“Độc lập” là gì?

- Quảng Cáo -

Thới Bình – (VNTB) – Hiệp định FTA có định rõ, các DAG phải bao gồm “các tổ chức đại diện độc lập” (điều 13.15.4).

Bài báo “EV-FTA và nước cờ dang dở của những nhóm XHDS độc lập Việt Nam” đăng trên trang Việt Nam Thời Báo ngày 19/11/2021, nhắc lại việc cam kết trong Chương 13 về Thương mại và Phát triển Bền vững (TSD) của Hiệp định Thương mại Tự do (EV-FTA) giữa Liên minh Âu châu (EU) và Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam,  cả hai bên, EU và Việt Nam, phải thành lập “Các nhóm Tư vấn Nội địa” (DAGs) gồm những tổ chức phi chính phủ NGO, đại diện người lao động, hiệp hội thương mại,…, để có thể quan sát, nêu lên và thảo luận các vấn đề liên quan đến các chính sách xã hội và môi trường với Ủy ban Liên minh Âu châu và Việt Nam.

DAG phải bao gồm “các tổ chức đại diện độc lập” (điều 13.15.4):

“4. Mỗi Bên phải thành lập một hoặc các nhóm tư vấn trong nước mới hoặc tham vấn ý kiến của nhóm tư vấn trong nước hiện có về phát triển bền vững với nhiệm vụ tư vấn về việc thực hiện Chương này.

- Quảng Cáo -

Mỗi Bên phải quyết định về thủ tục trong nước để thành lập nhóm hoặc các nhóm tư vấn trong nước và bổ nhiệm các thành viên cho các nhóm tư vấn này. Nhóm hoặc các nhóm tư vấn trong nước này bao gồm các tổ chức đại diện độc lập, bảo đảm sự đại diện cân bằng giữa các lĩnh vực kinh tế, xã hội và môi trường, bao gồm tổ chức người lao động và người sử dụng lao động, doanh nghiệp và các tổ chức môi trường.

Mỗi nhóm tư vấn trong nước có thể, theo sáng kiến riêng của mình, đệ trình quan điểm hoặc kiến nghị với Bên đó về việc thực hiện Chương này.

5. Các thành viên của nhóm hoặc các nhóm tư vấn trong nước của mỗi Bên sẽ gặp nhau tại một diễn đàn chung để tiến hành đối thoại về các khía cạnh phát triển bền vững trong mối quan hệ thương mại giữa hai Bên.

Theo thỏa thuận chung, nhóm tư vấn trong nước của cả hai Bên có thể có sự tham gia của bên liên quan khác trong các cuộc họp của diễn đàn chung. Diễn đàn phải được tổ chức trên cơ sở cân bằng đại diện của các bên liên quan về kinh tế, xã hội và môi trường. Báo cáo của mỗi cuộc họp của diễn đàn chung sẽ được trình lên Ủy ban Thương mại và phát triển bền vững và sau đó được công bố công khai”.

(Bản Anh ngữ đầy đủ đăng trên trang https://eur-lex.europa.eu/)

“Muốn tận dụng EV-FTA, không thể bỏ qua Chương 13” là ý kiến của ông Nguyễn Ánh Dương – Trưởng ban Nghiên cứu tổng hợp, Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM).

Chương Thương mại và Phát triển bền vững (Chương 13) trong Hiệp định thương mại tự do Việt Nam – châu Âu (EVFTA) gồm 17 điều với các nội dung chính gồm: đa dạng sinh học; biến đổi khí hậu; quản lý tài nguyên rừng và thương mại lâm sản; quản lý bền vững nguồn tài nguyên sinh vật biển và sản phẩm nuôi trồng thủy sản; lao động và minh bạch hóa. Cam kết phát triển bền vững, trong đó quyền của người lao động và môi trường là hai nội dung chính giúp đảm bảo bình đẳng về quyền lợi và cơ hội tham gia cho tất cả các bên cũng như trong cả chuỗi cung ứng.

Để đảm bảo được cho cái gọi là “đảm bảo bình đẳng về quyền lợi và cơ hội tham gia cho tất cả các bên cũng như trong cả chuỗi cung ứng”, thì phải cần đến tiếng nói của các tổ chức xã hội nghề nghiệp thực sự độc lập với những nhà chính trị cầm quyền.

Đơn cử, cho đến nay cộng đồng doanh nghiệp tiếp tục ngóng chờ Chính phủ xem xét vướng mắc còn nằm trong dự thảo nghị định về môi trường.

Theo đó, 10 tổ chức nghề nghiệp: Hiệp hội Thực phẩm Minh Bạch (AFT), Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam (VFA), Hiệp hội Dệt may Việt Nam (VITAS), Hiệp hội Sữa Việt Nam (VDA), Hội Lương thực thực phẩm Tp. Hồ Chí Minh (FFA), Hiệp hội Bia – Rượu – Nước giải khát Việt Nam (VBA), Hội Doanh nghiệp Hàng Việt Nam Chất lượng cao, Hiệp hội Chè Việt Nam (VITAS), Hiệp hội các nhà Sản xuất Ô tô Việt Nam (VAMA) và Hiệp hội các nhà Sản xuất Xe máy Việt Nam (VAMM), Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) tiếp tục yêu cầu văn bản Nghị định hướng dẫn chi tiết không được đưa ra những điều nằm ngoài quy định của Luật Bảo vệ Môi trường, không tạo mâu thuẫn với các văn bản pháp luật khác.

Ở đây “tiếng nói độc lập” là đại diện cho quyền lợi của giới chủ. Vậy thì vì sao lại không có “tiếng nói độc lập” là những đại diện khác nhau cho yêu cầu, nguyện vọng của nhóm người dân nào đó trong khuôn khổ của Hiến pháp và luật pháp?

Ngay cả Điều 4 của Hiến pháp cũng có khoản 4.3 rằng “Các tổ chức của Đảng và đảng viên Đảng Cộng sản Việt Nam hoạt động trong khuôn khổ Hiến pháp và pháp luật”.

Vậy thì có điều nào của Hiến pháp và luật pháp nào cấm quyền cất lên tiếng nói độc lập của một hay nhóm người trong khuôn khổ pháp luật?” – luật sư Hà Nguyên Cát Tường ý kiến và nhấn mạnh rằng, “Giới luật sư, luật gia và cả nhà báo vẫn đang có không ít người kiên trì đeo đuổi trong tìm kiếm những phương cách an toàn trong tình thế hiện nay tại Việt Nam về tiếng nói độc lập, qua đó để ít nhiều tham dự trực tiếp cũng như gián tiếp, ảnh hưởng vào những chính sách xã hội và môi trường trong làm ăn từ các thỏa thuận FTA”.

- Quảng Cáo -