Slovakia bắt cựu Bộ trưởng Nội vụ, người liên quan đến vụ bắt cóc Trịnh Xuân Thanh

- Quảng Cáo -

RFA

Hôm 20 tháng 4, báo chí Slovakia đưa tin cơ quan an ninh của nước này đã bắt giữ ông Robert Kaliňák, cựu Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Bộ Nội vụ.

Ông này là người bị cáo buộc đã giúp đỡ phía công an Việt Nam trong vụ việc ông Trịnh Xuân Thanh, cựu Phó chủ tịch tỉnh Hậu Giang, người bị an ninh Việt Nam bắt cóc khi đang xin tị nạn chính trị tại Đức hồi năm 2017.

Trao đổi với đài Á châu Tự do từ thủ đô Berlin nước Đức, nhà báo Lê Trung Khoa, người theo dõi sát sao vụ bắt cóc ông Trịnh Xuân Thanh, cho biết thêm thông tin về vụ bắt giữ cựu Bộ trưởng Nội vụ Slovakia:

- Quảng Cáo -

“Theo như thông tin mà tôi vừa nhận được và trao đổi với các phóng viên Nhà nước ở Slovakia thì họ nói rằng, việc ông cựu Bộ trưởng Robert Kaliňák bị bắt giữ lần này có liên quan đến hàng loạt sai phạm của ông ta trong thời gian vừa qua. Bao gồm tham nhũng, nhận hối lộ, tham gia các tổ chức tội phạm có tổ chức.

Chính vì vậy đã bị cơ quan an ninh của Slovakia chuyên trách việc theo dõi tội phạm trong đội ngũ chính trị gia và công chức của Bộ Nội vụ ra lệnh bắt giữ.”

Là người đã theo dõi sát sao vụ việc bắt cóc chấn động do cơ quan an ninh của Việt Nam thực hiện ngay giữa thủ đô Berlin, ông Lê Trung Khoa lý giải vai trò của chính trị gia người Slovakia mới bị bắt trong sự việc này:

“Vai trò của ông cựu Bộ trưởng này rất lớn, bởi vì ông ta là người nắm giữ chìa khoá giúp cho phía Việt Nam có máy bay của Chính phủ Slovakia, để chở ông Trịnh Xuân Thanh từ Bratislava sang bên Moscow, từ đó là tiếp tục về Việt Nam.

Nếu không có chuyến bay đó của Chính phủ Slovakia, và không có công hàm của Chính phủ Slovakia nói rằng ông Bộ trưởng Bộ Nội vụ ngồi trên chiếc máy bay đó, thì nó không được bay qua không phận của Ba Lan. Và đó là sự lừa đối của ông cựu bộ trưởng này.

Nếu mà không có chuyến bay đó thì ông Trịnh Xuân Thanh gần như không thể về Việt Nam một cách an toàn trong thời gian bị bắt cóc.”

Vụ bắt cóc này được báo chí phương Tây mô tả như là một câu chuyện giả tường thời Chiến tranh lạnh để nói về mức độ khó tin của nó.

Sự kiện này cũng khiến cho mối quan hệ ngoại giao giữa Việt Nam và Cộng hoà Liên bang Đức gặp nhiều sóng gió.

Đơn cử như việc Đức đình chỉ mối quan hệ đối tác chiến lược với Việt Nam, và trục xuất một số nhà ngoại giao của quốc gia Cộng Sản.

Theo nhà báo Lê Trung Khoa thì cho dù mối quan hệ Đối tác Chiến lược đã được khôi phục lại, đến tận bây giờ mối quan hệ giữa hai quốc gia vẫn chưa thực sự được hoà giải.

“Cái hiệp định miễn visa cho hộ chiếu ngoại giao của Việt Nam đã không được khôi phục, có nghĩa là từ sau vụ bắt cóc xảy ra thì tất cả cán bộ ngoại giao Việt Nam khi vào Đức, dù dùng hộ chiếu ngoại giao thì vẫn phải xin visa của Đức thì mới được phép vào.

Cái thứ hai, Chính phủ Đức hiện vẫn không khôi phục đó là hai chức danh trong Đại sứ quán Việt Nam tại Berlin.

Chức danh thứ nhất là đại diện Interpol của Tổng cục Cảnh sát Việt Nam, trước đây do ông Lê Thanh Hải đảm trách và có tham gia vụ bắt cóc, cho đến giờ thì chức danh đó và vị trí đó không được phía Đức đồng ý cho Việt Nam đưa sang, và nó vẫn đang để trống.

Thứ hai là đại diện Tổng cục Tình báo của Bộ Công an Việt Nam, tức là Tổng cục 5, chức danh đó cũng không được khôi phục và cái chân đó ở sứ quán Việt Nam vẫn đang để trống, vì chính người này đã tổ chức vụ bắt cóc hồi năm 2017 tại Berlin.”

Ngoài ra, theo nhà báo Lê Trung Khoa, từ khi vụ bắt cóc diễn ra đến nay, chưa một quan chức cấp cao nào của Việt Nam như Chủ tịch nước, hay Thủ tướng được mời đến thăm Đức.

Sau khi bị đưa về Việt Nam, ông Trịnh Xuân Thanh đã bị đưa ra xét xử trong nhiều vụ án khác nhau liên quan đến các cáo buộc tham nhũng, trong đó ông đã hai lần bị tuyên án tù chung thân./.

- Quảng Cáo -