Kinh tế Trung quốc tăng trưởng với tốc độ chậm nhất

- Quảng Cáo -

Gia Phú

Nền kinh tế Trung Quốc tăng trưởng với tốc độ chậm nhất kể từ khi bắt đầu đại dịch, cho thấy sự thiệt hại nghiêm trọng bởi sách lược “zero-COVID” của Bắc Kinh.

Theo số liệu Cục Thống kê Quốc gia Trung Quốc (NBS) vừa mới công bố hôm nay cho biết nền kinh tế Trung Quốc chỉ tăng trưởng 0,4% trong quý II, mức tăng trưởng kinh tế chậm nhất kể từ khi đại dịch bùng phát lần đầu tiên ở Vũ Hán vào đầu năm 2020.

Các lệnh phong tỏa nghiêm ngặt ở nhiều thành phố lớn bao gồm cả thủ đô thương mại Thượng Hải vào tháng 3 và tháng 4 để thực hiện sách lược “loại bỏ virus bằng mọi giá” đã tác động mạnh đến kinh tế Trung Quốc. Hậu quả là buộc các nhà máy phải tạm dừng hoạt động, làm rối loạn chuỗi cung ứng, kìm hãm sản xuất và sự tiêu dùng của người dân.

- Quảng Cáo -

Doanh số bán lẻ giảm 11,1% trong tháng 4 so với năm trước, sự sụt giảm đáng kể ở các hạng mục chính như chi tiêu nhà hàng và doanh số bán ô tô. Bằng chứng của sách lược phong tỏa cho thấy “không có một chiếc ô tô nào được bán ở Thượng Hải” vào tháng 4, theo một báo cáo của hãng tin Bloomberg.

Tỷ lệ thất nghiệp được khảo sát đã tăng lên 6,1%, chỉ kém mức cao 6,2% được báo cáo trong những ngày đầu bùng phát dịch bệnh vào năm 2020.

Hoạt động xuất khẩu và công nghiệp giảm tốc xuống 3,9% và 4%, do các vụ đóng cửa ở các trung tâm công nghiệp chính như đồng bằng sông Dương Tử của Thượng Hải.

Phát ngôn viên Fu Linghui của NBS cho biết: “Ảnh hưởng của dịch bệnh vẫn đang kéo dài trong nước. Nhu cầu đang giảm và nguồn cung bị gián đoạn. Bên cạnh đó, nguy cơ lạm phát và suy thoái của nền kinh tế thế giới cũng đang gia tăng.”

Trong cùng lúc, lĩnh vực bất động sản của Trung Quốc, ước tính chiếm ¼ tổng sản phẩm quốc nội, cũng đang đối mặt với nhiều thách thức.

Trước tình trạng ngày càng có nhiều người mua nhà tại Trung Quốc từ chối thanh toán các khoản vay thế chấp cho các dự án xây dựng bị đình trệ, các cơ quan quản lý ngân hàng của Trung Quốc hôm thứ Năm cho biết họ đang phối hợp với các cơ quan khác để hỗ trợ việc hoàn tất các đơn vị nhà ở.

Hãng tin Bloomberg báo cáo rằng các nhà hoạch định chính sách đã tổ chức các cuộc họp khẩn cấp với các ngân hàng để thảo luận về vấn đề này trong bối cảnh lo ngại rằng nó có thể trở nên tồi tệ hơn.

Các cuộc tẩy chay của người mua nhà sẽ làm tăng nguy cơ vỡ nợ thế chấp, một loạt rắc rối mới đối với các ngân hàng đã siết chặt vốn với các nhà phát triển bất động sản đang bị ốm yếu. Thế chấp chiếm gần 20% tổng dư nợ ngân hàng, lên tới 39 nghìn tỷ nhân dân tệ (khoảng 5,8 nghìn tỷ USD).

Trong một ghi chú khá hoang mang từ nhà kinh tế Zhipeng Cai của công ty quản lý đầu tư và dịch vụ tài chính Morgan Stanley hàng đầu của Mỹ, ông đã ước tính có đến “188 triệu m2 (1,7 triệu đơn vị nhà và căn hộ) đang gặp rủi ro”.

Dữ liệu yếu ớt về kinh tế của Trung Quốc đang làm tăng thêm lo ngại về một cuộc suy thoái toàn cầu khi các nhà hoạch định chính sách tăng lãi suất để kiềm chế lạm phát tăng cao, gây thêm khó khăn cho người tiêu dùng và doanh nghiệp trên toàn thế giới khi họ phải đối mặt với những thách thức từ cuộc chiến Ukraine và sự gián đoạn chuỗi cung ứng.

Trung Quốc đã đặt mục tiêu tăng trưởng kinh tế năm 2022 vào khoảng 5,5% – một chỉ số mà các nhà kinh tế cho rằng Bắc Kinh sẽ khó có thể đạt được./.

- Quảng Cáo -