Pháp trị của Tổng bí thư

- Quảng Cáo -

Hoàng Mai (VNTB)

Phẩm chất đảng viên phần lớn là ‘củi’

Dường như Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng đang muốn tìm một hướng đi khác trong cách hiểu pháp trị trong nhà nước pháp quyền theo cách mà ông Hồ Chí Minh đã hướng đến.

Đảm bảo tính có thể dự báo, tính nhất quán và ổn định của chính sách là một trong những yếu tố quan trọng cấu thành môi trường vĩ mô tốt. Thời gian qua, một loạt động thái thiếu nhất quán và lúng túng trong điều hành chính sách, không phải riêng một ngành mà diễn ra trên nhiều lĩnh vực khác nhau, cho thấy thách thức về năng lực dự báo, năng lực hoạch định và thực thi chính sách của các bộ ngành tiếp tục là vấn đề đáng quan tâm.

- Quảng Cáo -

Quan điểm của người đứng đầu

Mấu chốt ở đây là vai trò của người đứng đầu quyền lực quốc gia theo Hiến định là Tổng bí thư đảng cộng sản Việt Nam.

Nếu làm một so sánh từ viện dẫn “Tư tưởng Hồ Chí Minh” với những gì mà suốt hơn chục năm qua, Tổng bí thư đương nhiệm suốt 3 nhiệm kỳ đã “lãnh đạo Nhà nước và xã hội” như nêu tại Điều 4.1 của Hiến pháp 2013, sẽ thấy rõ hơn về độ chênh trong cách hiểu và thực thi pháp trị trong nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa.

Trong tư tưởng của Hồ Chí Minh, một Nhà nước pháp quyền có hiệu lực mạnh là nhà nước được tổ chức và hoạt động trong khuôn khổ Hiến pháp và pháp luật. Hồ Chí Minh cho rằng, việc nhà nước quản lý xã hội theo pháp luật thể hiện tính dân chủ, tiến bộ và là sự tồn tại phổ biến của xã hội hiện đại.

Năm 1919, trong Yêu sách của nhân dân An Nam do Hồ Chí Minh đại diện gửi tới Hội nghị Versailles có 8 điều thì 4 điều yêu cầu về vấn đề pháp quyền.

Trên báo L’Humanité, ngày 2-8-1919, Hồ Chí Minh viết: “Báo L’Humanité ngày 18-6 mới đây đã đăng văn bản thỉnh cầu của những người An Nam gửi Hội nghị hoà bình đòi ân xá cho tất cả các tù chính trị người bản xứ, đòi cải cách pháp chế ở Đông Dương bằng ban hành những bảo đảm cho người bản xứ cũng như cho người Âu, đòi tự do báo chí, tự do hội họp và lập hội, tự do dạy học, đòi thay thế chế độ sắc lệnh bằng chế độ pháp luật”.

Như vậy, việc xây dựng nhà nước quản lý xã hội bằng pháp luật là tư tưởng rất đặc sắc của Hồ Chí Minh, được hình thành từ rất sớm, phản ánh nội dung cốt lõi của Nhà nước dân chủ mới và là nguyên tắc xuyên suốt trong hoạt động quản lý nhà nước của Hồ Chí Minh.

Luật pháp không phải là chuyện củi tươi hay khô

Việc đề cao hoặc “đức trị” hoặc “pháp trị” trong xây dựng Nhà nước pháp quyền cũng đều mang tính phiến diện, không đầy đủ. Vì thế, Hồ Chí Minh vừa coi trọng đạo đức và giáo dục đạo đức, nhưng cũng rất mực đề cao vai trò, sức mạnh của luật pháp.

Thượng tôn pháp luật dựa trên các chuẩn mực đạo đức và ngược lại. Hồ Chí Minh nhận rõ: “Luật pháp phải dựa vào đạo đức”.

“Phép trị nước” của Hồ Chí Minh là kết hợp cả “pháp trị” và “đức trị”, trong đó “pháp trị” nghiêm khắc, công minh và “đức trị” bao dung, thấu tình đạt lý; chúng không loại trừ mà thống nhất, bổ sung, hỗ trợ lẫn nhau.

Trong Quốc lệnh do Hồ Chí Minh ban hành ngày 26-1-1946 nêu rõ ràng 10 điều thưởng và 10 điều phạt, cho quân dân biết rõ những tội nên tránh, những việc nên làm.

Trong 10 điều khen thưởng có: Điều 2: “Ai lập được quân công sẽ được thưởng”. Điều 3: “Ai vì nước hy sinh sẽ được thưởng”. Điều 5: “Ai làm việc công một cách trong sạch, ngay thẳng sẽ được thưởng”. Điều 6: “Ai làm việc gì có lợi cho nước nhà, dân tộc và được dân chúng mến phục sẽ được thưởng”. Điều 9: “Ai liều mình về việc công sẽ được thưởng”.

Trong 10 điều hình phạt, Điều 1: “Thông với giặc, phản quốc sẽ bị xử tử”, Điều 6: “Để cho bộ đội hại dân sẽ bị xử tử”, Điều 8: “Trộm cắp của công sẽ bị xử tử”.

Có thể thấy, Hồ Chí Minh dùng “đức” để sửa chữa những thói hư tật xấu, lại thưởng, phạt phân minh, ai có công thì khen thưởng, ai có tội thì bị pháp luật trừng trị.

Đảng viên đông số lượng nhưng phẩm chất phần lớn là ‘củi’?

Nay thì với Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng, việc xây dựng hình tượng “đốt lò” với cả “củi tươi” như tuyên bố của ông Nguyễn Phú Trọng tại phiên họp thứ 12 Ban chỉ đạo trung ương về phòng, chống tham nhũng tổ chức ngày 31-7-2017, “Cái lò đã nóng lên rồi thì củi tươi vào đây cũng phải cháy. Củi khô, củi vừa vừa cháy trước, rồi cả lò nóng lên, tất cả các cơ quan vào cuộc, có ai đứng ngoài đâu. Và không thể đứng ngoài được. Cá nhân nào muốn không làm cũng không thể được, thế mới là thành công”.

Theo cách hiểu dân dã, củi là cây dùng được chụm lửa, không thể làm mộc. Dùng củi để chỉ cán bộ tham nhũng, và còn phân biệt củi tươi với củi khô thì hóa ra đảng viên ngày này nhiều như rừng, nhưng toàn thứ phế thải chỉ để chất mà đốt làm củi (?!).

“Tự do báo chí, tự do hội họp và lập hội, tự do dạy học” như Hồ Chí Minh đã viết trên báo L’Humanité, ngày 2-8-1919, cho thấy đến hiện tại vẫn là những đòi hỏi mà đảng cộng sản Việt Nam đang tránh né trong thực thi.

Quả thật là cần tỉnh táo để phản đề khoa học cho chuyện pháp trị trong nhà nước pháp quyền qua ‘định hướng chính trị’ của Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng.

- Quảng Cáo -