Vẫn là vấn nạn: Thằng chết làm khổ đứa sống

- Quảng Cáo -

nguyenhuuvinh’s blog

Những ngày qua, tại hai tỉnh Nghệ An và Hà Tĩnh – vốn được tách nhập từ cái nôi Nghệ Tĩnh – có nhiều chuyện làm cư dân mạng xôn xao bàn tán, nhưng chung quy, cũng là chuyện “thằng chết làm khổ đứa sống”.

Vụ thứ nhất, là Nghệ An bỗng nhiên nổi hứng làm cái việc “Chẳng giống ai” không chỉ là trong nước, mà đi ngược cả trào lưu thế giới. Đó là rước tượng Lenin về để “phơi giữa lối mòn” tại Ngã tư đường Thành phố Vinh.

Còn Hà Tĩnh, cũng “chẳng kém phần long trọng” khi bỗng nhiên “làm cho tình hình nổi bật lên” – như lời Hồ Chí Minh đã nói khi về Hà Tĩnh năm nào đó, mà giờ được kẻ thành khẩu hiệu ở nhiều nơi khắp Hà Tĩnh – bằng cách chi hẳn 230 tỷ đồng làm cổng chào, kẻ khẩu hiệu, mua cờ quạt, băng phướn… để kỷ niệm ngày sinh Trần Phú.

- Quảng Cáo -

Chuyện người chết làm khổ người sống

Chuyện người chết làm khổ người sống thì vẫn diễn ra không chỉ một nơi, một lúc mà xưa nay vẫn thế. Có điều, cái quan niệm “làm khổ” ở mỗi trường hợp có những tính chất, đặc điểm khác nhau.

Chuyện người sống làm ma chay, cúng giỗ, làm những việc để tưởng niệm, để tri ân tiền nhân, ông bà tổ tiên, để nhắc nhở con cháu… thường xuyên là chuyện chẳng ai nói đến, chẳng ai dè bỉu hay dèm pha. Bởi những việc hiếu, việc nghĩa vốn là truyền thống, là nét đẹp văn hóa của Việt Nam xưa nay. Người ta làm những việc đó trong tâm thế tự nguyện, thành kính, hồ hởi khi tưởng niệm, khi nhớ về một ai đó, khi tri ân một người nào đó có công, có ảnh hưởng đến đời sống hiện tại bằng việc để lại cho đời những điều tốt đẹp, để lại đạo đức và luân lý cho đời noi theo.

Thế nhưng, việc bỗng dưng một đám người bốc tiền dân ra để làm những việc “chẳng đâu vào đâu” nghĩa là chẳng cần thiết, chẳng thiết thực mà thậm chí còn đi ngược lại lợi ích, tâm tư cũng như ý nguyện của người dân, là việc đáng bị lên án.

Bởi đó, chính là việc “thằng chết làm khổ đứa sống”.

Bởi cái mà dân gian gọi là “thằng chết” ấy, là kẻ không được tôn trọng, không được người dân đáng phải ghi nhớ. Thậm chí, đó là những nhân vật đã mang lại tai họa cho đời sống và mọi mặt của người dân.

Và người dân muốn tống họ đi khỏi trí nhớ, khỏi những dấu ấn không lấy gì làm vui vẻ về một quá khứ mà nhân vật ấy hiện diện hoặc tác quái ở đó.

Vậy nên, khi hai tỉnh Nghệ An, Hà Tĩnh làm những chuyện mà theo cơ quan tuyên truyền của nhà nước, thì là việc nhằm để “tri ân, giáo dục”… thế hệ sau, nhưng đã tạo nên làn sóng phản ứng dữ dội trong dư luận xã hội và nhất là trên cộng đồng mạng xã hội là chuyện đáng chú ý.

Dựng tượng Lenin

Lenin, một nhân vật cộng sản, người góp phần đẻ ra cái lý thuyết Mác – Lenin vô thần đã từng một thời làm thế giới chao đảo, kinh hoàng vì hậu quả của cái mớ lý thuyết này hoành hành.

Và thời gian hơn 1 thế kỷ qua đã chứng minh rằng: Bất cứ ở đâu, xuất hiện và dung dưỡng mớ lý thuyết này, thì ở đó nếm mùi bạo lực, mùi máu và sinh mạng con người được đem ra để thí nghiệm cho cái lý thuyết khát máu ấy không bao nhiêu cho đủ. Hàng trăm triệu người đã sang thế giới bên kia bằng phương tiện Chủ nghĩa Mác – Lenin này qua các cuộc chiến tranh, các cuộc thanh trừng nội bộ các đảng cộng sản, các quốc gia cộng sản, với các quốc gia không cùng cộng sản và giữa các quốc gia cộng sản với nhau.

Và mặc dù, cái miệng Lenin leo lẻo khi còn sống là “Tiêu diệt Chủ nghĩa Cá nhân” để xây dựng mô hình tập thể, mô hình công cộng… nhưng riêng các lãnh tụ Cộng sản mà đặc biệt là Lenin cùng với đám “Học trò xuất sắc” của Lenin, thì việc tôn sùng cá nhân lại là điều bắt buộc.

Và thế là khắp Liên bang Xô Viết và các quốc gia cộng sản, nơi nơi đặt tượng Lenin với đủ mọi thể loại, với đủ mọi kích thước và hình dáng bằng đủ thứ chất liệu. Theo số liệu của Kudinov – một chuyên gia chuyên nghiên cứu về “tượng Lenin” –  thì vào năm 1991 trên thế giới có hơn 14.290 tượng đài Lenin. Tổng cộng có khoảng 33 loại hình tượng đài khác nhau. Một hình ảnh phổ biến khác là Lenin giơ tay về phía trước, hình mẫu này đã được nhân bản 200 lần.

Thế rồi, cả thế giới tỉnh ngộ và sau khi hệ thống cộng sản thế giới sụp đổ, thì Lenin cùng chung số phận với cái Chủ nghĩa Mác – Lenin đã mất giá. Thế là phong trào đào thải rác rưởi lịch sử đã bắt đầu. Khắp nơi nơi, người ta đua nhau đập phá các tượng đài Lenin như để đoạn tuyệt với một thời mà người dân phải ngậm miệng ấm ức trước những chính quyền Cộng sản vét tiền dân làm những điều trái ngược lòng dân.

Kết quả là đến tháng 1/2021, số lượng đã giảm một nửa – còn 7.194 cái và hiện tượng đập bỏ ngày càng tăng.

Có lẽ đất nước quyết tâm từ bỏ, đoạn tuyệt với một quá khứ đau thương gắn với Lenin, là Ukraine. Ở đó, đất nước, con người Ukraine là cũng nạn nhân của Chủ nghĩa Mác – Lenin như nhiều quốc gia khác, tuy nhiên, hậu quả trực tiếp và thảm khốc của hệ thống chủ nghĩa  này lên đất nước, dân tộc này quả là ghê gớm và khủng khiếp.

Thế nên, sự thức tỉnh của dân chúng đã dẫn đến hành động. Cả đất nước Ukraine đã ráo riết phá dỡ tượng đài Lenin: từ 5.500 cái năm 1991, đến đầu năm 2020, số tượng đài còn lại là 20, và ngày 21/1/2021, tại làng Starye Troyany, quận Kilisky, vùng Odessa tượng đài cuối cùng trong số 5.500 tượng Lenin đã bị phá bỏ.

Không chỉ tại một quốc gia, mà phong trào trả Lenin về với sọt rác lịch sử đã nổi lên khắp nơi trên thế giới.

Ngay tại nước Nga hiện tại, là quê hương của Lenin, thì Lenin cũng đã mất giá nghiêm trọng và trở thành gánh nặng nợ nần cho người dân Nga.

Dù trên nước Nga hiện vẫn còn khoảng 600 bức tượng Lênin ở nơi công cộng, xác ướp của ông vẫn nằm trong lăng giữa thủ đô Matxcơva, nhưng hình ảnh của ông ta đang dần bị rơi vào quên lãng. Đa số người Nga, trong đó có cả các dân biểu, lại cho biết họ ủng hộ việc chôn vĩnh viễn xác Lenin.

Thậm chí, chính Putin đã nhắc lại Lênin trong bài diễn văn ngày 22/02/2022, ngay trước cuộc xâm lược, ông Putin đã mập mờ chê trách Lênin là đã trao quá nhiều đất cho Ukraina, một cách nói lên rằng Lenin chẳng là thần thánh như thế giới cộng sản đã tôn thờ.

Mới đây, Ngày 21/01/2024 này đánh dấu 100 năm Lênin, cha đẻ cuộc Cách mạng Bolsevich và Liên Bang Xô Vết, qua đời. Không có một hoạt động tưởng niệm của quần chúng cũng như chính quyền được tổ chức nhân dịp này năm nay.

Những thông tin trên cho thấy rằng, trên bình diện thế giới, và ngay cả tại quê hương Lenin, thì Lenin đã chỉ là một hiện tượng quái đản trong lịch sử nhân loại, một giai đoạn đầy đau buồn, nhuốm đỏ máu của quá khứ mà nhân loại muốn quên đi càng nhanh càng tốt như quên đi một cơn ác mộng.

Tại Việt Nam, ở Hà Nội là nơi duy nhất có tượng Lenin, và thật ra cũng tội nghiệp cho Lenin. Bỗng nhiên lôi ông ta về đứng đó để nhận bao lời chế diễu từ nhân dân, rằng:

Ông Lenin ở nước Nga.
Cớ sao lại đến vườn hoa nước này?
Ông nắm áo, ông chỉ tay.
Ấm no, hạnh phúc… chúng mày còn xa.
Xem gương tày liếp nước Nga
Hơn trăm năm lẻ, đã ra cái gì.

Tưởng rằng với Việt Nam, chỉ một tượng Lenin ấy đã là quá thừa và quá tội nghiệp.

Thế rồi bỗng nhiên, mới đây, Tỉnh ủy Nghệ An đã quyết định dành khu đất hơn 1.000 mét vuông để đặt tượng Lenin tại Thành phố Vinh đã làm dư luận phẫn nộ. Mặc dù vẫn biết được lòng dân không ưa, nên để trấn an dư luận, Nghệ An nói rằng cái tượng này được tặng từ tỉnh quê hương Lenin, kể cả công vận chuyển sang Việt Nam.

Nhưng, không vì vậy mà làm dư luận bớt phẫn nộ.

Đến Hà Tĩnh tổ chức ngày sinh Trần Phú

Hà Tĩnh, đến nay vẫn được xếp vào diện những tỉnh “nghèo bền vững” tại miền Trung Việt Nam. Không chỉ có nghèo bởi thiên tai, bởi thiên nhiên, mà còn bởi con người.

Người ta đặt câu hỏi rằng: Tại sao một tỉnh nhỏ, cũng có rừng, có biển, có đủ mọi thứ tài nguyên vậy mà chỉ lo cho một nhúm dân, Hà Tĩnh vẫn không giải quyết được. Mặc dù Hà Tĩnh được coi là nơi “Địa linh, nhân kiệt” vốn nổi tiếng việc học hành, đỗ đạt bao đời nay.

Người ta tổng kết rằng: Trong bộ máy chính quyền Việt Nam, thì Hà Tĩnh là tỉnh nhỏ, nhưng đã đóng góp số lượng lớn các Ủy viên Trung ương và nhất là Ủy viên Bộ Chính Trị, đầu não của hệ thống công quyền độc tài hiện tại. Và người ta cũng chỉ ra rằng: Có lẽ chính vì vậy, mà không chỉ Hà Tĩnh nghèo bền vững, mà đất nước này cũng vì thế mà tụt hậu muôn năm.

Hà Tĩnh cũng là nơi sản sinh ra nhiều quái kiệt Cộng sản. Nhiều Tổng bí thư Đảng có nguồn gốc là dân Hà Tĩnh như Hà Huy Tập, Trần Phú và sau này Lê Duẩn dù sinh ở Quảng Trị cũng về Hà Tĩnh nhận họ hàng. Có thể nói rằng Hà Tĩnh là cái nôi sinh ra đám đầu sỏ cộng sản.

Và họ đã làm được gì cho quê hương, đất nước?

Chẳng cần nói nhiều, cứ nhìn hiện trạng đất nước với bộ máy sâu mọt, tham nhũng khổng lồ không có loại thuốc trừ sâu nào có thể tiêu diệt nổi thì chúng ta biết “thành quả” của đám lãnh tụ cộng sản này để lại.

Chỉ riêng Trần Phú, người được kỷ niệm ngày sinh năm nay, cũng để lại nhiều giai thoại đến muôn đời vẫn được ghi dấu ấn. Điển hình là câu nói: “Trí, Phú, Địa, Hào, đào tận gốc, trốc tận rễ”  – nghĩa là các tầng lớp Trí thức, Phú nông, Địa chủ, Cường hào quan lại trong xã hội, cũng có nghĩa là những tầng lớp ưu tú nhất của xã hội thì phải tiêu diệt đến tận gốc rễ – để rồi cho đám “giai cấp Công nhân” lên làm lãnh đạo theo chủ thuyết Mác – Lenin. Để rồi đưa cả nước “Tiến nhanh, tiến mạnh, tiến vững chắc lên XHCN” mà người dân dịch ra là “Xuống Hàng Chó Ngựa”.

Để rồi ngày nay, đất nước, dân tộc Việt Nam sau cả gần thế kỷ xông vào những cuộc đâm chém, nồi da xáo thịt, xóa bỏ đạo đức dân tộc từ ngàn đời, dung dưỡng mớ lý thuyết bạo lực… để rồi sau khi đã trả giá bằng sinh mạng hàng triệu con người, thì nay đem đến một xã hội suy đồi, hỗn loạn hôm nay. Tất cả có nguồn gốc và “công lao” của Trần Phú.

Vì sao dân phẫn nộ?

Người ta phẫn nộ bởi nhiều lẽ.

Ngoài điều rất mới, rất cụ thể là Tết vừa qua, Nghệ An là tỉnh gửi đơn ra Trung ương đề nghị cứu đói cho dân và đã nhận số gạo là 1.080,255 tấn từ nguồn dự trữ quốc gia.

Thế nên, việc dựng tượng một nhân vật, vừa là thủ phạm, vừa là nguyên nhân để đến tận bây giờ người dân Nghệ vẫn phải ngửa tay xin cứu đói, thì đó là một sự mai mỉa.

Bởi Tỉnh ủy Nghệ An đã đi ngược dòng thời đại, cố bơi ngụp trong vũng bùn đau khổ mà thế giới đã thoát ra từ đó bằng máu, bằng tính mạng của hàng trăm triệu con người.

Bởi cái mớ lý thuyết hoang tưởng mà Lenin đã góp phần đẻ ra đã không còn hấp dẫn, lừa bịp được ai.

Bởi bản chất nhân vật Lenin, đã bị bóc trần theo thời gian trước nhân loại. cái mảnh áo khoác “thiêng liêng” mà người cộng sản tạo ra cho Lenin đã không còn tác dụng.

Bởi việc dựng tượng là hành động vả vào mồm Lenin, khi chính Lenin đã từng hò hét “Quét sạch chủ nghĩa cá nhân”.

Bởi người dân Việt Nam đã quá hiểu bản chất của các lãnh tụ cộng sản, đằng sau sự hào nhoáng, những lời ca ngợi là những xác người.

Và cái thâm thúy của người dân cứ Nghệ được dịp lên tiếng. Người ta mỉa mai rằng: “Vậy cũng hay. Để tầng lớp thanh niên Việt Nam nhớ rằng bệnh giang mai là một căn bệnh nguy hiểm cần tránh xa” – với ngầm ý nhắc đến căn bệnh mà vì nó Lenin đã đi theo Các Mác.

Còn việc nhà cầm quyền Hà Tĩnh chi con số 230 tỷ đồng để kỷ niệm ngày sinh Trần Phú là có ý đồ gì? Liệu có phải là sự “ghi ơn”, hay lại thêm một dịp để cho người dân “Bới lên mà ngửi” những “thành tựu của Trần Phú”?

230 tỷ đồng, bằng số tiền tỉnh này chi cho các mục Dân số, Y tế và Gia đình, cũng bằng số tiền chi cho Thể dục thể thao, phát triển sức khỏe cộng đồng cả tỉnh và nhiều hơn gấp gần 5 lần số tiền chi cho lĩnh vực khoa học Công nghệ của cả tỉnh Hà Tĩnh năm 2024.

Chưa cần biết số tiền thực chi cho việc cờ quạt, cổng chào, băng phướn là bao nhiêu và nếu làm rõ cụ thể, thì nhà tù lại phải mở rộng bao nhiêu chỗ sau vụ này. Nhưng Trần Phú là cái cớ để quan chức Hà Tĩnh chi số tiền hơn rất nhiều số tiền bảo vệ môi trường Hà Tĩnh trong cả năm 2024. Trong khi Formosa Hà Tĩnh vẫn ngày đêm sản xuất và xả thải. Còn hiện tượng nước biển bỗng dưng đổi màu đỏ vừa qua, chẳng mấy ai quan tâm.

Và người dân Hà Tĩnh vẫn cứ phải sống chung với thải Formosa, với biển độc với biển đổi màu và tượng đài lãnh tụ.

Để rồi người dân, giống nòi dần dần chắc sẽ… biến đổi Gen?

16/04/2024

J.B Nguyễn Hữu Vinh

- Quảng Cáo -