Cánh tay dài của chủ nghĩa độc tài

Tổng Thống Nga Vladimir Putin (trái) và Tổng Thống Belarus Alexander Lukashenko tại Sochi, Nga, tháng Năm, 2022. Ảnh: Sputnik/ Reuters
- Quảng Cáo -

Yana Gorokhovskaia & Isabel Linzer/ Foreign Affairs – The Long Arm of Authoritarianism,” – Phạm Nhật Bình lược dịch

Làm thế nào các nhà độc tài vươn tới khắp các biên giới để ngăn chặn bất đồng chính kiến

Năm ngoái là thời điểm đặc biệt nguy hiểm để là một nhà bất đồng chính kiến ​​ở Belarus, không chỉ ở Belarus mà còn mở rộng ra bất kỳ nơi nào trên thế giới.

Năm 2021, sau nhiều tháng đàn áp dữ dội các cuộc biểu tình ôn hòa của phe đối lập, Tổng Thống Belarus Alexander Lukashenko bắt đầu cho “xuất khẩu” những chiến thuật đàn áp của mình ra nước ngoài. Mục tiêu của ông ta rất đa dạng, từ những người bất đồng chính kiến ​​lâu năm cho đến những nhà chỉ trích mới nhập cuộc. Mặc dù nhiều nỗ lực của ông đã ở dưới tầm quan sát của quốc tế, những nỗ lực khác đã thu hút sự chú ý lớn của công chúng. Ví dụ: vào tháng Năm, 2021, bộ máy an ninh của Lukashenko đã tung ra lời đe dọa đánh bom giả để buộc một máy bay chở hành khách bay giữa Hy Lạp và Lithuania, phải hạ cánh khẩn cấp xuống phi trường Minsk để có thể bắt ngay trên đường băng một hành khách có tên Roman Pratasevich. Anh là một nhà báo trẻ và nhà hoạt động chính trị chống chế độ Belarus đang ngồi trong máy bay này. Sau đó, trong Thế Vận Hội Tokyo, nhà chức trách Belarus cũng đã cố gắng buộc hồi hương Krystsina Tsimanouskaya, một vận động viên điền kinh, sau khi cô chỉ trích ban huấn luyện của đội tuyển Belarus – và cô chỉ an toàn sau khi được cảnh sát Nhật Bản bảo vệ.

- Quảng Cáo -

Cả hai vụ trên đều là những trường hợp được gọi là đàn áp xuyên quốc gia, hoặc nỗ lực của các chính phủ độc tài trong việc vượt biên giới để bịt miệng những người chỉ trích họ. Trong một báo cáo mới từ Freedom House – một tổ chức ủng hộ dân chủ phi đảng phái – người ta thấy rằng không gian an toàn cho các nnà bất đồng chính kiến ​​đang nhanh chóng bị thu hẹp trên khắp thế giới.

Dựa trên bộ tài liệu gồm 735 vụ trấn áp xuyên quốc gia được ghi lại rõ ràng xảy ra từ năm 2014 đến năm 2021, chúng ta thấy rằng các chính phủ độc tài đang ngày càng hợp tác với nhau để giúp xác định vị trí, đe dọa, giam giữ và trục xuất những người chỉ trích họ. Hơn nữa, nhờ các chính sách hạn chế về tị nạn của nhiều nền dân chủ có thể được coi là nơi trú ẩn cho những người bất đồng chính kiến, nên ngày càng có ít nơi an toàn hơn cho những người tìm kiếm nơi trú ẩn khỏi bị đàn áp. Nếu các nền dân chủ muốn củng cố các giá trị tự do và nhân quyền trên toàn thế giới, họ có thể bắt đầu bằng cách chào đón những người đang liều mạng đứng lên chống lại các chế độ độc tài.

***

Đáng lo ngại là, những kẻ chuyên quyền đang ngày càng giúp nhau để săn đuổi những người bất đồng chính kiến ​​xuyên biên giới. Vào năm 2021, phần lớn các vụ trấn áp xuyên quốc gia – 74% – là do các chính phủ độc tài thực hiện trên lãnh thổ của các quốc gia độc tài khác. Con số này cao hơn 16% so với mức trung bình từ năm 2014 đến năm 2020, khi 58% các trường hợp được Freedom House ghi nhận là diễn ra ở các quốc gia độc tài. Các sự kiện đàn áp xuyên quốc gia xảy ra ở các quốc gia ít quan tâm đến các quyền dân sự và chính trị cũng như có truyền thống pháp quyền yếu kém, chẳng hạn như Tajikistan và Thái Lan, đặc biệt diễn ra ngấm ngầm vì chúng có xu hướng ít thu hút sự chú ý của truyền thông, xã hội dân sự và chính phủ. Mặc dù vụ bắt giữ Pratasevich và thử thách Tsimanouskaya của Belarus đã thu hút được sự quan tâm của quốc tế và thậm chí dẫn đến việc áp đặt các lệnh trừng phạt đa phương, phần lớn chiến dịch trấn áp xuyên quốc gia của Belarus vào năm 2021 không được chú ý. Điều này là do nó phần nhiều diễn ra bên trong một quốc gia độc tài láng giềng là Nga.

Chế độ của Tổng Thống Nga Vladimir Putin là một đối tác sẵn sàng trong cuộc đàn áp của Lukashenko đối với các nhà bất đồng chính kiến ​​và những người chống đối. Tòa án Nga, từ lâu đã thờ ơ với quyền của các nhà hoạt động chính trị trong nước, đã nhiều lần chấp thuận yêu cầu dẫn độ đối với những người Belarus ở Nga, những người đã hoạt động trong các cuộc biểu tình chống chính phủ ở Belarus. Trong một trường hợp đáng chú ý, theo Đài Á Châu Tự Do, Nga đã trục xuất một võ sĩ, người đã bị đánh và bắn bằng đạn cao su khi bị cảnh sát giam giữ ở Belarus, ngay cả sau khi Tòa Án Nhân Quyền Châu Âu (ECHR) ở Strasbourg đưa ra ý kiến ​​cấm không để anh hồi hương vì lo ngại về việc tra tấn. Năm ngoái, anh này chỉ là một trong 22 vụ việc người Belarus ở Nga bị giam giữ, dẫn độ hoặc bị đe dọa dẫn độ.

Trong một số trường hợp, nhà nước Nga đã đóng một vai trò tích cực hơn trong việc đưa những người bị chế độ của Lukashenko truy nã ra khỏi nước Nga mà không cần đến bất kỳ quy trình pháp lý nào. Vào tháng Tư, 2021, chính quyền Nga rõ ràng đã bắt cóc hai người đàn ông Belarus – một người có quốc tịch Hoa Kỳ – từ một khách sạn ở Moscow và giao họ cho các cơ quan an ninh Belarus, sau đó đã chở họ qua biên giới hơn 400 dặm đến Minsk. Cả hai người nầy đều có mối quan hệ lâu dài với phe đối lập Belarus và hiện phải đối mặt với cáo buộc là lên kế hoạch đảo chính chống lại chính phủ ở Belarus.

Chính quyền Nga cũng đã giúp những kẻ chuyên quyền khác đàn áp những người bất đồng chính kiến. Ví dụ như trường hợp của Izzat Amon, một nhà hoạt động nhân quyền gốc Tajikistan, có quốc tịch Nga và đã sống ở Nga trong nhiều thập kỷ. Amon điều hành một tổ chức phi lợi nhuận ở Moscow nhằm giúp những người di cư từ Trung Á tìm việc làm và có được tình trạng nhập cư hợp pháp ở Nga. Amon bị trục xuất khỏi Nga vào tháng Ba, 2021; khi trở về Tajikistan, anh bị kết án 9 năm tù giam vì tội danh lừa đảo đáng ngờ.

Khi một nhà hoạt động khác từ Turkmenistan, người đã sống ở Nga trong sáu năm, biến mất vào tháng Mười, 2021, các nhà chức trách Nga tuyên bố rằng ông đã tự nguyện rời khỏi đất nước. Nhưng thông tin do Tổ chức Theo Dõi Nhân Quyền (HRW) và Tổ chức Ân Xá Quốc Tế (AI) thu thập được cho thấy rằng ông ta trên thực tế đã bị cảnh sát Nga bắt giữ và bị buộc đưa về Turkmenistan, nơi ông hiện đang bị các cơ quan an ninh giam giữ.

Nhiều quốc gia khác cũng chia sẻ sự sẵn lòng của Nga trong việc hỗ trợ các chế độ chuyên quyền. Vào tháng Mười Một, 2021, chính quyền Thái Lan đã hồi hương bất hợp pháp các nhà hoạt động đối lập về Campuchia, nơi họ phải đối mặt với các cáo buộc có động cơ chính trị và các mối đe dọa đối với sự an toàn của họ. Vào tháng Năm, chính phủ Các Tiểu Vương Quốc Ả Rập Thống Nhất (UAE) đã giam giữ trong nhiều tuần một nhà hoạt động thiếu niên Trung Quốc đang quá cảnh qua sân bay Dubai, và cho phép các quan chức lãnh sự Trung Quốc cố gắng ép buộc anh ta quay trở lại Trung Quốc. Chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ, vốn là thủ phạm chính của những vụ đàn áp xuyên quốc gia, đã nhân danh các chính phủ độc tài khác để bắt nạt các nhà hoạt động nước ngoài sống bên trong biên giới của họ. Xu hướng này cho thấy một tương lai đầy khó khăn cho các nhóm xã hội dân sự, các nhà bất đồng chính kiến ​​và những người cổ xúy dân chủ, họ hiện đang đối mặt với viễn cảnh rằng cuộc đàn áp sẽ theo họ bất kể họ đi đến đâu.

***

Trong khi những kẻ chuyên quyền ngày càng hợp tác với nhau để trấn áp những người bất đồng chính kiến, thì những khu ẩn náu truyền thống dành cho các nhà chỉ trích và nhà hoạt động ngày càng ít chào đón họ hơn. Chẳng hạn, Thổ Nhĩ Kỳ là nơi trú ẩn an toàn lâu năm của người Uyghur, nhưng gần đây nó đã trở thành một nơi nguy hiểm đối với cộng đồng di cư người Uyghur. Vào năm 2021, chính quyền Thổ Nhĩ Kỳ đã quấy rối các nhóm hoạt động của người Duy Ngô Nhĩ bằng cách bắt giữ họ và đe dọa trục xuất họ về Trung Quốc. Cùng năm đó, Bắc Kinh đã phê chuẩn hiệp ước dẫn độ với Ankara ký kết năm 2017, làm dấy lên lo ngại rằng những người Duy Ngô Nhĩ sống ở Thổ Nhĩ Kỳ có thể bị bắt vì những cáo buộc vu khống và bị dẫn độ trở lại Trung Quốc. Sự đàn áp ngày càng tăng đối với người Duy Ngô Nhĩ ở Thổ Nhĩ Kỳ diễn ra trong bối cảnh quan hệ kinh tế và chính trị giữa Ankara và Bắc Kinh đang được thắt chặt, do nhu cầu đầu tư và thương mại ngày càng tăng của Thổ Nhĩ Kỳ với siêu cường châu Á này.

Các nhà chức trách Thổ Nhĩ Kỳ cũng đàn áp cộng đồng người Turkmen nhỏ bé ở nước này, bắt giữ các nhà hoạt động phản đối chế độ cường quyền ở Ashgabat, thủ đô Turkmenistan,  và nỗ lực ngăn chặn các cuộc biểu tình trước đại sứ quán của Turkmenistan. Điều này diễn ra khi chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ đang tìm kiếm mối quan hệ chặt chẽ hơn với quốc gia Trung Á. Cuộc đàn áp trùng với cuộc họp thượng đỉnh vào tháng Mười Một, 2021 của Hội Đồng Hợp Tác các Quốc Gia Nói Tiếng Turkic (bao gồm Azerbaijan, Kazakhstan, Kyrgyzstan, Thổ Nhĩ Kỳ và Uzbekistan), một khối khu vực mà Tổng Thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan hy vọng sẽ lãnh đạo và là nơi mà Turkmenistan tham dự trong tư cách quan sát viên.

Erdogan cũng đã tìm cách cứu vãn mối quan hệ với Ả Rập Xê Út (Saudi Arabia) sau nhiều năm căng thẳng bằng cách từ bỏ nỗ lực bảo đảm trách nhiệm giải trình cho một trong những hành động đàn áp xuyên quốc gia kinh khủng nhất đã xảy ra trên đất Thổ Nhĩ Kỳ. Tháng Tư, 2021, một tòa án Thổ Nhĩ Kỳ đã đồng ý chuyển phiên tòa đang được tổ chức liên quan đến vụ sát hại Jamal Khashoggi năm 2018, một nhà báo và nhà bất đồng chính kiến ​​người Ả Rập Xê Út, cho chính các nhà chức trách Ả Rập Xê Út có liên quan đến vụ giết hại ký giả nầy.

Các chính phủ phi dân chủ đã hợp tác trong việc thực hiện đàn áp xuyên quốc gia vì nó thuận tiện về mặt chính trị và vì họ chia sẻ một tập hợp các giá trị phi tự do, từ chối quyền căn bản để chỉ trích những người nắm quyền lực chính trị. Các giá trị và thực tiễn độc tài hiện đang gia tăng: một báo cáo của Freedom House được công bố vào đầu năm nay cho thấy dân chủ đã suy giảm trên toàn cầu trong 16 năm liên tiếp và các quyền chính trị và tự do dân sự đang bị tấn công ngay cả ở các nền dân chủ lâu đời như Ấn Độ và Hoa Kỳ. Những xu hướng song song này hội tụ lại tạo thành một dự báo đáng ngại: những kẻ chuyên quyền sẽ ngày càng có nhiều cơ hội hợp tác trong tương lai.

***

Sự suy giảm trên toàn cầu về quyền tự do dân sự và quyền chính trị – và sự xói mòn của các cuộc kiểm tra đối với vi phạm nhân quyền và lạm dụng quyền lực – làm gia tăng sự đàn áp xuyên quốc gia. Bởi vì những người chạy trốn khỏi sự đàn áp của một chính phủ độc tài này có khả năng thấy mình nằm trong tay của một chính phủ độc tài khác.

Sự gần gũi về địa lý, chế độ thị thực và chính sách tị nạn nghiêm ngặt của các chính phủ dân chủ thường khiến những người bất đồng chính kiến ​​phải chạy trốn khỏi chế độ độc tài đến những nơi do các chính phủ phi dân chủ khác kiểm soát. Công dân của Belarus và Trung Á thường đến Nga, nơi họ không cần thị thực để nhập cảnh. Những người trốn khỏi Campuchia, Lào, hoặc Việt Nam thường vượt biên sang nước láng giềng Thái Lan. Người Duy Ngô Nhĩ rời Trung Quốc bằng cách trốn sang Ai Cập hoặc Thổ Nhĩ Kỳ. Những nơi này hấp dẫn vì chúng có thể tiếp cận được –  nhưng mặc dù chúng có thể cung cấp nơi ẩn náu ngắn hạn, nhưng không cung cấp sự bảo vệ lâu dài.

Sống trong một nền dân chủ vững mạnh, với hệ thống luật pháp mạnh mẽ và mức độ an ninh cao, cho đến nay là cách bảo vệ tốt nhất chống lại sự đàn áp xuyên quốc gia. Tuy nhiên, nó không bảo đảm sự an toàn. Các chính phủ độc tài rất khó khăn để với tới các nhà bất đồng chính kiến ​​lánh nạn ở Châu Âu và Hoa Kỳ, nhưng họ vẫn đạt được một số thành công hạn chế. Chẳng hạn, năm ngoái, Bộ Tư Pháp Hoa Kỳ tiết lộ rằng các đặc vụ của chế độ Iran đã thuê một điều tra viên tư nhân để thu thập thông tin về Masih Alinejad, một nhà báo nổi tiếng người Mỹ gốc Iran và là nhà hoạt động vì quyền phụ nữ, như một phần của kế hoạch bắt cóc cô ấy từ nhà của cô ở Brooklyn, New York và đưa cô ấy về Iran. Cũng trong năm ngoái, một tòa án ở Thụy Điển đã kết tội một người đàn ông và một phụ nữ vì tội tấn công và mưu sát Tumso Abdurakhmanov – một người Chechnya đang xin tị nạn và là một nhà chỉ trích lâu năm Tổng Thống Chechnya Ramzan Kadyrov – như một phần trong âm mưu của các viên chức Chechnya.

Vấn đề này còn được thêm vào bởi những rào cản gia tăng với việc tiếp nhận ngày càng khó khăn của các quốc gia dân chủ đối với những người xin tị nạn, người tị nạn và những người nhập cư khác. Các nước dân chủ – vốn đã xa cách về mặt địa lý với nhiều chế độ đàn áp – đã đầu tư nguồn lực vào việc xây dựng các bức tường pháp lý chống lại người nhập cư. Năm 2016, EU đã ký một thỏa thuận với Thổ Nhĩ Kỳ nhằm ngăn chặn những người xin tị nạn đến Châu Âu qua ngã Hy Lạp. Chính sách này đã ngăn chặn một cách hiệu quả hàng triệu người đang trên đường tìm đến Âu Châu ở Thổ Nhĩ Kỳ, một quốc gia vốn đã nhắm vào các đối thủ của chính mình ở nước ngoài và ngày càng quấy rối các nhà hoạt động nước ngoài ở trong nước.

Một ví dụ nổi bật khác về chính sách tị nạn có thể tạo điều kiện thuận lợi cho đàn áp xuyên quốc gia là kế hoạch của Vương Quốc Anh, được công bố hồi tháng Tư năm nay, gởi những người nhập lậu vào Anh xin tị nạn, sang Rwanda để cứu xét và tái định cư. Rwanda bị kiểm soát bởi một chế độ độc tài và chính nó là thủ phạm tích cực của các cuộc đàn áp xuyên quốc gia. Các nhà chức trách Anh hoàn toàn biết rõ về “thành tích” truy đuổi này của Rwanda.

Năm 2019, chính phủ Rwanda, bằng phần mềm gián điệp giám sát, đã nhắm mục tiêu vào Faustin Rukundo, một cư dân Vương Quốc Anh và là người chỉ trích thẳng thắn Tổng Thống Rwanda Paul Kagame. Theo báo cáo của BBC, Rwandan High Commission – cơ quan đại diện ngoại giao của Rwanda – ở London đã gây áp lực buộc người Rwanda sống ở Vương Quốc Anh phải tuyên thệ trung thành với chế độ, gần đây nhất là vào năm 2020. Qua sự kiện trên, Vương Quốc Anh nên nhận thức đầy đủ rằng quyết định ủy thác trách nhiệm của mình trong quy trình cứu xét hồ sơ xin tị nạn cho Rwanda, sẽ chỉ giúp các chính phủ độc tài tìm cách nhắm mục tiêu vào những nhà bất đồng chính kiến, khi giao những người tị nạn chính trị cho một nhà nước độc tài chăm sóc.

***

Các nền dân chủ có thể và nên quy trách nhiệm cho những thủ phạm của sự đàn áp xuyên quốc gia, như một phần của công việc bảo vệ dân chủ và nhân quyền ở trong nước cũng như ở nước ngoài. Họ có thể làm như vậy bằng cách áp dụng các biện pháp trừng phạt có mục tiêu, từ chối các hỗ trợ an ninh và truy tố những người chịu trách nhiệm về các hành vi đàn áp xuyên quốc gia trong nước.

Các nước dân chủ cũng nên làm việc cùng nhau để ngăn chặn việc lạm dụng các công cụ nhằm tạo thuận lợi cho hợp tác quốc tế về các vấn đề an ninh. Những công cụ này, chẳng hạn như Thông Báo Đỏ do Tổ Chức Cảnh sát Hình Sự Quốc Tế Interpol ban hành, thông báo cho các nước thành viên về những kẻ đào tẩu bị truy nã quốc tế, đang ngày càng bị các chính phủ độc tài sử dụng để bắt giữ và dẫn độ những người bất đồng chính kiến ​​một cách hợp pháp. Nhưng để đáp ứng thách thức lớn hơn của chủ nghĩa chuyên chế toàn cầu đang gia tăng, đặc biệt là khi các chính phủ phi dân chủ ngày càng hợp tác để kiềm chế bất đồng chính kiến, các nền dân chủ trước hết phải thay đổi cách tiếp cận vấn đề tị nạn.

Các chế độ dân chủ nên ngưng việc ủy nhiệm hệ thống nhập cư và tị nạn của họ cho nước khác và cho phép mọi người có cơ hội xin tị nạn bên trong lãnh thổ của mình, nơi người tị nạn được cung cấp các biện pháp bảo vệ tốt hơn chống lại sự đàn áp và bạo lực từ phía các quốc gia độc tài. Các chính phủ dân chủ cũng nên cung cấp các biện pháp bảo vệ vĩnh viễn cho những người đủ điều kiện xin tị nạn và giảm sự phụ thuộc vào tình trạng tị nạn tạm thời, khiến các cá nhân và gia đình của họ bị quốc gia họ đã trốn chạy quấy rối. Chừng nào các chính phủ dân chủ còn ban hành các chính sách hạn chế gắt gao về quyền tị nạn, họ sẽ tiếp tục bẫy những người dễ bị tổn thương ở những nơi trên thế giới, nơi những kẻ chuyên quyền đưa ra các quy định.

***

Yana Gorokhovskaia là nhà phân tích nghiên cứu cao cấp, tổ chức phi chính phủ Freedom House.

Isabel Linzer là nhà phân tích nghiên cứu, Freedom House.

- Quảng Cáo -