Vì sao Tổng bí thư không dâng hương tưởng niệm các chiến sĩ Gạc Ma?

- Quảng Cáo -

Ngọc Linh Lan (VNTB)

Dường như trong suốt gần 3 nhiệm kỳ là Tổng bí thư, chưa lần nào báo chí đưa tin ông Nguyễn Phú Trọng đến dâng hương tưởng niệm các chiến sĩ Gạc Ma.

Bạn đọc viết

Hàng năm, gần như người ta chỉ đọc tin về cựu chủ tịch nước Trương Tấn Sang thực hiện các nghi thức tưởng niệm những người lính đã ngã xuống để bảo vệ biển đảo Việt Nam trước quân xâm lược Trung Quốc.

- Quảng Cáo -

Kỷ niệm 35 năm trận chiến bảo vệ Gạc Ma – Quần đảo Trường Sa, Khánh Hòa (14/3/1988 – 14/3/2023), tối 13/3, tại Khu tưởng niệm chiến sĩ Gạc Ma (huyện Cam Lâm, Khánh Hòa), Tỉnh ủy, Hội đồng nhân dân, UBND, Ủy ban Mặt trận tổ quốc Việt Nam tỉnh Khánh Hòa đã tổ chức Lễ tưởng niệm 64 cán bộ, chiến sĩ Hải quân nhân dân Việt Nam đã hy sinh để bảo vệ chủ quyền biển, đảo thiêng liêng của Tổ quốc.

Đến dự có nguyên chủ tịch nước Trương Tấn Sang; nguyên ủy viên Bộ Chính trị, nguyên phó thủ tướng thường trực Trương Hòa Bình.

Năm ngoái, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã đến dâng hương, hoa tại Khu tưởng niệm chiến sĩ Gạc Ma, ở xã Cam Hải Đông, huyện Cam Lâm, tỉnh Khánh Hòa. Và lần đó là lần đầu tiên sau 34 năm xảy ra vụ thảm sát Gạc Ma, một ủy viên Bộ Chính trị đang đảm nhận vai trò Thủ tướng, chính thức tham dự tưởng niệm 64 người lính vị quốc vong thân ở biển Đông.

Quan sát trên mạng xã hội, không khó nhận ra là kể từ lúc Việt Nam bình thường hóa quan hệ ngoại giao với Trung Quốc, giới lãnh đạo hệ thống chính trị, hệ thống công quyền tại Việt Nam đã cố tình lờ đi những anh hùng, liệt sĩ vị quốc vong thân khi đối đầu với Trung Quốc cả ở biên giới Việt – Trung suốt từ cuối thập niên 1970 đến cuối thập niên 1980, lẫn biển Đông.

Thậm chí, có giai đoạn, hoạt động tưởng niệm do dân chúng tự tổ chức còn bị xem là “thủ đoạn nham hiểm của các thế lực thù địch”, bị ngăn cản, bị đàn áp, bị… hài hóa như tổ chức… khiêu vũ ở tượng đài Lý Thái Tổ (Hà Nội) – nơi được chọn để tổ chức tưởng niệm!

Vì sao ông Tổng bí thư không tham gia các nghi thức tưởng niệm những người lính vị quốc vong thân trong chống quân xâm lược Trung Quốc?

Có ý kiến lý giải rằng dường như ông Tổng bí thư ngại mích lòng ông bạn hàng xóm, vì nói gì đi nữa thì chức danh Tổng bí thư là tối cao trong hệ thống chính trị, nên nếu ra mặt – dù chỉ là thắp hương tưởng niệm, thì đây cũng là sự kiện để báo chí đưa tin rồi ‘tán hươu, tán nai’ ảnh hưởng đến tình đồng chí giữa Hà Nội với Bắc Kinh.

Điều nhận xét trên không võ đoán.

Cho đến hiện tại thì trên trang thông tin điện tử tổng hợp Soha vẫn còn bài viết tường thuật lời khẳng định của Tổng bí thư: “Nếu để xảy ra đụng độ gì thì tình hình bây giờ bất ổn thế nào, chúng ta có ngồi đây mà bàn việc tổ chức đại hội Đảng được không?…”.

Số là vào sáng 8/12/2015, Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng cùng các đại biểu Quốc hội Hà Nội tại tổ bầu cử số 1 đã có cuộc tiếp xúc cử tri quận Ba Đình, Hoàn Kiếm (Hà Nội), để báo cáo kết quả kỳ họp thứ 10 Quốc hội khóa XIII.

“Các bác thấy vấn đề Biển Đông chúng ta giải quyết như thế có đúng không? Chuyện Biển Đông, càng ngày càng thấy tính đúng đắn của hướng giải quyết, vẫn đảm bảo được môi trường ổn định, hoà bình để phát triển.

Nếu để xảy ra đụng độ gì thì tình hình bây giờ bất ổn thế nào, chúng ta có ngồi đây mà bàn việc tổ chức đại hội Đảng được không?

Ta xử lý mối quan hệ với Trung Quốc, Mỹ, Nhật… vừa qua như thế hợp lý không? Để đảm bảo độc lập tự chủ, chơi với mọi nước nhưng không phụ thuộc vào ai mà các nước ta quan hệ, hợp tác đều phải nể trọng như vậy”, Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng diễn giải và tự khen.

“Ta chơi với tất cả mà họ đều phải nể trọng. Không phải vô tình mà vừa qua cùng lúc chúng ta đón 3 nguyên thủ lớn cùng đến Việt Nam. Vừa đón ông Tập Cận Bình xuống sân bay lại thay cờ, trang trí ngay để đón Tổng thống Italia…” – Tổng bí thư nhắc lại các diễn biến ngoại giao sôi động vào cuối tháng 11/2015 như minh chứng rằng điều mà ông đang tự hào không phải là cái bánh vẽ tuyên giáo nhằm lên dây cót chính trị.

Thế nhưng trong mắt quần chúng, có lẽ họ sẽ hài lòng hơn khi lễ tưởng niệm 35 năm trận chiến bảo vệ Gạc Ma – Quần đảo Trường Sa, Khánh Hòa (14/3/1988 – 14.3/2023), nếu không thể vào được Khánh Hòa, thì tại sao ông Tổng bí thư không lập một đàn tế các anh linh người lính Việt Nam ngay giữa quảng trường Ba Đình, nơi có lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh. Đàn tế này như một đàn xã tắc ngay thủ đô, qua đó càng củng cố thêm sức mạnh đại đoàn kết dân tộc của quân dân một lòng bảo vệ quê hương đất nước.

Và…, ước gì ở đàn xã tắc ấy, gác qua mọi quyền uy chức tước, cá nhân công dân Nguyễn Phú Trọng lên tiếng đầy mạnh mẽ của tinh thần ‘cây tre quật khởi’ (mượn ý “ngoại giao cây tre” mà Tổng bí thư hay ví von), rằng, “Hãy luôn tỉnh táo, ghi nhớ tội ác tày trời này, cùng lịch sử hàng nghìn năm và hiện nay, trong quan hệ với nước láng giềng phương Bắc, để có đường lối, chủ trương, chính sách đúng đắn, xây dựng cho bằng được mối quan hệ song phương quan trọng nhất, hệ trọng nhất của nước ta này thực sự hòa bình, hữu nghị, hợp tác, tôn trọng lẫn nhau, cùng có lợi, phù hợp luật pháp và quan hệ quốc tế văn minh!”

- Quảng Cáo -