Căn cứ hải quân Trung Quốc tại Ream và mối quan hệ Việt Nam-Campuchia

Bộ trưởng Quốc phòng Campuchia Tea Banh (trái) và Đại sứ Trung Quốc tại Campuchia Wang Wentian tại căn cứ Ream ngày 8-6 - Ảnh: AFP
- Quảng Cáo -

Song Chi – RFA

Căn cứ hải quân Trung Quốc tại Campuchia

Vào ngày 8.6 vừa qua, các quan chức Trung Quốc và Campuchia đã làm lễ động thổ dự án nâng cấp căn cứ Hải Quân Ream thuộc tỉnh Sihanoukville, ở miền nam Campuchia, nhìn ra Vịnh Thái Lan, trong đó sẽ có một phần dành riêng cho quân đội Trung Quốc. Tin này khiến Mỹ và các quốc gia trong khu vực biển Đông lo ngại rằng Bắc Kinh có kế hoạch thiết lập một tiền đồn quân sự ở khu vực này.

Từ nhiều năm nay Trung Quốc luôn luôn tìm cách mở rộng căn cứ quân sự, hải quân trong khu vực Ấn Độ-Thái Bình Dương. Nhưng cho đến nay nước này hiện chỉ có một căn cứ hải quân, ở quốc gia Đông Phi Djibouti. Sự hiện diện của quân đội TQ ở căn cứ hải quân Ream của Campuchia sẽ đánh dấu sự mở rộng đáng kể khả năng tiếp cận quân sự của Trung Quốc ở Ấn Độ – Thái Bình Dương. Đồng thời sẽ giúp TQ duy trì sự cân bằng quyền lực ở khu vực trong bối cảnh đối đầu với liên minh quân sự AUKUS (viết tắt của Úc (Australia), Vương quốc Anh (United Kingdom), Hoa Kỳ (United States), là một thoả thuận quốc phòng ba bên giữa Úc, Vương quốc Anh, và Hoa Kỳ), cũng như một cuộc xung đột có thể xảy ra với Hoa Kỳ về Đài Loan.

- Quảng Cáo -

Với tham vọng, sức mạnh quân sự không ngừng gia tăng và sự hiếu chiến, hung hăng thấy rõ của Bắc Kinh trong những năm qua thì việc các nước lo ngại trước viễn ảnh Trung Quốc xây dựng một căn cứ hải quân Ream ở Campuchia là điều dễ hiểu.

Tất nhiên là cả Trung Quốc, cả Campuchia đều phủ nhận việc TQ đặt căn cứ quân sự tại Ream. Ông Hun Sen còn viện cả Hiến pháp Campuchia cấm việc cho phép bất kỳ căn cứ quân sự nước ngoài nào đặt trong lãnh thổ Campuchia để phủ nhận.

Còn VN càng có lý do để lo ngại, vì căn cứ này chỉ cách đảo Phú Quốc khoảng 30 km. Nếu có xung đột quân sự với Trung Quốc, VN sẽ bị rơi vào thế bị bao vây ba mặt, từ biên giới phía Bắc, từ các căn cứ quân sự, hải quân của Trung Quốc ở ngoài biển Đông, và từ căn cứ quân sự, hải quân của TQ ở Campuchia, tức là phía Tây.

Hãy thử nhìn lại cuộc chiến tranh biên giới Việt-Trung thời điểm 1979, thời điểm đó nếu có kéo dài một cuộc chiến tranh tổng lực đi nữa, TQ cũng không phải dễ mà thắng được VN. Quân đội VN vừa ra khỏi 2 cuộc chiến tranh dài, đầy kinh nghiệm, có vũ khí của Liên Xô viện trợ và vũ khí của Mỹ bỏ lại rất nhiều, trong khi quân đội TQ không có kinh nghiệm chiến đấu chỉ sử dụng chiến thuật biển người, vũ khí lạc hậu, TQ cũng chưa có các căn cứ ở trên biển Đông v.v….Hơn 40 năm qua TQ đã đổ tiền vào đầu tư cho quân đội, quốc phòng như thế nào, địa hình ngoài khơi trên bờ đều đã khác, huống hồ lại thêm phía Tây từ Campuchia giáp công nữa, nếu xảy ra chiến tranh VN sẽ cầm cự được bao lâu?

Và nếu một cuộc chiến trên biển thì Trung Quốc lại càng có lợi thế.

Nhìn lại sự phức tạp, thăng trầm trong mối quan hệ giữa Việt Nam-Campuchia 

Trên bề mặt, quan hệ giữa hai đảng cộng sản VN và đảng cộng sản Campuchia nói chung và Thủ tướng Hun Sen nói riêng vẫn tỏ ra bình thường, với những ngôn ngữ “nồng ấm” tình hữu nghị dành cho nhau. Nhưng trên thực tế, từ nhiều năm nay Trung Quốc đã đổ tiền ra viện trợ lẫn kinh doanh đầu tư làm ăn ở Campuchia, Lào, và khi ảnh hưởng của Trung Quốc tại hai quốc gia này tăng lên thì ảnh hưởng của VN cũng mờ nhạt hẳn đi.

Và nếu nhìn lại lịch sử giữa VN-Campuchia thì nó hoàn toàn không hề êm thắm, ngọt ngào mà rất nhiều nghi kỵ, quan hệ phức tạp do những mâu thuẫn giữa 2 nước trong lịch sử.

Việt Nam có chung đường biên giới dài 1.137km với Campuchia. Trong lịch sử, Campuchia đã bị mất đất về tay Việt Nam. Do Campuchia đã dần suy yếu vào thế kỷ XIV và sự trỗi dậy của Đại Việt, nhiều vùng lãnh thổ vốn là của Campuchia, bao gồm vùng Đồng bằng sông Cửu Long vốn do người Khmer chiếm giữ, bị mất vào tay Việt Nam vào thế kỷ XVII, mối hận này người Campuchia khó mà quên được.

Thêm vào đó, trong Chiến tranh Việt Nam, phía VNDCCH đã sử dụng lãnh thổ Campuchia để vận chuyển vũ khí, lương thực, quân lương dọc theo tuyến đường mòn Hồ Chí Minh khi miền Bắc viện trợ cho miền Nam, đồng thời quân của Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam và quân đội Bắc Việt cũng sử dụng lãnh thổ của Campuchia để phát động các cuộc tấn công vào miền Nam Việt Nam, cùng lúc với lực lượng Khmer Đỏ vốn đang là đồng minh Việt Cộng bấy giờ. Điều này là cái cớ cho Mỹ ném bom vào lãnh thổ Campuchia với lý do tiêu diệt con đường tiếp tế và tiêu diệt Việt Cộng ẩn núp ở Campuchia, tuy nhiên cùng lúc đó lại làm chết hàng trăm ngàn người Campuchia. (xem tài liệu giải mật của U.S. Air Force có tên là “Bombs Over Cambodia” về toàn bộ các cuộc ném bom ở Đông Dương giai đoạn 1964 và 1975).

Trong khi Campuchia được xem là quốc gia trung lập và không can dự vào cuộc chiến Việt Nam.

Năm 1975, khi những người Cộng sản Việt Nam giành được chính quyền trên cả nước Việt Nam, thì Khmer Đỏ cũng giành được chính quyền tại Campuchia. Trong giai đoạn cầm quyền từ năm 1975 đến năm 1979, chính quyền Khơ Me Đỏ đã thi hành nhiều chính sách cực đoan, tàn ác, đã giết chết khoảng 2 triệu người Campuchia, tức gần một phần ba dân số Campuchia khi đó là 7,1 triệu người. Đây được xem là một trong những chế độ tàn bạo nhất trong thế kỷ 20.

Trong thời gian này, chính quyền Khmer Đỏ đã được Trung Quốc hậu thuẫn vì muốn cô lập nước Việt Nam lúc đó đang được Liên Xô hậu thuẫn. Quân Khơ Me Đỏ đã nhiều lần quấy phá ở khu vực biên giới với VN, giết chóc người dân và đốt phá làng mạc Việt Nam trong những năm 1975 – 1978.

Cuối cùng, VN quyết định đem quân tiến đánh Campuchia và lật đổ chính quyền Khmer Đỏ năm 1979, lập nên chính phủ Hun Sen thân với nhà cầm quyền VN, từ đó có thể kiểm sát đường lối chủ trương chính sách của chính phủ mới ở Campuchia từ trung ương cho tới địa phương.

Lúc đầu, người dân Campuchia rất biết ơn quân đội VN đã tiêu diệt chính quyền Khmer Đỏ, trả lại cuộc sống bình thường cho người Campuchia, nhưng rồi VN ở lại tới 10 năm sau, khiến người Campuchia nảy sinh tâm lý lo sợ, nghi kỵ rằng VN sẽ xâm chiếm lâu dài Campuchia. Bên cạnh đó, trong quá trình đóng quân ở Campuchia, những người cán bộ, những người lính VN cũng đã có những lúc có những hành xử không được lòng người dân, kể cả việc mang hàng hóa, các thứ ở Campuchia về VN.

Vì chuyện đóng quân lâu dài trên đất Campuchia mà VN bị coi là “xâm lược”, bị thế giới cô lập, cấm vận, kinh tế càng thêm nhiều khó khăn, bị Trung Quốc đem quân tấn công ở toàn tuyến biên giới phía Bắc với lý do là dằn mặt, và gây sức ép buộc VN phải rút quân khỏi Campuchia…

Cho mãi đến năm 1989 thì quân VN hoàn toàn rút hết khỏi Campuchia.

Trong bao nhiêu năm, các đảng phái chính trị đối lập ở Campuchia luôn chỉ trích chính phủ Hun Sen là bù nhìn của VN, và kích động tinh thần bài ngoại của người Campuchia đối với người Việt, để lấy phiếu của người dân. Một vấn đề luôn luôn được đưa ra là chính phủ của ông Hun Sen đã làm mất đất cho phía VN khi tiến hành cắm mốc biên giới trên đường bộ giữa hai nước. Ông Thủ tướng Hun Sen từng phải nhiều lần lên tiếng cãi chính về vấn đề này. (Mới đây, trên BBC có bài “Thủ tướng Hun Sen: ‘Tôi không có quyền nhượng đất cho Việt Nam’).

Chúng ta thấy gì ở đây? Đó là quan hệ giữa Việt Nam-Campuchia có những điểm tương đồng với quan hệ giữa VN-Trung Quốc. Đó là giữa hai đảng thì luôn luôn nói đến tình hữu nghị keo sơn gắn bó, nhưng dân Campuchia thì luôn luôn nghi kỵ nhà cầm quyền VN còn dân VN thì luôn luôn nghi kỵ, không thích nhà cầm quyền Trung Quốc. Dân Campuchia cho rằng chính phủ Hun Sen đã làm mất đất vào tay VN còn dân VN cho rằng nhà cầm quyền VN đã làm mất lãnh thổ, lãnh hải vào tay Trung Quốc.

Thêm nữa, quan hệ giữa hai đảng Campuchia và VN, VN và Trung Quốc tuy bên ngoài có vẻ thắm thiết nhưng bên trong cũng không hề tin tưởng nhau. Nếu VN luôn tìm cách đu dây giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc, dùng mối quan hệ với Hoa Kỳ để giữ cho Trung Quốc không quá bắt nạt mình thì ông Thủ tướng Hun Sen và Đảng Nhân dân Campuchia (CPP) cũng luôn tìm cách đu dây giữa VN và Trung Quốc để thủ lợi và làm khó VN.

Mối quan hệ giữa chính phủ Hun Sen với Bắc Kinh, đã được Bắc Kinh đầu tư từ nhiều năm nay và bây giờ là lúc “hái quả”. Hải cảng quân sự ở Ream chỉ là một trong những kết quả đó.

Còn đối với nhà cầm quyền VN, nếu Campuchia có giở quẻ, thân thiết với TQ và làm những điều không có lợi cho mối quan hệ giữa VN-Campuchia, cho an ninh quốc phòng của VN thì VN cũng chẳng làm gì được nhiều. Nhìn phản ứng yếu ớt của VN thông qua người phát ngôn Bộ Ngoại giao về việc Campuchia và Trung Quốc động thổ dự án cải tạo căn cứ hải quân Ream thì rõ (“Việt Nam nói gì trước tin Trung Quốc cải tạo căn cứ Ream cho Campuchia?”, báo Tuổi Trẻ).

Quan hệ giữa các quốc gia do đảng cộng sản lãnh đạo

Có những người Việt và ngay cả nhà cầm quyền VN có ý cho là Campuchia “vô ơn”, khi quân đội VN đã cứu đất nước, người dân Campuchia thoát khỏi “nạn diệt chủng”, đã đưa Hun Sen lên làm Thủ tướng và giúp cho chính phủ Hun Sen có thể đứng vững giai đoạn đầu, vậy mà bây giờ Hun Sen và chính phủ Campuchia lại quay sang thân thiết với Trung Quốc, lạnh nhạt với VN, thậm chí có những việc làm, chính sách có hại cho an ninh quốc phòng của VN. Nhưng hãy tự nhìn lại: đảng cộng sản Trung quốc cũng nhiều lần mắng mỏ đảng cộng sản VN là “vô ơn” vì Trung Quốc đã đổ sức người sức của vào giúp VN trong hai cuộc chiến tranh chống Pháp, chống Mỹ. Nếu không có sự giúp đỡ của Trung Quốc và Liê Xô thì đảng cộng sản VN hoàn toàn không thể chiến thắng và giành độc quyền lãnh đạo VN như hiện tại. Thế nhưng đảng cộng sản VN đã quay sang thân thiết với Liên Xô, đây là một trong những nguyên nhân chính dẫn đến việc Trung Cộng đưa quân sang tấn công biên giới Việt Nam vào năm 1979.

Trong cái chữ “vô ơn” ấy rõ ràng đã cho thấy một thái độ kẻ cả, nhìn xuống. Mà thật ra việc Trung Quốc viện trợ cho VN trong 2 cuộc chiến chống Pháp, chống Mỹ hay VN đem quân sang Campuchia không bao giờ thuần túy là chỉ giúp nước khác, mà giúp người thật ra cũng vì mình. Trung Quốc giúp VN vì luôn luôn muốn có bên cạnh một quốc gia thân TQ, nằm trong vòng kiềm tỏa của TQ, một vùng đệm an toàn, và trong cuộc chiến tranh với Mỹ là vì còn muốn đánh Mỹ bằng người VN. VN giúp Campuchia vì an ninh của chính nước mình khi vào thời điểm đó Khơ Me Đỏ liên tục quấy phá ở biên giới hai nước, và VN không muốn cùng lúc phải đối phó với TQ ở phía Bắc và Khơ Me Đỏ ở phía Tây Nam.

Đó là chưa kể “Tiên trách kỷ, hậu trách nhân”, đảng cộng sản TQ hay đảng cộng sản VN đều phải tự hỏi mình đã đối xử thế nào mà dù đổ tiền của, hy sinh tính mạng nhưng vẫn không có được sự thật lòng từ phía bên kia, chưa nói đến người dân hai nước?

Từ mối quan hệ giữa VN-Campuchia hay VN-Trung Quốc, chúng ta còn thấy đó là những mối quan hệ chính trị vì quyền lợi của các đảng cộng sản, chứ người dân thì nghĩ khác. Suy rộng ra, các nước cộng sản đều thế, thắm thiết bề mặt nhưng bên trong luôn luôn nghi kỵ, sẵn sàng đánh nhau vỡ mặt khi có dịp, giữa Liên Xô và Trung Quốc, giữa Liên Xô và một vài nước cộng sản cũ ở châu Âu cũng thế. Đó không phải là những mối quan hệ tử tế, giúp nhau để hai bên cùng phát triển như quan hệ giữa Hoa Kỳ và các nước đồng minh, mà là mối quan hệ bất bình đẳng, một bên kìm hãm, khống chế bên kia và nước yếu hơn không bao giờ có thể phát triển giàu mạnh ngang hàng được. Hãy nhìn các nước là bạn bè với Liên Xô trước đây hay Nga và Trung Cộng bây giờ, có nước nào tự chủ, giàu mạnh, ấm no, hạnh phúc nổi?

Ngay trong mối quan hệ giữa nước Nga của Putin, một cựu điệp viên KGB của Liên Xô, và Trung Quốc bây giờ cũng vậy, cần nhau vì mục đích chung là muốn chống lại phương Tây, sắp đặt lại trật tự thế giới, nhưng sẽ lợi dụng nhau, khai thác lẫn nhau và sẵn sàng chơi xỏ nhau.

Nhìn vào đó để thấy nếu đảng và nhà nước cộng sản VN còn có lương tri đối với đất nước, dân tộc thì phải tự hỏi tại sao cứ phải tiếp tục trung thành với những mối quan hệ như vậy?

Chiến lược của TQ ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương và VN cần phải làm gì?

Đến nay thì thế giới có thể thấy rõ, tham vọng của TQ ít nhất là phải kiểm soát, khống chế khu vực Thái Bình Dương. Để làm được điều đó TQ cần phải đẩy Hoa Kỳ ra ngoài và gia tăng kết nối, hợp tác với các nước trong khu vực.

Trong khu vực này Hoa Kỳ đã có những đồng minh mạnh, và lâu đời như Hàn quốc, Nhật, Úc, Đài Loan, ngoài ra còn có Philippines, Singapore…tuy lúc này lúc khác nhưng cũng đều cảnh giác với tham vọng bành trướng của Trung Cộng. Chính vì vậy, Trung Quốc đã gia tăng lôi kéo Lào, Campuchia, VN. Trung Quốc cũng đi xa hơn, tìm cách ve vãn những đảo quốc nhỏ ở khu vực Nam Thái Bình Dương.

Theo Hãng tin AFP, ngày 31-3, Quần đảo Solomon thông báo đảo quốc này đã ký hiệp ước an ninh với Trung Quốc, thỏa thuận mà Mỹ và các đồng minh lo ngại sẽ mở đường cho Trung Quốc có sự hiện diện quân sự đầu tiên ở khu vực nam Thái Bình Dương. Quần đảo Solomon có chưa tới 1 triệu dân, nằm sát bên cạnh nước Úc.

Tuy nhiên, Hội nghị giữa Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị và các ngoại trưởng cùa 10 đảo quốc trong Thái Bình Dương ngày 30.5 tại Fidji cho thấy Trung Quốc đã thất bại khi các đảo quốc này đã bác bỏ đề xuất hiệp định an ninh chung với Bắc Kinh.

Càng ngày Trung Quốc càng trở nên tự tin hơn, hung hăng hơn trong khu vực châu Á-Thái Bình Dương: máy bay Trung Quốc liên tục xâm phạm vùng trời của Đài Loan, mới đây khi chính quyền Biden tuyên bố “sẵn sàng can thiệp” trong trường hợp Đài Loan bị tấn công thì Bắc Kinh cũng tuyên bố sẽ « đánh đến cùng » nếu Đài Loan tuyên bố độc lập. Trung Cộng còn có những hành động thị uy với Nhật, uy hiếp Đông Nam Á, và vào ngày 17.6 vừa qua thì Trung Quốc hạ thủy tàu sân bay thứ ba mang tên Phúc Kiến…, Tất cả những hành động này vừa để dằn mặt cả Hoa Kỳ lẫn Đài Loan, vừa là một tín hiệu Bắc Kinh gửi tới các quốc gia đang tranh chấp chủ quyền với Trung Quốc ở Biển Đông và Hoa Đông như Việt Nam, Philippines hay Nhật Bản.

Từ khi Putin đem quân xâm chiếm Ukraine thì Trung Quốc cũng theo dõi rất sát tình hình và nhiều nhà phân tích bình luận chính trị lo ngại rằng sớm hay muộn nguy cơ Bắc Kinh tấn công Đài Loan cũng sẽ xảy ra. Điểm chung giữa Putin và Tập Cận Bình là đều muốn vẽ lại bản đồ thế giới, đều muốn để lại di sản trong lịch sử, với Putin đó là lấy lại một số lãnh thổ trước đây lâu đời từng thuộc về đế chế Nga, với Tập Cận Bình đó là sáp nhập Đài Loan vào Hoa Lục, và cả hai đều tự tin vào sức mạnh quân sự của nước mình, dù trên thực tế cuộc chiến Ukraine đã cho thấy sức mạnh đó của quân đội Nga đã được “thổi phồng” như thế nào.

Nhưng khác với nước Nga của Putin, Trung Quốc giàu mạnh hơn nhiều về kinh tế, hội nhập sâu rộng hơn với quốc tế để có sự ràng buộc, phụ thuộc lẫn nhau, và Trung Quốc không chỉ chọn con đường dùng sức mạnh quân sự, gây chiến tranh mà Trung Quốc còn dùng tiền, quan hệ thương mại, viện trợ kinh tế, giao đãi về ngoại giao để thực hiện ý đồ.

Cục diện thế giới rõ ràng là thay đổi, biến động liên tục với một tốc độ chóng mặt và nhiều ẩn số khó lường, mà cuộc chiến tranh Ukraine và những hệ lụy, xáo trộn của nó là một ví dụ. Giữa thời cuộc này, các quốc gia trên thế giới, đặc biệt là những nước nhỏ, yếu mà lại nằm cạnh Nga hoặc Trung Quốc đều phải nhanh chóng điều chỉnh những chính sách về quốc phòng, ngoại giao, tìm đến những liên minh với những cường quốc dân chủ giàu mạnh để bảo vệ nước mình, đồng thời phải có tầm nhìn xa để tính toán đường dài sao cho có lợi nhất cho đất nước, dân tộc.

VN ngày càng không có đường lùi trước tấm lưới mà Trung Quốc đã dệt xung quanh VN và trong khu vực. So với các nước khác từ Đài Loan, Singapore, Philippines, Hàn Quốc, Nhật Bản…VN yếu thế và cô đơn hơn nhiều vì không có đồng minh trong khi mối nguy từ TQ đối với an toàn, toàn vẹn lãnh thổ của VN lại lớn hơn nhiều quốc gia khác. VN cần phải từ bỏ chính sách ngoại giao 4 không, liên minh với các cường quốc dân chủ, đồng thời cải cách thể chế chính trị để tăng cường nội lực đất nước.

Hoa Kỳ đã rất nhiều lần chìa bàn tay cho VN, và cho đến giờ phút này thì đảng và nhà nước cộng sản VN cũng thấy rõ là Hoa Kỳ không bao giờ có ý định xâm lược lãnh thổ VN, cũng không có ý định thay đổi thể chế chính trị ở VN. Vấn đề còn lại là đảng cộng sản VN có dám thay đổi vì lợi ích của đất nước, dân tộc trước sự cần kíp của thời cuộc hay không.

- Quảng Cáo -