Cắt tóc học sinh, chỉ là một triệu chứng của căn bệnh trầm kha trong giáo dục

- Quảng Cáo -

Thái Hạo

Một cô giáo ở Vĩnh Phúc đã bắt một nữ sinh lớp 10 lên trước lớp và dùng kéo cắt tóc của em này trước sự chứng kiến của toàn thể học sinh. Sau khi clip lan truyền trên mạng, lãnh đạo của sở GD-ĐT tỉnh này khẳng định: “Quan điểm của sở là không bao che, không giấu giếm thông tin, không làm ảnh hưởng đến học sinh để đảm bảo tính giáo dục trong các nhà trường” (báo Tuổi trẻ). Nghĩa là sự việc rất nghiêm trọng.

Nhưng xem clip này, chúng ta thấy cô giáo rất tự tin, coi việc mình làm là bình thường như một hình thức “xử lý” học sinh vi phạm (nhuộm tóc), chứ không có gì to tát cả.

Tôi tin rằng, giữa những sự bất bình, vẫn có những người sẽ coi hành động của cô giáo này là “nghiêm khắc”, là “thương cho roi cho vọt”. Thậm chí, khi ở nhà, nhiều phụ huynh cũng sẽ cư xử với con mình theo những cách tương tự, và coi đó là “dạy dỗ cho nên người”. Tâm lý và cách hành xử này được một bộ phận người lớn coi là mặc nhiên đúng và cần. Từ clip cắt tóc này, hãy nhìn sâu hơn vào bản chất của vấn đề.

- Quảng Cáo -

Chú ý một chi tiết đặc biệt: trước khi bấm nhát kéo cắt đứt một nắm tóc của học sinh, cô giáo này còn chỉ về phía người đang quay clip và nói “quay cho tôi”. Tức là đây không phải là clip bị quay trộm và phát tán lên mạng, mà là chủ ý của cô giáo, chắc cô muốn dùng nó để làm bằng chứng gửi cho phụ huynh cùng nhà trường, và “giáo dục” đông đảo học sinh. Nhìn thái độ hồn nhiên, tự tin của cô, ta thấy cô giáo này dường như không hề biết rằng mình làm như vậy là sai, là vi phạm pháp luật. Đó mới là điều đáng sợ.

Xem dung mạo thì có thể đoán cô giáo chắc đã ngoài 40 tuổi, nghĩa là cũng có khoảng trên dưới 20 năm tuổi nghề. Thời chúng tôi đi học phổ thông, lối “xử lý” kiểu này của giáo viên và nhân viên nhà trường là “chuyện thường ngày ở huyện”, đủ mọi hình thức xâm phạm thô bạo đến thân thể học sinh, từ cắt tóc, đấm đá, bợp tai, xé ống quần, giật túi áo, v.v..

Tình trạng bạo lực thân thể học sinh một cách thô bạo đã bớt dần đi theo thời gian, nhưng không phải là đã hiếm gặp, chỉ là ít khi được tung lên mạng mà thôi; nhưng bạo hành tinh thần bằng sự chỉ trích, mắng nhiếc, xúc phạm công khai, đánh giá bằng những ngôn từ gây tổn thương và thù ghét thì nhan nhản.

Câu chuyện này nói cho ta biết rằng, tình trạng kém hiểu biết về pháp luật trong nhiều giáo viên là đang ở mức độ nghiêm trọng và đáng báo động. Hệ trọng hơn, họ dường như không có ý niệm về quyền trẻ em và quyền con người nói chung, vô tư xâm phạm vào những quyền cơ bản ấy một cách rất hồn nhiên. Chi tiết cô giáo yêu cầu một học sinh ngồi dưới là “quay cho tôi” và sau khi cắt xong thì còn giơ nắm tóc lên, dõng dạc nói “hôm nay tôi cảnh cáo nhá, cảnh cáo chỉ lần này thôi. Tôi nhắc những anh nào như thế này, lần sau tôi cắt thật nhiều chứ không phải chỉ mỗi như thế này đâu. Công khai trước lớp như thế”, đã chứng minh hùng hồn cho sự kém hiểu biết ấy về những giá trị cơ bản mà đáng ra là phải trở thành tinh thần mặc định của người làm giáo dục.

Một chi tiết khác cũng đáng chú ý trong clip này là câu nói ở 1:15, “Từ sau hôm tết Nguyên Đán đã nhắc, nhà trường đi nhắc rồi, mà cô vẫn để một cụm light ấy”. Nghĩa là đây là quy định của nhà trường trong việc không được nhuộm tóc. Nó kéo theo một vấn đề “kinh điển” trong các trường học: thi đua. Cô giáo này dùng “biện pháp mạnh” với học sinh của mình vì áp lực thi đua. Câu chuyện thi đua trong giáo dục Việt Nam là một chủ đề lớn mà những hệ quả và mặt trái, sự gây hại của nó là nỗi ám ảnh đối với cả thầy và trò. Những bi hài và sự phản giáo dục do thi đua và áp lực thi đua gây ra là không thể hình dung hết được.

Tóm lại, cô giáo này sai, nhưng chớ nghĩ rằng đây là một trường hợp cá biệt. Bạo lực học đường đang có vô vàn những hình thức khác nhau, từ xâm phạm thân thể đến xúc phạm danh dự, làm nhục người khác bằng cả vũ lực lẫn lời nói. Và đây là một căn bệnh mang tính hệ thống mà gần nhất là những quy định về thi đua, xa hơn là căn bệnh thành tích nặng tính hình thức. Xa hơn nữa là sự cách biệt với những giá trị văn minh vốn đã trở thành thường thức trong các xã hội và các nền giáo dục tiến bộ trên thế giới.

Nhìn sâu hơn, nỗi lo lắng, buồn bã, thất vọng thái quá của nhiều bậc cha mẹ và thầy cô giáo về điểm số trước và sau mỗi kỳ thi cũng đã vô tình hay cố ý gây ra cho trẻ em một thứ áp lực mà đôi khi nặng nề không kém những hình thức bạo hành khác. “Mỗi ngày đến trường là một ngày vui” trở thành khẩu hiệu suông. Trẻ em không được tôn trọng, không được quan tâm đến cảm xúc, người lớn dường như chỉ bận tâm tới bộ mặt của chính mình, và để mặc những đứa trẻ tự loay hoay với gánh nặng tâm hồn của chúng. Cùng là học sinh, tại sao trường tư có thể nhuộm bóc, bôi son, mà trường công thì cấm tiệt? Ở đây không bàn chuyện cấm hay không cấm, mà là cần nhìn vấn đề dưới tinh thần phổ quát và các giá trị mang tính nhân loại. Không nên tùy tiện, nhất là trong giáo dục con người.

Tóm lại, song song với việc xử lý những vi phạm cụ thể như trường hợp cô giáo này, thì việc nghiên cứu lại một cách hệ thống cách thức tổ chức nền giáo dục cũng như triết lý của nó là điều khẩn cấp không kém. Giáo dục phải được đặt trên một nền tảng nhân bản với tinh thần khai phóng hiện đại, đó mới là liều thuốc trị tận gốc những căn bệnh trầm kha của ngành cũng như của xã hội.

Clip: https://www.facebook.com/watch/?extid=CL-UNK-UNK-UNK-IOS_GK0T-GK1C&mibextid=1YhcI9R&v=1195076384710899

- Quảng Cáo -