Lỗ thoát hiểm?

- Quảng Cáo -

Lưu Trọng Văn

Chiều 22/11, ông Nguyễn Văn Yên, Phó ban Nội chính Trung ương cho biết:

“người nhận số tiền lớn, gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng phải bị truy tố, xét xử. Người nhận ít, không có động cơ; nhận tiền vào dịp lễ tết như bồi dưỡng, quà; không cam kết làm gì để có lợi cho bên đưa tiền sẽ được cân nhắc kỹ lưỡng về nguyên nhân, hoàn cảnh. Các trường hợp này sẽ không xử lý về mặt hình sự nhưng xử lý nghiêm về kỷ luật Đảng và hành chính.”

Theo cách nói của ông Yên thì có thể suy ra rằng, đây là thể hiện sự “nhân văn”mà tbt Nguyễn Phú Trọng từng đề cập khi xử lý “đốt lò.”

- Quảng Cáo -

Vấn đề là một nhà nước tuyên bố Vì Dân thì “nhân văn” trước hết và trên hết dành cho ai? Cho quan chức ăn tiền lương của Dân hay cho Lợi ích của Dân?

Nếu cho Dân thì phải như tổng thống Park Chung Hy tuyên bố: tôi sẽ trừng trị bất cứ quan chức nào dù ăn cắp một đồng của Dân.

Với cách đặt vấn đề của người đại diện tổ chức chống tham nhũng trong đảng cầm quyền như trên, rất dễ tạo ra các lỗ thoát hiểm cho bọn tham nhũng ở các cấp.

Câu hỏi đặt ra rằng, thế nào là nhận ít, thế nào là nhận tiền, quà bồi dưỡng trong dịp lễ tết không có động cơ? Và thế nào là “cân nhắc kỹ lưỡng nguyên nhân hoàn cảnh”?

Ở các nước thực tâm vì Dân chống bọn tham nhũng của Dân đều có quy định cụ thể số tiền quà cáp.

Một chị làm việc ở Sở Di trú Hoa Kỳ cho biết: mọi nhân viên Sở Di trú không được ăn uống với khách giá trị hơn 20 đôla trở lên. Nhận quà cũng vậy. Nếu bị phát hiện làm sai quy định này lập tức bị đuổi việc. Ở Mỹ nếu đã bị đuổi việc vì hành động trên rất khó xin việc chỗ khác vì có lý lịch xấu.

Luật pháp, quy chế kỷ luật ở VN thường thiếu con số cụ thể để chế tài. Thường dùng câu chữ chung chung để có thể biến báo theo quan hệ. Ban Nội chính Trung ương và Ban chỉ đạo phòng chống tham nhũng cần ra quy định rõ ràng, minh bạch, cụ thể các trường hợp thế nào thì được tha bổng hoặc xử nhẹ, các trường hợp thế nào thì phải nghiêm trị. Tài sản, quà cáp có bị tịch thu, có bị phạt nặng hay không? Và thế nào là xử lý nghiêm về mặt đảng và hành chính?

Trong ý kiến của ông đại diện Ban Nội chính có một điều chưa rõ ràng là: mặc dù kẻ nhận tiền, quà không đòi hỏi, không cam kết làm gì có lợi cho kẻ đưa tiền quà, nhưng điều quan trọng nhất là có làm gì có lợi cho kẻ đưa tiền quà và thiệt hại cho Dân không lại không được để cập? Phải xem xét cái thực tế hành động này để phán xét tội hay không tội.

Biết bao vụ tham nhũng xảy ra là do kẻ có chức có quyền nhận quà tình cảm, quà quan hệ tuy không đòi hỏi và không cam kết nhưng lại giả ngơ không biết hành động phạm pháp, không tố cáo hành động phạm pháp thì vẫn phải được coi là đồng phạm tội ác tham nhũng.

Tuy vậy, ở chiều ngược lại, nhiều người Dân trước thực tế quá nhiều bức xúc về tệ tham nhũng, lạm quyền ở VN đã thực lòng ủng hộ các quan chức nhận “quà cảm ơn”bằng sự tôn vinh kính trọng, món quà vô giá của Lòng Dân, khi các quan chức đó tích cực hoặc sáng suốt đưa ra chính sách giúp Dân, doanh nghiệp, cơ quan công quyền làm điều có ích cho Dân đem lại hiệu quả tốt cho xã hội.

THỰC TẾ:

Một đất nước tham nhũng ăn hại quá tràn lan, đến nỗi có thời không ít người khen một ông lãnh đạo tỉnh: ông ta ăn ba nhưng còn làm bảy, thế là quý hoá lắn rồi, thế là xứng đáng là người hùng lắm rồi.

Điều mà bà con ta thù nhất, căm giận nhất là lũ ăn như voi mà làm như chó mửa. Đau thay, đám đó lại nhung nhúc khắp nơi, lò của bác cả Trọng và Ban Nội chính khó mà quét sạch nếu vẫn vô tình còn các “lỗ thoát hiểm” được khoác tấm áo… nhân văn.

- Quảng Cáo -