Chết vì dịch hay chết vì chính quyền?

- Quảng Cáo -

Tân Phong – Web Việt Tân

Đoạn video clip của một y tá ở bệnh viện Vũ Hán do tờ dailymail đưa tin và một chàng thanh niên trẻ trên youtube, đã thu hút hàng triệu người theo dõi và hàng trăm ngàn lượt share, mô tả những gì đang thực sự diễn ra ở Vũ Hán mà truyền thông báo chí của đảng Cộng Sản Trung Quốc không cho phép tiết lộ. Mọi hệ thống bệnh viện công ở Vũ Hán đều quá tải, thiếu nguồn lực cần thiết và không có giải pháp.

Người ta sử dụng loại vắc-xin chống phơi nhiễm với HIV và điều trị AIDS để sử dụng đối phó với corona nhưng điều đó chỉ cho thấy sự bế tắc trong giải pháp khoa học và nguồn thuốc đó rất hạn chế so với mức độ lây lan của loại virus nguy hiểm này. Ngày 27 tháng Giêng, 2020, chính quyền Trung Quốc công bố số lượng tử vong do cúm corona là 106 người và 4000 người nhiễm bệnh.

Việc phong tỏa thành phố và cấm mọi phương tiện giao thông công cộng, ngưng cung cấp xăng dầu cho ô tô mang biển Vũ Hán là những biện pháp cực đoan khiến thành phố tê liệt hoàn toàn và trong trường hợp các bệnh nhân khác không phải do cúm corona không được điều trị kịp thời sẽ phải chịu chết ở nhà. Cách thức che giấu thông tin và đối xử với người dân tồi tệ của giới chức chính quyền khiến cho người ta phẫn nộ.

- Quảng Cáo -

Trên phương diện địa phương và quốc gia, rõ ràng là người ta đã đánh giá thấp mức độ nguy hiểm của đợt dịch bệnh này và hệ thống chính trị thành phố đã che giấu thông tin bệnh dịch cho tới lúc không thể kiểm soát được mức độ lây lan mới đột ngột ra lệnh phong tỏa thành phố và cấm các phương tiện giao thông công cộng. Từ khi đưa ra lệnh cấm ở Vũ Hán thì rất nhanh chóng 17 thành phố khác cũng bị phong tỏa. Quân đội được điều động chốt chặn các tuyến cao tốc. Thông tin, liên lạc bị hạn chế và kiểm duyệt gắt gao.

Ngày mùng 1 Tết cổ truyền Trung Quốc, 26 tháng Giêng, 2020, Thường vụ Bộ Chính Trị Trung Quốc Cộng Sản đảng họp khẩn cấp để đối phó với dịch bệnh nhưng có vẻ như điều đó chỉ mang ý nghĩa “quyết tâm chính trị” chứ không có các giải pháp thực sự. Việc xây dựng khẩn cấp 2 bệnh viện dã chiến lớn trong thời gian cực ngắn mang một ý nghĩa phô trương khả năng của chính quyền mà điều cần thiết hơn là đội ngũ y tế và các giải pháp khoa học, thuốc vắc-xin đặc chủng thì không dễ dàng như vậy. Trung Quốc đã không học được gì từ bài học lịch sử 2003 với dịch SARS và vì lợi ích kinh tế, du lịch nên người ta đã coi nhẹ việc lây lan dịch bệnh.

Trên phương diện quốc tế, cho đến nay các quan chức Tổ chức Y Tế Thế Giới (WHO) chưa có động thái nào đáng kể dù tất cả các tiêu chí để đưa ra cảnh báo toàn cầu đã đủ nhưng họ vẫn cho rằng “còn sớm”. Quan chức hàng đầu của WHO đã tới Vũ Hán ngày hôm qua 27 tháng Giêng nhưng chưa có một quyết định nào thực sự mạnh mẽ và rõ ràng. Trong khi đó virus nCoV đã lan truyền qua 4 Châu lục. Đây là một điều vô cùng khó hiểu vì nếu so với dịch bệnh SARS năm 2003, dịch cúm Vũ Hán lần này cho thấy diễn biến của nó phức tạp hơn rất nhiều và mức độ lây lan cao hơn. Người ta cho rằng giới chức Trung Quốc đã thao túng tổ chức Y Tế Thế Giới từ lâu và lần này không ngoại lệ. Nếu vậy thì việc ngăn chặn dịch cúm sẽ càng khó khăn hơn cũng như cộng đồng thế giới sẽ chịu nhiều rủi ro hơn khi không có sự minh bạch thông tin y tế cần thiết cho các hoạch định kiểm soát dịch bệnh đúng mức.

“Sống chết mặc bay, tiền thầy bỏ túi”

Trong khi Trung Quốc đang tê liệt vì dịch bênh, chính phủ buộc phải phong tỏa 18 thành phố lớn, cô lập 56 triệu dân và huy động tổng lực bộ máy chính quyền khổng lồ đối phó với đại dịch Vũ Hán thì mỗi ngày hàng vạn khách du lịch từ Trung Quốc vẫn thoải mái nhập cảnh vào Việt Nam. Bộ Y Tế Việt Nam vừa cho con số thống kê, chỉ trong hai ngày đã có hơn 50 ngàn tờ khai sức khỏe của khách du lịch Trung Quốc. Thông tin từ mạng xã hội cho biết cô Lê Nguyễn Thị Thanh Hiền sinh ngày 23/04/2010 tại Khánh Hòa là nạn nhân người Việt đầu tiên tử vong vì virus cúm chết người này.

Giới chức y tế Việt Nam phủ nhận thông tin nguyên nhân tử vong do virus Corona và tuyên bố đã chuẩn bị đối phó với dịch. Tuy nhiên, với mức độ giao thương và du lịch dày đặc với Trung Quốc, cộng với với năng lực kiểm soát dịch bệnh và hạ tầng y tế yếu kém ở Việt Nam thì nếu xảy ra dịch cúm chủng 2019–nCoV ở các đô thị như Hà Nội hay TP.HCM, Đà Nẵng… thật khó có thể lường được hậu quả sẽ ra sao.

Chỉ cần làm một phép so sánh nhỏ là trong khi dân số của Vũ Hán và TP.HCM là tương đương nhưng số lượng bệnh viện của Vũ Hán là hơn 700 bệnh viện trong khi đó TP.HCM chỉ có 36 bệnh viện công và 21 bệnh viện tư nhân. Với hạ tầng yếu và thiếu như vậy, ngay cả trường hợp chưa xảy ra dịch thì các bệnh viện công ở TP.HCM cũng luôn quá tải. Điều kiện vệ sinh môi trường của TP.HCM rất tồi tệ với tình trạng kênh rạch ô nhiễm hôi thối chằng chịt, ngập lụt thường xuyên là điều kiện thuận lợi cho dịch bệnh phát triển lây nhiễm.

Hạ tầng y tế của Hà Nội tuy có khá hơn do được đầu tư nhiều hơn nhưng nếu so với Vũ Hán thì còn kém rất xa. Nếu để xảy ra dịch ở hai trung tâm này, thì khả năng đối phó của chính quyền Việt Nam sẽ rất hạn chế nếu không nói là bất lực. Thực tế cho thấy là những dịch bệnh thường như sốt xuất huyết ở Việt Nam cũng dễ dàng cướp đi hàng trăm sinh mạng chứ chưa nói đến những bệnh lây truyền nguy hiểm khác. Đà Nẵng, Kiên Giang, Quảng Ninh, Hải Phòng, Bắc Ninh hiện là những địa phương có lượng khách và người Trung Quốc nhập cảnh nhiều nhất nhưng hạ tầng y tế ở đây thậm chí còn tệ hơn rất nhiều so với hai trung tâm là Hà Nội và TP.HCM. Nguy cơ nhiễm chéo ở bệnh viện Việt Nam cũng là một tác nhân thúc đẩy dịch bệnh lan rộng.

Hiện các nước có đường biên giới chung với Trung Quốc đều đã xiết chặt an ninh y tế cửa khẩu, sân bay. Một số nước như Bắc Hàn, Mông Cổ đã đóng biên giới, các quốc gia như Singapore, Malaysia, Philippines đã từ chối cấp visa cho khách Trung Quốc nhưng Việt Nam vẫn chỉ dừng lại những biện pháp kiểm soát đơn giản như phải khai báo tình trạng sức khỏe và dùng máy đo thân nhiệt – phương pháp hoàn toàn không thể phát hiện được bệnh nhân đang trong giai đoạn ủ bệnh. Như thế sẽ không thể sàng lọc được triệt để và rủi ro cho cộng đồng là rất lớn. Trong khi đó chủng nCoV có khả năng lây truyền ngay cả trong giai đoạn ủ bệnh bằng đường hô hấp, tiếp xúc qua da … Việc đóng cửa khẩu biên giới tuy rằng là một biện pháp cực đoan và ảnh hưởng lớn tới kinh tế nhưng nếu dịch bệnh corona bùng phát tại Việt Nam thì sẽ là một thiệt hại kép – thiệt hại cả về kinh tế và nhân mạng sẽ khủng khiếp hơn rất nhiều.

Có một thực tế là cửa khẩu là nơi đem về những nguồn lợi khổng lồ cho các quan chức cộng sản và những cửa khẩu, sân bay đều là “đất phong” cho các nhóm lợi ích trong đảng và chính quyền CSVN. Ngay cả khi có chỉ đạo chính phủ hạn chế hay đóng các cửa khẩu thì đó cũng chỉ là lệnh trên giấy, còn thực tế những cửa khẩu này do sự kiểm soát của các “ông vua” ở địa phương và các “ông lớn” hải quan, hàng không, biên phòng, quân đội…

Ví dụ cụ thể gần đây nhất là vào ngày 26 tháng Giêng, 2020 tức mùng hai Tết nguyên đán, khi đã có lệnh phong tỏa Vũ Hán, thì Vietjetair vẫn thản nhiên đưa người từ Vũ Hán vào Cam Ranh. Những người này đã trả bao nhiêu tiền để có thể trốn khỏi ổ dịch bệnh chết người đó? Kẻ kiếm lợi là Vietjetair và quan chức cộng sản Việt Nam nhưng lãnh hậu quả sẽ là người dân Việt Nam.

“Sống chết mặc bay, tiền thầy bỏ túi” và do đó cũng giống như dịch cúm lợn, hay H5N1… việc kiểm soát dịch bệnh hoàn toàn chỉ mang tính hình thức chiếu lệ mà không có hiệu quả thực chất. Sẽ không có gì ngạc nhiên rằng dịch cúm Vũ Hán sẽ nhanh chóng tàn phá Việt Nam trong thời gian 3-5 tháng tới đây. Ai sẽ chịu trách nhiệm với việc “cái chết được báo trước” đã được “nhập khẩu” từ chính các doanh nghiệp sân sau bất lương của đảng Cộng Sản Việt Nam?

28/1/2020

Tân Phong

- Quảng Cáo -

Chúng Tôi Mong Có Góp Ý Kiến Thêm Từ Quý Vị

Please enter your comment!
Please enter your name here