Bài bình luận đăng ngày 26/9/2023, của bà Trần Phương Thảo, vợ Luật sư Đặng Đình Bách, một nhà hoạt động môi trường, đang bị nhà cầm quyền Việt Nam giam giữ với cáo buộc trốn thuế.
——————-
Trong chuyến thăm Hà Nội vào tháng này, Tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden và Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam Nguyễn Phú Trọng đã cam kết cùng nhau tăng cường mối quan hệ giữa hai quốc gia.
Sau khi gặp gỡ với lãnh đạo Việt Nam, ông Biden nói, “Hôm nay, chúng ta có thể nhìn lại quãng thời gian 50 năm của sự tiến bộ trong mối quan hệ giữa hai quốc gia, từ xung đột đến bình thường hóa.” Bình thường hóa? Tổng thống đã nói rất nhiều về nhiều lợi ích của việc nâng cấp mối quan hệ song phương thành “đối tác chiến lược toàn diện,” từ đẩy mạnh tăng trưởng kinh tế đến đến tăng cường ổn định khu vực.
Điều đáng thất vọng là ông Biden chỉ đề cập rất ngắn gọn về tình trạng vi phạm nhân quyền nghiêm trọng của Việt Nam. Và trong khi ngài tổng thống gặp tổng bí thư, thì những nhà hoạt động môi trường như chồng tôi, ông Đặng Đình Bách lại mòn mỏi trong tù.
Mười lăm ngày sau khi đứa con đầu lòng của chúng tôi chào đời vào năm 2021, cơ quan chức năng đã bắt giữ anh Bách vì tội trốn thuế. Khoảng thời gian lẽ ra phải là niềm vui của gia đình chúng tôi lại trở thành cơn ác mộng không hồi kết.
Thay vì thưởng thức cuộc sống như một người cha, anh Bách, một luật sư hàng đầu về công lý môi trường, đang phải chiến đấu để tồn tại. Là một người mẹ, vợ và công dân toàn cầu, tôi kêu gọi Tổng Thống Biden và các nhà lãnh đạo Nhóm G7 khác hãy giúp đưa anh ấy về nhà.
Chính những nhà lãnh đạo môi trường hiện đang bị giam giữ đã giúp đưa đất nước chúng tôi hướng tới cam kết đạt mức phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050, đặt nền móng cho quá trình chuyển đổi từ than đá. Nỗ lực này đã mở đường cho Hiệp định Đối tác Chuyển đổi Năng lượng Công bằng (JETP) trị giá 15,5 tỷ USD được công bố vào tháng 12 năm ngoái với sự tham gia của Nhật Bản và các quốc gia G7 khác.
Trong những tháng trước khi đưa ra thông báo, anh Bách và các nhà lãnh đạo khí hậu khác của Việt Nam đã lên tiếng phản đối việc đất nước tiếp tục phụ thuộc vào than đá và vấn đề các nhà máy điện gây tổn hại đến môi trường và sức khỏe của các cộng đồng dễ bị tổn thương.
Vì đã lên tiếng nên chồng tôi hiện đang phải ngồi tù 5 năm – một bản án khắc nghiệt không tương xứng với những cáo buộc mà anh ấy đã bị kết án – sau một phiên tòa bất công.
Các thành viên của xã hội dân sự phải được tự do tham gia vào quá trình chuyển đổi sang năng lượng xanh của đất nước mình mà không sợ bị trả thù. Thật vậy, khả năng giám sát việc thực hiện quá trình chuyển đổi năng lượng của họ là nền tảng để nó thực sự “công bằng”.
Vào tháng 6, Nhóm công tác về giam giữ tùy tiện của Liên Hiệp Quốc đã gọi bản án của anh Bách là “vi phạm luật pháp quốc tế” và bày tỏ lo ngại về “vấn đề mang tính hệ thống với việc giam giữ tùy tiện” đối với các nhà lãnh đạo môi trường trên toàn thế giới.
Thật không may, xu hướng bỏ tù các nhà lãnh đạo khí hậu đáng lo ngại này vẫn đang tiếp diễn. Vào ngày 31 tháng 5, nhà chức trách đã bắt giữ cô Hoàng Thị Minh Hồng, người sáng lập Trung tâm Hành động và Mạng lưới vì Tăng trưởng và Môi trường, đồng thời là Học giả Quỹ Obama năm 2018.
Giống như bốn nạn nhận trước đó — bao gồm chồng tôi và bà Ngụy Thị Khanh, người sáng lập Trung tâm Phát triển và Đổi mới Xanh ở Việt Nam và là người đoạt Giải thưởng Môi trường Goldman 2018 – cô Hồng đã bị cáo buộc trốn thuế. Liên Hiệp Quốc và nhiều chính phủ khác nhau, bao gồm cả Hoa Kỳ, đã công khai kêu gọi trả tự do cho cô.
Đầu tháng này, nhà chức trách đã bắt giữ cô Ngô Thị Tố Nhiên, giám đốc điều hành Sáng kiến Chuyển đổi Năng lượng Việt Nam, một tổ chức đang đóng vai trò quan trọng trong việc cung cấp tư vấn chính sách và kỹ thuật cho kế hoạch thực hiện JETP. Hiện vẫn chưa có cáo buộc cụ thể nào được công bố.
Vào tháng 6, Cao ủy Nhân quyền Liên Hiệp Quốc đã chỉ trích việc Việt Nam sử dụng “luật thuế vụ mập mờ và sai sót để nhắm vào các nhà hoạt động vì môi trường và biến đổi khí hậu với các vụ truy tố mang động cơ chính trị”.
Hơn 80 tổ chức nhân quyền đã ký thỉnh nguyện thư kêu gọi trả tự do cho anh Bách. Ngay cả với sự hỗ trợ nhiệt tình này, tôi vẫn lo âu cho tính mạng của anh Bách. Anh ấy sẽ phải chịu án tù trong 5 năm trước mặt, và phải nếm trãi những ngược đãi trong lao tù. Trong lần đi thăm gần đây, tôi nhận thấy người anh Bách đầy những vết bầm tím và vết thương lớn. Và ngay sau chuyến thăm đó, anh ấy đã bị đập vào đầu từ phía sau tới. Tôi vô cùng lo lắng.
Tôi lo sợ rằng chồng tôi sẽ chịu chung số phận của rất nhiều nhà bảo vệ môi trường và khí hậu khác trước anh ấy.
Theo báo cáo mới nhất của tổ chức chiến dịch môi trường và nhân quyền Global Witness, đã có 1.390 người bảo vệ môi trường thiệt mạng từ khi Hiệp ước Paris về biến đổi khí hậu được thông qua vào năm 2015.
Vào năm 2022, có 177 nhà hoạt động đã mất mạng trong quá trình bảo vệ môi trường – gần như cứ hai ngày lại xảy ra một vụ án mạng. Tôi không hiểu tại sao có người lại bị giết hoặc bị bắt giữ chỉ vì muốn bảo vệ môi trường và giúp đỡ người khác.
Trong lúc Hoa Kỳ mở rộng mối quan hệ với Việt Nam, tôi chỉ muốn gởi đi một thông điệp rất đơn giản: Một cuộc chuyển đổi năng lượng không thể được gọi là “công bằng” nếu một quốc gia im lặng, giam giữ và tra tấn các người bảo vệ môi trường của đất nước đó. Với ít cơ hội theo dõi hơn và thiếu sự chịu trách nhiệm, JETP của Việt Nam không thể thành công. Những tỷ đô la dự định tài trợ cho Việt Nam sẽ bị lãng phí vào những lời hứa ảo trong khi những giải pháp về biến đổi khí hậu cần thiết lại không được thực hiện ở khu vực này.
Những hoạt động nhằm bảo vệ môi trường của chúng ta không nên dẫn đến những khổ đau như vậy. Chúng ta cần các nhà lãnh đạo toàn cầu buộc các nước như Việt Nam phải chịu trách nhiệm. Nếu không có sự can thiệp nhanh chóng, tất cả chúng ta sẽ đối mặt với nguy cơ mất mát to lớn. Nhìn chung, chúng ta đối mặt với nguy cơ mất đi tiến trình giảm thiểu biến đổi khí hậu. Riêng tôi, tôi đang đối mặt với nguy cơ mất chồng và người cha của đứa con duy nhất của mình. Chúng ta cần những nhà lãnh đạo như Tổng Thống Biden hành động trước khi quá muộn màng./.