Ai sẽ giữ cái ghế Chủ tịch nước sau Võ Văn Thưởng?

- Quảng Cáo -

Nguyễn Công Bằng

Sau khi Võ Văn Thưởng phải rời cái ghế Chủ tịch nước, dân tình lại đồn đoán là ai sẽ ngồi vào cái ghế xui xẻo đó. Thực ra, ghế đó không phải là xui, mà xui là mấy người không chịu yên ở ghế đó mà muốn trèo cao hơn.

Ông Nguyễn Xuân Phúc khi đang ngồi trên cái ghế Chủ tịch nước nhưng vẫn muốn leo cao hơn. Ông Phúc là dân Quảng Nam, nhưng được cái rất khéo. Khéo đây là đối xử khéo léo, chứ ăn nói thì thôi rồi, rặt chất quê và ít học. Giai thoại về tài ăn nói của ông Phúc thì nhiều lắm, nào là nhóm các nước tiểu vùng Mekông viết tắt chữ cái đầu của Campuchia, Lào, Myanmar và Việt Nam là CMLV thì ông ấy đọc là Cờ lờ mờ vờ. Rồi ông ấy đến tỉnh nào cũng chỉ có một câu duy nhất: Các đồng chí cố gắng phát huy đưa tỉnh ta trở thành đầu tàu của cả nước. Đến nỗi người ta thống kê các phát biểu của ông ấy xong mới giật mình, không lẽ nước Việt Nam có tới 63 cái đầu tàu, rồi mỗi đầu tàu chạy theo một hướng khác nhau hả?

Tuy kiến thức khoa học không nhiều, nhưng mưu mô chính trị thì ông Bảy Phúc cũng không thuộc dạng vừa đâu. Ở Đại hội Đảng 13, Ông Trọng đã mấy lần mở lời là muốn nghỉ hưu, nhưng ông Phúc vẫn khẳng định muốn làm tiếp. Điều này khiến ông Trọng phải tiếp tục nắm quyền, vì nếu ông Trọng không tiếp tục, rất có thể ông Phúc sẽ trở thành Tổng Bí thư, mà nếu thế thì ông Trọng làm sao mà yên được.

- Quảng Cáo -

Thậm chí, giữ chức Chủ tịch nước sau Đại hội 13, ông Phúc vẫn mơ tới cái ghế Tổng Bí thư. Ông đã đi vận động khắp nơi, đặc biệt tới thuyết phục ông Tư Sang (Trương Tấn Sang) để hòng giành được cái ghế Tổng Bí thư nhiệm kỳ tới. Chính vì thế, ông Trọng cùng ê kíp của mình đã ra tay, tiễn ông Phúc về quê “làm người tử tế.”

Đó là chuyện của ông Phúc. Ông Thưởng thì lại hơi khác. Cũng với chiêu bài chống tham nhũng và bỏ phiếu tập thể, nhóm ông Vương Đình Huệ kết hợp với ông Tô Lâm đã cùng nhau bỏ phiếu hạ bệ ông Thưởng, khiến ông Trọng không thể làm gì khác được, vì chứng cứ rành rành, vả lại Bộ Công an, Uỷ ban Kiểm tra Trung Ương và Ban Nội chính Trung ương đều xác định là ông Thưởng đã vi phạm.

Vậy sau khi ông Thưởng ra đi, ai sẽ thay ông Thưởng? Chắc có lẽ tại hội nghị Trung ương 9 tổ chức vào tháng 5/2024, tân Chủ tịch nước sẽ xuất hiện trước quốc dân.

Tuy đến tháng 5 hội nghị mới tổ chức, rồi theo đúng quy trình thì Quốc Hội – Cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất phê chuẩn thì mới có Chủ tịch nước. Thế nhưng, ở đất nước “dân chủ gấp triệu lần nước Mỹ” này, trong nhà chưa tỏ ngoài ngõ đã thông rồi.

Những cuộc chiến âm thầm này không thể hiện trên báo chí chính thống được. Báo chí chính thống chỉ có thể ca ngợi bản chất tốt đẹp của chế độ, sự sáng suốt anh minh của lãnh đạo… toàn những lời có cánh thôi. Vì thế, các phe nhóm chính trị trong nước đã thông qua các facebooker hoặc các YouTuber đang sinh sống ở hải ngoại để định hướng và thao túng dư luận, tấn công và hạ bệ các đối thủ chính trị của mình.

Chính vì thế, mới có tình trạng, đồn bậy đồn bạ mà trúng tùm lùm tùm la cho hậu trường chính trị Việt Nam. Rất nhiều người đã đưa tin rằng, khả năng ông Tô Lâm  ̶  đương kim Bộ trưởng Bộ Công an  ̶  thanh kiếm của Đảng, sẽ nắm giữ cái ghế Chủ tịch nước là rất lớn.

Chủ tịch nước sẽ phải đương nhiên lấy từ Bộ Chính trị, trong Bộ Chính trị hiện nay, ông Tô Lâm là nhân vật thích hợp nhất cho chức vụ Chủ tịch nước.

Theo thông tin chính thức,[1] ông Tô Lâm sinh năm 1957, năm nay đã 67 tuổi. Ông Tô Lâm giữ chức vụ Bộ trưởng Công an từ năm 2016 tới nay. Theo quy định của Bộ Chính trị về nhân sự, thì độ tuổi tái cử đối với Bộ Chính trị, Ban Bí thư là không quá 65 tuổi. Chỉ trừ “Tứ trụ” được coi là trường hợp đặc biệt thì sẽ có thể chấp nhận độ tuổi lớn hơn, mà ông Nguyễn Phú Trọng là một trường hợp như vậy.

Chính vì vậy, ông Tô Lâm đã hết tuổi và hết nhiệm kỳ để có thể tái cử Bộ trưởng Công an thêm lần nữa. Nếu ông không vào “Tứ trụ” thì chắc chắn sẽ phải về hưu. Trước đây, dư luận cho biết, sau khi ông Phúc ngã ngựa thì đã có đề cử ông Tô Lâm vào chức Chủ tịch nước nhưng ông Tô Lâm từ chối.

Cái chức Chủ tịch nước mang tiếng là Nguyên thủ quốc gia, nhân vật số 2, nhưng thực ra lại không có thực quyền. Tổng Bí thư là người quyền lực nhất khi nắm trong tay cả lực lượng công an và quân đội, còn Chủ tịch nước thì “hữu danh vô thực”, quyền lực thực sự có chăng chỉ là Uỷ viên Bộ Chính trị mà thôi. Tuy nhiên, chức Chủ tịch nước cũng có điểm quan trọng, ấy là đã vào “Tứ trụ” là sẽ có “kim bài miễn tử”. Cả ông Phúc và ông Thưởng mà không có “kim bài miễn tử ” này thì có khi đã vào tù cùng với ông Đinh La Thăng rồi.

Có lẽ vì ông Tô Lâm biết mình đã “gây thù chuốc oán” với rất nhiều người, nên nếu khi ông ấy lên Chủ tịch nước hoặc nghỉ hưu mà Bộ trưởng Công an mới không phải là người tâm phúc của mình, thì chắc có lẽ cả ông Tô Lâm và những người thân thiết của ông ấy khó mà yên thân. Chính vì vậy, một trong những điều ông Tô Lâm mặc cả và ông Trọng phải đồng ý, đó là nếu ông Tô Lâm lên giữ chức Chủ tịch nước thì ông Lương Tam Quang sẽ lên giữ chức Bộ trưởng Công an.

Theo phương án này, dù lên Chủ tịch nước không có thực quyền, nhưng ông Tô Lâm sẽ có “kim bài miễn tử”, cộng với Bộ trưởng Công an sẽ là người cùng quê và được ông Tô Lâm tin tưởng nên sẽ khiến ông ấy an tâm.

[1] https://chinhphu.vn/tom-tat-tieu-su?id=1959

- Quảng Cáo -