Đất nước mình còn nghèo, còn thảm quá!

- Quảng Cáo -

Thu Trân (VNTB)

Sống ngay trên đất nước mình mà luôn trong tư thế người du mục trên hoang mạc Sahara.

Nhớ chuyện cây cột điện bên Mỹ nếu mà có chân cũng chạy về Việt Nam trốn dịch Covid – câu chuyện hàm tiếu của một quan chức nào đó khiến tôi phải viết những điều này.

Mà dường như cái ông quan đó cũng không biết nước mình nghèo, nước mình nhiều tệ nạn, nước mình thuộc loại lạc hậu nhất thế giới hay sao?

- Quảng Cáo -

Nhà có chuyện mới biết thực lực tới đâu. Dịch covid tấn công Sài Gòn và các tỉnh ào ào như gió táp mưa sa tứ bề, có cái áo tơi trùm chẳng đủ, kéo đầu nào cũng ướt mình mẩy tay chân. Càng co kéo càng ướt, khi cái đói bùng lên song hành cùng dịch bệnh thì áo tơi bị tốc ra, ướt toàn phần, ướt như chuột lột; là đoàn người rùng rùng bằng mọi giá bỏ Sài Gòn, Đồng Nai, Bình Dương… về quê trong cơn mưa dịch và cơn mưa đói vô cùng bi thảm.

Đâu đó trên đường về của dân miền Trung, còn có những cơn bão thiên nhiên luôn lăm le chực đổ trên đầu…

Nhớ câu tục ngữ “tay làm hàm nhai tay quai miệng trễ” thật đúng với tình hình dân mình đi làm thuê hiện nay. Biệt cha mẹ già, biệt quê hương làng xóm tha phương cầu thực chỉ mỗi mong có cái bỏ vào mồm. Sống ngay trên đất nước mình mà luôn trong tư thế người du mục trên hoang mạc Sahara.

Nhìn hành lý đoàn người thất thểu hồi hương thì biết. Ngoài những đứa trẻ ốm đói lặc lè; còn có con gà con chó, nồi niêu xoong chảo và những va-li từ thiện màu mè rách nát. Và chủ thể – những người thợ chính của công cuộc di cư làm thuê thì đầu bù tóc rối và xuống cấp toàn phần. Hay chỉ có đi trốn dịch thì mới thê thảm thế? Không phải, mỗi bận tết họ về quê cũng thế thôi, có điều bận này thấy rõ vì họ ra đi ào ạt cùng lúc hàng triệu con người!

Tôi không ca ngợi vùng tứ giác động lực Sài Gòn, Đồng Nai, Bình Dương, Long An… như một chiến tích xây dựng chủ nghĩa xã hội thời mở cửa bằng những con số tăng lên vù vù của nhà đầu tư các nước.

Sự phát triển nào cũng có hai mặt của nó.

Nhà máy, công trường mọc lên bất chấp sự cạn kiệt nguồn nước và các nguồn tài nguyên tại chỗ là điều ai cũng thấy được. Thấy rõ hơn là sự phát triển quá thiên lệch giữa các vùng miền trong nước.

Người từ miền Bắc, miền Trung, miền Tây ào ào đổ về làm thuê cho vùng tam giác động lực; mà sau lưng họ: nhà cửa, làng mạc, ruộng vườn tiêu điều xác xơ cùng bao la những mảnh đất khô cháy bị gọi là “quy hoạch treo” cho cái gì gì đó thuộc về thì tương lai xa.

Dễ hình dung ra một đòn gánh lệch vai lặc lè bên trọng bên khinh. Để khi có biến như thiên tai, dịch bệnh… thì cái điều phát triển bất hợp lý ấy lại bùng lên nhấn chìm mọi thứ, để lộ ra mọi thứ điêu tàn trong đời sống người làm thuê cho các vùng “tam giác động lực”.

Phần của họ ở đâu khi “đất nước ngày càng giàu đẹp”?. Phần của họ ở đâu trong các buổi lễ cắt băng khánh thành hoành tráng những nhà máy công trình tỷ USD?

Phần của họ ở ngay chính trên quê hương của họ. Những người làm nghề nông, làm nghề biển học không nhiều chỉ mong được làm công việc quen tay quen thuộc ngay chính trên quê hương họ mới mong được làm giàu, được làm ra của cải vật chất cho xã hội bằng chính giọt mồ hôi và khả năng trời cho của họ.

Nhưng những quy hoạch không phù hợp, những “triển vọng hướng về tương lai” không phù hợp đã kéo họ đi quá xa rồi… Và mênh mông mênh mông, giờ chỉ mong kiếm cái bỏ vô mồm đã là khó…

Cái cột điện ở bên Mỹ có thích đi bộ về Việt Nam không, nếu nó đi được? Chỉ là bị hấp lực bởi lời mời phù hoa thôi, chứ nó cũng không có phần ở cái đất nước giàu đẹp cứ thấy phát triển bất chấp là ham này!

- Quảng Cáo -