Cú hích Thái Bình Dương của Trung Quốc đang phản tác dụng

- Quảng Cáo -

Derek Grossman/ Foreign Policy – Phạm Nhật Bình lược dịch- Nguồn: China’s Pacific Push Is Backfiring,” Derek Grossman, Foreign Policy, 26/7/2022.

Quần đảo Thái Bình Dương không có nhiều sự chú ý của quốc tế kể từ Thế Chiến Thứ Hai chấm dứt. “Cảm ơn” Trung Quốc vì điều đó.

Nhưng một tài liệu bị rò rỉ vào tháng Ba năm nay đã tiết lộ kế hoạch của Bắc Kinh nhằm tạo ra một thỏa thuận an ninh bí mật với Quần Đảo Solomon. Thỏa thuận cho phép Trung Quốc thường xuyên thực hiện các chuyến viếng thăm của tàu ​​chiến và cung cấp đào tạo và hỗ trợ cho việc kiểm soát Quần Đảo Solomon. Lo ngại rằng Bắc Kinh có thể tận dụng thỏa thuận để có được căn cứ quân sự đầu tiên ở Châu Đại Dương, Mỹ và Australia đã nhanh chóng cử các đặc phái viên đến can ngăn Thủ Tướng Manasseh Sogavare của Quần Đảo Solomon ký kết thỏa thuận. Ông ấy cũng vẫn ký.

Sau đó, vào cuối tháng Năm, Bộ Trưởng Ngoại Giao Trung Quốc Vương Nghị đã bắt đầu chuyến công du 10 ngày, đến 8 nước Nam Thái Bình Dương để giành được sự đồng tình về “Tầm nhìn phát triển chung của Trung Quốc và các quốc đảo Thái Bình Dương,” một thỏa thuận an ninh và phát triển đa phương sâu rộng, sẽ cho phép Bắc Kinh hiện diện thường trực tại khu vực này. Nhưng cuối cùng, các ngoại trưởng các quốc đảo Thái Bình Dương đã bác bỏ các đề nghị của Trung Quốc, và họ Vương trở về Bắc Kinh tay trắng.

- Quảng Cáo -

Bất chấp những thất bại của họ Vương, những sự kiện này đã khiến các cường quốc truyền thống trong khu vực như Úc, New Zealand và Hoa Kỳ chao đảo. Nhưng nhìn từ một góc độ rộng hơn, Trung Quốc phải đối mặt với những thách thức to lớn trong việc đạt được sự ngang bằng về ngoại giao, kinh tế hoặc quân sự với các nước nầy, chưa nói đến vị trí đứng đầu ở Thái Bình Dương.

Chẳng hạn, vụ đi đêm với Quần Đảo Solomon đã làm hoen ố nghiêm trọng hình ảnh của Trung Quốc vì cách thức thực hiện. Thay vì tiến hành các cuộc đàm phán song phương bí mật, Bắc Kinh nên minh bạch ngay từ đầu – hoặc thúc đẩy Honiara [thủ đô Quần Đảo Solomon, ND] theo hướng này – để thu nhận ý kiến từ tổ chức đa phương hàng đầu trong khu vực: Diễn Đàn các Đảo Quốc Thái Bình Dương (Pacific Islands Forum – PIF).

Ở khu vực Thái Bình Dương, việc ra quyết định dựa trên sự đồng thuận là rất quan trọng, đặc biệt là đối với các vấn đề có thể ảnh hưởng đến toàn bộ khu vực. Theo Tuyên Bố Biketawa năm 2000, các cuộc khủng hoảng khu vực phải được điều phối và giải quyết từ bên trong “gia đình Thái Bình Dương,” tức là giữa 18 thành viên của PIF. Ví dụ, vào năm 2003, Quần Đảo Solomon đã kêu gọi các thành viên PIF khác gửi cảnh sát các nước này vào giúp dập tắt tình trạng bất ổn trong nước, một chiến dịch được gọi là Sứ Mệnh Hỗ Trợ Khu Vực cho Quần Đảo Solomon (the Regional Mission to Solomon Islands – RAMSI).

Ngược lại, trong năm nay, Quần Đảo Solomon không phải đối mặt với tình trạng bất ổn ngay lập tức, mặc dù đã có các cuộc bạo động ở thủ đô Honiara vào tháng Mười Một năm ngoái đã khơi động làn sóng chống đối Trung Quốc. Tuy nhiên, thay vì lôi kéo các thành viên PIF tham gia các cuộc đàm phán an ninh, Honiara đã đơn phương ủy quyền cho một nước bên ngoài là Trung Quốc khả năng tham gia vào các nhiệm vụ hỗ trợ khu vực trong tương lai. Trung Quốc cũng nên biết rằng điều này sẽ không phù hợp với PIF. Ví dụ, thủ tướng đảo quốc Samoa, bà Fiamè Naomi Mata’afa, tuyên bố rằng các vấn đề như thỏa thuận Quần Đảo Solomon “cần được xem xét trong bối cảnh rộng hơn về những gì chúng tôi đang có và những gì chúng tôi muốn làm về các điều khoản an ninh cho khu vực.” Quyết định của Bắc Kinh rất có thể sẽ khiến các quốc đảo Thái Bình Dương khó tin tưởng rằng Trung Quốc không cố gắng phá hoại các quy trình nghị sự của họ.

Trung Quốc cũng phải đối mặt với những bất lợi ở khu vực Thái Bình Dương do mối quan hệ căng thẳng với Đài Loan. Đài Bắc duy trì 14 quan hệ đối tác ngoại giao chính thức trên toàn thế giới, 4 trong số đó là thành viên PIF: Quần Đảo Marshall, Nauru, Palau và Tuvalu. Bốn quốc gia này có xu hướng rất ủng hộ Đài Loan dựa trên lịch sử hợp tác lâu dài và sự nghi ngờ cao về các ý đồ của Bắc Kinh đối với khu vực. Bắc Kinh đã tỏ ra bực tức trước sự hiện diện liên tục của Đài Loan ở Châu Đại Dương và họ không có khả năng dập tắt nó. Vấn đề trở nên gay gắt vào tháng Mười, 2020 khi các viên chức Trung Quốc bị cáo buộc đã phá một lễ kỷ niệm Quốc Khánh Đài Loan ở Fiji và hành hung một viên chức Đài Loan vì chiếc bánh của bữa tiệc, được trang trí bằng cờ Đài Loan. Bắc Kinh cho biết vụ việc bắt nguồn từ “cờ giả” được trưng bày tại sự kiện hôm ấy.

Trong một nghiên cứu mà tôi đưa ra vào năm 2019 cho RAND Corporation, nhóm của tôi và tôi đã ghi lại tỉ mỉ cách Trung Quốc cố gắng thuyết phục Quần Đảo Marshall và Palau chuyển đổi sự công nhận của họ đối với Bắc Kinh thông qua củ cà rốt và cây gậy kinh tế. Cho đến nay, Trung Quốc đã thất bại trong việc này, và trong một số trường hợp, các sáng kiến ​​của họ đã phản tác dụng. Chẳng hạn, Tổng Thống Palau Surangel Whipps Jr. đã tranh luận bên lề hội nghị thượng đỉnh PIF trong tháng này rằng “có rất nhiều áp lực đối với Palau… Những gì chúng tôi đã nói với Trung Quốc là chúng tôi không có bất kỳ kẻ thù nào, vì vậy chúng tôi không phải lựa chọn. Nếu bạn muốn có quan hệ với Palau, bạn được chào đón. Nhưng bạn không thể nói với chúng tôi rằng chúng tôi không thể có quan hệ với Đài Loan.”

Trong khi đó, vào tháng Sáu, Tuvalu đã rút khỏi một hội nghị về đại dương của Liên Hiệp Quốc vì Trung Quốc ngăn cản sự tham gia của Đài Loan. Khi Tổng Thống Quần Đảo Marshall David Kabua thăm Đài Bắc vào tháng Ba, ông đã ca ngợi mối quan hệ Quần Đảo Marshall – Đài Loan là một “liên minh độc nhất,” nói thêm rằng “Đài Loan là một tấm gương sáng về một quốc gia tiến bộ sôi nổi và hòa bình. Đã đến lúc Đài Loan cần có vị trí xứng đáng với tư cách là một thành viên bình đẳng trong đại gia đình các quốc gia.” Đảo quốc Nauru cũng đã liên tục ủng hộ Đài Loan, với Tổng Thống Nauru Lionel Aingimea vào năm 2019 mô tả trái tim của họ là “liên kết làm một.”

Nỗ lực của Trung Quốc nhằm thúc đẩy “Tầm nhìn Phát triển Chung của các Quốc đảo Thái Bình Dương – Trung Quốc” thông qua cuộc họp các ngoại trưởng của PIF, mà không bao gồm tất cả các thành viên, vào tháng Năm cũng gây ra sự nghi ngờ. Thủ tướng đảo quốc Samoa, bà Fiamè phàn nàn rằng, “Chúng tôi đã không đưa ra quyết định vì chúng tôi không có đủ thời gian để xem xét nó.” Những người khác bày tỏ quan ngại nghiêm trọng về nội dung của kế hoạch. Trong một bức thư chưa từng có gởi cho PIF, Tổng Thống Micronesia David Panuelo gọi đây là “màn khói cho một chương trình nghị sự lớn hơn” để “đảm bảo sự kiểm soát của Trung Quốc đối với ‘an ninh truyền thống và phi truyền thống’ đối với các đảo của chúng tôi.” Tổng Thư Ký PIF Henry Puna chỉ trích thẳng thắn cách tiếp cận của Trung Quốc, và nói: “Nếu ai đó biết chúng tôi muốn gì, chúng tôi cần gì và các ưu tiên của chúng tôi là gì, thì đó không phải là những người khác. Mà là chúng tôi.”

Một thách thức khác đối với Bắc Kinh là PIF không quan tâm đến việc bị cuốn vào cuộc tranh hùng tranh bá giữa Trung Quốc và Hoa Kỳ. Giữa các chuyến thăm của họ Vương, Thủ Tướng Fiji Frank Bainimarama đã tweet “Thái Bình Dương cần các đối tác thực sự, không phải các siêu cường luôn tập trung vào quyền lực.” Nhận xét của ông có sức lan tỏa thực sự vì Fiji được coi là trung tâm quyền lực truyền thống của khu vực Thái Bình Dương và là nơi đặt trụ sở chính của PIF.

Tuy nhiên, ác cảm này không ảnh hưởng nhiều đến Hoa Kỳ như đối với Trung Quốc. Đáng chú ý, Phó Tổng Thống Hoa Kỳ Kamala Harris đã được mời đưa ra một bài phát biểu qua mạng Internet cho hội nghị thượng đỉnh PIF trong tháng này, bất chấp quyết định trước đó loại trừ tất cả các đối tác đối thoại, bao gồm cả Trung Quốc. Tương tự như vậy, khi chính quyền Biden công bố Khuôn Khổ Kinh Tế Ấn Độ-Thái Bình Dương vì Thịnh Vượng (Indo-Pacific Economic Framework for Prosperity – IPEF) vào tháng Năm để cạnh tranh với ảnh hưởng kinh tế ngày càng tăng của Trung Quốc, Fiji nhanh chóng tuyên bố ý định tham gia. Nói cách khác, Washington vẫn nhận được lợi ích từ sự nghi ngờ về các sáng kiến ​​khu vực, trong khi Bắc Kinh thì không. Vấn đề đối với Trung Quốc là Mỹ cùng với các nước bạn truyền thống là Australia và New Zealand vẫn là lực lượng ưu tiên và có khả năng chiếm ưu thế, do đó khiến Bắc Kinh khó thâm nhập vào khu vực và xây dựng ảnh hưởng của riêng mình.

Trung Quốc cũng đang đấu tranh với phương Tây rằng kế hoạch kinh tế đặc trưng của họ, một chương trình đầu tư và phát triển cơ sở hạ tầng toàn cầu được gọi là Sáng Kiến ​​Vành Đai và Con Đường (BRI), đã tạo ra khoản nợ không bền vững cho các nước nhận đầu tư. Dù đúng hay sai, nhiều nhà quan sát đã đổ lỗi cho sự sụp đổ kinh tế gần đây của Sri Lanka, ít nhất một phần, là do các khoản vay BRI khó đòi.

Bảy quốc gia đại dương có nguy cơ mắc nợ cao, bao gồm Kiribati, Quần Đảo Marshall, Micronesia, Papua New Guinea, Samoa, Tonga và Tuvalu. Ba quốc gia khác, bao gồm Quần Đảo Solomon, Vanuatu và Đông Timor, hiện đang có nguy cơ ở mức trung bình. Đây đều là những quốc gia có thu nhập thấp dựa vào sự hỗ trợ từ bên ngoài để tồn tại. Để có được thành công trong tương lai ở Thái Bình Dương, Bắc Kinh phải chứng minh BRI là một lựa chọn an toàn và công bằng cho họ, vì hầu hết đều là những nước đang tham gia chương trình.

Chắc chắn, đã có một số thành công từ quan điểm của Bắc Kinh. Kiribati, giống như Quần Đảo Solomon, đã từ bỏ công nhận ngoại giao đối với Đài Loan vào năm 2019. Nước nầy đã duy trì quan hệ đối tác thân thiện với Trung Quốc kể từ đó. Bắc Kinh đang tân trang đường băng trên đảo Kanton mà Tarawa [thủ đô Cộng Hòa Kiribati, ND] nói là để phục vụ du lịch, nhưng Washington lo ngại nó có thể được sử dụng làm căn cứ không quân trong tương lai, chỉ cách Hawaii khoảng 1.600 dặm (2500 km). Vào trước thềm hội nghị thượng đỉnh PIF năm nay vào tháng Bảy, Kiribati đã gây sửng sốt cho diễn đàn khi tuyên bố sẽ không tham gia hội nghị, bề ngoài là vì những lý do liên quan đến vai trò lãnh đạo của diễn đàn.

Tuy nhiên, cựu Tổng Thống Cộng Hòa Kiribati, ông Anote Tong, tin rằng chính phủ hiện tại đang “nấu nướng một cái gì đó” với Bắc Kinh. Đáng chú ý nhất, vào tháng Mười Một, 2021 Kiribati đã hủy ghi tên tổ chức Khu bảo tồn Quần đảo Phượng Hoàng (the Phoenix Islands Protected Area – PIPA) – khu bảo tồn biển lớn nhất thế giới – là Di sản Thế giới. Khi Vương Nghị đến thăm Kiribati, hai bên đã ký một thỏa thuận bí mật về nghề cá có thể cho phép Trung Quốc tiếp cận độc quyền đánh bắt cá ở đó. Nếu điều này là đúng, thì nó sẽ càng làm xói mòn lòng tin của các đảo quốc Thái Bình Dương đối với Bắc Kinh.

Phó Tổng Thống Hoa Kỳ Kamala Harris phát biểu trực tuyến tại hội nghị thượng đỉnh các nhà lãnh đạo Diễn Đàn các Đảo Quốc Thái Bình Dương (PIF) ở Suva, Fiji, ngày 13/7/2022. Ảnh:Ben McKay/ AAPIMAGE via Reuters Connect
Phó Tổng Thống Hoa Kỳ Kamala Harris phát biểu trực tuyến tại hội nghị thượng đỉnh các nhà lãnh đạo Diễn Đàn các Đảo Quốc Thái Bình Dương (PIF) ở Suva, Fiji, ngày 13/7/2022. Ảnh:Ben McKay/ AAPIMAGE via Reuters Connect

Thành công một phần của Bắc Kinh với Quần Đảo Solomon và Kiribati đã gióng lên hồi chuông cảnh báo ở Canberra, Wellington và Washington, nhất là Washington hầu như đã bỏ lơ các quốc đảo Thái Bình Dương một cách đáng tiếc. Trong nỗ lực đưa Hoa Kỳ trở lại đúng hướng, Phó Tổng Thống Kamala Harris trong bài phát biểu của bà trước PIF đã công bố Washington sẽ mở các cơ quan đại diện ngoại giao ở Kiribati và Tonga (ngoài việc mở lại đại sứ quán Hoa Kỳ tại Quần Đảo Solomon), bổ nhiệm phái viên đầu tiên với PIF, tăng gấp ba lần yêu cầu của chính quyền về việc tài trợ ở Thái Bình Dương, đưa Tổ Chức Hòa Bình (còn được gọi là Đoàn Hòa Bình – Peace Corps) trở lại khu vực, tái lập phái bộ Cơ Quan Phát Triển Quốc Tế Hoa Kỳ (USAID) tại Fiji và soạn thảo chiến lược các quốc đảo Thái Bình Dương. Chính quyền Biden vào tháng Sáu đã thành lập “Đối tác ở Thái Bình Dương Xanh,” bao gồm Úc, Nhật Bản, New Zealand và Vương Quốc Anh; được thiết kế để giải quyết các thách thức xuyên quốc gia, chẳng hạn như biến đổi khí hậu và phát triển cơ sở hạ tầng.

Australia cũng đang rất coi trọng sự hiện diện ngày càng gia tăng của Trung Quốc trong khu vực. Thỏa thuận an ninh Quần Đảo Solomon là một vấn đề chính trị quan trọng trong cuộc bầu cử quốc gia của Australia đã được tổ chức vào tháng Năm (2022), và chính phủ mới của nước này do Thủ Tướng Anthony Albanese lãnh đạo đã nhanh chóng cử Ngoại Trưởng Penny Wong đến các quốc đảo Thái Bình Dương để làm mờ hình ảnh Vương Nghị. Sau khi họ Vương rời đi, Ngoại Trưởng Wong đã thực hiện hai chuyến đi bổ sung để củng cố quan hệ đối tác của “gia đình Thái Bình Dương.” Canberra tuyên bố sẽ cung cấp nhiều hỗ trợ kinh tế hơn cho khu vực và có kế hoạch thành lập một trường quân sự để huấn luyện quân đội của các quốc đảo Thái Bình Dương, nhằm đối phó rõ ràng với kế hoạch của Trung Quốc nhằm đào tạo các nhân viên thực thi pháp luật của Quần Đảo Solomon.

New Zealand, quốc gia cho đến gần đây đã cố gắng định hướng một con đường trung dung đối với Trung Quốc – giữ các mối quan hệ chính trị và kinh tế riêng biệt – đã nhượng bộ và thừa nhận những mối quan tâm ngày càng tăng của họ. Trong chuyến thăm Nhà Trắng vào cuối tháng Năm, Thủ Tướng New Zealand, bà Jacinda Ardern, trong một tuyên bố chung với Tổng Thống Hoa Kỳ Joe Biden, cho biết, “Chúng tôi lưu ý với mối quan tâm về thỏa thuận an ninh giữa Cộng Hòa Nhân Dân Trung Hoa và Quần Đảo Solomon. Đặc biệt, Hoa Kỳ và New Zealand chia sẻ lo ngại rằng việc một quốc gia không chia sẻ các giá trị hoặc lợi ích an ninh của chúng tôi mà thiết lập sự hiện diện quân sự lâu dài ở Thái Bình Dương sẽ làm thay đổi căn bản cán cân chiến lược của khu vực và đặt ra những lo ngại về an ninh quốc gia cho cả hai quốc gia chúng tôi.” Bà Ardern sau đó đã phản bác lại tuyên bố này để xoa dịu Bắc Kinh, nhưng rõ ràng là bà và chính phủ của bà đang ngày càng không thoải mái với các hoạt động của Trung Quốc ở Châu Đại Dương.

Điểm mấu chốt là Bắc Kinh chỉ đạt được thành công hạn chế trong việc truyền bá ảnh hưởng của mình ở Thái Bình Dương, với những ngoại lệ đáng chú ý là Quần Đảo Solomon và Cộng Hòa Kiribati. Để chắc chắn, các chiến thắng khác sẽ được mong đợi tiếp theo, chẳng hạn như, về mặt giả thuyết, khả năng ký kết một thỏa thuận BRI rất lớn hoặc các đồng minh khác của Đài Loan chuyển đổi công nhận ngoại giao của họ.

Tuy nhiên, bức tranh tổng thể còn nhiều thách thức hơn đối với Trung Quốc. Những người phản đối Bắc Kinh ở khu vực Thái Bình Dương có trách nhiệm trau dồi các chiến lược can dự của họ để ưu tiên ứng phó các thách thức của biến đổi khí hậu, phục hồi sau đại dịch và các chương trình kinh tế phù hợp với nhu cầu của các quốc đảo Thái Bình Dương. Được vậy, có thể dễ dàng bỏ Trung Quốc lại  ở phía sau.

Tác giả Derek Grossman là nhà phân tích quốc phòng cấp cao tại RAND Corporation, trợ giảng tại Đại Học Nam California, và là cựu trợ lý tình báo hàng ngày của trợ lý bộ trưởng Quốc Phòng Hoa Kỳ về các vấn đề an ninh Châu Á và Thái Bình Dương.

- Quảng Cáo -