Mỗi năm Việt Nam có 82.000 người chết vì ung thư

- Quảng Cáo -

CẦN THƠ, Việt Nam (NV)

Tỷ lệ bị ung thư của Việt Nam cao thứ nhì thế giới, với 200.000 ca mới mỗi năm, trong lúc số người chết vì căn bệnh này lên đến 82.000.

Các con số nêu trên được báo VOV của Đài Tiếng Nói Việt Nam hôm 29 Tháng Bảy, dẫn lại từ cuộc hội thảo “Quản lý ung thư trong thời đại mới: Cập nhật những tiến bộ trong chẩn đoán và điều trị ung thư ở Việt Nam và trên thế giới.”


Sự kiện này được tổ chức tại bệnh viện Đại Học Nam Cần Thơ, quận Cái Răng, thành phố Cần Thơ.

- Quảng Cáo -

Cũng tại buổi hội thảo, các chuyên gia cho hay tỷ lệ người chết do ung thư tại Việt Nam là 73,5%, trong khi của thế giới là 59,7%, còn tại các quốc gia đang phát triển là 67,9%. Như vậy, tỷ lệ chết do các bệnh ung thư tại Việt Nam “ở mức cao, thuộc tốp đầu thế giới.”

Bản tin cho biết thêm tại Việt Nam, hiện có hơn 300.000 người đang sống chung với bệnh ung thư.

VOV dẫn lời Bác Sĩ Đàm Văn Cương, giám đốc bệnh viện Đại Học Nam Cần Thơ: “Bệnh ung thư có thể được giảm thiểu và kiểm soát qua việc áp dụng các chiến lược phòng ngừa, phát hiện điều trị sớm ung thư. Nhiều bệnh ung thư có cơ hội chữa lành cao nếu chẩn đoán sớm và điều trị đúng cách.”

Theo báo VNExpress hôm 29 Tháng Bảy, ba loại ung thư thường gặp ở Việt Nam là phổi, gan, dạ dày, đều là bệnh có tỷ lệ chết cao.

Đối với những bệnh nhân phát giác các căn bệnh này ở giai đoạn muộn, bác sĩ không thể can thiệp, chỉ có thể điều trị giảm nhẹ. Do đó, việc tầm soát phát hiện sớm là cần thiết nhưng cần tránh việc lạm dụng.

Bác Sĩ Ngô Văn Tỵ, Khoa Ung Bướu, bệnh viện Đại Học Y Hà Nội, giải thích: “Việc chi số tiền lớn chụp chiếu hay làm xét nghiệm tất cả bộ phận trên cơ thể để tìm bệnh ung thư là không cần thiết. Mỗi loại ung thư có phương pháp và thời gian tầm soát khác nhau, thực hiện trên nam và nữ có khác biệt.”


Theo Bác Sĩ Tỵ, việc tầm soát ung thư thường được khuyến cáo với những nhóm nguy cơ cao như tiền sử gia đình có người mắc bệnh, độ tuổi, giới tính.

Tùy từng trường hợp mà bác sĩ có chỉ định tầm soát riêng. Ví dụ, gia đình có bà hoặc mẹ bị ung thư vú, con gái nên sàng lọc sớm từ 18 tuổi. (N.H.K)

- Quảng Cáo -