Nan đề của lộ trình xây dựng nhà nước “kiến tạo phát triển”

Các diễn giả của buổi tọa đàm "Đổi mới mô hình tăng trưởng: Động lực phục hồi và bứt phá" do Tạp chí Kinh Tế Việt Nam/VnEconomy tổ chức hôm 4/12/2021. Ảnh: vneconomy
- Quảng Cáo -

Tân Phong – Việt Tân

Mới đây, trong buổi tọa đàm về “Đổi mới mô hình tăng trưởng: Động lực phục hồi và bứt phá” do Tạp Chí Kinh Tế Việt Nam/VnEconomy tổ chức, một nhóm những chuyên gia kinh tế của CSVN trong đó có cả những cựu viên chức như ông Nguyễn Sỹ Dũng – nguyên phó chủ nhiệm văn phòng quốc hội, ông Đặng Kim Sơn là một nhà kinh tế phát triển… đã có những phát biểu rất “phản động.”

Các ông này nhấn mạnh việc phải thay đổi “thể chế,” bỏ cơ chế xin-cho sang cơ chế phục vụ thị trường, thay đổi quan hệ quản lý sang quan hệ phục vụ khách hàng… cũng như những đánh giá, nhận định giống hệt với “luận điệu phản động” trong các bài phân tích kinh tế của Viettan.org thường đề cập. Ví dụ như “Trong 7 nền kinh tế có nền tảng văn hóa Đông Bắc Á, 5 nước áp dụng mô hình nhà nước kiến tạo phát triển và 5 nước đã ‘hóa rồng,’ ngoại trừ, Bắc Triều Tiên và Việt Nam…” và công khai chỉ trích sự yếu kém của đội ngũ hành chính công vụ không đủ năng lực…

Khái niệm “nhà nước kiến tạo phát triển” chỉ mô hình phát triển dựa vào nhà nước trong đó nhà nước cần phải đáp ứng điều kiện tiên quyết là một đội ngũ quản trị công ích tinh hoa như Singapore hay Đài Loan, đủ khả năng dẫn dắt và vận dụng các nguồn lực để phát triển kinh tế xã hội tối ưu và hài hòa. Trong một tiểu luận phản biện một bài báo đăng tải trên New York Times ngày 13 tháng Mười, 2020 của tác giả Ruchir Sharma có tiêu đề “Is Vietnam the next Asian Miracle?” – bài báo này đã gây ra một cơn hưng phấn Ketamin quá liều cho những viên chức cộng sản ưa thích những lời tán dương, khen ngợi – người viết đã nói rõ các đặc tính, mô hình phát triển kinh tế và những yếu tố nội tại của hệ thống chính trị xã hội Việt Nam không cho phép một sự phát triển liên tục và hiệu quả. Cho nên, sẽ không có một “điều kỳ diệu Châu Á” nào cả.

- Quảng Cáo -

Những gì diễn ra sau đó, đã chứng minh nhận định của New York Times và Ruchir Sharma hoàn toàn sai lầm. Việt Nam đang là quốc gia phục hồi kinh tế chậm nhất trong khu vực ĐNA, và con tàu XHCN đang chìm sâu vào khủng hoảng cả về kinh tế, dân sinh và nhân đạo. Trong tiểu luận “Liệu Việt Nam có thể trở thành kỳ tích Châu Á?” tháng Mười, 2020, người viết cũng nói rõ các nan đề và tồn tại mang tính bản chất của hệ thống quyền lực chuyên chế, nhũng lạm nhưng không có khả năng quản trị và phát triển. Những luận điểm này, đã được những viên chức như Phạm Sỹ Dũng hay Đặng Kim Sơn nói lại theo một diễn ngôn “nhẹ nhàng” hơn.

Tất nhiên, trong 4 triệu viên chức CSVN, có nhiều người cũng nhìn nhận ra vấn đề nhưng bắt đầu thay đổi từ đâu trong một mạng lưới ma trận khổng lồ tham tàn, vô nhân của các băng nhóm mafia Đỏ thì là một câu chuyện hoàn toàn khác. Việc “đốt lò” của ông Trọng hiện nay, giống như việc một người nông dân cầm chiếc liềm nhỏ, đi cắt cỏ trong một trang trại rộng 100 mẫu vậy. Khi ông ta cắt được cỏ ở góc vườn bên này thì ở góc bên kia, cỏ đã mọc cao ngập đầu. Những nỗ lực “chống suy thoái,” chống tham nhũng như những mảnh vá trên một bức tranh tổng thể rách nát, không còn ra hình thù gì. Đó không phải là thay đổi mang tính hệ thống và tất nhiên, nó sẽ nhanh chóng biến mất khi người cầm đầu băng đảng không còn thấy hào hứng hay không còn đủ sức “kiếm củi đốt lò” nữa.

Khác với Singapore, người cha lập quốc của quốc đảo sư tử này là Lý Quang Diệu, xuất thân từ một doanh nhân và là một nhà kỹ trị, tài phiệt kiệt xuất, ông ta hiểu rõ đất nước mình như lòng bàn tay, tận dụng tối đa địa kinh tế, chính trị chiến lược của cái làng chài nhỏ bé không có cả nước ngọt để uống và vận hành nó tối ưu như một cỗ máy kinh tế hoàn hảo. Việt Nam là một quốc gia hoàn toàn khác, lịch sử cận đại của đất nước này tràn ngập máu me, bom đạn, luôn là một chiến địa tranh giành ảnh hưởng giữa các nước lớn. Những nhà cầm quyền CSVN sắt máu, với sự giúp sức của toàn bộ khối cộng sản quốc tế, đã chiến thắng trong cuộc chiến Nam – Bắc tương tàn, thảm khốc và sau đó thi hành chính sách cai trị hà khắc trong nhiều thập kỷ để bảo vệ “thành quả cách mạng.”

Từ lịch sử hình thành đó, vốn dĩ hệ thống quyền lực hiện nay không coi trọng và sử dụng các nhân tài quản trị kinh tế, hành chính hay khoa học kỹ thuật mà ưu ái thành phần “hồng hơn chuyên.” Các viên chức này phần lớn là “con ông cháu cha” của lớp cán bộ “mã tấu, răng hô” năm xưa và những kẻ luồn cúi chạy chọt để có được một công việc nhàn hạ và tìm kiếm cơ hội đục khoét trong hệ thống công quyền.

Những cải cách nửa vời, hình thức và quá trình hội nhập tuy còn chậm chạp nhưng cũng đã mang lại nhiều lợi ích khổng lồ cho đảng CSVN bằng việc bán tài nguyên thô, bán sức lao động rẻ mạt của người dân cho các doanh nghiệp nước ngoài, buôn người dưới cái danh xưng “xuất khẩu lao động,” du lịch và nhận kiều hối, đầu tư nước ngoài… Quá trình phát triển kinh tế (tuy với một cơ cấu méo mó và thiếu bền vững), nhưng đã có hình hài hiện đại, hoành tráng hơn nhiều so với cách đây 20, 30 năm trước.

Những hình ảnh phồn hoa ở một góc nào đó của Hà Nội hay thành Hồ, Đà Nẵng, Quảng Ninh, Hải Phòng, xung quanh những trung tâm quyền lực chính trị, những “lãnh tụ” có thể ngồi uống trà trong những sảnh đường tráng lệ của các trung tâm hội nghị quốc gia, ngắm nhìn những tòa khách sạn 5 sao gần đó và so sánh với những hình ảnh trong “ký ức cách mạng” của họ, thì có thể hiểu được sự tự mãn không thể che giấu của ông Tổng Trọng “Đất nước ta chưa bao giờ có được cơ đồ, vị thế như hôm nay…”

Một số ít những viên chức cộng sản Tây học, có tầm nhìn và hiểu biết khá hơn thì có thể sốt ruột với sự tụt hậu của đất nước so với các quốc gia trong khu vực như ông Phó Thủ Tướng Vũ Đức Đam. Nhưng rõ ràng, thành phần như ông Đam lẻ loi và không nắm được thực quyền. Một cấu kết vững chắc được gắn kết bằng lợi quyền từ việc duy trì các cơ cấu kinh tế méo mó, những hệ thống lũng đoạn, độc quyền và mạng lưới dày đặc “nhóm lợi ích” từ trung ương tới địa phương không cho phép một sự thay đổi mang tính hệ thống mà qua đó chúng bị mất đi những đặc quyền. Còn ông Trọng, mặc dù ở tuổi gần đất xa trời, vẫn chỉ là một học trò kém cỏi của Tập Cận Bình, một phiên bản “học tập đạo đức Hồ Chí Minh” giả hình, không bao giờ đủ khả năng, cũng như thời gian để đưa “con thuyền không bến Việt Nam” cập bờ thiên đường XHCN như ông ta mộng tưởng.

Bất cứ ai cũng có thể thấy rõ ràng những nghịch cảnh nhức nhối hiện diện khắp mảnh đất hình chữ S. Những dự án hợp tác liên doanh, những nghị định, hiệp định, thỏa thuận nội bộ giữa hai đảng cầm quyền cộng sản Việt – Trung giống như kết quả của một cuộc hôn phối cận huyết oan nghiệt. Chúng sinh ra những quái thai khuyết tật, ung nhọt xã hội, tiêu hủy nguồn lực quốc gia, tàn phá tài nguyên, môi trường, bào mòn sức khỏe của người dân Việt Nam.

Chúng hiện diện khắp nơi trên mảnh đất hình chữ S này với những cái tên như đường sắt Cát Linh – Hà Đông, luyện thép Thái Nguyên, vô số những nhà máy điện than, hóa chất, giấy… “made in China” với công nghệ đã “quá date” từ lâu, được giới chức CSVN nhập khẩu về dưới danh nghĩa tình hữu nghị, khiến công luận phẫn nộ, gánh nợ quốc gia ngày một nặng thêm.

Không sao, vì “đại cục” là lợi quyền của đảng, Nợ sẽ do các “ông chủ” chịu, còn “hoa hồng” sẽ vào túi “đầy tớ nhân dân.” Xét cho cùng, chúng là sản phẩm đặc thù của thể chế độc tài, tham nhũng cộng sản. Và khi nào những người CSVN còn chiêm bái cái tiêu bản trực quan của ông Hồ, vẫn kiên định con đường XHCN và duy trì chế độ độc tài đảng trị ở Việt Nam, thì mọi nỗ lực cải cách kinh tế chỉ là nửa vời. Đó là nan đề “cái Mâu đâm cái Thuẫn” không có lời giải. Đất nước sẽ lún sâu vào tụt hậu, khủng hoảng, trì trệ, tăm tối không lối thoát. Tương lai của Việt Nam sẽ là một hiện thực hóa sống động của Trại Súc Vật hay 1984 của George Orwell. Cho nên, đừng nói gì về cái “nhà nước kiến tạo phát triển” làm gì cho nó thêm thối, mấy ông “chiên da” CSVN ạ.

Tân Phong

- Quảng Cáo -