Nga giội nước lạnh vào kế hoạch hòa bình của Trung Quốc

- Quảng Cáo -

Bình Phương (SGN)

Đúng một năm sau ngày chiến tranh Nga-Ukraine bùng nổ, Trung Quốc đề nghị một giải pháp chấm dứt xung đột, vãn hồi hòa bình. Kế hoạch này đã vấp phải sự hoài nghi của phương Tây còn Moscow cũng tỏ ra không mặn mà với “thiện chí” của Bắc Kinh.

Trang Business Inside hôm thứ Hai 27 tháng Hai 2023 nói Điện Kremlin đã giội một thùng nước lạnh vào kế hoạch hòa bình Ukraine mà Trung Quốc đưa ra hôm thứ Sáu tuần trước, và cho rằng các điều kiện hiện nay không phù hợp để theo đuổi kế hoạch như vậy.

“Chúng tôi rất chú ý đến kế hoạch của những người bạn Trung Quốc. Nhưng hiện tại, chúng tôi không thấy có bất kỳ điều kiện nào cần thiết để đưa toàn bộ câu chuyện này hướng tới hòa bình,” phát ngôn viên Điện Kremlin Dmitry Peskov cho biết hôm thứ Hai, và được báo Moscow Times trích dẫn.

- Quảng Cáo -

Hôm thứ Sáu, sau khi chính phủ Trung Quốc đưa ra kế hoạch 12 điểm, yêu cầu các bên chấm dứt xung đột ở Ukraine, tôn trọng chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ, Bộ Ngoại giao Nga đã lên tiếng cảm ơn Bắc Kinh về đề xuất mới nhưng nhấn mạnh rằng bất kỳ thỏa thuận hòa bình nào cũng cần phải công nhận “thực tế lãnh thổ mới” ở Ukraine.

Vào tháng Chín 2022, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã sáp nhập bất hợp pháp bốn khu vực của Ukraine và tuyên bố chúng là một phần của Nga. Moscow cũng tuyên bố kiểm soát Crimea, một bán đảo trên Biển Đen của Ukraine mà Nga đã sáp nhập bất hợp pháp sau cuộc xâm lược vào năm 2014.

Ukraine nhiều lần khẳng định sẽ không chấp nhận bất kỳ thỏa thuận hòa bình nào yêu cầu nước này phải nhượng lãnh thổ cho Nga. Kế hoạch hòa bình của Trung Quốc kêu gọi duy trì sự toàn vẹn lãnh thổ của tất cả các quốc gia nhưng không đòi hỏi quân đội Nga rời khỏi các lãnh thổ Ukraine bị chiếm đóng.

Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky đã không từ chối thẳng thừng đề xuất của Trung Quốc mà phản ứng một cách thận trọng. Khi Ukraine kỷ niệm một năm cuộc xâm lược của Nga vào thứ Sáu, ông Zelensky nói ông muốn gặp nhà lãnh đạo Trung Quốc Tập Cận Bình để thảo luận về kế hoạch. “Tôi tin rằng việc Trung Quốc bắt đầu nói về Ukraine không phải là điều xấu. Nhưng vấn đề là những gì sẽ theo sau lời nói. Vấn đề là ở các bước thực hiện và chúng sẽ dẫn đến đâu,” ông Zelensky nói với hãng tin AP ngay sau khi Trung Quốc công bố kế hoạch 12 điểm.

Cho đến nay Trung Quốc vẫn tuyên bố “trung lập” trong cuộc chiến xâm lược của Nga ở Ukraine, nhưng phương Tây chế giễu tuyên bố này và cáo buộc Bắc Kinh ủng hộ cuộc xâm lược vô cớ của Nga. Trung Quốc vẫn luôn đứng về phía Nga trong các vấn đề địa chính trị, liên minh với Nga để chống lại “đối thủ chung” là Hoa Kỳ và khẳng định họ có quan hệ đối tác “không giới hạn” với Moscow.

Bắc Kinh đã tránh chỉ trích Nga về cuộc xâm lược Ukraine trong khi chỉ trích phương Tây ban hành lệnh trừng phạt chống lại Moscow và thường xuyên bỏ phiếu trắng hoặc phiếu chống các nghị quyết của Liên Hiệp Quốc đòi Nga phải ngừng chiến tranh, rút quân khỏi Ukraine.

Ở trong nước, truyền thông nhà nước Trung Quốc thường xuyên lặp lại tuyên truyền của Điện Kremlin về cái gọi là “chiến dịch quân sự đặc biệt”, đổ lỗi cho Hoa Kỳ và phương Tây gây ra cuộc xung đột.

Khi cuộc chiến ở Ukraine bước sang năm thứ hai, Bắc Kinh dường như đang có cách tiếp cận tích cực hơn, công bố một đề nghị có tên “Lập trường của Trung Quốc về giải pháp chính trị cho cuộc khủng hoảng Ukraine” gồm 12 điểm, bất chấp thực tế rằng, do Trung Quốc đứng về phía Nga nên Bắc Kinh không thể được coi là một nhà trung gian hòa giải độc lập.

Tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden trong một cuộc phỏng vấn được phát sóng vào Chủ Nhật đã nói với ABC News rằng kế hoạch của Trung Quốc chỉ mang lại lợi ích lớn cho Nga. “Tôi không thấy trong kế hoạch đó có điều gì đó có lợi cho bất kỳ ai khác ngoài Nga,” ông Biden nói.

Ngoại trưởng Antony Blinken đánh giá kế hoạch hòa bình của Trung Quốc có thể là một trò bắt cá hai tay. Trung Quốc “một mặt muốn tự thể hiện công khai là nước trung lập, tìm kiếm hòa bình, nhưng mặt khác lại đồng thời cổ xúy câu chuyện sai lầm của Nga về cuộc chiến,” ông Blinken nói.

Kế hoạch hòa bình của Trung Quốc cũng được tiết lộ vài ngày sau khi Ngoại trưởng Hoa Kỳ Antony Blinken cảnh báo Bắc Kinh có thể gửi vũ khí sát thương cho Nga để sử dụng ở Ukraine. Cơ quan Tình báo trung ương Mỹ CIA cũng đã đưa ra những cảnh báo tương tự. “Chúng tôi tin rằng giới lãnh đạo Trung Quốc đang xem xét việc cung cấp thiết bị sát thương dù đến nay họ vẫn chưa đưa ra quyết định cuối cùng” về việc có cung cấp viện trợ sát thương cho Moscow hay không, Giám đốc CIA Bill Burns nói với CBS News trong một cuộc phỏng vấn được phát sóng hôm thứ Sáu.

Và đến thứ Hai 27 tháng Hai thì chính Moscow cũng không chấp nhận đề nghị hòa bình của Trung Quốc.

- Quảng Cáo -