Hướng giải quyết vụ sách giáo khoa

- Quảng Cáo -

Chu Mộng Long|

Tôi khẳng định chủ trương của Đảng và Nhà nước về dạy học phát triển năng lực và đa dạng hoá sách giáo khoa là đúng, phù hợp với xu thế giáo dục toàn cầu. Nhưng cái sai để lại hậu quả nghiêm trọng lại bắt đầu từ sự triển khai của Bộ Giáo dục và Đào tạo.

Một là, sai bắt đầu từ gốc nhân sự. Bộ phó thác cho nhóm những người đã nghỉ hưu làm Chương trình tổng thể mà quên rằng chính họ khi nghỉ hưu rất dễ biến giáo dục thành sân sau của những dịch vụ giáo dục như làm sách, buôn sách. Làm Chương trình kiêm luôn làm sách thì ắt họ tự tạo các nhóm lợi ích với tham vọng làm sao cho sách của mình được thẩm định tốt nhất để được ưu tiên lựa chọn hàng đầu. Chưa nói, đã nghỉ hưu thì thành vô trách nhiệm, vì khó truy cứu mấy ông già trên 70, 80 tuổi, dù là cách nguyên cái học hàm học vị của mấy ông đó.

Hai là, Hội đồng thẩm định Chương trình và Sách giáo khoa đứng đầu cũng là người đã nghỉ hưu, tưởng khách quan vô tư nhưng rất dễ bị các nhóm lợi ích mua chuộc, thao túng. Đến khâu lựa chọn sách, Bộ giao cho chính quyền và cơ quan quản lý giáo dục địa phương quyết định lựa chọn sách nào thì thị trường sách đã bị thao túng một cách lệch lạc khi chính quyền và cơ quan quản lý giáo dục địa phương cũng bị mua chuộc nốt.

- Quảng Cáo -

Ba là, như tôi đã nói, những giáo sư tiến sỹ tham gia các loại Hội đồng từ làm Chương trình đến biên soạn và thẩm định Sách giáo khoa là những người đã từng làm các Chương trình và sách giáo khoa cũ. Không có một cuộc tổng kết, đánh giá nghiêm túc nào về Chương trình và Sách giáo khoa cũ để nhìn thấy nó đúng và sai ở đâu để kế thừa, điều chỉnh theo đúng hướng “chuyển từ dạy học truyền thụ tri thức sang dạy học phát triển năng lực”. Các giáo sư tiến sỹ này tự phủ nhận mình là điều bất khả, nên cái sai sẽ chồng thêm cái sai. Không thể sửa sai bằng bàn tay của kẻ đã làm sai, A.Einstein đã nói như vậy. Xem cách trả lời của các giáo sư tiến sỹ trong các hội đồng, tôi khẳng định họ hiểu rất lơ mơ, thậm chí lệch lạc về dạy học phát triển năng lực.

Bốn là, đừng nói các Chương trình và sách giáo khoa trước đây tốt rồi, nay làm tốt hơn nữa như một quan chức Bộ đã trả lời tôi trong một hội thảo. Bệnh thành tích đã lấp liếm nhiều thứ và thành một quán tính đẩy con tàu giáo dục xuống dốc không phanh và gây tai nạn cho toàn xã hội. Các giáo sư tiến sỹ trong các hội đồng đừng chủ quan rằng, các lần cải cách trước diễn ra tốt đẹp không có điều tiếng gì. Hàng tỷ USD vay ODA rất tốn kém nhưng hiệu quả thì tồi tệ. Chương trình và Sách giáo khoa nhồi sọ quá tải, phi thực tế, đến lần này thì còn quá tải hơn, phi thực tế hơn, đến mức bắt con cá là trẻ em phải leo cây gọi là dạy học phát triển năng lực. Phản ứng hiện nay của dư luận chỉ là giọt nước tràn ly.

Năm là, đa dạng sách giáo khoa, nhưng người dạy và học bị truất phế hẳn quyền lựa chọn sách thì đa dạng hoá trở thành vô nghĩa. Và với tư cách là người tiêu dùng, họ không được hưởng thụ một sản phẩm giáo dục có chất lượng qua sự cạnh tranh lành mạnh, nếu không nói bị lừa đảo để buộc phải tiêu thụ hàng giả, hàng nhái, hàng độc hại do bọn buôn gian bán lận tung ra thị trường, dù đó là thị trường giáo dục.

Quốc hội cần kiểm tra có hay không nhóm lợi ích giáo dục như sơ đồ này:

Cho nên theo tôi, giải pháp tức thời và lâu dài để cứu con tàu giáo dục không bị lao xuống vực thẳm là giải quyết tận gốc nhiều vấn đề.

Một là, muốn cải cách căn bản và toàn diện giáo dục, phải thay đổi tận gốc từ nhân sự làm cải cách. Cụ thể là dẹp đám “giặc già” bảo thủ và lạc hậu ra một phía nếu muốn “kính lão đắc thọ”, đừng để con cháu và thế hệ trẻ cười khinh bỉ và tống xuống huyệt một cách vui vẻ như Marx đã nói về biện chứng lịch sử.

Hai là, việc xây dựng Chương trình, làm Sách giáo khoa và thẩm định sách phải là những Hội đồng độc lập, khách quan. Đã tham gia xây dựng Chương trình thì không được phép làm sách. Thẩm định thì không chỉ Hội đồng quốc gia mà toàn xã hội. Không có thẩm định nào khách quan bằng quyền tự do lựa chọn của người tiêu thụ sản phẩm. Năm tới, cứ trao quyền cho người dạy và người học tự do lựa chọn sách thử xem những loại sách có vấn đề như Cánh Diều có chỗ chen chân vào nhà trường không?

Ba là, đã đa dạng sách giáo khoa thì phải cạnh tranh bình đẳng, không cần phải thiên vị hay bao cấp cho bất cứ tổ chức, cá nhân nào. Như vậy thì đương chức hay đã nghỉ hưu ai cũng có quyền tham gia làm sách và tự chịu trách nhiệm trước sản phẩm của mình. Sách chất lượng kém thì tự nó bị đào thải theo quy luật cạnh tranh. Sách lậu, hàng nhái, hàng giả, hàng độc hại bị dư luận phản ứng thì phải bị xử lý theo pháp luật.

Bốn là, truy cứu các dự án cải cách trước đây đã từng ngốn hàng ngàn tỷ đô la vạy vốn ODA. Coi như đã vay thì phải trả, nhưng không phải bắt nhân dân trả thay mà kẻ nào làm sai hoặc không mang lại hiệu quả, kẻ đó phải nôn ra mà trả nợ. Làm nghiêm điều này ắt không kẻ nào còn dám bịa dự án để tiêu tiền và làm ăn vô trách nhiệm.

Năm là, vấn đề có liên quan đến cá nhân một số lãnh đạo Bộ. Không lấy con cháu các lãnh đạo ra làm chuẩn bắt nhân dân phải theo. Ông Phùng Xuân Nhạ, bà Ngô Thị Minh có quyền khen sách này chê sách kia như một quyền cá nhân bất khả xâm phạm, nhưng không được phép áp đặt cho toàn ngành giáo dục. Chẳng hạn, ông Nhạ bà Minh thấy sách Cánh Diều hay vì thấy con cháu mình học tốt và làm theo tốt con Quạ “kêu quà quà”, con chó lừa con quạ “tợp khổ mỡ”, không thích làm mà đòi ăn nhiều như ngựa tía, ngựa trắng, hứng thú với thứ kiến thức về cái tổ chim sẻ bằng hộp diêm… thì cứ lựa chọn cho con cháu của mình học chứ không phải đưa ra nghị trường làm mẫu để lừa dối quốc hội và nhân dân.

Nhưng trường hợp nhiều bài học với những câu từ nhảm nhí như “gà nhí”, “gà nhép”, “em chả”, “thỏ nhá”, “chó tợp”, “gà cho ve xin tí ti”… thì không được phép mang ra dạy cho con cái nhà ai, vì nó đang phá hoại tiếng Việt. Đám Khá Bảnh, Huấn Hoa hồng share lên Youtube những câu chữ như “Cần cù bù siêng năng”, “có làm thì mới có ăn, không làm thì ăn cái đầu buồi…” đã đủ làm cho tiếng Việt nát bét rồi, không cần sách giáo khoa phá thêm nữa. Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Văn hoá và Du lịch thể thao đã xử lý đám ngữ tặc này, đến lúc cũng nên xử luôn đám giáo tặc đưa những ngôn từ nhảm nhí vào trong học đường làm hư não trẻ em thì mới công bằng!

Dạy học phát triển năng lực đúng nghĩa không đơn giản chỉ là phát triển cá nhân mà còn dạy năng lực cạnh tranh lành mạnh giữa các cá nhân để đáp ứng thực tế của kinh tế thị trường. Người làm công tác giáo dục không có năng lực tối thiểu đó, chỉ lấy học hàm học vị và các loại danh hiệu ra làm ngáo ộp để bắt trẻ em học tập và làm theo mình thì “dạy học phát triển năng lực” chỉ là khẩu hiệu giá tạo che đậy cho tham vọng bẩn thỉu của bọn con buôn./.

#sáchgiáokhoalớp1 #nhómlợiích

- Quảng Cáo -