Việc trước chưa qua, người sau vẫn thế

Cầu Hiền Lương
- Quảng Cáo -

Phạm Minh-Tâm

Người ta hay nói thời-gian là môn thuốc chữa lành mọi vết thương. Song vẫn có một loại vết thương mà thời-gian chẳng những bị vô-hiệu, ngược lại  còn là điều-kiện để vết thương thành sâu đậm hơn. Đó là vết thương của một đất nước, một dân-tộc mà qua các trang sách sử lưu giữ trong  thư-viện, các bài học lịch-sử trong sách giáo-khoa…chính là các vết thương khó lành hoặc không lành được nếu một khi vẫn còn có người tìm đọc, nghiên-cứu hay đem môn lịch-sử giảng dạy cho lớp công-dân trẻ.

Có điều, cũng còn tuỳ vào tâm-thức của từng người mà loại vết thương này có thể mau lành, có thể lành nhưng vẫn còn sẹo hay càng ngày càng rỉ máu.

Ngày 20 tháng 7 năm nay, năm 2021, còn bao  nhiêu người Việt-Nam, trong nước và nhiều nơi ngoài nước nhớ đến dòng sông Bến Hải lịch-sử trong ý-nghĩa ê-chề của nó suốt 67 năm qua?. Những ai vẫn còn thấy nhức-nhối  tâm-tư về vết cắt sâu đau-đớn cứa trên thân xác Mẹ Viêt-Nam, trên giang-sơn đất nước của ông cha từ các bàn tay đồ-tể chính-trị quốc-tế mà chủ-lực là Trung-cộng và Pháp; thêm tiếng vỗ tay cổ-võ của Liên-sô, Anh, Mỹ khi đem ba nước Việt-Nam, Ai-lao và Cao-miên lên bàn Hội-nghị Genève mổ xẻ. Còn riêng Việt-Nam đã bị nát bét bằng lưỡi dao “Việt-Nam Dân-chủ Cộng-hoà”.

- Quảng Cáo -

Gọn-gàng hơn và dễ nhớ hơn, dễ gọi hơn…là tập-đoàn những người cộng-sản Việt-Nam, do Hồ Chí Minh lang-thang từ Pháp sang Nga, qua Tầu mà tiên vàn là tìm lối thoát cho đời mình nên đã không từ nan với chủ-trương đưa dân-tộc Việt-Nam từ vào xiềng lệ-thuộc Nga-sô sang đến vòng xích nô-lệ Tầu. Và đem về cho đất nước, cho quê-hương cái chủ nghĩa cộng-sản dã-man, độc-hại mang tên Việt-minh lúc đầu và bây giờ là Việt-cộng. Thế mà tội-nghiệp cho các thế-hệ trẻ Việt-Nam đã, đang và vẫn còn bị nhồi vào đầu hai nhóm chữ “tìm đường cứu nước” của “bác” và “cách-mạng giải-phóng dân-tộc” của đảng.

Nhớ lại ngày 20-7-1954 này, với những hệ-lụy kèm theo, không phải là để cùng nhau chỉ biết đổ giốc hết cớ sự hôm nay cho Việt-minh, cho Việt-cộng, còn mọi người thì vô can, vô tội, vô vạ…Mà là hãy tạm ngừng lại các lời khen phe mình, các tiếng chê những lập-trường chính-kiến của thiên-hạ; những khuynh-hướng này đang cố triệt-hạ chủ-trương kia hay các phe này đang cố đạp nhóm nọ xuống….rồi tất cả cùng đấm ngực như những tín-đồ Công-giáo khi họ đọc Kinh Cáo Mình…Lỗi tại tôi, lỗi tại tôi, lỗi tại tôi mọi đàng.

Cuộc chia cắt này chỉ có ông Hồ Chí Minh và những người Việt-minh cộng-sản hưởng lợi. Ngoài mục-tiêu tối-hậu là hoàn-thành nhiệm-vụ nhận từ   cộng-sản quốc-tế đã đem được chủ-nghĩa cộng-sản vào Việt-Nam, Ai-lao và Cao-miên ra thì ông Hồ Chí Minh và tập-đoàn cộng-sản Việt-Nam đã được Liên-sô và Trung-cộng thưởng cho nửa phần lãnh-thổ làm “thủ-đô” cho cái danh xưng nước Việt-Nam Dân-chủ Cộng-hoà của họ. Bởi vì từ khi tuyến-bố thành-lập vào ngày 02-9-1945, cái “nước” này vẫn mãi long-đong, như cô-hồn vất-vưởng suốt gần mười năm.

Sau khi Hiệp-định Genève ký, từ Sài-gòn, Thủ-tướng Ngô-Đình Diệm ra lệnh toàn thể các vùng đang trực-thuộc Chính-phủ Quốc-gia treo cờ rủ đề tang và tuyên-bố…Chúng tôi không thể đặt vào vòng nô lệ hàng triệu đồng bào trung thành với chủ nghĩa Quốc Gia…(Con Rồng An-nam, trang 521)

Ngày 19-8-1955, thời-hạn 300 ngày quy-định đã chấm-dứt. Con đường cái quan từ Nam ra Bắc bị chặn ngang bằng dòng sông Gianh di-hận từ một thời phân-tranh giữa hai họ Trịnh Nguyễn và bốn thế-kỷ sau lại đi vào lịch-sử nội-chiến bằng tên Bến Hải, vạch rõ lằn ranh Quốc-gia và cộng-sản.

Miền Nam trở thành vùng đất hồi sinh cho hàng triệu người Miền Bắc bỏ hết mọi sự để ra đi chạy nạn Việt-minh cộng-sản; để thành một quốc-gia mới trên trường quốc-tế…Lòng người Miền Nam không chỉ hướng về Miền Bắc bằng tình-cảm nhớ làng, nhớ xóm và bà con thân-tộc, mà bằng một ý-chí nỗ-lực thực-hiện một ngày trở về quê cũ bằng nhịp cầu dân-tộc thái-hoà, như tâm-tư người nhạc-sĩ muốn “Bắc một nhịp cầu”:

Lạnh lùng phương Nam mơ bóng cây xanh ven hồ. Ngậm ngùi phương bắc trông lúa xa xăm mong chờ. Vì một dòng sông xoá mờ, tình đời lìa đôi bến bờ
Ai người còn nhớ quê xưa
Em ơi nhớ lời năm ấy. Ra đi hẹn về một sớm ngàn hoa đua cười
Anh đang bắc cầu đưa lối. Mai đây người người cùng hát khúc ca yêu đời
Mai kia dưới cờ chiến thắng. Dân Nam vựợt đồi vuợt núi về thương sông Hồng
Mai kia đón ngàn tia nắng. Anh mang về cùng nhuộm thắm đôi lòng
Ai ra xứ ngoài cho nhắn
Bao nhiêu lời nguyền này kết thành câu tung hoành
Đâu đây đã tràn tia nắng, anh tin nhịp cầu vượt sóng đang thành.
                              (Hoàng Trọng và Hồ Đình Phuơng  –  Bắc một nhịp cầu)

“Nhịp cầu vượt sóng” ở đây chính là chủ-trương “Bắc tiến” của Chính-quyền Ngô-Đình Diệm, đã một thời làm nức lòng người, lòng những người Việt-Nam đơn-thuần yêu nhau vì yêu nước.

Song lịch-sử vẫn còn cay-nghiệt với Việt-Nam.
Việt-Nam, Việt-Nam
Một con đường cái quan ngày hôm nay chia thành bao lối rẽ
Ý-hệ này, chủ-thuyết nọ lớn lên
Mẹ Việt-Nam mang nặng nỗi ưu-phiền
Nhìn một bọc trăm trứng rồng tiên
hơn bốn ngàn năm sau
đã phần nào thành liu-điu, nòng nọc.

Viết về giờ khắc hai miền đất nước đứt đoạn này, nếu không nhớ đến ông Luật-sư Lê Quang Luật thì là điều thiếu sót. Vào thời gian lịch-sử này, ông đang là Đại-biểu Chính-phủ tại Bắc Việt. Khi Toà Đại-biểu đóng cửa theo hạn-định thì chính ông là người mang hộp đất của Miền Bắc được phủ Quốc-kỳ của Chính-quyền Quốc-gia vào Nam bằng tầu “Ville de Hải-phòng”. Rồi bằng một nghi-thức trang-trọng, hộp đất được đặt tại Đài Tưởng-niệm trong Thảo-cầm-viên Sài-gòn. Song chỉ mấy năm sau, ông đứng trong danh-sách 18 thành-viên Nhóm Caravelle, mưu-sự lật đổ chế-độ Ngô-Đình Diệm.

Ngày 6-11-1955, dân-chúng Sài-gòn nô-nức mừng đón các chiến-sĩ Rừng Sát trở về giữa tiếng hoan-hô, điệu nhạc hùng và lời hát đẹp của…Bài ca chiến thắng…của Minh Duy và…Anh về Thủ-đô…của Y-Vân. Ai ngờ ông Đại-tá Dương Văn Minh cùng các ông Trung-tá Nguyễn Khánh, Thiếu-tá Nguyễn Hữu Hạnh, Thiếu-tá Nguyễn Chánh Thi…trong “đoàn quân chiến thắng trở về”, được Tổng-thống Ngô-Đình Diệm vinh-thăng mỗi người lên một cấp lại là những con ong trong tay áo.  Người thì theo Mỹ xúi, thẳng chân đạp-đổ nền Đệ-nhất Cộng-hoà, kẻ thì nằm vùng cho đến ngày 30-4-1975 mới ra mặt.

Năm 1960, ông luật-sư Nguyễn Hữu Thọ tại Miền Nam chiụ khó đứng ra làm chủ-tịch “bung-xung” cho cái gọi là Mặt-trận Dân-tộc Giải-phóng Miền Nam. Gọi là bung-xung hay chính-xác hơn, là con rối vì Mặt-trận Dân-tộc Giải-phóng Miền Nam chẳng qua chỉ là một cái tên dùng để cho cánh tay của cộng-sản Hà-nội công-khai nối dài đánh phá Miền Nam.

Cho đến bây giờ, tôi vẫn băn-khoăn tự hỏi không lẽ chỉ vì đầu óc điạ-phương của ông luật-sư này nặng-nề đến nỗi cứ khư-khư giữ tàn-tích của một thời nô-lệ thực-dân mà bất kỳ người Việt-Nam nào biết hận, biết xót cho Quê-hương bất-hạnh này đều không chấp-nhận được. Rồi vì thế ông đi vào vết xe đổ của Trần Ích Tắc, của Lê Chiêu Thống xưa kia, nên không ngần-ngại cõng luôn cộng-sản vào miền đất tự-do cuối cùng của Đất Nước dưới chiêu-bài “giải-phóng Miền Nam”.

Khi ông Nguyễn Hữu Thọ đi ra bưng vào tháng 12 năm 1960  để “lên ngôi” chủ-tịch của cái mặt trận hão-huyền là thời-điểm Miền Nam đang phát-triển, sao lại phải giải-phóng? Thành vậy mà  tôi không thấy ổn vì có người đã so-sánh khập-khiễng, bảo ông luật-sư này giống như Nguyễn Mạnh Tường, như Trần Đức Thảo, đã mắc căn bệnh ngây-thơ của trí-thức.

Các ông Nguyễn Mạnh Tường, Trần Đức Thảo mới thực sự ngây-thơ, cái ngây-thơ chủ-quan của nhiều nhà trí-thức thiếu thực-tế. Hai ông vì yêu nước mà lầm tin rằng “bác Hồ” cũng yêu nước như mình, có thể cùng “bác” đặt lại một số vấn-đề từ lý-thuyết cộng-sản cho phù-hợp với hoàn-cảnh Đất Nước và lợi-ích cho đồng-bào từ ải Nam-quan đến mũi Cà-mâu. Hoàn-toàn không đố-kỵ ai, không kỳ-thị ai. Không có cả sự chia-rẽ Bắc, Trung, Nam. Lại càng không mày- may cố-chấp như luận-điệu của số người vẫn cố gieo rắc chủ-trương phục-hưng Miền Nam, vì nghĩ rằng sau cuộc di-cư của gần một triệu người Miền Bắc thì người miền Nam sẽ ở vào tình trạng bị lép vế. Vì vậy mà phải đòi, không phải cho toàn dân Miền Nam  mà là đòi quyền lợi, đòi chức vụ cho số ít cá-nhân.

Vì vậy mà cho đến sau này, khi nửa miền đất nưóc phía Nam vừa tạm ổn-định sau cơn chia cắt thì vẫn còn ít người nặng đầu óc phe nhóm, đã khai-thác trở lại chủ-trương “Nam-kỳ của người Nam-kỳ”. Ai ngờ cái di-sản từ người Pháp đưa ra vào thời-gian muốn cổ-động cho việc thành-lập Cộng-hòa Nam-kỳ Tự-trị lại sống dậy bằng nhóm “Phục-hưng Miền Nam” hay Nhóm Liên Trường, một trong những chiêu-bài gây chia rẽ trong xã-hội Miền Nam sau 1954.  Nhóm này được sự hỗ-trợ đặc-biệt của các thân-hào, nhân-sĩ Miền Nam tiêu-biểu được nhiều người biết như các ông Phan Khắc Sửu và Trần Văn Hương.

Đây là bài học lịch-sử đắt giá mà giờ đây không phải chỉ Việt-Nam mà cả thế-giới cũng đã rõ, đã thấy rằng các phe  nhóm cũng như tôn-giáo đã từng một thời  quậy tung chính-truờng Miền Nam từ sau 1954 thì chung cuộc đã bắc cầu cho cộng-sản Việt-Nam bước sang sông Bến Hải. Song cũng chưa dễ nhiều người thuộc hay chịu học. Khắp nơi ở hải-ngoại này, sự chia rẽ, đấu đá nhau vẫn còn tưng-bừng. Dù chỉ là đấu “ảo” trên “internet” cho qua ngày tàn.

Đối với người Việt-Nam, không phải chờ đến thời Đệ-nhị Cộng-hoà mới có Tổng-thống Nguyễn Văn Thiệu với câu nói để đời…đừng nghe những gì cộng-sản nói mà hãy nhìn những gì cộng-sản làm… Vào đầu thập-niên 50, nhà sử-học Trần Trọng Kim đã chỉ nhìn hành-sự của ông Hồ Chí Minh và Việt-minh trong mấy năm đầu nắm quyền thôi cũng nhận ra như ông ghi lại trong tập sách Một cơn gió bụi rằng… Người cộng sản, khi đã hành động, hay dùng đến chữ giải phóng. Theo việc làm của họ, tôi vẫn chưa hiểu rõ nghĩa hai chữ ấy. Có phải trước kia có cái cũi giam người, bây giờ họ đem cái cũi kiểu mới đến bên cạnh rồi bảo người ta chạy sang cái cũi mới ấy, thế gọi là giải phóng không? Nếu cái nghĩa giải phóng là thế, thì cũi cũ hay cũi mới cũng vẫn là cái cũi, chứ có hơn gì?

Cứ như ý tôi, thì giải phóng phải theo đúng cái lẽ công bằng, làm cho người ta được ung dung thư thái, được hành động trong một cái khuôn khổ rộng rãi, ai nấy biết tôn trọng  quyền lợi của mọi người theo pháp luật đã định, không bị đàn áp và lừa dối, không bị bắt bớ và giết hại một cách ám muội, oan ức…Giải phóng gì mà cả chính thể một nước phải nương cậy ở những đội trinh thám để đi rình mò và tố cáo hết thảy mọi người…thành ra nhân dân trong xã hội ấy  lúc nào cũng nơm nớp lo sợ, không biết ai là bạn ai là thù…

Trong những lời tuyên truyền của Việt Minh, thấy luôn luôn nói nào là hạnh phúc, nào là tự do, bình đẳng, mà sự thật thì trái ngược tất cả. Những lối họ dùng là nói dối, đánh lừa cướp bóc, giết hại tàn phá, không kiêng dè gì cả, miễn làm cho người ta mắc lừa hay sợ mà theo mình là được…(Sách đã dẫn, trang 109).

Đã có nhiều nhận-định chua cay rằng nhược-điểm của người Việt-Nam mình là tính xấu hay ghen ăn tức ở. Do vậy công-cuộc chung thường không được đặt nặng bằng từng cách nghĩ riêng tuỳ theo cảm-hứng nhất thời của ghét ghen, của đố-kỵ mà trở nên thành-kiến khó vuợt qua. Đôi khi từ các thành-kiến cố-chấp biến dần sang thù ghét và khích-bác nhau. Đây chính là lợi-điểm cho phe này nhóm nọ lợi-dụng tuyên-truyền để gây chia rẽ. Rồi chung cuộc thì chẳng ai được gì ngoài việc tạo thêm lợi-khí cho người cộng-sản.

Từ 20-7-1954 đến 20-7-2021 năm nay đã gần trọn một đời người Việt-Nam lao-đao theo vận nước. Bao dâu bể biến-thiên, bao mất còn thua-thiệt cho nhà cho nước mà sao nhiều người vẫn còn “cái tôi” thật ôm-đồm, thật lố-bịch. Trên thế-giới “ảo” của internet, người ta tha-hồ vỗ ngực xưng mình là trí-thức, trí-giả, là anh-hùng, là ái-quốc ái quần… Người ta phùng mang trợn mắt bươi móc nhau, chửi bới và đánh nhau bằng võ miệng với một thứ chữ nghĩa mà  trước 1975 tôi chưa bao giờ gặp ở đâu ngoài khu chợ Cầu Ông Lãnh. Nhiều khi tôi lẩn-thẩn tự hỏi, phải chi ngày trước, chuyện “Việt-cộng từ Bắc vô Nam, bàn tay nhuốm máu anh em” mà được họ sôi-nổi quan-tâm như vậy thì chắc Miền Nam không đến nỗi….

Phạm Minh-Tâm

- Quảng Cáo -