là a Vietnamese patriot” Ngô-Đình Diệm. Cuối cùng thì Hoa-kỳ phải tốn bao công sức, mưu-trí, thời gian, tiền bạc mới bức-tử được nền Đệ-nhất Cộng-hoà và người lãnh-đạo này bằng cách thay chiếc giường Procrustes “Made in USA” bằng mấy viên đạn và những nhát dao phản-phúc chẳng đáng vinh-vang gì…. Có điều, tất cả không phải gọn-gàng và dễ-dàng như mọi sự đã diễn ra trong hai ngày 01 và 02-11-1963. Người chủ-mưu Hoa-kỳ đã khổ công dàn-dựng từ hết năm này đến tháng nọ, tận-dụng nhiều thành-phần, nhiều phe đảng mới chống trả lại được người đang lãnh-đạo Miền Nam lúc ấy, như tác-giả Lê Tử Hùng có phần đúng khi gọi đó là thái-độ “ương ngạnh” của Đệ-nhất Cộng-hoà… Người Mỹ đã có phương tiện đổi thay một cơ chế “ương ngạnh” với chính sách của Hoa kỳ phát khởi từ năm 1960 (sau vụ đảo chánh hụt 11-11-1960). Nói như thế, Hoa kỳ đã không chấp nhận chế độ từ lâu nhưng phải nấn ná chờ đợi phương tiện chính đáng…(Sách đã dẫn. Trang 112)…

Song nguyên-nhân gần thì năm tỏ rõ mười, chỉ là ham danh, háo lợi và mê quyền-lực mà không lượng sức. Cho nên,  sau khi sát-hại Tổng-thống Ngô Đình Diệm và đạp đổ xong nền móng Miền Nam vào năm 1963, một Miền Nam do quân dân khổ công xây đắp ròng-rã chín năm, thì miền đất được mệnh-danh là Việt-Nam Cộng-hoà, là miền đất tự-do đã từng ngày bị tan-tác.

Thời-gian hậu “cách mạng” có bao lâu mà ba lần đảo-chính, mang tên “chỉnh-lý” ngày 30-1-1964 của tướng Nguyễn Khánh, là “biểu-dương lực lượng” ngày 13-9-1964 của hai tướng Dương Văn Ðức và Lâm Văn Phát, là đảo chánh ngày 19-2-1965 của Đại-tá Phạm Ngọc Thảo cùng với bốn lần thay đổi Chính-phủ từ Nguyễn Ngọc Thơ. Nguyễn Khánh, Trần Văn Hương, Phan Huy Quát cho đến ngày 19-6-1965, Chính-quyền dân-sự Phan Khắc Sửu phải giao trách-nhiệm lãnh-đạo Quốc-gia cho Quân-đội. Từ đây, Ủy-ban Lãnh-đạo Quốc-gia và Ủy-ban Hành-pháp Trung-ương hình-thành chế-độ quân-nhân-trị

Có điều, đó mới chỉ là phần hành-chính cai-trị, còn nhiệm-vụ quốc-phòng bảo-vệ miền đất tự-do bằng chiến-tuyến phân chia Quốc Cộng thì như tác-giả Phạm Bá Hoa viết…Từ sau cuộc đảo chánh ngày 1 tháng 11 năm 1963, chức vụ Tổng Tham Mưu Trưởng đã lần lượt trong tay 6 vị “Nguyên Soái”…Chưa tròn 2 năm mà thay đổi 5 vị Tổng Tham Mưu Trưởng, và Thiếu Tướng Cao Văn Viên là vị Tổng Tham Mưu Trưởng  thứ 6. Nếu đem thời gian chia đều thì mỗi vị chỉ ngồi ghế Tổng Tham Mưu Trưởng có bốn tháng rưỡi, thử hỏi làm sao xây dựng được chiến lược chiến thuật thích ứng với mọi biến chuyển của tình hình để quân đội nắm quyền chủ động trên chiến trường…Nếu cứ cái đà tranh giành như thế này hoài thì bất cứ vị Tướng vị Tá nào có tính liều mạng hay bốc đồng cũng có thể lên cầm quyền chơi mỗi người mấy tháng, nếu được vài đơn vị ủng hộ. Để rồi khi bị đầy ra khỏi chiếc ghế lãnh đạo cũng còn hi vọng một vài cái chức “Đại Sứ tại chỗ” hoặc “Đại Sứ lưu động” chứ có thua thiệt gì đâu. Sự thua thiệt là ở những ai tha thiết với tổ quốc dân tộc và hơn nửa triệu quân nhân dưới cờ là thua thiệt nhất, vì ngày đêm họ miệt mài với chiến trận để ngăn chặn quân cộng sản xâm lăng, trong khi trung ương thì thường xuyên trong tình trạng rối ren do giành giựt…(Đôi dòng ghi nhớ. Trang 173-174).

Chưa một nhà lãnh-đạo Á-châu nào làm Hoa-kỳ nhức đầu khi đang mang liên-hệ đồng-minh với nhau và cũng vất-vả tính-toán khi muốn trừ-khử như Tổng-thống Ngô-Đình Diệm. Và cũng không lãnh-tụ chính-trị Á-châu nào sau khi mất đi lại bắt các chính-khách, sử-gia, nhà văn, nhà báo Hoa-kỳ tốn nhiều giấy mực viết về mình như Tổng-thống Ngô-đình Diệm. Điều này chứng tỏ cái lối  cứ đem các nước nhỏ đặt lên chiếc giưòng Procrustes của mình rồi dương-dương tự-đắc rằng đang giúp các nước này thực-hiện dân-chủ là sai hoàn-toàn.

Ngày 01-11 năm nay, trong mục-đích rộng thêm đường dư-luận để những ai vẫn đang tham-khảo tiếp về Tổng-thống Ngô-Đình Diệm, hoặc chưa bỏ xuống được những cái tôi cái ta ngày cũ, nên người viết muốn thay phần cuối bài này bằng một phần bài viết được xếp vào loại tư-liệu, mang tựa đề Về ông Ngô Đình Diệm…đăng ngày 31-8-2017 của nhiều tác-giả trên trang mạng TRIEUXUAN.INFO tại Việt-Nam. Người chủ-trương trang mạng này là nhà văn, nhà báo Triệu Xuân, từng là phóng-viên chiến-trường trong giai-đoạn chiến-tranh và hiện là hội-viên Hội Nhà-văn Việt-Nam từ 1986, đang sống tại Sài-gòn. Với tinh-thần chiết-trung, các tác-giả bài viết này đã dựa vào những nhận-định của tác-giả Edward Miller trong cuốn…Misalliance: Ngo Dinh Diem, the United States, and the Fate of South Vietnam do Harvard University Press ấn-hành năm 2013 để thẳng-thắn đưa ra quan-điểm về cách nhìn lịch-sử như sauMisalliance của Miller đã thành công khi soi sáng một cái nhìn mới về Diệm và chương trình kiến quốc mang đậm tính dân tộc chủ nghĩa và độc lập trong nhãn quan chính trị của ông.

Những tác phẩm trong tương lai không thể bỏ qua những luận điểm của Miller rằng chính sự xung đột nảy sinh từ nhận thức sai lệch đã hình thành mối quan hệ đầy thăng trầm của Mỹ – Diệm và cả số phận miền nam Việt Nam.

Sau năm mươi năm, hình ảnh nhân vật lịch sử Ngô Đình Diệm dần được sáng tỏ trong mắt các sử gia Mỹ. Đáng tiếc là tại Việt Nam, việc nghiên cứu về ông vẫn là một đề tài cấm kỵ.

Phải chăng, không đi theo chủ nghĩa cộng sản là không phải người Việt yêu nước? Vậy tại sao Hồ Chí Minh lại tuyên bố Ngô Đình Diệm là một nhà ái quốc?

Những người cộng sản Việt Nam không ngờ, Hồ Chí Minh, lãnh tụ của họ đã có một cái nhìn khác về đối thủ chính trị ở miền Nam.

 Trong một lần gặp gỡ nhà ngoại giao Ấn độ Ramcohundur Goburdhun, chủ tịch Ủy Hội Quốc Tế Kiểm Soát Đình Chiến Đông Dương, ở Hà Nội vào năm 1962, Hồ đã xem Ngô Đình Diệm là một “nhà yêu nước” và nhắn gửi với Goburdhun rằng: “Hãy bắt tay ông ấy giùm tôi nếu như ngài gặp ông ấy.”

Chỉ có những đối thủ xứng tầm nhau mới dành cho nhau lời nhận xét xứng tầm như vậy. Quan điểm của Hồ được nhà sử học Edward Miller lưu tâm vì nó đã gợi lên cho người đọc một cách nhìn khác lạ nhưng không xa lạ về Diệm, một nhân vật chính trị nổi bật và không thể thiếu được khi đề cập đến lịch sử Việt Nam trong thế kỷ 20.

Việt Nam vừa tổ chức một lễ quốc tang trọng thể cho tướng Giáp, trong khi nhân vật chính trị và quân sự lớn cùng sinh ra từ quê hương Lệ Thủy, Quảng Bình với tướng Giáp – Cố tổng thống Ngô Đình Diệm – vẫn chưa được trả lại tên thật trên mộ phần.

Sự thật lịch sử về Diệm, cho dù còn nhiều tranh cãi, là “một lãnh đạo độc tài với chế độ gia đình trị hay là một tổng thống ái quốc” cần phải được trả lại đúng nguyên vị của nó.

“50 năm sau, bình luận gia Beverly Deep Keever nhận định cuộc lật đổ cố Tổng-thống Diệm là “sai lầm nguy hiểm”

Trong hồ sơ mật Ngũ Giác Đài được bạch hóa năm 1971, người ta thấy có đoạn như sau: “Hoa Kỳ phải nhận hoàn toàn trách nhiệm trong vụ đảo chính ông Diệm vì chính quyền Mỹ lúc đó hậu thuẫn hết mình cho vụ này và tỏ ra ủng hộ không che đậy chế độ sau đó”.

Trong tháng 11, người Mỹ sẽ tưởng nhớ đến hai, không phải một, vị Tổng Thống đều đã ngã gục cách nhau chỉ có 2 tuần, cách đây đúng 50 năm về trước, đó là Tổng-thống  Ngô Đình Diệm và Tổng-thống  John F. Kennedy.

“Vĩ nhân của Hoa Kỳ mà còn là vĩ nhân của thế giới Tổng Thống Eisenhower nhận định và ca ngợi Tổng-thống Ngô Đình Diệm.

Chúng ta phải công bằng rằng tất cả những thành công về giáo dục, y tế, kinh tế, quân sự, ngoại giao, nội chính, an ninh tình báo của Tổng-thống Ngô Đình Diệm trong hoàn cảnh đất nước phải đương đầu với cộng sản Việt Nam, chống Nga, chống Bắc Kinh, là vượt quá sự mong đợi của người dân Việt Nam, vượt quá sự tiên liệu của Hoa Kỳ và các quốc gia khác”.

Uy tín của Miền Nam và của cá nhân của Tổng Thống lên cao đến mức Tổng-thống Eisenhower, không những là vĩ nhân của Hoa Kỳ mà còn là vĩ nhân của thế giới, đã thân chinh đón ông tận cửa máy bay với thảm đỏ trải dài từ chân cầu thang và 21 phát súng đại bác chào mừng, là một chứng minh rõ ràng nhất mà không ai có thể phản bác về uy tín và thành công quá lớn của Tổng Thống.”

“Có quá nhiều điều ông phát biểu từ mấy chục năm trước đã trở thành hiện thực. Người ta ca ngợi ông là người có viễn kiến chính trị, điều này theo chúng tôi chưa chính xác lắm.

Ông không phải là một nhà tiên tri chính trị mà thực sự ông là một nhà toán học chính trị, tính toán chính xác đường bay quỹ đạo chính trị thuộc về chiến lược. Ông có sở học sâu sắc và một năng khiếu đặc biệt về chính trị cộng với tư chất thông minh đã làm ông trở thành người thấy xa trông rộng, một yếu tố không thể thiếu của lãnh đạo quốc gia.”

Theo Giáo Sư Francis Xavier Winters, năm 1999 viết trên tạp chí “World Affairs” của Ấn Độ, có nói là: “Sau cái chết của Ông Diệm, một nhà báo Pháp hỏi Hồ chí Minh: Ông Diệm là người thế nào ? Ông Hồ đã trả lời: “Ông ta là một người yêu nước theo kiểu cuả ông ta “. 

Vậy, cho dù có ai đó vẫn muốn gọi đây là trái chiều hay thuận hướng, là bên phải hay lề trái, là phía bên này hay bên kia rặng Pyrénées, là gì-gì chăng nữa….thì theo thiển nghĩ, sau khi những sân-si vọng-động lắng xuống, nghiệp-quả đã tận duyên thì cũng phải ngộ ra những ước muốn thế này thế khác một thời chỉ là cuồng-vọng vô-năng bất-túc. Hy-vọng rằng, những Procrustes Việt-Nam đã đến lúc nhìn ra chiếc giường sắt của mình chỉ còn để bán cho lò buôn ve chai sắt vụn mà thôi./.

- Quảng Cáo -