Nước Nga hậu ‘‘binh biến’’: Cựu vệ sĩ Dyumin – lá bài mới của Putin?

- Quảng Cáo -

Trọng Thành RFI

Hậu trường cuộc ‘‘binh biến’’ chớp nhoáng ngày 24/06/2023 của cựu đầu bếp Yevgeny Prigozhin tiếp tục là điều bí ẩn với giới quan sát quốc tế. Trong lúc đó, trong những ngày tiếp theo biến cố này, trên các mạng xã hội Nga nổi lên một tên tuổi mới : Aleksey Dyumin, cựu vệ sĩ của tổng thống Nga Vladimir Putin. Viên cựu bảo vệ được đồn đoán có thể trở thành tân bộ trưởng Quốc Phòng, thậm chí là người kế nhiệm tổng thống.

Aleksey Dyumin là ai ? Bài ‘‘Aleksey Dyumin, cựu bảo vệ của Putin, người có thể được hưởng lợi từ cuộc nổi dậy của Prigozhin’ của đài France 24 thuật lại con đường thăng tiến phi thường của viên cựu bảo vệ thủ lĩnh tối cao. Aleksey Dyumin, sinh năm 1972, là một kỹ sư điện tử trong Quân đội, trước khi trở thành cận vệ của Putin đầu những năm 2000, được coi là người cứu mạng tổng thống Nga trong một lần bị gấu tấn công trong rừng Siberi.

Từ người cứu Putin đến ‘‘chiến lược gia’’ thâu tóm Crimée

- Quảng Cáo -

Trong thời gian chiến tranh Chechnya lần thứ hai, Aleksey Dyumin đã từng can Putin không trở về thủ đô bằng trực thăng, chuyến đi suýt khiến Putin mất mạng. Ông Stephen Hall, chuyên gia về Nga tại đại học Bath, Anh Quốc, khẳng định Aleksey Dyumin đã trở thành nhân vật thân tín của lãnh đạo Nga sau những dịp như vậy.

Aleksey Dyumin đã phục vụ 15 năm trong Cơ quan bảo vệ an ninh của tổng thống Nga, với tư cách vệ sĩ riêng của tổng thống. Kể từ năm 2014, con đường thăng tiến của nhân vật bí ẩn này đột ngột mở rộng. Aleksey Dyumin tham gia Cơ quan tình báo Quân đội Nga (GRU) từ năm 2015. Cũng vào năm này, ông ta được phong anh hùng, và được bổ nhiệm làm tư lệnh lục quân Nga, trước khi trở thành thứ trưởng Quốc Phòng.

Điều gì khiến viên vệ sĩ của Putin chỉ sau một năm tham gia Quân đội, trở thành thứ trưởng bộ Quốc Phòng ? Theo chuyên gia Stephen Hall, chính Dyumin đã đóng vai trò trụ cột trong việc sáp nhập bán đảo Crimée của Ukraina đầu năm 2014. Vụ sáp nhập không đổ máu cho thấy ‘‘năng lực quân sự và tầm cỡ chiến lược gia của Dyumin’’. Theo nhiều nguồn tin khác, Dyumin được coi người điều khiển chiến dịch giải cứu khẩn cấp cựu tổng thống Ukraina Viktor Ianukovytch, trong thời gian Cách mạng Maidan, điều mà đương sự không thừa nhận.

‘‘Cựu vệ sĩ’’ và ‘‘cựu đầu bếp’’: hai lá chủ bài của Putin ?

Hành tung bí ẩn của Aleksey Dyumin thể hiện rõ qua việc ông ta tại vị thứ trưởng Quốc Phòng chỉ trong vòng ít tháng, trước khi trở thành tỉnh trưởng tỉnh miền tây Tula, vị trí mà Aleksey Dyumin đảm nhiệm cho đến nay. Tỉnh Tula được coi là nơi tập trung các doanh nghiệp quân sự quan trọng nhất của Nga. Kể từ đó, cựu vệ sĩ của Putin hoàn toàn biến mất khỏi sân khấu chính trị Nga. Tuy nhiên, trong hậu trường, lan truyền tin đồn về khả năng Dyumin có thể trở thành người kế vị tổng thống Nga sau cuộc bầu cử tổng thống 2024.

Vào thời điểm cuộc ‘‘binh biến’’ bí ẩn của viên cựu đầu bếp vừa diễn ra, nhiều người Nga cho rằng Aleksey Dyumin có thể lên làm bộ trưởng Quốc Phòng thay Shoygu. Đây cũng là phán đoán của Stephen Hall. Theo vị chuyên gia Anh, chính quan hệ được coi là gần gũi giữa cựu vệ sĩ và cựu đầu bếp Prigozhin, thủ lĩnh công ty lính đánh thuê Wagner, khiến ông ta có nhiều khả năng trở thành ‘‘viên bộ trưởng của sự hòa giải’’, điều được coi là ‘‘giúp tạo đoàn kết trong nội bộ giới tinh hoa Nga, và có thể giúp làm giảm các căng thẳng do cuộc chiến tranh tại Ukraina gây ra’’.

Hiện tại chưa có gì thay đổi tại bộ Quốc Phòng Nga, Shoygu vẫn tại vị. Cũng chưa có gì cho thấy Aleksey Dyumin sẽ ra ứng cử tổng thống năm 2024 thay cho Putin. Sự xuất hiện trở lại của cựu vệ sĩ Dyumin dường như chỉ để lấp đi phần nào khoảng trống, khi viên cựu đầu bếp của tổng thống Nga – từng thu hút mọi chú ý trong công luận về những gì liên quan đến cuộc chiến tại Ukraina trong hơn nửa năm qua – bị gạt ra bên lề. Cựu vệ sĩ Dyumin, cựu nhân viên tình báo quân sự, cựu thứ trưởng Quốc Phòng, người được coi có công chiếm bán đảo Crimée cho Nga, dường như đang là một lá bài đắc dụng khác của Putin.

Vụ Prigozhin” giúp Putin duy trì uy thế tại Nga ?

Vào thời điểm cuộc ‘‘binh biến’’ vừa bùng lên, trên France Info tướng Pháp Dominique Trinquand, một chuyên gia về quan hệ quốc tế, từng nêu ra một giả thiết được coi là hết sức khó tin vào thời điểm đó: ‘‘Prigozhin luôn phục vụ Putin’’, ông ta tiến hành cuộc nổi loạn này là để giúp đưa tổng thống Nga trở lại vị trí trung tâm của bàn cờ chính trị với tư cách ‘‘người duy trì sự ổn định’’ của đất nước’’. Bởi, ‘‘nếu Putin chứng minh là vẫn cầm cương được chế độ bất chấp nỗ lực nổi dậy này, tổng thống Nga cho thấy mình luôn là người bảo đảm sự đoàn kết của nước Nga’’. Như ta biết, ít giờ sau khi phát động cuộc ”binh biến”, ông chủ Wagner đột ngột từ bỏ kế hoạch, chấp nhận giải pháp sang Belarus, và thừa nhận cuộc động binh này hoàn toàn không có mục tiêu lật đổ chính quyền Putin. Theo một thăm dò sau ngày ‘‘binh biến’’ của Levada (*), được coi là viện điều tra dư luận độc lập duy nhất còn tồn tại ở Nga, tỉ lệ ủng hộ của người Nga đối với ông chủ Wagner sụt giảm mạnh (từ 58% xuống còn 34%), tỉ lệ ủng hộ dành cho tổng thống Nga ổn định ở mức 82%.

Đối với Eugene Rumer, cựu chuyên gia tình báo Mỹ chuyên về Nga, vụ Prigozhin có thể cho thấy rõ hơn thực trạng tham nhũng, mục nát trầm trọng của Nhà nước Nga, nhưng đây là điều không có gì lạ với chế độ Putin, vốn vận hành dựa trên quyền lực ngầm của bộ máy an ninh trị, quan hệ “bảo trợ – cống nạp” như vậy. Cùng một giả thiết đã được tướng Pháp Dominique Trinquand nêu trên, cựu chuyên gia tình báo Mỹ cho rằng vụ ‘‘binh biến’’ của Prigozhin có thể cho phép chế độ Putin củng cố quyền lực:

‘‘Cuộc binh biến của Prigojine làm dấy lên suy đoán về hệ quả của nó đối với khả năng tiếp tục tiến hành cuộc chiến chống lại Ukraina của Putin, đem lại hy vọng là cuộc khủng hoảng sẽ làm suy yếu quân đội Nga và tạo cơ hội cho Ukraina. Thật không may, những hy vọng này dường như bị đặt nhầm chỗ. Nếu lực lượng Wagner thực sự được nhập về bộ Quốc Phòng, có khả năng sẽ có ít hoặc không có tác động tiêu cực đến sức mạnh về quân số của quân đội Nga. Nếu Putin sa thải Shoygu và Gerasimov vì thiếu năng lực, một lãnh đạo có năng lực hơn có thể được bổ nhiệm thay thế. Ưu thế về số lượng của quân Nga cùng khả năng chỉ huy lão luyện hơn sẽ khiến cuộc phản công của Ukraina càng trở nên khó khăn hơn…. Cuộc nổi loạn Prigozhin là phép thử lớn nhất đối với chế độ Putin kể từ khi thành lập. Điện Kremlin đã vượt qua, không phải với thành công rực rỡ, nhưng đủ tốt’’.

Chú thích

(*) Dẫn theo bài ‘’The Prigozhin Affair Is Much Less than Meets the Eye’’ (tạm dịch là Vụ Prigozhin phức tạp hơn những gì nhìn thấy”) của Eugene Rumer, giám đốc chương trình Nga và lục địa Âu Á, thuộc trung tâm Carnegie Endowment for International Peace, cựu chuyên gia tình báo Mỹ (National Intelligence Council) (politico.com, ngày 3/7/2023).

- Quảng Cáo -