Công nhân giữa áp lực kinh tế và vòng vây lừa đảo

- Quảng Cáo -

Minh Triều (VNTB)

Lương thấp, chi phí sinh hoạt tăng cao, công nhân trở thành mục tiêu chính của các đối tượng lừa đảo.

Theo kết quả khảo sát tình hình đời sống, việc làm, tiền lương của người lao động trong năm 2023 của Tổng liên đoàn lao động Việt Nam, cho thấy, có 24,5% người lao động có tiền lương và thu nhập chỉ vừa đủ đáp ứng 100% chi tiêu cho cuộc sống. Còn lại 75,5% người trả lời cho biết thu nhập hiện tại không đáp ứng đủ nhu cầu chi tiêu của họ. Thậm chí, có trường hợp thu nhập chỉ đáp ứng được 45% nhu cầu chi tiêu.

Tiền lương thấp khiến 17,3% người lao động được khảo sát phải thường xuyên vay nợ dẫn đến 3,1% người lao động thường xuyên bị đe dọa, khủng bố và 45,2% người vay nợ có tâm trạng lo lắng, bất an.(1)

- Quảng Cáo -

Được biết, đa số công nhân Việt Nam thuộc nhóm thu nhập dưới 10 triệu đồng phải chi tiêu tằn tiện và cần sự giúp đỡ từ những nguồn khác như đi vay mượn nợ để chi tiêu, hỗ trợ của người thân. Nhiều trường hợp cho biết không đủ chi tiêu hoặc tháng đủ, tháng không. Đó là khi còn sống độc thân, chưa nói tới những gia đình công nhân thu nhập thấp, không đủ tiền chăm lo cho con cái ăn học. Khi không có tiền sống mỗi ngày thì không thể  có tích luỹ, tiết kiệm để phòng khi ốm đau, bệnh tật.

Đây cũng là nguyên nhân chính khiến nhiều công nhân phải vay mượn bạn bè, dính vào tín dụng đen và cho vay nặng lãi để có tiền sinh sống hoặc để trang trải khi cần kíp. Nắm bắt được nhu cầu này, những tội phạm lừa đảo, xã hội đen đã gài bẫy người lao động với nhiều chiêu trò từ cho vay nặng lãi tới “việc nhẹ lương cao”.

Theo ghi nhận của Cục An toàn thông tin, trong 6 tháng đầu năm 2023, tình hình lừa đảo trực tuyến tại Việt Nam tăng 64,78% so với cùng kỳ năm ngoái; tăng 37,82 % so với 6 tháng cuối năm 2022.(2)

Bộ Công an cho biết trong năm 2023 tổng số tiền người dân bị lừa đảo nằm trong khoảng 8.000 – 10.000 tỷ đồng. Đây là con số dựa trên những vụ việc người dân đến trình báo cho cơ quan công an. Thực tế con số này có thể còn cao hơn vì không phải ai cũng đi trình báo. Trong năm 2023, có đến trên 1.200 vụ án phải tạm đình chỉ điều tra, gia hạn điều tra vì không xác định được thủ phạm. (3)

Rất nhiều người sập bẫy vào các đường dây mua bán người, việc nhẹ lương cao, rồi bị bán sang Campuchia, phải tham gia vào đường dây lừa đảo đó để có thể giữ mạng sống của mình. Khi không chịu nổi áp lực công việc, bị hành hung, đáng đập, nạn nhân buộc phải cầu cứu người nhà ở Việt Nam gửi tiền sang chuộc về.

Điều đáng buồn hơn là khi những người công nhân trở thành nạn nhân của các đường dây lừa đảo, thì hầu như cơ quan chức năng đặc biệt là công an không có biện pháp hỗ trợ hay xử lý hiệu quả. Thậm chí, có những trường hợp mà công an dường như làm ngơ, để cho các đường dây lừa đảo hoạt động một cách tự do và không bị trừng phạt. Đó có lẽ cũng là lý do vì sao các đường dây lừa đảo này hoạt động một cách công khai và ngang nhiên trước mặt pháp luật.

Trong khi đó, Nhà nước Cộng sản Việt Nam luôn tuyên truyền mục tiêu “xây dựng giai cấp công nhân nước ta lớn mạnh trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước là nhiệm vụ quan trọng và cấp bách của Đảng, Nhà nước, của cả hệ thống chính trị, của mỗi người công nhân và của toàn xã hội”.

Thử hỏi đến nay nhà cầm quyền đã làm được gì cho giai cấp công nhân, hay chỉ biết lợi dụng, bóc lột giai cấp công nhân? Đảng Cộng sản luôn tự mãn rằng chế độ an sinh xã hội của họ là tốt nhất. Nhưng thực tế chứng mình rằng công nhân không thực sự được hưởng các trợ cấp từ chế độ an sinh mà phải tự mình vùng vẫy để rồi rơi vào bẫy nợ, bẫy lừa đảo. Công nhân nghèo cuối cùng lại là nạn nhân khốn khổ nhất.
______________

Tham khảo:

(1) https://nhandan.vn/245-nguoi-lao-dong-trong-tong-so-3000-nguoi-duoc-khao-sat-cho-biet-thu-nhap-du-trang-trai-cuoc-song-post766261.html

(2) https://congan.com.vn/vu-an/canh-giac/so-vu-lua-dao-truc-tuyen-tang-65_149589.html#google_vignette

(3) https://vtv.vn/phap-luat/khoang-10000-ty-dong-bi-lua-dao-trong-nam-2023-20240115064508287.htm

- Quảng Cáo -