Giới hạn sức mạnh cộng đồng mạng

- Quảng Cáo -
Vụ việc thiếu tá quân đội Hoàng Văn Minh gây tai nạn dẫn tới cái chết của cháu Hồ Hoàng Anh ở tỉnh Ninh Thuận đã có kết thúc xử lý đúng người, đúng tội. Cơ quan điều tra hình sự khu vực 3, quân chủng Phòng không – Không quân đã khởi tố và bắt tạm giam thiếu tá Hoàng Văn Minh vì vi phạm các quy định giao thông đường bộ. Như vậy, trước khi gia đình cháu Hồ Hoàng Anh đưa sự việc cái chết của cháu ra công khai với cộng đồng mạng, đã có những hành vi làm sai lệch hồ sơ vụ việc, và sự việc tưởng như chìm xuồng. Nhưng cộng đồng mạng đã lên tiếng, vạch ra tất cả những sai trái, gian trá và khuất tất của vụ việc đồng thời yêu cầu các cơ quan chức năng xử lý đúng người, đúng tội. Một lần nữa, như rất nhiều vụ việc đã từng xảy ra, sức mạnh của cộng đồng mạng đã chiến thắng, kẻ gây tai nạn, vi phạm pháp luật đã phải hầu tòa.
Tuy nhiên, chúng ta cũng chứng kiến không ít những vụ việc, cộng đồng mạng lên tiếng quyết liệt, kiên trì, lâu dài với những sự việc mà chân lý, lẽ phải và đạo lý thuộc về người dân, nhưng kết cục vẫn không thay đổi. Có thể kể tới những vụ việc rất lớn như vụ Đồng Tâm, vụ Vườn rau Lộc Hưng, vụ Hồ Duy Hải, vụ Việt Á chưa tìm ra trùm cuối,  vụ cháu bé bị bỏ quên chết trên ô tô của trường GetWay… như vậy, sức mạnh của cộng đồng mạng cũng có giới hạn. Vậy chúng ta thử tìm hiểu, những giới hạn mà dư luận và cộng đồng mạng không thể vượt qua, hoặc đâu là giới hạn sức mạnh của cộng đồng mạng?
Trước hết, đó là giới hạn về chính trị. Tức là những vấn đề nảy sinh từ các quyết định chung của đảng, nhà nước và chế độ. Dù các quyết định đó gây ra những sai lầm và hậu quả thảm khốc đến đâu (như vụ Đồng Tâm và cái chết của cụ Lê Đình Kình) thì cộng đồng mạng cũng đành thúc thủ, không thể làm gì. Điển hình cho giới hạn chính trị, là vụ Đồng Tâm và vụ Vườn rau Lộc Hưng. Vụ Đồng Tâm ban đầu chỉ giới hạn ở địa phương, huyện Mỹ Đức và thành phố Hà Nội. Nhưng sau khi người dân Đồng Tâm bắt giữ 38 người gồm cán bộ huyện, cảnh sát cơ động… giam giữ một tuần thì vấn đề đã thuộc về chế độ. Các quyết định sau đó đối với Đồng Tâm là từ cấp cao nhất, bộ chính trị.
Vụ Vườn rau Lộc Hưng lại thuộc về các quyết định của an ninh ở cấp cao nhất, cũng đồng nghĩa với quyết định của nhà nước, chế độ. Có lẽ an ninh coi Vườn rau Lộc Hưng là sân sau của Dòng Chúa Cứu Thế Sài Gòn, nên mặc dù đã dùng thủ đoạn để thanh lọc toàn bộ nhân sự phản kháng ở Dòng Chúa Cứu Thế, họ còn cần thận xóa sổ cả Vườn rau Lộc Hưng. Không thể bỏ qua lợi ích của quan chức địa phương với khu đất gần 5 hec ta ở trung tâm Sài Gòn mà họ đã theo đuổi từ lâu. Tuy nhiên, quyết định giải tỏa cuối cùng chỉ có được lại liên quan tới vấn đề chính trị mà an ninh bật đèn xanh giải quyết.
Giới hạn khi đụng tới quan chức cao cấp quyền lực. Đối với các vụ việc vi phạm pháp luật, các vụ scandale của các cá nhân và doanh nghiệp, cơ quan tổ chức nhỏ, cộng đồng mạng có thể tạo ra sức ép dẫn tới các cơ quan chức năng ra tay giải quyết theo đúng bản chất sự việc. Nhưng đối với các cá nhân, doanh nghiệp và đơn vị thuộc sân sau của các quan chức cao cấp, quyền lực thì sức mạnh của cộng đồng mạng cũng phải dừng lại, hạn chế. Vụ việc cháu bé bị bỏ quên trên ô tô sau đó đã chết ở trường quốc tế Getway, cộng đồng mạng đã tìm ra những điều vô lý, những khuất tất, bao che trong vụ việc. Tuy nhiên, vụ việc vẫn bị chìm xuồng và sau này mọi người đều biết, trường Getway đó là sân sau của các quan chức cao cấp cỡ bự. Một số sân sau của các quan chức cỡ bự cũng đã bị khui ra và xử lý (ví dụ vụ Việt Á), tuy nhiên, đó là do mâu thuẫn và tranh đoạt quyền lực ở cấp cao nhất, chứ không phải do sức mạnh của cộng đồng mạng. Ngay trong cùng vụ Việt Á, mặc dù đã bắt hàng loạt quan chức, bao gồm hai bộ trưởng, thì người chịu trách nhiệm cuối cùng vụ Việt Á cuối cùng cũng không bị lộ mặt. Đó là những thỏa hiệp ở cấp cao nhất mà sức mạnh của cộng đồng mạng không thể vươn tới.
Giới hạn khi đụng tới uy ín (sĩ diện?) ngành. Có rất nhiều vụ việc sai phạm của các cán bộ, quan chức các ngành như quân đội, kiểm sát, tòa án và đặc biệt là công an đã không được giải quyết tới nơi tới chốn. Đã có nhiều trường hợp quân nhân trẻ bị đánh chết ở đơn vị, nhưng việc giải quyết đến cùng, đúng người đúng tội chỉ ở một số trường hợp rất nhỏ. Phần còn lại người ta vin vào uy tín ngành để giải quyết nội bộ, hoặc cho chìm xuồng. Vụ việc Hồ Duy Hải đụng chạm tới hầu như tất cả các ngành tố tụng như công an, kiểm sát, tòa án và hậu quả vô cùng lớn khi lật lại vụ án xử đúng người đúng tội, chính vì vậy mà chàng thanh niên Hồ Duy Hải vẫn đang chịu án oan giết người gần 15 năm trong ngục tối. Các vụ việc sai phạm của công an có thể nói đầy rẫy, tuy nhiên, việc xử lý còn vô cùng giới hạn, có rất nhiều sự bao che trong ngành này.
Thường thì các vụ việc lớn mà cộng đồng mạng không tác động tới được không chỉ đơn thuần từng lý do nêu trên, nó đều là sự kết hợp giữa các giới hạn, các quyết định chính trị xuất phát từ sự trục lợi của các quan chức địa phương kết hợp với trung ương, quan chức cao cấp quyền lực dùng các quyết định chính trị để bảo vệ lợi ích… tuy nhiên, cộng đồng mạng cũng vẫn kiên trì vạch ra những sai trái, vô lý và khuất tất của các quan chức, các ngành và cả chế độ./.

Hà Nội, ngày 15/8/2022

N.V.B

- Quảng Cáo -