Công nông…

- Quảng Cáo -

Thái Hạo

Hôm rồi một người hàng xóm của tôi bị csgt bắt mất chiếc xe công nông. Hắn bằng tuổi tôi, hai vợ chồng và 3 đứa con, gia đình ở trong một cái xó đồng ẩm thấp tối tăm sát bờ sông, biệt lập và cách xa làng.

Không được học hành, lớn lên thì lấy vợ, sinh con. Đất ở làng thì hẹp, hắn vô trong cái xó đồng ngoài chân đê này thầu miếng đất của xã, dựng một cái nhà tạm lụp xụp, đắp bờ nuôi cá nuôi tôm, nuôi lợn, nuôi vịt… Càng làm càng lỗ, càng làm càng lâm nợ. Đến khi nợ nần đã ghì hắn xuống tận bùn, tưởng chừng vô phương ngoi lên thì hắn sắm một chiếc công nông. Thoát chết.

Chiếc công nông ở nông thôn với đường làng lắt léo, đường đồng ruộng lầy lội, đường đồi núi nhấp nhô đã thành một thứ xe xịn mà những chiếc ô tô cỡ nhỏ với gầm thấp, máy yếu không đọ lại được. Vợ chồng hắn làm không hết việc. Dân làng sửa nhà trong hẻm nhỏ, kêu hắn đánh xe vào chở xà bần đi đổ, rồi chở đất đá làm móng, chở đất tôn vườn, chở phân chở lúa… Những ngày ít việc thì 2 vợ chồng, mỗi người một chiếc xẻng đi xúc đất chở về tập kết gần nhà, để đến khi có ai kêu thì lại xúc lên xe chở đi… Mấy năm trời chiếc công nông và bao nhiêu mồ hôi đã giúp hắn gượng dậy, nợ nần trả gần hết, cuộc sống như có chút ánh sáng le lói cuối đường hầm.

- Quảng Cáo -

Bữa trước thì người ta bắt, khi vừa ló ra đến đầu làng. Nghe nói chiếc xe đã bị cắt thành phế liệu.

Hôm qua hắn lên ngồi uống nước chè, thở dài, không có việc chi để làm, nợ thì chưa hết, cứ đi vào đi ra mãi đâm phát phiền. Giờ muốn vay mượn để mua chiếc ô tô chạy thay cho cái công nông thì không biết chữ, sao mà học bằng lái…

Xe công nông thì đã có luật cấm cách đây 10 năm rồi, nhưng trong nhiều làng quê vẫn cứ tồn tại, thời gian gần đây như báo chí đưa tin thì có vẻ “bùng phát” trở lại. Tại sao thế? Vì nó phù hợp. Đóng một cái công nông không nhiều tiền như mua một chiếc ô tô, xe nhỏ nhưng 2 cầu, gầm cao, chở đất đá vật liệu thì không gì bằng. Một chiếc xe tải cùng cỡ, chỉ vướng cái ổ gà hơi ướt thì bánh quay tròn, vật lộn cả đêm không lên được, chứ công nông thì vô tư, chấp hết. Tôi không hiểu người ta dựa vào những cơ sở nào để cấm một loại phương tiện hữu ích và lợi hại đến thế. Chỉ cần cấm chạy ra đường lộ là được, còn loanh quanh trong làng và đồng bãi, đồi núi thì có làm sao chứ?? Hình như trong nhiều chính sách ban ra, không có hình bóng của những người cùng khổ.

Mấy hôm nay liên tục đọc thấy thông tin hàng vạn công nhân phải nghỉ việc vì các công ty không có đơn hàng và đang ngắc ngoải sống, họ đành ngậm ngùi về quê “tết sớm” với cái túi rỗng không. Một cuộc chia tay với mấy lon nước ngọt và ngồi bệt trên vỉa hè mà báo tuoitre đưa tin làm quặn lòng tất cả. Đó là giai cấp công nhân. Cái giai cấp mà từ 10 năm trước tôi đã ăn cùng họ, ở cùng họ nhiều tháng trời để biết thế nào là sự tối tăm cơ cực của một kiếp người.

Chiếc công nông của ông bạn hàng xóm, rủi thay, cái tên ấy lại trùng với tên của hai “giai cấp tiên phong”: giai cấp Công – Nông. Bây giờ thì nó đã bị xẻ ra rồi, thành một đống phế liệu. Chỉ có người Công nhân và Nông dân thì vẫn ở đó, lay lắt mỗi ngày…

Rồi tự dưng nhớ câu thơ của Trần Vàng Sao khổ nạn: “Mi theo cách mạng quá trời/ Bây giờ nghĩ lại đã đời mi chưa?”

Thái Hạo

- Quảng Cáo -