Việt Nam: Sạt lở khắp nơi, đừng đổ lỗi cho thiên tai

- Quảng Cáo -

An Vui /SGN)

Dẫn ý kiến của nhiều chuyên viên, VTC News ngày 8 Tháng Tám 2023 cho rằng: Hiện tượng sạt lở khắp nơi, từ Lào Cai, Yên Bái, Hà Nội (Sóc Sơn), Tây Nguyên (trong đó có Lâm Đồng, Đăk Lăk, Đăk Nông) là do con người, đừng đổ lỗi cho thiên tai.

Con người đã sai lầm ở đâu? Các chuyên viên đúc kết: Việc phá rừng tự nhiên, chuyển đổi đất rừng xây dựng công trình, bạt núi làm đường là nguyên nhân dẫn đến sạt lở, chứ không phải do thiên tai.

Nhìn lại vụ sạt lở kinh hoàng ở đèo Bảo Lộc (tỉnh Lâm Đồng) vào đầu giờ chiều 30 Tháng Bảy, vùi lấp ba cán bộ công an giao thông và một người dân, ông Nguyễn Hà Lộc, Phó giám đốc Sở Nông nghiệp tỉnh Lâm Đồng đổ thừa do mưa lớn, kéo dài đã tác động khiến nền đất yếu.

- Quảng Cáo -

Không đồng ý với nhận định trên, GS.TS. Vũ Trọng Hồng, Cựu thứ trưởng Bộ Nông nghiệp, đánh giá đây là một nhận định sai lầm. Ông Hồng khẳng định: Đừng đổ lỗi cho trời mưa lớn vì Lâm Đồng vốn dĩ nhiều mưa trong mùa này từ xưa đến nay. Mưa lớn chỉ đang kích hoạt “quả bom nổ chậm”.

Sạt lở ở Lâm Đồng hay những tỉnh Tây Nguyên khác như Đăk Lăk, Đăk Nông… có hai nguyên nhân chính.

Thứ nhất, việc chuyển đổi đất rừng sang trồng cây lâu năm, phá rừng làm đất ở, xây nhà cửa, công trình… Thứ hai là việc bạt núi làm đường, thiết kế độ dốc không hợp lý.

Tại những điểm sạt lở đã chỉ ra vùng đất đó phần lớn đều không còn rừng nguyên sinh, thay vào đó là đồi núi trơ trọi hoặc lưa thưa vài cây lấy gỗ, cây ăn quả, những loại cây có vòng đời ngắn, dưới gốc chưa kịp hình thành thảm thực vật thì đã bị chặt hạ.

Rừng cây ăn quả, rừng cao su, rừng cà phê chỉ có hiệu quả về mặt kinh tế và che bóng mát, chứ không có tác dụng ngăn lũ lụt, sạt lở đất, đá. Chỉ rừng tự nhiên mới có thảm thực vật dày từ 50cm – 100cm, như thế mới đủ thấm nước, giữ nước.

Ông Hồng cho hay, việc phá rừng ở Tây Nguyên để trồng cây lấy gỗ và cây ăn quả đã gây hậu quả khôn lường, được ông cảnh báo từ khi đang đương nhiệm chức vụ thứ trưởng Bộ Nông nghiệp, kiêm phó ban thường trực Ban chỉ đạo quốc gia về phòng, chống thiên tai.

VTC News trích nguyên văn câu nói của ông Hồng: “Phá rừng tự nhiên, đất không thấm nước dẫn đến lũ lụt. Nhiều vùng đất yếu dễ bị nước lũ làm nhão ra khiến sạt lở, sụt lún. Vậy nên đừng đổ lỗi cho thiên tai, đừng đổ lỗi cho thiên nhiên biến động, nói cho cùng con người đã tạo ra sự biến động!”.

Trước những ý kiến cho rằng mất rừng tự nhiên thì trồng rừng khác thay thế, ông Hồng cho rằng đó là sự thiếu hiểu biết, vì để có thảm thực vật dầy 1m, tạo thành lớp mùn giữ được nước thì phải mất… 50 năm.

Rừng trồng chưa kịp lớn thì nước mưa rơi xuống sẽ trôi tuột đi, tạo thành lũ, gây sạt lở đất, đá là điều đương nhiên.

Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Lê Công Thành cũng thừa nhận trong cuộc họp báo thường kỳ Chính phủ chiều 5 Tháng Tám: Một trong những nguyên nhân dẫn đến sạt lở, trượt lở sườn đồi-núi là do tác động của con người.

Con người đã thay đổi bề mặt cấu trúc địa chất như chuyển đất rừng thành đất trồng cây; san gạt đất để làm nhà, làm đường, xây dựng các hồ chứa nước thuỷ lợi, thuỷ điện… tất yếu dẫn đến sạt lở, trượt lở sườn đồi -núi.

Đồng ý với nhận định này, PGS.TS Trần Tân Văn, cựu Viện trưởng Viện Khoa học Địa chất và Khoáng sản (Bộ Tài nguyên và Môi trường) nhấn mạnh, con người làm đường, làm nhà, xây hồ thuỷ lợi, thuỷ điện… khiến cho các sườn đồi-núi bị “mất chân”.

Ông Văn phân tích, độ ổn định sườn dốc thường do ba nhóm yếu tố quyết định. Thứ nhất là hình thái sườn dốc, đó là độ dốc, chiều cao, các chiều dài, rộng… Thứ hai là tính chất cơ lý của đất đá tạo nên sườn dốc. Thứ ba tác động đến độ ổn định sườn dốc là nước, cả nước mặt lẫn nước ngầm.

Các nhà địa chất, địa kỹ thuật thường nói “nước là kẻ thù của sườn dốc”. Nước làm cho đất đá tạo nên sườn dốc bị bão hòa, giảm sức bền, tăng trọng lượng của khối trượt tiềm năng, từ đó dễ gây trượt.

PGS.TS Trần Tân Văn cho biết, việc trượt lở, sụt lún các sườn đồi-núi khi mùa mưa đến là chuyện thường xuyên và hầu như năm nào cũng phải đối mặt, tuy nhiên, hệ quả từ sự phá hoại của con người đã thể hiện rõ, khiến cho việc sạt lở càng thêm trầm trọng.

Ông Văn nhắc lại thảm họa Rào Trăng 3 (Thừa Thiên – Huế) hồi Tháng Mười 2020 làm chết 13 bộ đội và nhiều công nhân và nhấn mạnh: “Khi con người tác động vào tự nhiên càng nhiều thì chính chúng ta phải gánh những hậu quả càng lớn, do tự nhiên phản ứng lại. Hoạt động nhân sinh ngày càng nhiều và có thể nói ở mức độ chưa kiểm soát tốt, thậm chí là mất kiểm soát!”.

Đáng chú ý, theo ông Văn, hiện tượng sạt trượt, xói lở không chỉ xuất hiện ở khu vực miền núi phía Bắc, miền Trung – Tây Nguyên mà hiện nay đã xuất hiện tại đồng bằng, như tại thôn Phú Ninh, xã Minh Phú, huyện Sóc Sơn (Hà Nội) ngày 4 Tháng Tám vừa qua đã đổ bùn đất vùi lấp 10 chiếc xe hơi đang đậu trên đường bê tông.

Ông Văn so sánh: Lúc xưa nền địa chất của huyện Sóc Sơn tốt, địa hình cổ, đồi núi thoai thoải, thảm thực vật dầy, nhưng nay con người cho phép xây dựng nhà cửa, khu nghỉ dưỡng với cường độ cao và mật độ dầy đặc, tường bê tông che chắn mọi hướng, nước chỉ còn một đường thoát duy nhất.

Trời mưa lớn, bị bít kín đường thoát thì nước dồn vào con đường độc đạo đó, kéo theo cả các loại đất đá chất đống trong quá trình xây dựng, vùi lấp các xe hơi đậu trên đường là chuyện… tự nhiên!

Ông Văn cảnh báo nếu việc phá thảm thực vật, xây dựng các công trình dân sinh tiếp tục diễn ra ở huyện Sóc Sơn, khu vực này sẽ tiếp tục sạt lở, lũ quét, ngập lụt…

Những lời cảnh báo của các chuyên viên am hiểu địa chất kể trên liệu có được nhà cầm quyền lắng nghe và sửa sai?

E rằng rất khó.

Khi nhà cầm quyền địa phương vẫn tiếp tục tham lam cấp phép xây dựng (hoặc làm ngơ với việc xây dựng trái phép), chuyển đổi đất rừng thành đất nông nghiệp và đất ở; rồi khi sạt lở xảy ra thì họ chỉ tiếp tục nhai đi nhai lại điệp khúc “do trời mưa lớn, kéo dài” thì thảm họa sạt lở sẽ còn tiếp diễn tại nhiều vùng cao nguyên, đồi-núi và đồng bằng Việt Nam./.

- Quảng Cáo -