Áp lực nào khiến hơn 16 ngàn giáo viên nghỉ dạy?

- Quảng Cáo -

RFA

hơn 16 ngàn giáo viên đã nghỉ dạy trong năm học 2021-2022, lý do chính theo lãnh đạo Bộ Giáo dục là do lương thấp. Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo – Nguyễn Kim Sơn đưa ra thông tin vừa nêu trong báo cáo gửi các Đại biểu Quốc hội về thực trạng và nguyên nhân khi hàng loạt giáo viên nghỉ việc.

Theo báo cáo này, trong số 16.265 giáo viên nghỉ việc, chuyển việc ra khỏi ngành, có 10.407 người là giáo viên công lập và số giáo viên ngoài công lập nghỉ việc là 5.858 người.

Theo ông Sơn, có nhiều nguyên nhân dẫn tới thực trạng này, nhưng chủ yếu là do lương thấp.

- Quảng Cáo -

Từ thực tế trên, Nhà Nghiên cứu Đinh Kim Phúc, nguyên cán bộ giảng dạy trường Đại học Cần Thơ, nguyên giảng viên trường Đại học Mở thành phố Hồ Chí Minh, hôm 2/11 nhận định:

“Hiện nay số lượng giáo viên bỏ việc rất nhiều, tôi nghĩ nó không phải do đồng lương. Vì suy ra cho cùng, cộng tất cả các khoản tiền chính thức và không chính thức thì cũng có thể tạm chấp nhận được trong hoàn cảnh khó khăn. Nhưng vấn đề ở đây là áp lực của ngành nghề, áp lực của xã hội… nó đẩy người giáo viên vào vòng luẩn quẩn mà không giải quyết được, vấn đề nghề nghiệp không phát huy được, chuyên môn bị chi phối bởi cơm áo gạo tiền, bị chi phối bởi những vấn đề quy định từ trên Bộ Giáo dục.”

Chính vì áp lực đó và với cơ chế thị trường hiện nay nên theo ông Phúc, giáo viên có thể dễ dàng nghỉ dạy ra ngoài làm nhiều việc để kiếm thu nhập để đảm bảo cuộc sống gia đình. Ông Phúc nêu ví dụ:

“Tôi lấy ví dụ, nếu như không đi dạy thì có thể chạy Grab, bán hàng online… Nói tóm lại, chính áp lực của ngành nghề, rồi dư luận xã hội, quan hệ đối xử giữa lãnh đạo với nhân viên, lãnh đạo với giáo viên và những cơ chế chính sách đã ép người giáo viên không thể nào chịu nổi trong cơ chế cũ không tháo ra… Chính đó là ngòi nổ để hàng loạt giáo viên của ngành giáo dục, cũng như ngành y tế bỏ việc.”

Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn trong báo cáo còn dẫn chứng “Có giáo viên công tác trong 5 năm đầu thu nhập bình quân từ lương và phụ cấp khoảng 6 triệu đồng/tháng. Trong khi đó, chi phí thiết yếu cho cuộc sống như ăn, ở, nuôi con, chăm sóc sức khỏe… khá cao. Điều này khiến một số giáo viên phải chuyển sang làm các công việc khác thu nhập cao hơn”.

Vào tháng 10 năm 2021, một thầy giáo ở Đồng Nai đã xin nghỉ việc vì ông thấy môi trường nơi ông giảng dạy ‘phi giáo dục, dối trá’. Người xin nghỉ việc là thầy Lê Trần Ngọc Sơn, giáo viên tiếng Anh tại trường Tiểu học An Lợi, Long Thành, Đồng Nai. Trong đơn xin nghỉ việc được báo chí Nhà nước đăng tải, thầy Sơn nêu lý do: “công tác trong ngành giáo dục nhưng có nhiều điều phi giáo dục… nhất là vấn nạn dối trá, tôi cảm thấy mình không phù hợp nên nghỉ”.

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Hoàng Dũng, một chuyên gia về ngôn ngữ học thuộc trường Đại học Sư phạm TP.HCM, khi trao đổi với RFA liên quan vấn đề này, cho biết:

“Nhìn chung thì giáo dục Việt Nam cũng có chỗ này chỗ kia, có chỗ thì tôi tin giống như chỗ thầy giáo đã xin nghỉ việc nói như thế, đây có thể là chuyện có thật. Nhưng có những chỗ khác thì không đến nỗi như thế, thậm chí có môi trường rất tốt. Trường tôi là trường đào tạo giáo viên, học trò học xong đi dạy… nhiều em gặp lại thầy kể lại chuyện đi dạy có chỗ xấu, có chỗ tốt. Nhưng nhìn chung có những cái khá phổ biến, mà người tự trọng không chấp nhận được, chẳng hạn như bệnh thành tích, bắt các thầy cô giáo phải làm hết các chuyện nhỏ đến to, nhưng thực chất là chỉ để phục vụ các sếp thôi. Những cái đó thì những người tự trọng họ không chịu được, tất nhiên không phải chỗ nào cũng vậy, nhưng phổ biến lắm. Thành ra tôi rất thông cảm quyết định của thầy cô giáo khi mà quyết định xin nghỉ việc.”

Ngoài trường hợp Thầy Lê Trần Ngọc Sơn, một số trường hợp tương tự được nhiều người biết đến. Điển hình như vào tháng 6/2021, là trường hợp cô giáo Nguyễn Thị Tuất ở huyện Quốc Oai, Hà Nội; hay như trước đây của cô giáo Nguyễn Thị Minh Đệ ở Phú Yên…

Một giáo viên tiểu học ở Sài Gòn không muốn nên tên vì lý do an toàn, hôm 2/11 cho biết thực tế khó khăn của giáo viên:

“Giáo viên nghỉ việc thứ nhất là vấn đề tiền lương, vì lương giáo viên rất thấp, bên cạnh đó không được đãi ngộ và làm việc rất nhiều áp lực từ nhiều phía. Ví dụ như áp lực với đồng nghiệp, áp lực với phụ huynh, áp lực với học trò, áp lực từ ban giám hiệu và áp lực kể cả với dư luận xã hội… Rất nhiều áp lực mà công việc cứ dồn dập, người ngoài thì cứ nghĩ giáo viên lên lớp rồi chạy giáo án thôi, chứ thực ra còn rất nhiều công việc không tên khác, mà chỉ có trong ngành mới biết. Bên cạnh đó còn phải đối phó với chuyện trù dập rất là nhiều, khiến giáo viên cảm thấy chán nản, họ muốn không muốn cống hiến với ngành này bằng tâm huyết của họ như lúc đầu họ chọn cái ngành nghề họ theo.”

Giáo viên này đưa ra khuyến nghị:

“Nhà nước nếu cải tạo, cải thiện thì có rất nhiều thứ. Thứ nhất về chương trình ngày càng quá nặng, không tạo cho giáo viên sự thoải mái để họ cống hiến hết sức mình. Họ bị gò bó, rồi đưa ra những thi đua này nọ buộc họ phải làm, vắt kiệt sức giáo viên. Nói chung là có rất nhiều chuyện dẫn đến sự bất mãn của giáo viên, nên họ phải chuyển ngành nghề khác để theo kịp nhịp sống, theo nhu cầu cuộc sống của họ.”

Áp lực từ phụ huynh đối với giáo viên mà cô giáo này nói đơn cử như vụ việc xảy ra vào tháng 10 năm 2022 tại huyện Hương Sơn – tỉnh Hà Tĩnh, một phụ huynh đã vác dao xông vào trường, lăng mạ giáo viên. Sau đó, phụ huynh này tìm gặp hiệu trưởng, đe dọa và bắt thầy giáo này quỳ xuống xin lỗi.

Trước đó vào năm 2019, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã trình Chính phủ dự thảo sửa đổi, bổ sung Luật Giáo dục hiện hành, kiến nghị lương giáo viên được xếp cao nhất trong hệ thống thang bậc lương hành chính sự nghiệp. Tuy nhiên, đề xuất bảng lương riêng hoặc chế độ phụ cấp cao nhất đối với giáo viên đã không được tán thành.

Nhà Nghiên cứu Đinh Kim Phúc cho rằng đây là một chuyện rất khó giải quyết, không thể nào tăng lương ưu tiên cho ngành giáo dục và y tế so với những ngành khác. Mà theo ông, phải bảo đảm sửa cơ chế từ trên xuống:

“Theo tôi nên cắt bớt những đầu mối quản lý giáo dục, thu nhập thì rất cao… nhưng đóng góp cho ngành giáo dục rất ít, thậm chí phá hoại nền giáo dục. Phải tập trung và đội ngũ giáo viên, vì sự nghiệp giáo dục có thành hay bại, là do người giáo viên quyết định, chứ không phải những quan chức giáo dục, học được năm ba chữ, rồi hò hét và đưa giáo viên vào những khuôn khổ, mà những khuôn khổ đó đôi khi phản khoa học.”

Theo số liệu công bố tại hội thảo Báo cáo phân tích ngành Giáo dục Việt Năm, trong 10 năm 2011-2020, nước này đã đầu tư cho giáo dục đạt hơn 18% tổng chi ngân sách nhà nước, tương đương 4,9% GDP, được cho là chỉ  kém Malaysia 5%, còn cao hơn các nước khác trong ASEAN gồm Campuchia 1,9%, Lào 3,3%…

Tuy nhiên theo Luật giáo dục 2019, ngân sách nhà nước giữ vai trò chủ đạo trong tổng nguồn lực đầu tư cho giáo dục và cần dành tối thiểu 20% tổng chi cho giáo dục, đào tạo./.

- Quảng Cáo -