Lạm bàn về triết học

- Quảng Cáo -

Ls. Lê Công Định|

Tôi bắt đầu đọc sách triết lần đầu vào năm 15 tuổi nhờ kho sách in trước 1975 của anh Hai tôi (nay định cư ở Canada). Anh tôi học đại học thời Việt Nam Cộng Hòa.

Quyển đầu tiên tôi đọc là “Lịch sử Triết học Tây phương” của giáo sư Lê Tôn Nghiêm. Sau đó đến “Đại cương Triết học Trung Quốc” của hai học giả Giản Chi và Nguyễn Hiến Lê, và “Lịch sử Triết học Đông phương” của giáo sư Nguyễn Đăng Thục.

Từ ba quyển sách gối đầu giường đó, tôi bắt đầu làm quen với các tên tuổi lẫy lừng như Kim Định, Nguyễn Văn Trung, Trần Thái Đỉnh, Lê Thành Trị, Nghiêm Xuân Hồng, Hoàng Xuân Việt, Nguyễn Duy Cần, Nguyễn Ngọc Lan, Bùi Giáng, Phạm Công Thiện, v.v…. Rồi nhờ các vị giáo sư khả kính này, tôi biết đến các triết gia Tây phương, Đông phương và triết học của họ.

- Quảng Cáo -

Năm 17 tuổi vào đại học, làm quen với Chủ nghĩa Marx-Lenin, ban đầu tưởng rằng đó là triết học như tên gọi môn “Triết học Marx-Lenin”, nên tôi cũng hăng hái nghiên cứu, thậm chí đọc cả “Marx-Engels Toàn Tập” và “Lenin Toàn Tập”.

Tuy nhiên, chính nhờ đọc “Marx-Engels Toàn Tập” và “Lenin Toàn Tập” tôi mới nhận ra đó không phải là triết học theo đúng nghĩa mà tôi đã đọc, học và chịu ảnh hưởng ở các triết gia Tây phương và Đông phương. Dù vậy, tôi vẫn kính trọng Marx và Engels như những tác gia có ảnh hưởng lớn. Còn Lenin thì không, bởi đó là một tay đao phủ không hơn không kém.

Năm 30 tuổi sang Pháp, tôi cả gan đọc quyển “Critique de la raison pure” (Phê phán Lý tính Thuần tuý) của Emmanuel Kant qua bản dịch tiếng Pháp. Dù không thấu hiểu triết học Kant qua quyển sách ấy ngay, tôi vẫn cảm thấy bản tiếng Pháp dễ đọc hơn bản dịch tiếng Việt mà sau này tôi có dịp đọc.

Sau quyển “Critique de la raison pure”, tôi lại cả gan đọc tiếp “Principes de la philosophie du droit” (Những Nguyên tắc của Triết luận Luật pháp) của Hegel qua bản dịch tiếng Pháp. Quyển này dễ hiểu hơn, vì luật pháp dù sao cũng là chuyên ngành của tôi và cũng nhờ đã đọc các tác phẩm về triết luận luật pháp của các tác giả khác trước đó.

Thời gian ở trong tù, tôi nghiền ngẫm hai quyển “Phê phán Lý tính Thuần tuý” của Kant và “Hiện tượng luận Tinh thần” của Hegel qua bản dịch tiếng Việt xuất sắc của Bùi Văn Nam Sơn.

Có thể nói Bùi Văn Nam Sơn là dịch giả và tác giả có công lao lớn đối với học thuật triết học ở Việt Nam ngày nay do công trình dịch thuật và chú giải các tác phẩm triết học kinh điển của Tây phương mà ông đã kiên trì thực hiện nhiều năm qua.

Thời gian ở Pháp tôi còn tìm đọc các tác phẩm triết học của Trần Đức Thảo viết bằng tiếng Pháp, vẫn còn được ấn hành và bán ở các hiệu sách chuyên ngành tại Paris. Thú thật, tôi không hiểu nổi triết gia Việt Nam đáng kính này, có lẽ vì ông tìm cách lý giải và dung hòa Chủ nghĩa Duy vật Biện chứng trong và vào dòng chảy triết học Tây phương đương thời: một Mission Impossible!

Một tác giả triết học người Việt đáng chú ý khác ngày nay là Nguyễn Hữu Liêm. Ông viết những tác phẩm bàn về triết học bằng tiếng Việt hoàn toàn theo phong cách riêng, không lệ thuộc truyền thống triết lý của cả Đông lẫn Tây. Tôi đã học ở ông rất nhiều điều, nhất là phương pháp nghiên cứu và tiếp cận triết học.

Liên quan đến câu hỏi Việt Nam XHCN hơn 75 năm qua có triết gia hay không? Cho đến nay, thật lòng tôi chưa thấy ai, bởi lẽ những ai có tư tưởng khác với đảng cầm quyền đều bị Tra và Giết cả, lấy đâu ra triết gia còn sống? Thêm nữa, triết học đúng nghĩa làm gì có cái gọi là “chính thống” và “thù địch”, ngoại trừ thời kỳ Đêm Trường Trung Cổ?

Ngay cả trong Đêm Trường Trung Cổ, dòng Triết học Kinh viện chịu ảnh hưởng của Thiên Chúa Giáo vẫn có nhiều triết gia và trường phái triết học khác nhau, tất cả đều tỏa sáng lấp lánh trên bầu trời triết học đa dạng của nhân loại đương thời.

Còn trong Đêm Trường Cộng Sản, một cây đinh vừa mới nhú lên đã bị đập giập đầu ngay tức khắc, vì trót dại có suy nghĩ khác với đảng cầm quyền, huống chi có tư tưởng và triết học khác với cái gọi là “Triết học Marx-Lenin”, bách chiến bách … bại!

Tấm gương Trần Đức Thảo sống một đời lận đận từ 1946 đến 1986, và Nguyễn Mạnh Tường, Kẻ bị vạ tuyệt thông (như nhan đề tác phẩm của ông), vẫn còn nguyên đó!

Vì vậy, nếu (và chỉ nếu) vào một ngày đẹp trời nào đó, nhà nước bỗng ban hành quyết định phong mấy cha nội tuyên giáo thành “triết gia” cả đám, như từng phong bọn “Phó Tiến sĩ” thành “Tiến sĩ”‘ sau một đêm thức dậy, thì Việt Nam may ra mới có thể có những “triết gia”, như ảo tưởng mới bộc phát gần đây mà thôi./.

#triếthọc #triếthọcmáclê

- Quảng Cáo -

Chúng Tôi Mong Có Góp Ý Kiến Thêm Từ Quý Vị

Please enter your comment!
Please enter your name here