Tại sao Putin khinh bỉ Liên Hiệp Quốc?

- Quảng Cáo -

Kim Ngữ (SGN)

Một phiên họp của Hội đồng Bảo an LHQ (ảnh: Fatih Aktas/Anadolu Agency via Getty Images)

Ngày 2 Tháng Tư năm 2023, Nga trở thành Chủ tịch luân phiên Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc, điều này thật sự là một cái tát vào mặt toàn thế giới ngoại trừ Trung Quốc, một bộ mặt khác của sự phản dân chủ tại định chế lớn nhất thế giới: Liên Hiệp Quốc.

Dĩ nhiên nước chống đối lại việc Nga trở thành Chủ tịch luân phiên này là Ukraine bởi cuộc chiến tranh xâm lược mà Nga đang theo đuổi trên mảnh đất này đã trực tiếp xé bỏ những gì mà Nga đã ký kết vào bản Hiến chương Liên Hiệp Quốc vào năm 1945 tại San Francisco.

- Quảng Cáo -

Ngay tại điều Một, mục đích của Hiến chương này là “Duy trì hoà bình và an ninh quốc tế, và để đạt được mục đích đó, thi hành những biện pháp tập thể có hiệu quả để phòng ngừa và loại trừ các mối đe dọa hoà bình, cấm mọi hành vi xâm lược và phá hoại hoà bình khác; điều chỉnh hoặc giải quyết các vụ tranh chấp hoặc những tình thế có tính chất quốc tế có thể đưa đến sự phá hoại hoà bình, bằng phương pháp hoà bình theo đúng nguyên tắc của công lý và pháp luật quốc tế”

Chính nước Nga được sự dẫn dắt của Vladimir Putin đã kéo quân xâm lược gây bao thảm cảnh cho nước này, và Nga lại cũng là một trong năm nước trường trực trong Hội đồng Bảo an mới là điều phản dân chủ. Cái Quyền phủ quyết bắt nguồn từ Điều 27 của Hiến chương Liên Hiệp Quốc, tuy không viết hẳn ra, đã cho phép Nga thoát khỏi sự ràng buộc của Bản Hiến Chương này một cách công khai vì được cả thế giới công nhận.

Những năm Chiến tranh Thế giới thứ II với sự xâm hại về con người, của cải của phe Trục đã khiến cho năm nước mạnh nhất lúc ấy là Mỹ, Anh, Pháp, Nga, Trung Quốc trở thành lãnh đạo thế giới được trao quyền hạn gần như bất khả xâm phạm trong đó có quyền phủ quyết.

Bất cứ nghị quyết nào của Liên Hiệp Quốc đưa ra chỉ cần một trong năm phiếu phủ quyết là cái nghị quyết ấy không thể thực hiện. Từ nguyên nhân này Nga đã không còn sợ hãi trước cái định chế “bung xung” Liên Hiệp Quốc để không những xua quân xâm chiếm Ukraine mà còn lớn giọng hăm dọa sẽ sử dụng vũ khí hạt nhân nếu cần thiết, bất kể chính Nga đã đặt bút ký vào Điều 39:

Hội đồng bảo an xác định thực tại mọi sự đe dọa hoà bình, phá hoại hoà bình hoặc hành vi xâm lược và đưa ra những kiến nghị hoặc quyết định các biện pháp nào nên áp dụng phù hợp.

Từ nhiều thập niên qua cái veto này đã gây biết bao hệ lụy khi những nghị quyết bênh vực quyền con người, quyền bảo vệ chủ quyền của một quốc gia, quyền tham gia vào định chế Liên Hiệp Quốc hay quyền khiếu nại khi bị hiếp đáp của nước lớn bị vô hiệu hóa. Hai khuôn mặt độc tài toàn trị an nhiên rung đùi nhìn các nước khác bị o ép mà không làm gì được.

Khi Trung Quốc hà hiếp Tân Cương, hăm dọa sẽ cưỡng chế Đài Loan cũng như hăm dọa cả thế giới không được có quan hệ ngoại giao với Đài Bắc cho thấy sự ngang ngược được chống lưng bởi luật phủ quyết rất phản dân chủ. Nó giúp cho những nước mạnh về quân sự có quyền lực tối cao khiến không một nước nào có thể chống lại.

Không phải bây giờ mà từ ngày Hội nghị San Francisco khai mạc để soạn thảo Hiến chương Liên Hiệp Quốc, có 50 nước thuộc khối Đồng Minh tham gia. Úc là nước không chấp nhận quyền phủ quyết của thành viên thường trực của Hội đồng Bảo an và Úc đã vận động những nước khác hạn chế quyền phủ quyết của các ủy viên thường trực nhưng không đủ phiếu, bởi vì những nước khác sợ các cường quốc sẽ không chịu tham gia Liên Hiệp Quốc nếu không có quyền phủ quyết. Đề nghị của phái đoàn Úc bị bác bỏ với 10 phiếu thuận và 20 phiếu chống.

Kể từ đó đến nay Quyền phủ quyết lúc nào cũng gây tranh cãi. Những người ủng hộ coi nó như một yếu tố thúc đẩy sự ổn định quốc tế, kiểm tra chống lại sự can thiệp của quân đội, và nhiều nước nghĩ rằng đây chính là một biện pháp bảo vệ quan trọng chống lại sự thống trị của Hoa Kỳ. Các nhà phê bình cho rằng quyền phủ quyết là yếu tố phi dân chủ nhất của Liên Hiệp Quốc cũng như nguyên nhân chính của việc không hành động đối với các tội ác chiến tranh và tội ác chống lại loài người.

Tất cả những yếu tố nêu trên không thuyết phục được ai ngoại trừ những kẻ cuồng Nga hay tâng bốc Trung Quốc vì đồng tiền nhơ bẩn của họ. Khi tiêu diệt Tây Tạng, bỏ tù hàng triệu người Tân Cương, đàn áp Hong Kong và lúc nào cũng hăm he Đài Loan phát sinh từ cái quyền phủ quyết ấy. Mọi điều lo lắng chỉ là chiêu bài mà Nga và Trung Quốc lấp đầy não của các quốc gia hai hàng, nhu nhược và dễ mua chuộc.

Nga không những xem thường Liên Hiệp Quốc mà còn lợi dụng định chế này vào việc tuyên truyền chống lại cả thế giới khi công khai đưa ra lập thuyết mới về vai trò lãnh đạo thay thế Mỹ và đồng minh trước trật tự mà Nga và Trung Quốc đang cố công sắp xếp lại. Liên Hiệp Quốc là mảnh đất lý tưởng để Nga và Trung Quốc tung hoành bất kể những nước khác đang cố gắng đè nén lòng tức tối gần như tuyệt vọng.

Cho tới hôm nay cả thế giới đều biết sự giới hạn của Liên Hiệp Quốc không phải vì tiền mà vì những luật lệ do chính nó ban hành. Một thí dụ dễ thấy nhất là sự lũng đoạn các đơn vị tòa án do Liên Hiệp Quốc lập ra, Tòa án nào cũng không được phép chế tài cho nên Trung Quốc không ngán ngẩm gì trong việc tự tạo ra đường lưỡi bò và không chấp nhận thi hành bản án do tòa xử trong vụ Philippines.

Chính Liên Hiệp Quốc thành lập tòa ICC nhằm đối phó và xử phạt tội phạm chiến tranh, diệt chủng nhưng lại không có quyền di lý kẻ phạm tội một cách hợp pháp. Việc này đã khiến Putin cười cợt khi bị lệnh bắt giam vì đã phạm tội ác chiến tranh tại Ukraine.

Cũng vậy, Thiên An Môn không phải là tội ác diệt chủng thì là gì, khi hàng ngàn sinh viên trong tay không tấc sắt bị thảm sát chỉ trong vài ngày trước hàng tỷ cặp mắt của loài người? Nếu không có quyền phủ quyết liệu Trung Quốc có dám ra tay giết người dân của mình một cách man rợ như vậy hay không?

Sự nhu nhược của Liên Hiệp Quốc sẽ còn mãi mãi nếu các nước lớn vẫn khăng khăng không dám thay đổi cái quyền này. Bời chính họ, Hoa Kỳ, Anh, Pháp cũng tự bảo vệ cho quyền lực của nước họ hơn là bảo vệ cho tất cả mọi nước trên thế giới.

Loài người lập ra được Hiến chương Liên Hiệp Quốc thì cớ sao không thay đổi được một điều khoản làm cho Bản hiến chương ấy vô giá trị và hết sức phản dân chủ?

- Quảng Cáo -