Bớt cúp điện, dân ‘dễ thở’ nhưng chưa yên tâm

- Quảng Cáo -

Nguyễn Lại

Sau mấy tuần đầu hè cắt điện luân phiên trên diện rộng tại nhiều địa phương trên cả nước, trong đó có thủ đô Hà Nội, những ngày gần đây tình trạng này đã giảm bớt. Cuộc sống của người dân và hoạt động của các doanh nghiệp có thể nói đã ‘dễ thở hơn’ nhưng mọi người e rằng mọi chuyện sẽ tái diễn sau khi sức ép từ đợt thanh tra toàn diện trong ngành điện qua đi.

Nhiều chủ doanh nghiệp cho biết thời gian cắt điện luân phiên vừa rồi đã gây thiệt hại không nhỏ tới hoạt động sản xuất, ảnh hưởng tới doanh thu. Ông L.D.T, một chủ cơ sở sản xuất nước đá và đá viên tinh khiết ở ngoại thành Hà Nội, nói để đảm bảo hoạt động sản xuất và cung cấp điện cho hệ thống kho lạnh lưu trữ sản phẩm, ông đã phải đầu tư hệ thống phát điện riêng cho cơ sở của mình. Mặc dù tổng mức đầu tư cho hệ thống này rất cao nhưng, theo ông, đây là một việc làm cần thiết vì ‘không thể tin vào điện nhà nước được’.

“Cắt điện luân phiên cứ như là chuyện thường ngày ở huyện vậy. Ơn Đảng, Ơn Chính phủ mà. Tiền lương nghe nói là mỗi lãnh đạo mấy trăm triệu/tháng từ Tổng giám đốc, vậy mà kêu lỗ, trong khi lại có tiền gửi ngân hàng để lấy lãi,” ông T bức xúc.

- Quảng Cáo -

Ông cho hay tháng vừa qua chi phí doanh nghiệp của ông đã tăng thêm cả trăm triệu đồng để phục vụ xăng dầu cho máy phát điện, đấy là chưa tính tới những thất thoát do hoạt động sản xuất bị ngừng trệ và thành phẩm nước đá, đá viên bị hỏng do thiếu điện cho kho lạnh, cùng việc bị mất khách hàng vì không kịp thời cung cấp.

Cùng chung cảnh ngộ với cơ sở sản xuất của ông T là cơ sở sản xuất nước tinh khiết đóng chai và đóng bình của anh D.M.H. Anh cho biết do cơ sở của anh phải thường xuyên ngừng hoạt động, công nhân không có việc khi điện bị cắt luân phiên. Anh giải quyết thực trạng này bằng cách tăng giờ làm vào những ngày có điện, đầu tư thêm hàng nghìn bình đựng nước 20 lít vốn là sản phẩm chính của doanh nghiệp.

“Chẳng hạn ngày mai họ cắt điện thì họ sẽ thông báo và hôm nay mình chuẩn bị hết đi. Mình đóng thêm hàng dự phòng nhiều vào thì khi mất điện mình vẫn có hàng để mình chạy,” anh H cho VOA biết.

Anh chia sẻ thêm tuy hiện nay tình trạng cắt điện luân phiên đã giảm nhưng cơ sở sản xuất của anh vẫn giữ nguyên phương thức hoạt động này, tức là tăng số lượng hàng dự trữ trong kho dù diện tích kho và mặt bằng sản xuất rất hạn chế. Anh nói giải pháp này tuy bất tiện nhưng đỡ hơn là chịu trận với nạn cúp điện luân phiên làm giảm sản lượng, giảm lợi nhuận và mất khách.

Một số cư dân cho biết họ cảm thấy nhẹ nhõm khi bớt cúp điện vì bớt được những sự chịu đựng giữa cái nóng gay gắt của mùa hè cũng như bớt được chuyện phải lê la tại các trung tâm thương mại hay quán cà phê có máy lạnh để tránh nóng.

Chị V.X.H, một cây viết có tiếng tại Hà Nội, cho biết trong thời gian bị cắt điện thường xuyên, chị phải thuê một căn phòng nhỏ ở trung tâm quận Hoàn Kiếm, vốn là nơi đặt trụ sở một số cơ quan nhà nước nên hầu như không bị cúp điện, để làm việc cho kịp yêu cầu của các hợp đồng về kịch bản phim truyền hình và phim tài liệu đã ký.

“Phòng thuê bé quá…chỉ kê được 2 cái bàn ngày xưa để tiếp khách thôi. Còn mình dùng cái giá sách và kê máy tính lên giá sách rồi ngồi làm việc trên giường. Nói chung là chật chội lắm vào phòng là cứ ngồn ngộn sách lên, chỉ thấy sách là sách,” chị chia sẻ về sự bất tiện.

Chị H nói dù hiện nay tình hình có đỡ hơn nhưng chị sẽ tiếp tục thuê căn phòng này, đề phòng mọi chuyệntái diễn sau đợt thanh tra.

Những người VOA tiếp xúc cho rằng sở dĩ được giảm bớt lịch cắt điện là do sức ép thanh tra toàn diện ngành điện từ các cơ quan quản lý. Họ kỳ vọng việc thanh tra được giao cho một cơ quan độc lập để đảm bảo tính khách quan, tránh trường hợp ‘giơ cao đánh khẽ’ để mị dân như hiện nay.

“Khi thanh tra định nhảy vô thì Quốc hội lại quyết định không thanh tra nữa mà để Bộ Công thương và Tập đoàn Điện lực, tức là để thầy trò họ tự thanh tra và làm việc với nhau. Đúng là tầm bậy tầm bạ hết sức,”ông T, chủ doanh nghiệp sản xuất nước đá và đá viên, bày tỏ bất bình.

Báo chí nhà nước dẫn báo cáo của Tập đoàn Điện lực Việt Nam cho biết hiện nhiệt điện và thủy điện ở khu vực miền Bắc chiếm trên 90% sản lượng điện trên toàn hệ thống. Trong đó, nhiệt điện đứng hàng đầu, chiếm tới 48% tổng sản lượng điện trong khi than cung cấp cho các nhà máy nhiệt điện đã thiếu hụt hàng triệu tấn từ đầu năm ngoái mà tới nay vẫn chưa thể giải quyết. Trong lúc đó, tin tức trong nước cho hay các hồ thủyđiện lớn lại đang cạn nước do tình trạng khô hạn kéo dài từ mùa đông khiến sản lượng điện giảm mạnh.

Truyền thông nhà nước nói dù những ngày qua khu vực miền Bắc đã có mưa nhưng chỉ có nhà máy thủy điện Hòa Bình và thủy điện Huội Quảng duy trì xả nước phát điện. Còn lại, các thủy điện Tuyên Quang, Sơn La, Lai Châu, Thác Bà, Bản Chát đều không phát điện do còn ở mực nước chết./.

- Quảng Cáo -