Sự thiếu trí tuệ vẫn nhan nhản trong xã hội Việt Nam

- Quảng Cáo -

Đỗ Ngà

Người ta nói, cuộc đời là một chuỗi chọn lựa. Sự chọn lựa khác nhau tạo ta tương lai khác nhau. Sự ngu muội hướng con người ta đến những chọn lựa sai lầm nhiều hơn, trí tuệ hướng con người ta có cách chọn đúng đắn nhiều hơn và sẽ hạn chế bớt hậu quả xấu có thể. Có những chọn lựa tưởng như khôn ngoan nhưng hóa ra thiếu sáng suốt, có những chọn lựa tưởng như ngu ngốc nhưng hóa ra đó là đại trí cho nên người đời mới có câu “đường dài mới biết ngựa hay” là thế. Người đại trí nhìn được đường xa nên không chấp những chiến thắng trước mắt mà biết phân phối sức lực để đạt hiệu quả tốt nhất.

Trong làm ăn kinh tế người ta có câu “bạo phát, bạo tàn”. Bạo phát là phất lên rất nhanh, và bạo tàn cũng sụp đổ nhanh chóng sau đó. Đấy là cách chọn lựa của con người thiếu trí tuệ, tuy nhiên, khi kẻ bạo phát phất lên nhanh chóng thì họ thường được người đời tung hô là “tài giỏi, thông minh”. Ở xã hội Việt Nam, tìm doanh nghiệp lớn nào có tuổi đời nửa thế kỷ rất khó, bởi những doanh nghiệp Việt Nam hầu hết là “bạo phát bạo tàn”. Ngược lại, nhìn các nước tiến bộ hàng đầu Âu Châu mà xem? Có những công ty tuổi đời đến vài thế kỷ dù trải qua bao cuộc chiến tranh tàn khốc. Để đánh giá một dân tộc, nên nhìn trên một khoảng lịch sử đủ dài thì sẽ rõ. Anh, Pháp, Đức, Thuỵ Sỹ vv… có những công ty có tuổi đời tính bằng thế kỷ rất nhiều. Những dân tộc đó làm sao không mạnh được? Sự chọn lựa giá trị bền vững là cách chọn của một dân tộc khôn ngoan.

Cũng thật trùng hợp, những nước Tây Âu nền dân chủ lại rất phát triển, còn ở Việt Nam, độc tài phát triển mạnh và bám rễ rất sâu. Nguyên nhân là bởi trí tuệ của dân tộc khác nhau mà thôi. Dù là kinh tế hay chính trị thì chính trí tuệ sẽ cho dân tộc đó có lựa chọn khôn ngoan hay mù quáng.

- Quảng Cáo -

Nếu ở Âu Mỹ mà tuyên truyền “yêu nước là yêu Tư Bản Chủ Nghĩa” thì có lẽ chẳng ai ủng hộ mặc dù đất nước họ theo Tư bản chủ nghĩa. Tuy nhiên, ở Việt Nam câu khẩu hiệu ”yêu nước là yêu chủ nghĩa xã hội” đã tồn tại một thời gian rất dài và nó đã giúp ĐCS xây dựng nên đế chế của họ trên mảnh đất hình chữ S này.

“Đảng phái là nhất thời, dân tộc là mãi mãi” là cách hiểu của những người yêu nước chân chính, có trí tuệ. Với thời mà đa phần dân mù chữ, mà nếu có chữ chưa chắc có sáng suốt thì làm sao con người hiểu nổi giá trị ấy? Vậy nên, khi ĐCS đưa ra câu “yêu nước là yêu Xã hội Chủ nghĩa” thì xã hội Việt Nam thời đấy hưởng ứng ngay. Thời đó, ai tách biệt đất nước và dân tộc ra khỏi cái gọi là Xã hội Chủ nghĩa là sẽ bị cô lập, thậm chí bị đấu tố tàn khốc.

Tách biệt sự khác nhau giữa yêu nước và yêu một đối tượng nào đó cần phải có trí tuệ, nếu không thì sẽ bị dắt mũi. Cho đến nay, khi mà thế giới đã trở nên phẳng hơn, kéo con người khắp thế giới xích lại gần nhau hơn nhưng nhiều người Việt vẫn bị dắt mũi bởi cái khái niệm nhập nhằng ấy, ngày trước Cộng sản cột lòng yêu nước với yêu xã hội chủ nghĩa thì nay Phạm Nhật Vượng cột lòng yêu nước vào chiếc xe Vinfast của ông ấy. Đáng tiếc, lượng người hưởng ứng không ít. Và trong đó có người thành “ngọn đuốc sống”. Thật là đáng thương và cũng đáng trách.

Không biết đến bao giờ người Việt chúng ta có sự sáng suốt trong lựa chọn? Không biết bao giờ dân tộc này có cái nhìn tầm xa như những dân tộc lớn? E là khó! Để có được cái nhìn tầm xa, ít nhất phải thoát được sự dắt mũi nhưng thực tế cho thấy, “tính cuồng” – một dạng của sự thiếu trí tuệ vẫn tồn tại nhan nhản trong xã hội Việt Nam và thậm chí có dấu hiệu cho thấy nó đang phát triển rất mạnh. Nó tồn tại không dưới dạng này thì cũng ở dạng khác, không ở lĩnh vực chính trị thì cũng trong lĩnh vực kinh tế vv… Đó là đáp số cho số phận của một dân tộc./.

-Đỗ Ngà-

- Quảng Cáo -