Phiên tòa không có “bên bị hại”

- Quảng Cáo -

Tùng Phong (SGN)

Điều kỳ lạ nhất của phiên tòa thế kỷ này là không có bóng dáng “bên bị hại”. Tất cả 54 người, gồm 21 cựu quan chức, viên chức cùng liên đới, cấu kết, đưa hối lộ, nhận hối lội, ép buộc doanh nghiệp, môi giới, chạy án… với số tiền tham nhũng khoảng 180 tỷ đồng (tương đương $8 triệu Mỹ kim) theo như truyền thông trong nước đưa tin. Một con số khiêm tốn hơn rất nhiều con số $300 triệu Mỹ kim được nhiều người ước tính dựa trên số lượng hơn 800 chuyến bay và gần 200.000 lượt người.

“Bên bị hại” trong những “chuyến bay giải cứu” không ai khác là 200.000 người được “giải cứu”. Để có một chiếc vé một chiều từ các nước trong khu vực Đông Nam Á như Đài Loan, Hàn Quốc, Malaysia, Singapore… thì du học sinh, người lao động Việt Nam phải trả từ 40-50 triệu đồng. Còn vé từ Châu Âu, Mỹ, Canada, Úc, Châu Phi là hàng trăm triệu. Chưa kể người dân còn phải chi trả các “combo dịch vụ bắt buộc” với cái giá cắt cổ. Họ là nạn nhân của cuộc trấn lột, cưỡng bức, xâm hại, chiếm đoạt tiền bạc… do chính bộ máy nhà nước cộng sản Việt Nam tổ chức và thực hiện.

Thế nhưng, trong năm tội danh mà Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao truy tố trong vụ án “Chuyến bay giải cứu” về các tội: “Đưa hối lộ”, “Nhận hối lộ”, “Môi giới hối lộ”, “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” và “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ” (lần lượt theo các Điều 354, 364, 365, 174 và 356 Bộ luật Hình sự năm 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017), thì không tội danh nào xác định những người mua vé “chuyến bay giải cứu” là nạn nhân/bị hại hay nguyên đơn dân sự. Do đó, 200.000 nạn nhân trong vụ án không có quyền yêu cầu phần bồi thường thiệt hại thông qua vụ án này.

- Quảng Cáo -

Phiên tòa xét xử “chuyến bay giải cứu” chỉ có “bên xét xử” và bên “bị xét xử”. Tức là chỉ có bên “củi” và bên “lò” mà không hề có “bên bị hại”. Điều đó có nghĩa sẽ không có nạn nhân nào được đền bù, được trả lại tiền, hay chí ít nhận được lời xin lỗi từ phía nhà nước, chính quyền – chủ thể đã gây ra tội ác ghê tởm này. Vậy thì có Công lý ở đây hay không?

Chưa xét đến việc nếu như thu hồi được tiền tang vật từ vụ án thì tòa sẽ xử lý như thế nào? Về lý thì nếu xác định rõ là tiền bất chính và thu hồi được thì sẽ sung công. Nhưng thực chất, con số 180 tỷ bất chính chỉ là phần rất nhỏ trong hàng trăm triệu Mỹ kim mà gần 200.000 người dân bị cưỡng đoạt.

- Quảng Cáo -