Giáo dục: làm sao để đào được một cái giếng sâu?

- Quảng Cáo -

Thái Hạo

(Tus này không nói chuyện đào giếng, mà là chuyện giáo dục)

Trong buổi lễ khai giảng năm học 2022-2023 của Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông, ông BT Bộ 4T Nguyễn Mạnh Hùng dạy sinh viên rằng: “Muốn đào một cái giếng sâu thì miệng giếng phải rất to”, có đúng thế chăng?

Như bài trước tôi đã nói, việc đào được sâu hay không không phụ thuộc vào độ rộng của miệng giếng, mà quyết định bởi “tư liệu sản xuất”. Nếu đào bằng cuốc mà muốn cho sâu thì đúng là phải mở miệng giếng rộng. Nhưng dù thế, đào bằng cuốc cũng chỉ sâu được nửa mét là cùng, vả lại không ai đi đào giếng bằng cuốc bao giờ cả! Đào giếng là đào bằng xẻng (với lớp đất mặt còn mềm), xuống sâu và gặp đá thì dùng thuổng, xà beng…, thậm chí còn phải đánh mìn. Người đào giếng chuyên nghiệp sẽ có 2 loại dụng cụ chính là một chiếc xà beng và một cây xẻng (cán ngắn), dùng xà beng đào đất đá ra, rồi lấy xẻng xúc bỏ vào xô, cho người ở trên kéo lên. Hiện đại hơn thì có thêm máy phá bê tông để đục đá cứng.

- Quảng Cáo -

Ngày nay, người ta dùng máy để khoan nên giếng chỉ là một đường ống có đường kính chừng 20cm mà có khi sâu tới cả trăm mét. Đó là do công cụ đào đã thay đổi, từ xà beng và xẻng, chuyển sang mũi khoan máy. Tóm lại, cái chi phối có tính quyết định đối với việc đào được cạn hay sâu không nằm ở miệng to hay nhỏ, mà là ở “công cụ lao động”.

Đối với giáo dục thì cũng thế, quyết định chất lượng đào tạo và học hành của sinh viên thì công cụ mới là quan trọng nhất, chứ không phải anh học rộng tới bao nhiêu. Công cụ đó là gì? Là tư duy. Dạy học là dạy tư duy, học là học “phương pháp học”. Nếu không có công cụ tư duy đúng đắn, phù hợp thì dù có học rộng đến mấy cũng không thể sâu được, có khi còn gây họa như đào giếng sai cách mà ông Hùng đã chỉ giáo.

Một nền giáo dục đúng đắn, tiến bộ phải coi trọng tư duy, lấy tự do làm nền tảng, dùng trao đổi – đối thoại làm phương pháp. Tất cả những cái này được đặt trên những hiểu biết phổ quát về triết học (chính trị học, đạo đức học, logic học, mỹ học…), tôn giáo… “Điều kiện cần” để sinh viên có thể phát triển bản thân chính là những thứ “tư liệu sản xuất” này.

Trong khi kêu sinh viên “Hãy rộng trước rồi sâu sau” nhưng vẫn hạn chế tự do, bóp nghẹt tư duy, ngăn cản phản biện, nhồi nhét – giáo điều, thì đó chỉ là nói cho có, nói lấy được. Nó là cách nói phủi bỏ trách nhiệm (phải tạo môi trường lành mạnh cho giáo dục và học thuật), và dồn hết lên vai sinh viên trong khi họ hoàn toàn không thể tự quyết định được. Không giao đất mà bắt trồng cây lấy gỗ thì đến thánh cũng phải bó tay.

Trước khi nói sinh viên phải học như thế nào, ông Hùng và các cơ quan nhà nước có trách nhiệm hãy làm công việc thuộc về trách nhiệm của mình trước đã, là trao lại “công cụ lao động” và “tư liệu sản xuất” cho người học. Xin đừng cao đạo mà nói cho sướng miệng nữa./.

Thái Hạo

- Quảng Cáo -