Ngô Xuân Lịch có vỗ tay không?

Ngô Xuân Lịch tại Diễn đàn Hương Sơn Bắc Kinh lần thứ 9. Ảnh của báo Quân đội
- Quảng Cáo -

canhco’s blog – RFA

Ngày 21 tháng 10 năm 2019 có lẽ là dấu mốc để người dân biết thêm cách ứng xử của Quốc hội, Đảng và Chính phủ Việt Nam trước vấn đề Biển Đông, một vấn đề đang làm bức bối cả dân tộc trước sự trơ tráo của Trung Quốc, không đếm xỉa gì tới luật pháp quốc tế cương quyết chiếm cho bằng được hầu như toàn bộ vùng biển mà Việt Nam và nhiều nước Đông Nam Á chia sẻ chủ quyền đặc khu kinh tế.

Trong cùng một ngày cả hai nơi Hà Nội và Bắc Kinh diễn ra hai cuộc họp quan trọng, tại Việt Nam Quốc hội nhóm họp trong đó có một hạng mục rất nhỏ bàn về Biển Đông, có ông Nguyễn Phú Trọng đại diện cho Đảng, có Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đại diện chính phủ phát biểu ý kiến về Biển Đông, có lẽ đây là lần đầu tiên sau nhiểu năm Quốc hội Việt Nam cho phép được mang câu chuyện Biển Đông ra thảo luận công khai mặc dù đây là đề tài mang đẳng cấp quốc gia và liên quan tới sự an nguy của chủ quyền lãnh thổ.

“Kiên quyết bảo vệ chủ quyền, lãnh thổ” là ý kiến của Ông Nguyễn Phú Trọng…”Không bao giờ nhân nhượng về chủ quyền” được ông Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh…”Kiên quyêt bảo vệ chủ quyền, lãnh thổ” được bà Nguyễn Thị Kim Ngân nhắn gửi trước gần 500 đại biểu nhưng tựu trung cả ba người đều đưa ra quan điểm “giữ môi trường hòa bình để phát triển kinh tế”.

- Quảng Cáo -

Trong lúc đó tại Bắc Kinh, Diễn đàn Hương Sơn được Trung Quốc tổ chức một cách rầm rộ nhằm tuyên truyền cho một vấn đề, một mục đích duy nhất: Đài Loan, Biển Đông và đảo Điếu ngư thuộc về Trung Quốc không thể tranh cãi. Diễn đàn này được tổ chức hàng năm, đại biểu tham dự được mở rộng thành phần gồm lãnh đạo Bộ Quốc phòng và chỉ huy quân đội các quốc gia trong, ngoài khu vực châu Á – Thái Bình Dương, các đại biểu tổ chức quốc tế, các cựu chính trị gia, cựu tướng lĩnh và các học giả nổi tiếng.

Tại buổi lễ khai mạc Diễn đàn Hương Sơn thứ 9 tại Bắc Kinh hôm 21/10, trước sự có mặt của Bộ trưởng Quốc phòng Việt Nam Ngô Xuân Lịch, người đồng cấp Trung Quốc Thượng tướng Nguỵ Phượng Hòa đã tuyên bố:

“Các đảo ở Biển Đông và đảo Điếu Ngư là những phần lãnh thổ không thể thay đổi của Trung Quốc. Chúng tôi thậm chí sẽ không cho phép lấy đi một tấc lãnh thổ mà tổ tiên của chúng tôi đã để lại,”

Như vậy là hai chiến tuyến đã được định hình rồi chăng? Không hẳn như vậy bởi Diễn đàn Hương Sơn có sự tham dự của ông Ngô Xuân Lịch và vai trò của ông thật mờ nhạt trước sự tấn công mạnh bạo vào chủ quyền quốc gia Việt Nam cũng như nhiều nước khác của Trung Quốc. Là một Bộ trưởng Quốc phòng, ông Ngô Xuân Lịch tuy mang sẵn bài diễn văn từ Việt Nam sang nhưng ông chỉ biết đọc những gì mà Đảng đã viết sẵn không hề dám đi ra ngoài dù một chữ để phản biện lại sự lộng giả thành chân của Bắc Kinh. Ông Ngô Xuân Lịch ngồi dãy ghế đầu tiên và vì vậy nhất cử nhất động của ông khó thoát khỏi camera mà hội nghị đã cài đặt, thử hỏi sau khi Nguỵ Phượng Hòa phát biểu cả hội trường đều vỗ tay như người ta thường thấy trong bất cứ một hội nghị nào do cộng sản tổ chức, ông Ngô Xuân Lịch có dám ngồi yên không vỗ tay hay sao?

Và nếu ông ta vỗ tay như một phản xạ tự nhiên thì hình ảnh ấy sẽ giúp gì cho Trung Quốc?

Nói ông Ngô Xuân Lịch không lên tiếng trước vấn đề Biển Đông là oan cho ông, ông có phát biểu những gì mà Đảng cần ông làm cái loa trước các quốc gia tham dự tại diễn đàn này. Ông đã đọc trơn tru: “Vấn đề Biển Đông phải được giải quyết bằng biện pháp hòa bình, không sử dụng vũ lực, đe dọa sử dụng vũ lực, trên cơ sở luật pháp quốc tế, tôn trọng lợi ích hợp pháp của mỗi nước với tinh thần đối tác, vì trách nhiệm cộng đồng.

“Việt Nam cam kết sẽ nỗ lực cùng các nước thúc đẩy hợp tác nhằm xây dựng Biển Đông thành một khu vực hòa bình, ổn định và phát triển, vì lợi ích chung của tất cả các nước trong và ngoài khu vực”.

“Trên tinh thần bình đẳng, tôn trọng lẫn nhau và phát huy truyền thống đoàn kết, hữu nghị, những vấn đề còn tồn tại trong quan hệ giữa Việt Nam và Trung Quốc cần được kiên trì xử lý theo tinh thần thỏa thuận cấp cao giữa lãnh đạo hai nước, đáp ứng nguyện vọng của nhân dân hai nước, đóng góp cho hòa bình, ổn định và phát triển của khu vực,”

Ông Ngô Xuân Lịch không dám hó hé gì trước tuyên bố của Trung Quốc về việc xác định cả Biển Đông là của Trung Quốc và họ sẽ không bao giờ từ bỏ, trái lại ông đọc bài diễn văn không liên quan gì tới lời tuyên bố của Bộ trưởng Quốc phòng Ngụy Phượng Hòa.

Trong nội dung mà ông Lịch đại diện cho Đảng Cộng sản Việt Nam phát biểu có gì mới không? Hòan toàn không. Nó đã được nói đến cách nay hơn 15 năm và bây giờ vẫn vậy. Vẫn hòa bình phát triển vẫn kiên quyết giữ vững tinh thần đoàn kết hữu nghị, vẫn kiên trì xử lý cấp cao giữa lãnh đạo hai nước….

Việc ngay trước mắt và cần phải lên tiếng một cách mạnh mẽ trước hội nghị là Bãi Tư Chính của Việt Nam đang bị Trung Quốc xâm lấn lại bị ông Bộ trưởng Quốc phòng im lặng một cách khó hiểu. Thái độ của ông và của toàn hệ thống cai trị Việt Nam giống nhau như đúc về việc phớt lờ câu chuyện Bãi Tư Chính, trong khi nơi này mới là trọng điểm của hành vi xâm lược có kế hoạch của Trung Quốc. Ba chữ Bãi Tư Chính như một thứ taboo cần tránh né và cách mà giới chức cao cấp của Việt Nam cùng lên tiếng rất giống nhau, giống như khuôn đúc và không ai có thể phân biệt.

Hòa bình phát triển là cái xương sống của chính sách mà Việt Nam theo đuổi trong việc bảo vệ Biển Đông, điển hình nhất là Trường Sa, Bãi Tư chính cũng như một số đảo lớn nhỏ khác trong vùng.

Có thể lý giải rằng Việt Nam sợ sức mạnh quân sự của Trung Quốc nên theo đuổi sự nhân nhượng vô giới hạn, nhưng chính cách nhân nhượng này làm cho Trung Quốc mỗi ngày một lấn sâu vào vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam hơn. Sự nhân nhượng chủ quyền lãnh thổ dù trong hoàn cảnh nào cũng bị lịch sử xem là hành vi bán nước. Các nhân vật chóp bu hôm nay sẽ được nhắc nhở trong tương lai rất gần, khi Trung Quốc không còn thống trị một phần thế giới.

Đảng Cộng sản Việt Nam khi đánh Mỹ không có gì để mất nên dù đốt sạch dãy Trường sơn cũng đánh, nhưng đối với Trung Quốc hôm nay một câu nói cũng không dám cho trọn vẹn vì họ có quá nhiều thứ để mất. Họ sẽ mất quyền lực, mất tài sản, mất cơ ngơi mà trong chiến tranh chống Mỹ họ tạo nên do máu xương của chiến sĩ nhân dân. Đánh Trung Quốc trong thời điểm này họ sẽ cô đơn gần như một mình vì họ đã kiên quyết vì Trung Quốc mà không liên minh với bất cứ nước nào để giữ gìn giang sơn bờ cõi.

Vì vậy khi họ nói “Hòa bình để phát triển” là cách nói rất thông minh dùng trong hệ thống đảng viên của họ. Chỉ có hòa bình, dù hèn hạ, thì mới có thể phát triển tài sản bổng lộc của cả hệ thống đương quyền.

- Quảng Cáo -

Chúng Tôi Mong Có Góp Ý Kiến Thêm Từ Quý Vị

Please enter your comment!
Please enter your name here